Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 47. Bản tạng
47. Bản tạng
12/10/2017
Nội dung: Nói về sự to nhỏ, hình thái, tính chất, độ dài ngắn, vị trí cao thấp, độ chắc ròn, dày mỏng, hoãn, cấp, độ thẳng, cấp .... của 5 tạng 6 phủ; quan hệ biểu lý của tạng phủ với nhau, quan hệ tạng phủ với các tổ chức da, mạch, cân, nhục, lông, thấu lý; căn cứ để xác định trạng thái khỏe mạnh và bệnh tật của tạng phủ.

Hoàng đế: Tinh thần, khí huyết, của người nuôi sinh mệnh đi khắp cơ thể là vật chất căn bản để duy trì sự sống. Kinh mạch là nơi khí huyết vận hành để nuôi dưỡng âm dương, nhuận gân cốt, làm trơn khớp. Vệ khí làm ấm và nuôi cơ nhục, bồi đắp cho da, thấu lý, quản lý sự đóng mở của lỗ chân lông. Ý chí thống lĩnh tinh thần, thâu tóm hồn phách, làm con người thích ứng với (khí hậu) nóng lạnh (của thiên nhiên), (bên trong thì) điều hòa hoạt động của cảm xúc giận hờn, vui mừng. Vì vậy nếu huyết mà hòa thì kinh mạch lưu thông để nuôi dưỡng âm dương, làm khỏe gân cốt, làm khớp lanh lẹ. Vệ khí mà hòa thì cơ nhục hoạt động sẽ hoạt lợi, da sẽ điều hòa mềm mại, thấu lý sẽ nhỏ và kín đáo. Ý chí mà hòa thì tinh thần trung thực, hồn phách không tán (loạn), cảm xúc giận hờn không có và ngũ tạng được yên không bị tà khí xâm phạm. (Thời tiết) nóng lạnh mà điều hòa thì sự tiêu hóa thức ăn uống củ 6 phủ điều hòa, và phong tý không phát ra. Ngũ tạng là nơi tàng tinh thần, huyết khí, hồn phách. Lục phủ là nơi tiêu hóa thức ăn uống và vận hành tân dịch đi toàn thân. Những cái đó đều là người tiếp thu của thiên nhiên, người nào cũng vậy dù người đó sang hay hèn, thông minh hay ngu đần, hiền triết hay dân thường, nhưng trong đó có người hưởng hết tuổi trời không bị bệnh do nội nhân, hay ngoại nhân, sống 100 tuổi không suy yếu, tuy xông pha nơi gió, mưa, nắng, rét cũng không bị bệnh; có người ngược lại tuy ở nhà cao cửa rộng rất tốt, lại không có lo nghĩ kinh sợ gì, nhưng lại không tránh khỏi bị bệnh. Tại sao vậy?

Kỳ Bá: Ngũ tạng có quan hệ mật thiết với trời đất, phù hợp với âm dương và vận động theo 4 mùa, biến hóa theo ngũ tiết (trình tự của ngũ hành). 5 tạng có to nhỏ, chắc ròn, vị trí ở cao thấp, đoan chính và  thiên lệch khác nhau. Sáu phủ cũng có to nhỏ, ngắn dài, dày mỏng, thẳng gấp, hoãn cấp khác nhau. Song đều gồm 25 (loại biến hóa) và có sự khác nhau, có thiện, có ác, có lành, có dữ. Xin giải thích như sau:

- Tâm mà nhỏ thì yên ổn, tà khí không làm tổn thương được, nhưng dễ bị nỗi ưu (ưu tư) làm nhiễm loạn. Tâm to thì không bị ưu tư bên trong làm tổn thương, nhưng dễ bị ngoại cảm làm tổn thương. Tâm ở cao thì làm đầy Phế gây bồn chồn và hay quên, khó dùng lời nói để khai thông. Tâm ở thấp thì tàng ngoại (Tâm dương tàng ở trong nay ra ở ngoài) dễ bị hàn làm tổ thương, dễ bị lời nói dọa nạt. Tâm kiên (cứng) thì thần khí tàng ở trong yên ổn kiên cố. Tâm suy yếu thì dễ bị tiêu khát và bệnh nhiệt ở trung tiêu. Tâm đoan chính thì hòa lợi, khó bị (cả tà khí và lời nói) làm tổn thương. Tâm thiên lệch thì tâm tính bất nhất, thần khí dễ tán loạn khó mà giữ nó được ở trong tâm và khó quản lý được nó.

- Phế mà nhỏ (đờm) ẩm ít và không mắc bệnh hen suyễn có lục cục ở trong họng. Phế to thì (đờm) ẩm nhiều sẽ bị hung tý (đau thắt ngực), hầu tý (đau họng) khí nghịch. Phế ở cao thì khí nghịch lên, thở thì co vai rụt cổ và ho. Phế ở thấp thì ở ngay tâm vị, dạ dày ép Phế dễ đau ở dưới sườn (do huyết mạch không thông). Phế kiên (chắc) thì không có các bệnh khí nghịch, ho. Phế mềm yếu thì dễ bị tiêu khát. Phế đoan chính thì hòa lợi khó bị bệnh. Phế thiên lệch thì ngực đau bên lệch.

- Can nhỏ thì tạng yếu và không có bệnh ở dưới sườn. Can to thì ép Vị làm cho họng cũng bị ép, họng bị ép thì ngực hoành phiền muộn và đau ở dưới sườn. Can ở cao thì nhánh đi lên trên bị bức bách gây sườn phiền muộn và hơi thở xung lên trên tức là: Bệnh tức bôn. Can bị thấp thì ép Vị, vùng dưới sườn rỗng, dưới sườn rỗng thì dễ bị tà khí tấn công. Can kiên (cứng) thì tạng yên khó bị tổn thương. Can mềm yếu thì dễ bị tiêu khát, dễ bị thương. Can đoan chính thì hòa lợi khó bị tổn thương. Can thiên lệch thì dưới sườn đau.

- Tỳ nhỏ thì tạng yên khó bị tà khí làm tổn thương. Tỳ to thì ở chỗ mềm dưới sườn đầy lên và đau, không thể đi nhanh được. Tỳ ở cao, thì chỗ mềm ở dưới sườn co kéo bờ sườn (xương sườn 11) gây đau. Tỳ ở thấp thì nó thuộc về Đại trường và được đặt ở trên Đại trường, nên nó dễ bị tà khí làm tổn thương. Tỳ kiên thì thì tạng yên khó bị thương. Tạng mềm yếu thì dễ sinh bệnh tiêu khát, dễ bị tà khí làm tổn thương, Tỳ đoan chính sẽ hòa lợi, khó bị khí làm tổn thương. Tỳ thiên lệch thì dễ sinh bệnh đầy, bệnh chướng.

- Thận nhỏ, thì tạng yên khó bị tà khí làm tổn thương. Thận to dễ bị đau thắt lưng, không cúi ngửa được, dễ bị tà khí làm tổn thương. Thận ở cao thì cột sống lưng đau, không cúi ngửa được. Thận ở thấp thì thắt lưng cùng cụt đau, không cúi ngửa được và có bệnh "hồ sán". Thận kiên thì không bị bệnh thắt lưng, lưng đau. Thận mềm yếu thì dễ bị tiêu khát, dễ bị tà khí làm tổn thương. Thận đoan chính thì hòa lợi, không bị tà khí làm tổn thương. Thận thiên lệch thì thường đau  thắt lưng cùng cụt.

* Đó là 25 biến (đổi của 5 tạng - 5 tạng to nhỏ, cao thấp, kiên, yếu mềm, đoan chính, thiên lệch) và cũng là các bệnh đau khổ thường gặp của con người.

Hoàng đế: Làm thế nào để biết tình trạng (to nhỏ, cao thấp, kiên, yếu mềm, đoan chính, thiên lệch) của tạng?

Kỳ Bá: Da hồng, nếp da nhỏ là Tâm nhỏ; nếp da thô là Tâm to, sờ không thấy mũi kiếm là Tâm ở cao; mũi kiếm nhỏ ngắn nhô ra là Tâm ở thấp, mũi kiếm dài là Tâm hạ kiên, mũi kiếm nhỏ, yếu mỏng là Tâm mềm yếu; mũi kiếm thẳng xuống không nhô ra là Tâm đoan chính; mũi kiếm thiên lệch là Tâm thiên lệch.

- Da trắng, nếp da nhỏ là Phế nhỏ; nếp da to là Phế to; vai cao lên ngực nhô ra, hầu họng tương ứng lõm xuống là Phế ở cao; đoạn cách hai nách hẹp, cạnh sườn căng dãn là Phế ở thấp; vai đẹp, ngực đầy chắc là Phế kiên; vai gầy ngực mỏng là Phế mềm yếu, lưng đầy ngực dầy là Phế đoan chính; xương sườn lệch và rời rạc là Phế thiên lệch.

- Da xanh, nếp da nhỏ là Can nhỏ; nếp da to là Can to; ngực rộng xương cạnh sườn bị đẩy ra là Can ở cao; khoảng cách hai sườn hẹp, xương cạnh sườn ẩn phục ở trong là Can thấp; ngực sườn đẹp là Can kiên; xương sườn yếu là Can mềm yếu; ngực bụng cân xứng là Can đoan chính; xương sườn vẹo và nhô sang 1 bên là Can thiên lệch.

- Da vàng, nếp da nhỏ là Tỳ nhỏ; nếp da to là Tỳ to, môi vểnh là Tỳ cao; môi trễ xuống là Tỳ ở thấp; môi kiên là Tỳ kiên; môi to mà không chắc là Tỳ mềm yếu; đôi môi đẹp là Tỳ đoan chính; môi lệch là Tỳ thiên lệch.

- Da đen, nếp da nhỏ là Thận nhỏ; nếp da to là Thận to, tai cao là Thận ở cao; tai sa xuống phía sau là Thận ở thấp; tai chắc là Thận kiên; tai mỏng không chắc là Thận mềm yếu; tai đẹp trước nó là khớp hàm là Thận đoan chính; tai hơi cao là Thận thiên lệch.

* Trên đây là các biến (đổi của 5 tạng), biết cách giữ (theo quy luật chung) thì (dù có ở trạng thái nào cũng vẫn) yên lành, nếu không biết cách giữ gìn thì dễ bị bệnh.

Hoàng đế: Tại sao có những người rất thọ, dù có lo buồn kinh sợ giận hờn, dù bị mưa to, nắng gắt, rét đậm, họ cũng không bị tổn thương, song lại có những người dù ở trong nhà rất tốt và không có ưu tư giận hờn kinh hãi mà vẫn mắc bệnh?

Kỳ Bá: Xin nói lý do để 5 tạng 6 phủ trở thành nơi ẩn náu của tà khí. Khí 5 tạng đều nhỏ thì ít bị bệnh do ngoại tà, nhưng hay quá lo nghĩ thành lao tâm, đại âu sầu. Khi 5 tạng đều to thì do làm việc chậm rãi, nên họ khó bị ưu sầu. Khi 5 tạng đều ở cao thì hành động và biện pháp đều cao. Khi 5 tạng đều ở thấp thì tình nguyện quỵ lụy người khác, khi 5 tạng đều kiên thì vô bệnh. Khi 5 tạng đều mềm thì luôn bị bệnh. Khi 5 tạng đều đoan chính, thì hòa lợi, mọi việc làm đều hợp lòng người. Khi 5 tạng đều thiên lệch thì hay có tà tâm, có hành động ăn cắp và không thể thành người tốt, lời nói của họ thường là phản phúc, không thật.

Hoàng đế: (Xin hỏi) sự ứng của 6 phủ (với các bộ phận trong người)?

Kỳ Bá: Phế hợp với Đại trường, Đại trường ứng với da; Tâm hợp với Tiểu trường, Tiểu trường ứng với mạch; Can hợp với Đởm, Đởm ứng với cân, Tỳ hợp với Vị, Vị ứng với cơ nhục; Thận hợp với Tam tiêu bàng quang, Tam tiêu bàng quang ứng với thấu lý lông. (Bản du: "Thận hợp với Bàng quang, Bàng quang là phủ của tân dịch, Thiếu dương thuộc Thận, Thận nổi ở trên với Phế, nên lấy hai tạng").

Hoàng đế: 6 phủ ứng (với các bộ phận) như thế nào?

Kỳ Bá: 

- Phế ứng với da, da dày thì Đại trường dày, da mỏng thì Đại trường mỏng, da hoãn (mềm) thì bụng dưới to, Đại trường to và dài, da cấp (căng) thì Đại trường có khi cấp và nó ngắn, da hoạt (nhuận) thì Đại trường thẳng (thông lợi), da cơ bám chặt vào nhau thì khí của Đại trường uất kết không thông lợi.

- Tâm ứng với mạch, da dày thì mạch dày, mạch dày thì Tiểu trường dày, da mỏng thì mạch mỏng, mạch mỏng thì Tiểu trường mỏng, da hoãn (mềm) thì mạch hoãn, mạch hoãn thì Tiểu trường to và dài, da mỏng và mạch xung nhỏ, thì Tiểu trường nhỏ và ngắn. Nếu nhìn thấy kinh mạch dương quăn queo gấp khúc nhiều là khí của Tiểu trường uất kết.

- Tỳ ứng với cơ nhục, các bắp cơ săn to là vị dầy, các bắp cơ mỏng là Vị mỏng, các bắp cơ bé, mỏng là Vị không kiên, các bắp cơ (mỏng gầy) không tương xứng với thân, thì sa dạ dày, lúc đó miệng dưới của Vị bị hạ tiêu chế ước làm ỉa đái không lợi. Các bắp cơ không kiên thì Vị hoãn, các bắp cơ thiếu các hạt nhỏ thì Vị khí cấp, các bắp cơ có ít nhiều các hạt nhỏ thì Vị khí uất kết, Vị khí uất kết thì làm miệng trên của Vị bị thượng tiêu chế ước làm cho ăn uống không lợi.

- Can ứng với móng, móng dày sắc vàng thì Đởm (túi mật) dày, móng mỏng sắc hồng thì Đởm mỏng, móng kiên sắc xanh thì Đởm cấp, móng nhu nhuận sắc hồng thì Đởm hoãn, móng bình thường sắc trắng không có vân thì Đởm thông lợi, móng ác (dị dạng) sắc đen nhiều vân thì Đởm uất kết.

- Thận ứng với xương, da dày, nếp da sít thì Tam tiêu bàng quang dày, nếp da thô, da mỏng thì Bàng quang tam tiêu mỏng, thấu lý thưa thì tam tiêu và bàng quang hoãn, da cấp (căng) và không có lông thì Bàng quang tam tiêu cấp, lông đẹp và thô thì Bàng quang tam tiêu thông lợi, lông thưa ít thì Bàng quang tam tiêu uất kết.

Hoàng đế: (Tạng phủ) dày mỏng, đẹp xấu đều có hình dáng, xin hỏi nơi bệnh của chúng?

Kỳ Bá: Quan sát những biểu hiện ở ngoài để biết tạng bên trong, và có thể biết nơi có bệnh.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >