Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 42. Phương thức truyền bệnh (Bệnh truyền)
42. Phương thức truyền bệnh (Bệnh truyền)
09/10/2017
Nội dung: Sau khi ngoại tà vào tạng phủ, theo quan hệ ngũ hành tương khắc, có thể truyền từ tạng phủ này sang tạng phủ kia, nếu cứ truyền mãi thì chết. Trường hợp này châm cứu không có tác dụng. Song nếu không truyền theo trật tự trên mà chỉ truyền trong 2 tạng thôi thì có thể dùng châm để chữa được.

Hoàng đế: Phương pháp chữa bệnh ngoài châm còn đạo dẫn, hành khí, xoa bóp, cứu chườm, chích, hỏa châm, uống thuốc vv...Trong điều trị dùng một phương pháp là đủ hay phải dùng tổng hợp nhiều phương pháp?

Kỳ Bá: Các phương pháp chữa bệnh ở trên, là của mọi người và để chữa cho nhiều người mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, chứ không phải dùng cả để chữa bệnh cho một người (nên cần nắm cả các phương pháp). (Xoa bóp là để điều thông khí huyết, nhu hòa cân cốt).

Hoàng đế: Như vậy là nếu tuân thủ quy luật phép tắc tổng quát thì tránh được sai lầm. Yếu lĩnh của âm dương, đạo lý của hư thực, chính khí không cố và tinh thần di dịch, bệnh nào có thể chữa vv... đều đã rõ. Song sự biến hóa bên trong của bệnh, sự truyền biến của tà khí, sự suy kiệt dần của chính khí làm các chứng này nặng lên không cứu được thì giải thích thế nào?...

Kỳ Bá: Nắm được quy luật âm dương thì như đang mê được giải, đang say tỉnh lại (hiểu rõ vấn đề). Ngoại tà vào thân thể, không gây tiếng động, không có dấu tích (tai mắt khó phát hiện ra nếu không quan sát tỉ mỉ thì như nhắm mắt đi trong đêm tối vậy. Ngoại tà vào thân thể từ nông vào sâu), nếu thấy tóc lông rụng gẫy, tấu lý khai là chính khí không vững và tà khí có thể lan ra toàn thân rồi truyền và lưu thông trong huyết mạch, nếu tà khí lại vào (sâu trong) tạng gây đau bụng, chính khí của hạ tiêu nghịch loạn có thể gây chết người. Khó mà cứu được.

Hoàng đế: Tà khí vào tạng truyền biến như thế nào?

Kỳ Bá: 

- Bệnh bắt đầu từ Tâm sau 1 ngày có thể vào Phế (Tâm hỏa khắc Phế kim), lại sau 3 ngày có thể vào Can (Phế kim khắc Can mộc), lại sau 5 ngày vào Tỳ (Can mộc khắc Tỳ thổ), lại 3 ngày nữa nếu không khỏi (phần lớn) là chết. Mùa Đông chết vào lúc nửa đêm, mùa hè chết vào lúc giữa trưa (mùa đông thuộc thủy, nửa đêm là lúc âm thịnh nhất, thủy có thể khắc hỏa - Vì bệnh bắt đầu từ Tâm hỏa nên lúc nửa đêm mùa Đông thủy khắc hỏa và chết. Mùa Hạ thuộc hỏa, giữa trưa hỏa thịnh nhất, bệnh bắt đầu từ Tâm, nên giữa trưa mùa Hạ Tâm hỏa quá thịnh mà chết).

- Bệnh bắt đầu từ Phế, sau 3 ngày có thể vào Can, lại sau 1 ngày vào Tỳ, lại sau 5 ngày vào Vị (Tỳ Vị biểu lý), lại sau 10 ngày nữa nếu không khỏi thì chết. Mùa Đông chết vào lúc mặt trời lặn, mùa hè chết vào lúc mặt trời mọc. Mặt trời lặn giờ thân, dậu thuộc kim (3 - 7 giờ chiều). Mặt trời mọc giờ dần mão, thuộc mộc (3 - 7 giờ sáng). Bệnh Phế thuộc kim, mùa Đông hoàng hôn giờ kim, kim suy bệnh sẽ chết. Mùa Hè bình minh giờ mộc vượng, mộc vũ lại kim nên chết, hoặc mộc vượng sinh hỏa, kim đã kiệt, hỏa khắc kim nên chết.

- Bệnh bắt đầu từ Can, sau 3 ngày truyền vào Tỳ, sau 5 ngày vào Vị, lại 3 ngày nữa vào Thận, nếu 3 ngày nữa không khỏi thì chết. Mùa Đông chết vào chết vào lúc mặt trời lặn, mùa Hè chết vào lúc ăn cơm sáng (giờ mão 5 - 7 giờ). Mặt trời lặn giờ thân dậu thuộc kim (3 - 7 giờ chiều), kim vượng mộc suy - kim khắc mộc thì chết. Giờ ăn sáng 5 - 7 giờ sáng, giờ mão thuộc mộc, can mộc suy không thể gánh nổi thời bệnh mộc nên chết.

- Bệnh phát từ Tỳ, sau 1 ngày đến Vị, 2 ngày nữa đến Thận, 3 ngày nữa đến (kinh Thái dương và kinh cân thái dương) cột sống bàng quang, 10 ngày nữa không khỏi thì chết. Mùa Đông chết lúc đi ngủ sau hoàng hôn, mùa hè chết lúc cơm tối (lúc đi ngủ sau hoàng hôn là giờ tuất 7 - 9 giờ tối. Mùa Đông giờ này đã đi ngủ, còn mùa hè giờ này ăn cơm tối. Giờ tuất thuộc thổ, đáng thổ phải vượng lúc đó nhưng do ốm không vượng được Tỳ càng suy kiệt nên chết.

- Bệnh phát ở Vị trước, 5 ngày sau vào Thận, 3 ngày nữa vào (kinh mạch và kinh cân) cột sống bàng quang, 5 ngày nữa lên Tâm, 2 ngày nữa không khỏi thì chết. Mùa Đông chết lúc nửa đêm, mùa hè chết lúc "Nhật điệt" (giờ mùi 13 -15 giờ). (Nửa đêm giờ tý thuộc thổ, thổ không thắng được thủy nên chết lúc nửa đêm. Mùa hè giờ mùi thuộc thổ, lúc đó thổ khí suy không vượng được nên chết.

- Bệnh phát ở Thận trước, 3 ngày sau vào đến (kinh mạch và kinh cân) cột sống bàng quang, lại 3 ngày nữa lên Tâm, lại 3 ngày nữa đến Tiểu trường, 3 ngày nữa không khỏi thì chết. Mùa Đông chết vào lúc bình minh (5 giờ), mùa hè chết vào lúc hoàng hôn (giờ tuất 19 - 21 giờ). (Bình minh mùa Đông là cuối giờ dần (5 giờ). Mộc có thể phạt thủy nên bệnh Thận thì chết giờ ấy. Ở mùa hè, giờ tuất thủy khí suy, không vượng được nên càng kiệt và chết.

- Bệnh phát ở bàng quang, sau 5 ngày vào Thận, sau 1 ngày vào Tiểu trường, sau 1 ngày nữa vào Tâm, sau 2 ngày nữa không khỏi thì chết. Mùa Đông chết lúc gà gáy, mùa hè chết lúc sau ngọ, gà gáy là giờ sửu (1 - 3 giờ), sau ngọ là giờ mùi (13 - 15 giờ). Giờ sửu là âm cực, giờ mùi là giờ mà thủy sợ, bàng quang là phủ của thủy, hai giờ đó là lúc thủy cực thịnh và cực suy, đều chết.

- Các bệnh trên truyền theo một quy luật nhất định, theo quy luật đó có thể dự kiến giờ, ngày chết, nên không thể dùng châm để chữa. Nếu truyền cách 1 tạng hoặc 2, 3, 4 tạng (truyền cho nhau) thì có thể châm được (vì cách 1 tạng là quan hệ mẫu tử, bệnh nhẹ có thể châm - còn truyền theo tuần tự ngũ hành tương khắc như ở những đoạn trên thì bệnh nặng, khó chữa, không châm.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >