Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 33. Luận về biển (Hải luận)
33. Luận về biển (Hải luận)
03/10/2017
Nội dung: Hải là biển, nơi hội tụ của các sông. Cũng dùng từ "Hải" để hình dung một sự tụ họp mạnh mẽ "Biển ở trong người". Ở đây nói lên 4 nơi tụ tập nhiều nhất của cơ thể: Vị, mạch xung, đản trung, não, nguồn gốc của thần, tinh, khí, huyết, nơi tụ hội của dinh, vệ, khí, huyết, 12 kinh mạch. Triệu chứng, phép châm khi dùng hư hoặc thực.

Hoàng đế: Cách châm không tách rời dinh vệ khí huyết. 12 kinh mạch bên trong thuộc về tạng phủ, bên ngoài nối với chi khớp, vậy kinh mạch có hợp với 4 biển không?

Kỳ Bá: Con người có 4 biển và 12 kinh thủy (đại biểu cho 12 kinh mạch). 12 kinh thủy đều đổ ra biển, có biển Đông, Tây, Nam, Bắc gọi là 4 biển.

Hoàng đế: 4 biển ứng vào người như thế nào?

Kỳ Bá: Người có Tủy hải, Huyết hải, Khí hải và Thủy cốc chi hải (biển của thức ăn uống). Bốn biển trên của người  ứng với 4 biển Đông, Tây, Nam, Bắc vậy.

Hoàng đế: Muốn biết sự tương ứng giữa bốn biển của người với bốn biển của trời đất.

Kỳ Bá: Cần nắm âm dương (của kinh mạch), biểu lý (của cơ thể), vị trí các huyệt (tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp), như vậy có thể xác định được bốn biển (nơi tụ hội của tủy, huyết, khí, thức ăn uống).

Hoàng đế: Làm thế nào để xác định?

Kỳ Bá: Vị là biển của thức ăn uống, nơi khí huyết đổ vào, ở trên là Khí nhai (Khí xung), ở dưới là Tam lý. Mạch xung là biển của 12 kinh, nơi khí huyết đổ vào (ở trên) là Đại trữ, ở dưới là Thượng cự hư và Hạ cự hư. Đản trung là biển của khí, nơi khí huyết đổ vào là phía trên, dưới trụ cốt (Á môn, Đại trùy) (trụ cốt là Thiên trụ - Cảnh Nhạc), phía trước là Nhân nghinh. Não là biển của Tủy, nơi khí huyết đổ vào ở trên là Bách hội dưới là Phong phủ.

Hoàng đế: 4 biển của cơ thể có lợi gì? Có hại gì? Sinh trưởng như thế nào? Suy bại như thế nào?

Kỳ Bá: (Công năng của) 4 biển, nếu thuận thì sinh, nếu nghịch thì bại, nếu biết cách điều hòa thì có lợi, không biết thì có hại.

Hoàng đế: (Công năng của) 4 biển như thế nào là thuận, như thế nào là nghịch?

Kỳ Bá: Khí hải có thừa (tà khí thịnh), thì khí đầy ở trong ngực, bồn chồn khó thở (khí nghịch lên và) mặt đỏ. Khí hải không đủ (chính khí hư) thì khí thiếu, không đủ để nói (nói nhỏ yếu). Huyết hải có thừa thường cảm thấy thân thể to lớn, uất ở trong nhưng nói chung khó nhìn thấy bệnh. Biển của thức ăn uống có thừa thì bụng đầy chướng, nếu thiếu thì dù đói cũng không ăn được. Biển của tủy có thừa thì chân tay mạnh, nhanh, nhiều sức, nếu thiếu thì đầu có chuyển động, tai ù, cẳng chân đau mỏi, đầu váng mắt hoa không nhìn thấy, mệt mỏi muốn nằm.

Hoàng đế: Sau khi biết nghịch thuận (mắc bệnh) rồi thì chữa thế nào?

Kỳ Bá: Cần kiểm tra các huyệt (có quan hệ với 4 biển) để điều hòa lại trạng thái hư thực, không nên phạm sai lầm (là không nắm rõ hư thực). Nếu chữa đúng phép thì bệnh có thể khỏi, nếu chữa ngược phép sai thì sẽ thất bại.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >