Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 26. Tạp bệnh
26. Tạp bệnh
02/10/2017
Nội dung: Nêu một số bệnh và cách chữa bệnh bằng châm cứu - như bệnh do kinh khí quyết nghịch, các bệnh Tâm thống, đau họng, sốt rét, đau răng, tai điếc, chảy máu cam, đau trán, đau gáy, đau lưng, đau gối, bụng trướng, ỉa đái không thông.

- Kinh khí quyết nghịch gây đau ở 2 bên cột sống lan đến gáy, đầu nặng như chì, mắt mờ, thắt lưng cứng. Chích nặn máu huyệt lạc ở khoeo (quanh Ủy trung) của Túc thái dương để chữa (đau theo kinh Thái dương).

- Kinh khí quyết nghịch gây ngực đầy mặt nề, môi bệu chảy dãi, đột nhiên nói khó, nặng thì không nói được, lấy Túc dương minh chân để chữa (bệnh ở kinh Dương minh).

- Khí quyết nghịch lên họng hầu làm không nói được, chân tay lạnh, ỉa khó, lấy Túc thiếu âm chân để châm (bệnh ở kinh Thiếu âm).

- Kinh khí quyết nghịch làm sôi bụng, nếu hàn khí lưu trệ thì bụng kêu ọc ọc, ỉa đái khó, lấy Túc thái âm để chữa (Thái bạch - huyệt du) (bệnh ở kinh Thái âm).

- Họng khô mồm nóng và dính như keo (nước bọt đặc), lấy Túc thiếu âm (để tán nghịch khí ở Thiếu âm, làm thông thủy âm, thủy âm lên tế Tâm hỏa).

- Đầu gối đau (tà vào kinh lạc), lấy Độc tỵ, dùng viên lợi châm (kim sắc tròn) để châm, cách một thời gian lại châm tiếp, dùng kim to như sợi lông trâu, châm sẽ không lo.

- Hầu tý không nói được (nặng đờm hỏa xung lên, họng bí tắc), lấy Túc dương minh để chữa, nếu nói được (nhẹ) thì lấy Thủ dương minh để chữa.

- Sốt rét không khát, sốt cách nhật, lấy Túc dương minh (tả khí ở sâu, ở trong âm không ra được - sốt rét, khát, mỗi ngày đều lên cơn (tà khí ở trên) lấy Thủ dương minh để chữa.

- Đau răng không sợ uống lạnh (thực nhiệt), lấy Túc dương minh, sợ uống lạnh (hư hàn), lấy Thủ dương minh để chữa.

- Điếc mà không đau, lấy Túc thiếu dương (bổ), điếc mà đau, lấy Thủ dương minh (tả) để chữa (đường nhánh của của Thủ dương minh đi vào tai. Trương Chí Thông "Dương minh" nên sửa là Thiếu dương).

- Chảy máu cam không ngừng, có máu cục chảy ra, lấy Túc thái dương. Nếu máu cục không chảy ra thì lấy Thủ thái dương. Nếu vẫn chảy máu thì lấy huyệt dưới xương uyển cốt (Thông lý) (Tâm, Tiểu trường có quan hệ biểu lý), nếu vẫn không ngừng chảy thì chích nặn máu huyệt Ủy trung.

- Đau lưng mà có cảm giác lưng trên lạnh thì lấy Túc thái dương, Dương minh. Còn đau mà có cảm giác lưng trên nóng thì lấy Túc thái dương, Túc quyết âm. Đau lưng không cúi ngửa được lấy Túc thiếu dương (Thái dương mới đúng).

- Nhiệt ở trung tiêu gây suyễn, lấy Túc thiếu âm (dùng thủy chế hỏa), chích nặn máu huyết lạc ở khoeo (tả hỏa).

- Hay cáu gắt, không muốn ăn, ít nói, chích Túc thái âm (để sơ thông Tỳ khí). Cáu gắt mà nói nhiều (do khí nghịch), châm Túc thiếu dương (để sơ thông khí của Can).

- Vùng má và thái dương đau, chích Thủ dương minh (Thương dương), và chích nặn máu chỗ mạch thịnh ở đó (huyệt Giáp xa) (để tả tà khí).

- Gáy đau không cúi ngửa được, châm Túc thái dương (kinh có liên quan đến cúi ngửa), gáy đau không quay phải trái được, châm Thủ thái dương (kinh có liên quan đến quay cổ).

- Bụng dưới đầy to (do khí Túc quyết âm quyết nghịch) lan lên Vị, đến Tâm, toàn thân như rung động lúc lạnh lúc nóng, đái khó, lấy Túc thái âm chân (để làm thông quyết nghịch).

- Tim đau gây đau ở cột sống lưng, muốn nôn (do Thận khí nghịch lên trên gây ra), lấy Túc thiếu âm (để sơ thông khí nghịch).

- Tim đau, bụng trướng sáp trệ, ỉa không thông lợi (do Tỳ khí nghịch dồn lên gây ra), lấy Túc thái âm (để sơ thông khí nghịch).

- Tim đau lan đến lưng (Thiếu âm vào lưng) làm cho không thở được (Thiếu dương vào đản trung), châm Túc thiếu âm, nếu chưa khỏi lấy Thủ thiếu dương.

- Tim đau gây bụng dưới đầy, nơi kinh Can đi vào âm bộ, trên dưới đau nhưng không có vị trí rõ, ỉa đái khó, châm Túc quyết âm.

- Tim đau, khí đoản, khó thở, châm Thủ thái âm (để thông Phế khí đang bị nghịch).

- Tim đau châm ở đốt sống 9 (Cân súc), mới đầu ấn day huyệt rồi châm, châm rồi lại day ấn có thể hết đau. Nếu đau  không hết, lấy huyệt ở đốt trên (số tám) và đốt dưới (số 10), châm đắc khí thì hết đau.

- Vùng má, thái dương đau lấy đoạn ở góc hàm có động mạch của Túc dương minh (Giáp sa), sau khi nặn máu thì hết đau. Nếu không hết đau, ấn huyệt Nhân nghinh của kinh sẽ hết đau.

- Khí nghịch lên trên, châm chỗ lõm ở cơ ngực và động mạch ở dưới (chỗ lõm cơ ngực = Ốc ế (Cảnh Nhạc), Ưng song (Mã Nguyên Đài), động mạch ở ngực dưới: Đản trung (Mã Nguyên Đài), Trung phủ (Cảnh Nhạc), song đều không phải ở ngực dưới. Có phải là Kỳ môn không?).

- Bụng đau châm động mạch ở hai bên rốn (Thiên khu), châm xong ấn chỗ đó thì hết đau. Nếu không hết, châm khí nhai (nếp bẹn - Khí xung), châm xong cũng xoa bóp, sẽ hết đau.

- Bệnh nuy quyết (liệt mềm và lạnh giá) chữa bằng cách trói chân tay lại, khi bệnh nhân thấy bực bội thì cởi trói ngay, mỗi ngày làm hai lần.

- Nếu chân tay bị tê thì chữa 10 ngày sẽ có hiệu quả, nhưng không được dừng, phải tiếp tục đến khi khỏi mới thôi (trói chân tay để dẫn khí làm cho khí thông).

- Nấc, dùng cách kích thích trong lỗ mũi gây hắt hơi, hắt hơi được thì hết nấc (thông được Phế khí); hoặc nín thở, đón hơi nấc lên và dẫn nó xuống thì sẽ hết nấc (để thông Phế khí); hoặc sự đột ngột cũng hêt nấc (do khí của Can Tâm bị tán, khí nghịch của Vị cũng ra theo).

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >