Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 22. Điên cuồng
22. Điên cuồng
29/09/2017
Nội dung: Nói về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị bằng châm cứu chứng điên cuồng, bằng những kinh huyệt cần thiết, tiên lượng bệnh cũng như nêu ra những nguyên nhân gây cuồng như âu sầu, đói khát, quá kinh sợ, chính khí suy, vui quá.

- Phía bên ngoài của mắt là ngoại tý (đuôi mẳt), phía bên mũi là nội tý (đầu mắt), mí mắt trên thuộc ngoại tý, mí mắt dưới thuộc nội tý.

- Bệnh điên lúc mới phát, bệnh nhân mới đầu không vui, đầu đau nặng, mắt ngược lên đỏ ngầu. Bệnh phát triển nặng lên thì tâm phiền không yên.

- Lúc xem bệnh phải xem nhan (nhan = đình = mặt). Chữa nó châm Thủ thái dương, Thủ dương minh, Thủ thái âm (Chi chính, Ôn lưu, Thiên lịch, Thái uyên, Liệt khuyết) và phép nặn máu. Khi mầu huyết trở lại bình thường thì thôi châm.

- Bệnh điên lúc mới phát mà có méo mồm, rên la, thở suyễn, tim đập (thì khi chữa) cần xem Thủ dương minh, Thái dương, nếu cường bên trái thì châm bên phải, cường bên phải thì châm bên trái (miệng méo về bên phải, châm bên trái, méo về bên trái châm bên phải), cho đến khi mầu huyết trở lại bình thường. (Thủ thái dương là biểu của tâm, Thủ dương minh là biểu của Phế, dùng hai kinh này chữa chứng mồm rên la, suyễn, tim đập, là vừa chữa biểu vừa chữa lý).

- Bệnh điên lúc mới phát, mà người cứng như gỗ, làm đau sống lưng. Chữa nó, châm Túc dương minh, Túc thái dương, Túc thái âm, Thủ thái dương, đến khi mầu huyết trở lại bình thường thì thôi (Huyệt: Ủy dương, Phi dương, Bộc tham, Kim môn, Tam lý, Giải khê, Ẩn bạch, Công tôn, Thiên lịch, Ôn lưu).

- Chữa bệnh điên, thầy thuốc cần ở cùng người bệnh, để quan sát người bệnh và lấy huyệt cho đúng lúc cơn bệnh, nếu là thái quá thì phải tả, máu tả ra đựng trong bầu đựng rượu. Khi bệnh phát lại máu sẽ động. Khi không động nữa thì cứu xương cùng (Trường cường) 20 mồi.

- Ở bệnh cốt điên (điên đã vào xương) tà khí đã gây úng trệ tại các huyệt ở má, răng làm cho da thịt sưng lên, gầy dơ xương, ra mồ hôi, phiền muộn, nôn nhiều đờm dãi, (Thận) khí tiết ra ở phần dưới. Bệnh này không chữa được.

- Ở bệnh cân điên (điên đã vào gân) người bệnh thân thể mỏi mệt, gân co quắp, mạch to. Nên châm Đại chùy, chữ của kinh thái dương. Nếu nôn nhiều đờm dãi, (Thận) khí tiết ra ở dưới thì không chữa được.

- Ở bệnh mạch điên (điên đã vào mạch), bệnh nhân đột nhiên ngất mạch tứ chi  trướng và mềm. Nếu mạch đầy, thì châm nặn máu, nếu mạch không đầy thì cứu huyệt ở gáy của kinh thái dương (Thiên trụ), cứu đới mạch (kinh thiếu dương), ở lưng châm các huyệt du của kinh. Châm vào giữa các bó cơ. Nếu nôn được đờm dãi trắng, thận khí tiết ra ở dưới thì không chữa được.

- Cơn điên phát ra cấp như cuồng (dương khí quá thịnh và âm khí kiệt) thì không chữa được.

- Bệnh cuồng lúc mới sinh ra, mới đầu người bệnh bi quan, hay quên, dễ cáu giận, hay sợ hãi, do quá âu sầu và đói. Chữa nó lấy Thủ thái âm, dương minh (Thái uyên, Liệt khuyết - Thiên lịch, Ôn lưu), châm xuất huyết đến khi mầu huyết trở lại bình thường, rồi lấy Túc thái âm, dương minh (Ẩn bạch, Công tôn - Tam lý, Giải khê).

- Bệnh cuồng lúc mới phát có biểu hiện ít nằm, không đói, tự cho là ghê gớm, tự cho là thông minh, tự cho là cao quý nhất, hay đánh chửi người, ngày đêm không nghỉ. Chữa nó châm Thủ dương minh, thái dương, thái âm (Thiên lịch, Ôn lưu - Chi chính, Tiểu hải - Liệt khuyết, Thái uyên) - dưới lưỡi (Liêm tuyền), Thủ thiếu âm (Thần môn, Thiếu xung). Nếu bệnh thịnh thì lấy tất cả các huyệt, nếu bệnh không thịnh thì không châm.

- Các chứng nói cuồng nhảm, dễ kinh sợ, hay cười, thích ca nhạc, hành vi cuồng loạn không ngừng, đều do kinh khủng quá độ. Chữa nó, châm Thủ thái dương để thanh tâm khí, Dương minh, Thái âm (để trợ thần khí) (Thiên lịch, Ôn lưu - Chi chính, Tiểu hải - Thái uyên, Liệt khuyết).

- Bệnh cuồng có ảo giác về nhìn, về nghe, hay kêu gào là do khí thiểu gây nên. Châm Thủ thái dương, Thái âm, Dương minh (để thành cuồng vọng). Túc thái âm, đầu và hai bên má (để bổ).

- Bệnh cuồng có ăn nhiều, hay thấy quỷ thần, hay cười tủm tỉm không thành tiếng là do đại hỷ gây nên, lấy Túc thái dương (trợ thần khí), Thái âm, Dương minh (dưỡng tâm tình), sau lấy Thái bạch, Công tôn - Ủy dương, Phi dương, Bộc tham, Kim môn - Tam lý, Giải khê - Thái uyên, Liệt khuyết - Chi chính, Tiểu hải - Thiên lịch, Ôn lưu.

- Chữa bệnh cuồng mới phát có các chứng nêu ở trên, trước tiên lấy hai huyệt Khúc tuyền ở hai bên động mạch, nếu thịnh thì châm nặn máu, bệnh mới có thể khỏi, nếu chưa khỏi châm như trên và cứu 20 mồi ở xương cụt (Trường cường).

- Bị phong nghịch (ngoại phong, khí nghịch lên) thì tứ chi phù nề nhanh, thân run cầm cập, lúc cơn rét thì có thở dốc, khi đói rét thì phiền táo, khi no thì hay biến động không yên. Chữa nó lấy hai kinh biểu lý, Thủ thái âm, Dương minh, và Túc thiếu âm, Dương minh. Nếu có bị lạnh thì lấy huyệt huỳnh, nếu xương bị lạnh thì lấy các huyệt tỉnh kinh (của 4 kinh trên).

- Chứng của bệnh quyết nghịch có chân lạnh đột ngột, ngực khó chịu như muốn vỡ ra, ruột quặn đau như bị dao đâm, tâm phiền không muốn ăn, mạch đại hoặc tiểu đều sáp. Nếu thân ấm lấy Túc thiếu âm, nếu thân lạnh lấy Túc dương minh. Lạnh thì bổ, ấm thì tả (Dũng tuyền, Nhiên cốc, Lệ đoài, Nội đình, Giải khê, Phong long).

- Khí nghịch có bụng đầy trướng, sôi bụng, ngực đầy không thở được, lấy dưới ngực hai dẻ sườn (Cảnh nhạc - Mã Nguyên Đài = Chương môn, Kỳ môn). Khi ho thì động tay vào huyệt du ở dưới lưng, ấn vào dễ chịu là huyệt (Phế du, Cách du - Cảnh Nhạc).

- Bên trong bế không đái được (đa khí hóa của hạ tiêu bị rối loạn), châm Túc thiếu âm, Thái dương (tả nghịch khí, thông tiểu tiện) (Dũng tuyền, Trúc tân - Ủy dương, Phi dương, Bộc tham, Kim môn) và trên xương cùng (Yêu du - Linh khu dịch thích: Trường cường), dùng kim dài để châm. Nếu khí nghịch (thượng xung) thì lấy Thái âm, Dương minh, Quyết âm (Ẩn bạch, Công tôn - Tam lý, Giải khê - Chương môn, Kỳ môn). Nếu nặng thì lấy Thiếu âm, Dương minh, chỗ mạch đập của kinh Thái khê, Xung dương).

- Nếu khí thiếu, thân rét run, nói đứt quãng, xương đau, thân thể nặng nề, lười không muốn cử động thì bổ Túc thiếu âm.

- Nếu hơi thở ngắn, đoản khí, lúc vận động càng khó thở thì bổ Túc thiếu âm. Nếu có huyết lạc, có thể chích nặn máu.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >