Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 17. Độ dài của kinh mạch (Mạch độ)
17. Độ dài của kinh mạch (Mạch độ)
22/09/2017
Nội dung: Nói về độ dài của kinh mạch (12 kinh chính x 2 bên = 24 kinh, 2 mạch kiểu, 2 mạch nhâm, đốc = 28 mạch) cộng 16 trượng 2 thước. Nói rõ khí của 5 tạng thông ra 7 khiếu ở phần trên, nếu khí 5 tạng điều hòa thì cảm giác đều bình thường. Nếu khí âm dương quá thịnh, sẽ hình thành quan cách gây nên chết yểu. Nói rõ tình hình tuần hoàn của Âm kiểu từ chân lên đầu và tác dụng nuôi dưỡng mắt của nó.

Hoàng đế: Mong được nghe độ dài của kinh mạch.

Kỳ Bá: 6 kinh dương tay, từ tay đến đầu dài 5 thước, cộng 3 trượng. 6 kinh âm tay. từ trong ngực ra tay dài 3,5 thước, cộng 2 trượng 1 thước. 6 kinh dương chân, từ đầu đến chân dài 8 thước, cộng 4 trượng 8 thước. 6 kinh âm chân, từ chân đến ngực dài 6 thước 5 tấc, cộng 3 trượng 9 thước. Mạch kiểu từ chân đến mắt dài 7,5 thước, cộng 1 trượng 5 thước. Mạch nhâm, mạch đốc, mỗi mạch dài 4,5 thước, cộng 9 thước. Tổng cộng 16 trượng 2 thước, đó là đường đi của khí (đáng lẽ 2 bên Âm kiểu, Dương kiểu là 4 mạch ở đây chỉ có 2. Do cách tính cổ "nam, tính dương kiểu là mạch, âm kiểu là lạc, nữ tính âm kiểu là mạch, dương kiểu là lạc", do đó 4 mà tính 2).

Kinh mạch ở trong, nhánh của nó đi ngang là lạc - nhánh của lạc là Tôn (cháu) lạc. Lạc mạch thịnh, ứ huyết, cần trừ nhanh bằng chích ra máu. Nếu (tà) khí thịnh (xâm phạm ở ngoài) dùng phép tả, hư (chính khí) thì uống thuốc để bổ.

Tinh khí của 5 Tạng thường từ trong thông lên 7 khiếu - Phế thông với mũi, Phế hòa thì mùi biết thơm, thối (ngửi tốt).

Tâm khí thông với lưỡi, tâm hòa thì biết ngũ vị (nếm tốt); Can khí thông với mắt, Can hòa thì biết ngũ sắc (nhìn tốt); Tỳ khí thông với mồm, Tỳ hòa thì mồm biết ngũ cốc; Thân khí thông với tai, thận hòa thì tai nghe ngũ âm tốt. 5 tạng không hòa thi 7 khiếu không thông. 6 phủ không hòa thì ứ lại thành nhọt độc. Nếu tà ở phủ thì mạch dương không hòa, mạch dương không hòa thì khí lưu trệ, khí lưu trệ gây nên dương khí thịnh. Dương khí thịnh quá thì âm không lợi, mạch âm không lợi thì huyết lưu trệ gây nên âm khí thịnh. Âm khí thịnh quá thì dương khí không thể (đi) nuôi dưỡng (trong ngoài và giao với âm khí) được, gọi là quan. Dương khí thịnh quá, thì âm khí không thể (đi) nuôi dưỡng (trong ngoài và giao với dương khí) được, thì gọi là cách. Âm dương đều thịnh không thể (giao tiếp nhau - biểu lý cách ly) âm dương không nuôi dưỡng lẫn nhau được gọi là quan cách. Nếu có quan cách thì sẽ chết sớm hơn tuổi có thể sống.

Hoàng đế: Mạch kiểu bắt đầu và kết thúc ở đâu, khí của mạch nào vận hành và nuôi dưỡng nó?

Kỳ Bá: Mạch âm kiểu là nhánh của (túc) thiếu âm, bắt đầu từ sau xương nhiên cốt (xương thuyền) đi lên trên mắt cá trong, thẳng lên mặt trong đùi, vào âm (bụng dưới), dọc ngực, vào hố trên đòn, lên ra ở trước huyệt nhân nghinh, vào xương gò má thuộc (về) khóe mắt trong hợp với Thái dương (túc), Dương kiểu rồi lên nữa. Khí của âm dương kiểu cùng đi vòng để nhu nhuận mắt, nếu không được khí nuôi dưỡng thì mắt không nhắm được (nếu âm khí không đủ, dương khí thiên thắng thì mắt không nhắm được, nếu âm khí thịnh thì mắt nhắm lại).

Hoàng đế: Tại sao khí của mạch âm chỉ đi ở 5 tạng mà không nuôi dưỡng 6 phủ?

Kỳ Bá: Khí không thể không vận hành, nó như dòng sông phải chảy, mặt trăng mặt trời phải vận động không ngừng, nên mạch âm đi nuôi dưỡng tạng của nó, mạch dương đi nuôi dưỡng phủ của nó, như vòng tròn khép kín không biết bắt đầu từ đâu, hết chu kỳ nọ tiếp đến chu kỳ kia, khí của nó đầy tràn ra để tưới cho tạng phủ ở trong và nhu nhuận tấu lý ở ngoài.

Hoàng đế: Mạch kiểu có âm dương (ở trên nói mạch kiểu dài 1 trượng 5 thước), vậy đó là độ dài của mạch âm kiểu hay dương kiểu?

Kỳ Bá: Cách tính là: Nếu là nam, con số ấy là của dương kiểu, nếu là nữ là của âm kiểu. Mạch được tính là kinh, mạch không được tính là lạc (do đó tuy là 4 mạch kiểu, nhưng khi tính cụ thể thì chỉ có thể được tính 2 mạch thôi, còn 2 mạch nữa tính là lạc tùy theo người đó là nam hay nữ).


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >