Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 10. Khí mạch
10. Khí mạch
15/07/2017
Lôi Công: Nguyên tắc của châm chữa bệnh là phải hiểu kinh mạch bắt đầu từ đâu, dinh khí tuần hành thế nào, độ lớn nhỏ, lượng của chúng nhiều ít ra sao. Tất cả đều có chuẩn. Kinh mạch bên trong lần lượt vào ngũ tạng, bên ngoài phân biệt vào lục phủ để thúc đẩy hoạt động của cơ thể. Mong được nghe cái lý của nó.

Hoàng đế: Người ta sinh ra được mới đầu là tinh (2 tinh, âm dương hợp thành), tinh sinh não tủy, (rồi thân thể) xương là cái khung, mạch là đường đi của khí huyết, gân để giữ xương khớp, thịt là tường vách (để bảo vệ các tổ chức ở trên), da chắc dai và lông tóc mọc dài. Ngũ cốc vào vị (biến hóa thành chất tinh vi để nuôi dưỡng cơ thể) mạch thông và khí huyết vận hành (trong mạch).

Lôi Công: Kinh mạch bắt đầu sinh ra như thế nào?

Hoàng đế: Kinh mạch có tác dụng quyết định sống chết, nơi sinh ra bệnh tật, nơi điều hòa hư thực, do đó (kinh mạch) không thể không thông (cũng có ý nói: Người thầy thuốc không thể không thông).

Mạch thủ Thái âm phế, bắt đầu ở trung tiêu xuống liên lạc với Đại trường, vòng vị khẩu (tâm vị, môn vị) đi lên cơ hoành thuộc (về) Phế, Theo phế hệ đi ngang và ra ngoài ở dưới nách, đi xuôi mặt trong cánh tay, đi trước kinh Thiếu âm tâm (Quyết âm tâm bào) xuống đến khuỷu tay, dọc mặt trong cẳng tay đến mổm (đầu dưới) xương, vào thốn khẩu (chỗ động mạch), vào Ngư tế (mô cái), dọc bờ Ngư tế đi ra ở đầu ngón cái, nhánh của nó tách từ dưới cổ tay đến thẳng bờ trong (mé ngón cái) ngón trỏ và ra đầu ngón trỏ (để nối với kinh Dương minh đại trường).

- Bệnh của kinh do ngoại tà gây nên (thị động): Phế chướng đầy, suyễn, ho, đau ở khuyết bồn (hố trên đòn), nếu nặng thì hai tay bắt chéo, ôm vai ép vào ngực, mi mắt sụp (còn có giải thích khác là phiền loạn), tý quyết (bệnh quyết ở cánh tay). Bệnh do phế sinh ra (sở sinh bệnh): Ho, khí thượng lên, suyễn, khát, tim bồn chồn, ngực đầy, mặt trước trong cánh tay đau, quyết lạnh, lòng bàn tay nóng (chứng thực) khí thịnh thì có thừa. Vai lưng trên đau, trúng (cảm) phong ra mồ hôi, đái ít, số lần nhiều (chứng hư) khí hư, ú vai lưng trên đau, lạnh, hụt hơi, khó thở, mầu nước đái hay thay đổi. Với chứng bệnh trên nếu thịnh thì tả, nếu hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì châm lưu kim, nếu lõm xuống (hạ hãm) thì cứu. Nếu không hư không thịnh thì lấy huyệt của kinh đó. Bệnh của đường kinh nếu là chứng thực thì có mạch cổ tay lớn gấp 3 lần mạch nhân nghinh, nếu là chứng hư thì có mạch cổ tay nhỏ gấp 3 lần mạch nhân nghinh.

- Mạch thủ Dương minh đại trường, bắt đầu ở ngón trỏ phía ngón cái, theo rìa ngón tay ra Hợp cốc ở giữa hai xương, len vào giữa hai gân dọc bờ trên cẳng tay vào bờ ngoài của khuỷu, lên bờ trước ngoài cánh tay, lên vai, ra ở phía trước ngung cốt (mỏm vai - Kiên ngung) lên và ra ở đốt sống nơi hội các kinh dương (Đại chùy), xuống vào Khuyết bồn (hố trên đòn) liên lạc với phế, xuống cơ hoành (thuộc) về đại trường. Nhánh của nó từ (hố trên đòn). Khuyết bồn lên cổ, xuyên má, vào trong răng ở hàm dưới, vòng quanh môi, giao ở Nhân trung, bên phải sang trái, rồi lên kẹp ở hai bên lỗ mũi (Nghinh hương).

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Răng đau, cổ sưng do (đại trường) chủ tân dịch sinh ra bệnh: Mắt vàng, mồm khô, chảy máu mũi, hầu tý (hầu sưng, nói thở khó) vùng trước vai cánh tay đau, ngón cái ngón trỏ đau không sử dụng được. Bệnh khí thừa thì nơi mạch đi qua có nóng, sưng nề, bệnh hư (kinh khí hư) thì lạnh, rét run, khó nắm lại. Với bệnh trên nếu thịnh thì tả, nếu hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không thịnh không hư thì lấy huyệt trên kinh đó. (Kinh) thịnh thì mạch nhân nghinh nhỏ hơn mạch cổ tay.

Mạch túc Dương minh vị bắt đầu từ chỗ lõm ở sống mũi đi cùng kinh Thái dương bàng quang dọc theo phía ngoài mũi, vào trong hàm trên, vòng ra đi kẹp cạnh mép, vòng môi xuống giao ở Thừa tương, lùi lại đi ở bờ dưới hàm, ra ở Đại nghinh, theo Giáp xa lên trước tai, qua huyệt Khách chủ nhân, lên chân tóc trên góc trán. Nhánh của nó, từ trước Đại nghinh xuống Nhân nghinh, dọc yết hầu xuống Khuyết bồn xuống cơ hoành, thuộc (về) vị, liên lạc với tỳ. Nhánh thẳng của nó, từ Khuyết bồn xuống phía trong vú, xuống đi cạnh rốn đi vào vùng Khí nhai (bẹn). Nhánh nữa từ vị khẩu đi ở trong bụng xuống đến Khí nhai (bẹn), hợp với nhánh thẳng, đi xuống qua Bễ quan, đến Phục thỏ (cơ đùi thẳng), xuống gối xương bánh chè, dọc bờ ngoài xương chày, xuống đến mu bàn chân, đến bờ trong ngón chân thứ hai. Nhánh nữa từ dưới gối 3 tấc tách ra, đi xuống bờ ngoài ngón chân giữa. Nhánh nữa từ mu bàn chân (huyệt Xung dương) vào giữa ngón cái và đến đầu ngón (nối với kinh Thái âm tỳ).

Bệnh của kinh do ngoại tà (t hị động): Rét run như bị nước lạnh, hay rên, hắt xì hơi, trán đen. Nếu có cơn bệnh thì sợ nhìn người và lửa, sợ hãi khi nghe tiếng (đồ dùng bằng gỗ) tim đập không yên, thích đóng cửa kín ở một mình trong buống. (Nhiệt dương) cực thịnh thì trèo cao hát vang, bỏ quần áo chạy nhông, bụng sôi, bụng chướng gọi là cán quyết (cán là cẳng chân). Bệnh do (vị) chủ huyết, bệnh "sở sinh" (do vị tiêu hóa thức ăn sinh ra dinh huyết) có: Sốt rét phát cuồng (sốt rét có triệu chứng tâm thần kinh), bệnh ôn nóng nhiều, ra mồ hôi, chảy máu cam, méo mồm, lở mép, sưng cổ, sưng tắc hầu, bụng có nước, khớp gối sưng đau, các chỗ vú, bẹn trước đùi, Phục thỏ (cơ thẳng đùi), bờ dài cẳng chân, mu chân đều đau, ngón chân giữa không cử động được. Nếu khí thịnh thì phần trước chân nóng, nếu nhiệt có dư ở vị thì ăn nhiều tiêu nhanh, đái vàng, nếu khí không đủ thì phần trước thân lạnh rét run, nếu vị hàn thì đầy chướng. Với bệnh nhân trên nếu là chứng thịnh thì tả, chứng hư thì bổ, chứng nhiệt thì châm nhanh, chứng hàn thì lưu kim, chứng lõm xuống (hạ hãm) thì cứu,  nếu không thịnh không hư thì lấy huyệt trên kinh đó. (Kinh) thịnh thì mạch nhân nghinh lớn gấp 3 lần mạch cổ tay, (kinh) hư thì mạch nhân nghinh nhỏ hơn mạch cổ tay.

Mạch túc Thái âm tỳ, bắt đầu từ ngón chân cái, dọc bờ trong ngón chân chỗ bạch nhục tế (tiếp giáp da gan và các da mu bàn chân) qua sau khớp bàn chân, lên bờ trước mắt cá trong, lên phía trong bắp chân theo dọc sau xương chày, bắt chéo ra trước quyết âm, lên bờ trước trong gối và đùi, vào bụng thuộc (về) tỳ, liên lạc với vị, lên cơ hoành, đi bên cạnh hầu họng lên cuống lưỡi, phân bố ở dưới lưỡi. Nhánh của nó, tách ra từ ở vị, qua cơ hoành tưới vào tâm (để nối tiếp với mạch thiếu âm tâm).

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Cuống lưỡi cứng, ăn thì nôn, đau dạ dầy, chướng bụng, hay ợ hơi, đại tiện, trung tiện được thì dễ chịu, như suy, toàn thân nặng nề. Bệnh do tỳ sinh ra (sở sinh bệnh): Đầu cuống lưỡi, thân thể không vận động được, ăn không được, tâm phiền, đau cấp bụng trên, ỉa lỏng hoặc lỵ, tiểu tiện bí, vàng da, không nằm được, nếu miễn cưỡng phải đứng thì mặt trong gối đùi phù, lạnh giá, ngón chân cái không cử động được. Với bệnh trên, nếu là thực thì tả, chứng hư thì bổ, chứng nhiệt thì châm nhanh, chứng hàn thì lưu kim, chứng lõm xuống (hạ hãm) thì cứu, không thịnh không hư thì lấy huyệt trên kinh đó. (Kinh) thịnh thì mạch cổ tay lớn gấp 3 lần mạch nhân nghinh, nếu hư mạch cổ tay nhỏ hơn mạch nhân nghinh.

Mạch thủ Thiếu âm tâm bắt đầu từ trong tim đi ra thuộc tâm hệ (lạc mạch của tâm) xuống cơ hoành, liên lạc với tiểu trường. Nhánh của nó, từ hệ lạc mạch của tâm, đi lên cạnh họng, lên lạc mạch của mắt (mục hệ). Nhánh thẳng của nó, từ hệ lạc mạch của tâm lên phế, xuống ra ở dưới nách, dọc theo bờ sau mặt trong cánh tay đi sau Thái âm phế và Quyết âm tâm bào, xuống mặt trong khuỷu, dọc bờ sau mặt trong cẳng tay, đến xương cao (đậu) ở cổ tay, vào bờ sau (lòng) bàn tay dọc mặt trong ngón út, ra đầu ngón út.

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Họng khô, tim đau, khát uống nước, gọi là tý (cánh tay) quyết (do mạch khí vì quyết nghịch nên đi ngược lên). Bệnh do tâm sinh ra (sở sinh bệnh): Mắt vàng, đau cạnh sườn, mặt trong sau cẳng cánh tay đau, quyết lạnh, lòng bàn tay nóng. Với bệnh đó nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không hư không thịnh, thì lấy huyệt theo kinh. (Kinh) thịnh thì mạch cổ tay lớn gấp hai lần mạch nhân nghinh, (kinh) hư, mạch cổ tay nhỏ hơn mạch nhân nghinh.

Mạch thủ Thái dương tiểu trường, bắt đầu từ ngón tay út, dọc bờ ngoài ngón tay, lên cổ tay, ra mỏm thân trụ, thẳng dọc bờ dưới xương cẳng tay, ra ở bờ trong khuỷu giữa hai gân, dọc lên bờ sau ngoài cánh tay, ra ở khe sau khớp vai, ngoằn nghèo ở gai xương bả, giao ở trên vai, vào hố trên đòn dọc cổ lên má đến đuôi mắt, rồi vòng vào tai. Nhánh của nó, tách từ má đến dưới hố mắt rồi mũi, lên đầu mắt, rồi chếch xuống xương má.

Bệnh ở kinh do ngoại tà (thị động): Họng đau, má sưng, cổ gáy cứng, vai đau rút, tay đau như gãy. Bệnh do tiểu trường chủ dịch sinh ra (sở sinh bệnh): Tai điếc, mắt vàng, má sưng, cổ, hàm, vai, cánh tay, khuỷu, bờ ngoài mặt sau cánh tay đau. Với bệnh của nó, nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì châm chậm, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không thịnh không hư thì lấy huyệt ở kinh đó. (Kinh) thịnh thì mạch nhân nghinh lớn gấp hai lần cổ tay, (khí) hư, mạch nhân nghinh bé hơn mạch cổ tay.

Mạch túc Thái dương bàng quang, bắt đầu ở đầu mắt, lên trán, giao ở đỉnh đầu. Nhánh của nó từ đỉnh đầu đi đến bờ trên rìa tai. Nhánh thẳng của nó, từ đỉnh đầu vào liên tục vơi não, vòng xuống đi ra ở dưới gáy, dọc bờ xương bả vai, dọc cột sống đến thắt lưng, vào dọc cơ cạnh cột sống, liên lạc với thận thuộc (về) bàng quang. Nhánh của nó từ thắt lưng xuống cột sống, xuyên mông vào khoeo. Nhánh của nó từ hai bên xương bả vai phải, trái, tách ra đi xuống sát phía trong xương vai dọc cột sống, xuống mấu chuyển lớn (bễ khu) đi dọc xuống ở phía ngoài xương đùi. Từ bờ sau xuống hợp ở khoeo, cũng xuống dưới xuyên vào bắp chân, ra ở phía sau mắt cá ngoài, dọc kinh cốt cho đến bờ ngoài ngón út. 

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Đầu đau do khí thượng xung, mắt đau như lòi ra, gáy đau như bị vặn, cột sống, thắt lưng đau như gãy, khớp háng không gấp được, cân mạch ở khoeo co kết lại không vận động được theo ý muốn, bắp chân đau như xé, đó là chứng quyết, ở mắt cá (khí từ mắt cá ngoài quyết nghịch lên theo kinh Thái dương bàng quang). Bệnh do bàng quang chủ cân sinh ra (sở sinh bệnh): (dương khí tĩnh thì nuôi thần, dương khí nhu thì nuôi cân, thái dương là dương chủ khí, nếu dương khí của bàng quang không dưỡng cân được thì có thể sinh ra chứng bệnh): Trĩ, sốt rét, cuồng, điên, đầu thóp gáy đau, mắt vàng chảy nước mắt, chảy máu mũi, gáy, lưng, thắt lưng, xương cùng, khoeo, bắp chân, bàn chân đều đau, ngón chân không cử động được. Với bệnh đó nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không hư không thịnh, thì lấy huyệt theo kinh. (Kinh) thịnh thì mạch nhân nghinh lớn gấp hai lần mạch ở cổ tay, (kinh) hư mạch nhân nghinh nhỏ hơn mạch cổ tay.

Mạch Thiếu âm thận bắt đầu từ ngón chân út, chạy chéo ngang bàn chân (qua Dũng tuyền) ra ở dưới xương thuyền (Nhiên cốc), dọc theo mắt cá trong, lánh vào gân (gót), rồi lên mặt trong bắp chân, ra bờ trong khoeo, lên bờ sau mặt trong đùi, xyên vào cột sống, thuộc (về) thận, liên lạc với bàng quang. Nhánh thẳng của nó, từ thận lên xuyên lên qua can, cơ hoành vào trong phế, dọc theo hầu họng lên, kẹp hai bên cuống lưỡi. Nhánh của nó từ phế ra liên lạc với tâm, rồi tưới vào trong ngực (đản trung), để nối với Quyết âm tâm bào.

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Đói không muốn ăn, mặt đen như sơn, ho nhổ có máu, thở khó tiếng khò khè, ngồi không yên muốn đứng dậy, mắt mờ mờ nhìn không rõ, tim như bị treo lên và như có cảm giác đói cồn cào, Nếu khí hư thì hay sợ, tim đập thình thịch như người ta sắp đến bắt mình, đó là chứng quyết của xương (cốt quyết) (thận chủ xương, mạch khí của kinh thận biến động gây nên). Bệnh do thận sinh ra (sở sinh bệnh): Mồm nóng, lưỡi khô, họng sưng, khí nghịch, họng hầu khô đau, tâm phiền, tim đau, vàng da, lỵ, phía sau mặt trong cột sống, đùi (nơi kinh đi) đau, (chân) teo mềm và quyết lạnh (nuy quyết), thích nằm, gan chân nóng. Với bệnh đó nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu không hư không thịnh thì lấy huyệt theo kinh. Nếu cứu phải gắng cưỡng ăn thịt tươi (sinh nhục), nơi thắt lưng (không thắt chặt), tóc phải chải, bước đi cần vững vàng và chống gậy tương đối to. (Kinh) thịnh, mạch cổ tay lớn gấp đôi mạch nhân nghinh, (kinh) hư, mạch cổ tay nhỏ hơn mạch nhân nghinh.

Mạch thủ quyết âm tâm bào lạc, bắt đầu từ trong ngực, thuộc (về) tâm bào lạc, xuống cơ hoành, lần lượt liên lạc với tam tiêu, nhánh của nó theo ngực ra sườn chỗ dưới nếp nách 3 (tấc), vòng lên hố nách, dọc mặt trong cánh tay đi giữa thái âm, thiếu âm, vào giữa (trong) khuỷu, xuống cẳng tay đi giữa hai gân, vào gan tay, dọc phía ngón tay út ngón thứ tư, đến đầu ngón.

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Lòng bàn tay nóng, cánh tay khuỷu co quắp, nách sưng, bệnh nặng thì ngực sườn đau tức, tim đập thình thịch, mặt đỏ, mắt vàng, cười mãi không thôi. Bệnh do tâm bào chủ mạch sinh ra (sở sinh bệnh): Tâm phiền, đau vùng tâm, lòng bàn tay nóng. Với bệnh trên, nếu thịnh thì tả, nếu nhiệt thì rút kim nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không  thịnh  không hư thì lấy huyệt theo kinh. (Kinh) thịnh thì mạch  ở cổ tay lớn gấp một lần mạch nhân nghinh.

(Lời bàn - Trong thiên "Bản du" không có kinh Quyết âm tâm bào lạc, ở đây lại có - có thể thiên "Bản du" thiếu mất một đoạn).

Mạch Thủ thiếu dương tam tiêu bắt đầu từ ngón tay thứ tư (vô danh) đi lên giữa hai ngón tay, dọc mu bàn tay, cổ tay, ra ở giữa 2 xương ở mặt ngoài cẳng tay, lên xuyên khuỷu tay, dọc mặt ngoài cánh tay lên vai, sau khi giao với kinh thiếu dương ở chân vào hố trên đòn (Khuyết bồn), bổ (phân bố) ở Đản trung, phân tán ở Tâm bào, xuống cơ hoành để lần lượt thuộc (về) tam tiêu (thượng, trung, hạ tiêu). Nhánh của nó, từ đản trung lên hố trên đòn (Khuyết bồn), lên gáy, sau tai thẳng lên ở góc trên tai, gấp khúc xuống má đến dưới hố mắt. Nhánh nữa của nó, từ sau tai chui vào trong  tai rồi ra trước tai, đi qua trước huyệt Khách chủ nhân (của kinh Thiếu dương đởm), giao với đường nhánh ở trên má, đến đuôi mắt (để nối tiếp với kinh Thiếu dương đởm).

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Tai điếc, tai ù, hầu họng sưng nghẹn đau -  Bệnh do tam tiêu chủ khí sinh ra (sở sinh bệnh): Ra mồ hôi, đuôi mắt đau, sau tai vai cánh tay khuỷu mặt ngoài cẳng tay đau, ngón út, ngón thứ tư (vô danh) không cử động được. Với bệnh này, nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không hư không thịnh thì lấy huyệt theo kinh. (Kinh) thịnh, mạch nhân nghinh lớn gấp một lần mạch cổ tay, (kinh) hư, mạch nhân nghinh  ngược lại nhỏ hơn mạch cổ tay.

Mạch Túc thiếu dương đởm bắt đầu ở đuôi mắt, lên góc trán, xuống đến sau tai, dọc cổ đi trước kinh Thủ thiếu dương, đến vai, bắt chéo ra sau kinh thủ thiếu dương ở tai, vào hố trên đòn. Nhánh của nó từ sau tai vào trong tai, đi ra trước tai, đến sau đuôi mắt. Nhánh của nó tách từ đuôi mắt, xuống Đại nghinh, hợp với thủ thiếu dương, đến phần dưới hố mắt, xuống góc hàm, xuống cổ, hợp ở hố trên đòn (với nhánh trên), đi xuống vào trong ngực, xuyên cơ hoành, liên lạc với can, thuộc (về) đởm, dọc trong cạnh sườn xuống bẹn (Khí nhai), vòng lông mu, đi ngang vào vùng mấu chuyển lớn. Nhánh thẳng của nó, từ hố trên đòn xuống dưới nách, dọc ngực, qua mạng sườn xuống hợp với nhánh trên ở vùng mấu chuyển lớn, xuống dọc phía ngoài khớp háng, ra ở mặt ngoài gối, đi xuống dọc trước phụ cốt (đầu xương móc), thẳng xuống đến tuyệt cốt (chỗ lõm của xương mác trên mắt cá ngoài 3 tấc), xuống ra ở phía trước mắt cá ngoài, dọc trên mu chân, vào ngón 4 ở giữa hai ngón 4, 5. Nhánh của nó tách từ mu chân, vào đến giữa ngón chân cái, dọc mặt trong xương cốt ngón chân ra ở đầu ngón, vòng xuyên móng chân, ra ở chỗ lông chân (để nối với kinh quyết âm can).

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Mồm đắng hay thở dài tim sườn đau, không quay trở được, nặng thì mặt như hơi có bụi phủ, da không bóng nhuận, mặt ngoài chân ngược lại thấy nóng, đó là dương quyết (khí của kinh thiếu dương thượng nghịch do mộc đởm sinh hỏa). Bệnh do đởm chủ cốt sinh ra (sở sinh bệnh) (Đởm có vị khổ - đắng, khổ đi vào xương, do đó đởm chủ cốt sinh ra bệnh): Đau đầu, đau hàm, đau đuôi mắt, hố trên đòn sưng đau, nách sưng ổ gà, mã đao ở cổ (lao hạch), ra mồ hôi, rét run, sốt rét, đau ở dọc kinh, ngực sườn, háng, gối, xương chày, xương mác (Tuyệt cốt) phía trước mắt cá ngoài và các khớp, ngón chân thứ tư khó cử động. Với bệnh này, nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không thịnh không hư thì lấy huyệt theo kinh. (Kinh) thịnh, mạch nhân nghinh lớn gấp một lần mạch cổ tay, (kinh) hư, mạch nhân nghinh nhỏ hơn mạch cổ tay.

Mạch Túc quyết âm can, bắt đầu từ chòm lông ngón chân cái, dọc theo bờ cao mu chân, cách mắt cá trong 1 tấc, lên trên mắt cá 8 tấc, bắt chéo ra sau mắt thái âm, lên mặt trong khoeo chân, dọc mặt trong đùi, vào lông mu, đi quanh bộ phận sinh dục ngoài, đến bụng dưới, đi song song với kinh vị, thuộc (về) can liên lạc với đởm, đi lên xuyên cơ hoành, phân bố ở cạnh sườn, đi dọc sau hầu họng rồi vào vòm họng, nối với hệ mạch của mắt, lên trán (vùng não) và hội với mạch đốc ở đỉnh đầu (Bách hội). Nhánh của nó, từ hệ mạch ở mắt xuống phía trong má, vòng quanh môi...Nhánh của nó, từ can tách ra 1 nhánh xuyên cơ hoành và tưới vào phế.

Bệnh của kinh do ngoại tà (thị động): Họng đau, không cúi ngửa được, ở nam thoát vị bìu, ở phụ nữ thiếu phúc thũng (thoát vị bẹn), nặng thì họng khô, mặt như đầy bụi, mất sắc. Bệnh do can (sở sinh bệnh): Ngực đầy, nôn, khí nghịch, ỉa phân sống, hồ sán (tinh hoàn lên bụng), đái dầm hoặc bí đái. Với bệnh trên, nếu thịnh thì tả, hư thì bổ, nếu nhiệt thì châm nhanh, nếu hàn thì lưu kim, nếu lõm xuống thì cứu, nếu không thịnh không hư thì lấy huyệt theo kinh. (Kinh) thịnh, mạch cổ tay lớn gấp 1 lần mạch nhân nghinh, (kinh) hư, thì mạch cổ tay nhỏ hơn mạch nhân nghinh.

Mạch khí của kinh thủ thái âm phế tuyệt, thì da lông khô (do không được nuôi dưỡng). Thái âm phế (có chức năng) hành khí, làm ấm da lông. Nếu phế khí không vinh (đủ), (không thể vận chuyển dinh dưỡng) thì da lông sẽ bị khô. Da lông khô thì da, khớp bị thiếu tân dịch. Tân dịch ở da thiếu thì móng khô, lông gẫy rụng, lông gẫy rụng là lông đã chết trước. Nếu bệnh tình gặp vào ngày "bính" sẽ thành nặng, gặp vào ngày "đinh" sẽ chết (vì bính đinh thuộc hỏa, phế thuộc kim), hỏa khắc kim vậy.

Mạch khí kinh Thủ thiếu âm mà tuyệt thì mạch không thông, mạch không thông thì huyết không chảy, huyết không chảy thì tóc không bóng, sắc mặt không nhuận. Nếu sắc mặt đen như sơn gỗ, là huyết đã chết trước. Nếu gặp ngày "nhâm" sẽ nặng lên, gặp ngày "quý" sẽ chết (vì nhâm quý thuộc thủy, tâm thuộc hỏa), thủy khắc hỏa.

Mạch khí kinh Túc thái âm tỳ mà tuyệt thì mạch không nuôi dưỡng được cơ nhục. Môi lưỡi là gốc của cơ nhục. Mạch không vinh (vận chuyển phân bố dinh dưỡng) thì cơ nhục sẽ mềm nhẽo. Cơ nhục mềm nhẽo thì lưỡi teo, nhân trung đầy (da ở nhân trung khẩn cấp), nhân trung đầy thì môi phản (vêu ra) môi phản là thịt đã chết trước. Nếu gặp ngày "giáp" sẽ nặng lên, gặp ngày "ất" sẽ chết (vì giáp ất thuộc mộc, tỳ thuộc thổ), mộc khắc thổ vậy.

Mạch khí của kinh Túc thiếu âm thận mà tuyệt, thì xương khô. Mạch thiếu âm là mạch của mùa đông (thạch), nó phục sâu và nhuận xương tủy. Xương không nhuận thì cơ không có chỗ bám. Cốt nhục mà không tương thân thì thịt mềm nhẽo, thịt mềm nhẽo thì răng dài (do lợi teo) ra, bựa nhiều, tóc không bóng. Tóc không bóng là xương đã chết trước. Nếu gặp ngày "mậu" sẽ nặng, gặp ngày "kỷ" sẽ chết (vì mậu kỷ thuộc thổ, thận thuộc thủy), thổ khắc thủy vậy.

Mạch khí của kinh Túc quyết âm can tuyệt, thì cân tuyệt (không còn năng lực hoạt động). Kinh quyết âm là mạch can, can là hợp của cân. Cân tụ ở âm khí (bộ phận sinh dục ngoài) và (thông qua kinh mạch) liên lạc với gốc lưỡi. Nếu mạch không được nuôi dưỡng thì (can huyết hư) làm gân co quắp, gân co quắp làm lưỡi và tinh hoàn chun lại. Nếu môi xanh tái, lưỡi rụt, tinh hoàn co lên là cân đã chết. Nếu gặp ngày "canh" sẽ nặng, gặp ngày "tân" sẽ chết (Vì canh tân thuộc kim, Can thuộc mộc), kim khắc mộc vậy.

Mạch khí của 5 âm (kinh âm - tạng) đều kiệt, thì hệ mạch của mắt chuyển, chuyển thì mắt vận (đầu váng mắt hoa), mắt vận (động) là chí đã chết trước, chí mà chết trước thì 1,5 ngày sau sẽ chết.

Mạch khí của 6 dương (Kinh dương - Phủ) mà tuyệt, thì âm và dương phân ly, phân ly thì thấu lý phát tiết (lỗ chân lông, da không khỏe) vã mồ hôi hột (tuyệt hãn - đó là chứng nguy cấp), nếu buổi sáng có hiện tượng đó thì chiều nhất định chết, nếu chiều có chứng đó thì sớm mai nhất định chết.

Mười hai kinh mạch, ẩn phục ở trong, đi giữa các cơ, ở sâu nên không nhìn thấy. Phần mạch có thể nhìn thấy là đoạn thái âm chân đi qua mắt cá ngoài (nên hiểu là thái âm tay đi qua mỏm châm quay) vì chỗ này là xương không có cơ che chở. Những mạch nổi có thể nhìn thấy đều là mao mạch. Trong các lạc của 6 kinh dương, rõ nhất là đại lạc của thủ dương minh, thiếu dương, bắt đầu ở giữa 5 ngón tay, lên hợp ở khuỷu.

Người uống rượu mới đầu vệ khí đi ở da, làm dầy lạc mạch trước và lạc mạch thịnh trước nhất. Cho nên khi vệ khí đã bình (đầy tràn) làm dinh khí cũng đầy và kinh mạch rất thịnh (khí huyết rất nhiều). Khi mạch đột nhiên động (thịnh) (trong trường hợp không uống rượu) lạ thường, là tà khí đã xâm nhập và lưu ở trong kinh mạch từ gốc đến ngọn. Nếu không có động thì (tà khí còn ở biểu lạc và sinh ra) sốt. Nếu lạc mạch không (chắc chắn) liên (cố) thì bị hãm xuống (tà khí truyền sâu vào kinh mạch, do lúc đó kinh khí trong mạch) như rỗng không, không giống với chỗ khác. Ta có thể dựa vào đó để tìm kinh mạch nào đang động.

Lôi Công: Tôi không biết làm sao cho rõ vấn đề trên.

Hoàng đế: Vì các lạc mạch đều không đi qua khoảng giữa các khớp lớn, mà đi theo tuyệt đạo (đường khác mà kinh mạch không đi), liên lạc với nhau, rồi lại hợp ở da, làm cho (ta nhìn thấy) sự hội tụ của chúng ở bên ngoài. Vì vậy, nếu chích lạc mạch (có bệnh) thì phải chích đúng chỗ kết của nó, nơi có máu ứ nhiều nhất. Tuy không có chỗ kết đó, cũng cần lấy gấp lạc mạch, chích nặn máu để đuổi tà khí ra ngoài. Nếu để huyết ứ lưu ở đó, có thể thành chứng tý. Khi xem xét lạc mạch, nếu thấy mạch xanh là hàn và đau, đỏ là có nhiệt. Nếu vị hàn thì lạc ở (mô cái) thường xanh, vị nhiệt thì lạc ngư tế (mô cái) đỏ. Nếu nó đột nhiên có mầu đen là bệnh tý mãn tính. Nếu có các mầu đỏ, đen, xanh, là khí có hàn nhiệt. Nếu lạc mầu xanh, ngắn, là khí ít. Châm chữa hàn nhiệt đều chích huyết lạc ở nông (vì bệnh ở nông), cách ngày châm 1 lần, cho đến khi lạc ra hết huyết ứ (ác huyết) rồi sẽ điều hòa lại trạng thái hư thực. Nếu lạc nhỏ mà ngắn, là khí ít, nếu khí quá ít (bệnh nặng) mà lại tà sẽ gây ngực khó chịu (muộn), ngực khó chịu quá sẽ có thể ngã, không nói được. Khi ngực khó chịu thì cho ngồi dậy ngay.

Biệt (nhánh) của Thủ thái âm là Liệt khuyết. Bắt đầu từ phân gian (giữa gân và xương) ở trên cổ tay, đi song song với kinh thủ thái (Là thiếu mới đúng) âm, thẳng xuống lòng bàn tay và phân tán ở mô cái. Bệnh của nó nếu thực thì nóng ở lòng bàn tay, và vùng mỏm xương (quay) nếu hư thì há mồm hắt hơi, đái nhiều lần, đái són. Lấy Liệt khuyết ở sau cổ tay 0,5 tấc để chữa (hiện dùng 1,5 tấc). Tách ra liên lạc với kinh Thủ dương minh.

Biệt (nhánh) của Thủ thiếu âm là Thông lý. Tách ra từ sau cổ tay 1,5 tấc đi lên theo với kinh chính vào trong tim, rồi lên cuống lưỡi, thuộc (về) hệ mạch của mắt. Nếu thực thì có chi cách (ngực, cơ hoành khó chịu), nếu hư thì không nói được. Lấy huyệt Thông lý sau lòng bàn tay 1,5 tấc để chữa. Tách ra đi đến kinh Thủ thái dương.

Biệt (nhánh) của tâm chủ (quyết âm) là Nội quan, tách từ trên cổ tay 2 tấc ra ở giữa 2 gân, dọc kinh đi lên, vào tâm bào lạc. Hệ mạch ở tâm thực thì đau tim (trong Giáp ất kinh: đầu cứng thay bằng tâm phiền).

Biệt (nhánh) của Thủ thái dương là Chi chính, tách từ trên cổ tay 5 tấc, tưới vào kinh Thủ thiếu âm, nhánh của nó, đi lên khuỷu, liên lạc với Kiên ngung. Nếu thực thì khớp lỏng lẻo, khuỷu không động đậy, hư thì mọc mụn cơm, nhỏ thì như nốt ghẻ ở ngón tay. Lấy chỗ tách ra (Chi chính) để chữa.

Biệt (nhánh) của Thủ dương minh là Thiên lịch, từ trên cổ tay 3 tấc tách ra đi vào Thái âm. Nhánh của nó, đi lên dọc cánh tay, đến Kiên ngung lên góc hàm, vào chân răng. Nhánh của nó vào tai, hợp lại với tông mạch (mạch chính ở vùng này). Nếu thực thì răng sâu, điếc, hư thì răng lạnh, tý cách (cơ hoành bị tý). Lấy chỗ tách ra Thiên lịch để chữa.

Biệt (nhánh) của Thủ thiếu dương là Ngoại quan, tách từ ở trên cổ tay 2 tấc, ra ngoài, vòng cánh tay tưới vào ngực, hơn ở tâm bào. Bệnh thực thì khuỷu tay co, hư thì (duỗi) không co được. Lấy chỗ tách ra Ngoại quan để chữa.

Biệt (nhánh) của Túc thái dương là Phi dương, từ trên mắt cá ngoài 7 tấc, tách ra đi vào Thiếu âm. Nếu thực thì ngạt mũi, đau đầu lưng, hư thì chẩy máu mũi. Lấy chỗ tách ra (Phi dương) để chữa.

Biệt (nhánh) của Túc thiếu dương là Quang minh, từ trên mắt cá ngoài 5 tấc tách ra đi vào Quyết âm, xuống liên lạc với mu chân. Nếu thực thì quyết lạnh, hư thì teo cơ đi lại khó, do chân yếu ngồi không đứng lên được. Lấy chỗ tách ra để chữa (Quang minh).

Biệt (nhánh) của Túc dương minh là Phong long. Từ trên mắt cá ngoài 8 tấc tách ra đi vào Thái âm, nhánh của nó dọc bờ ngoài xương chày, lên trên liên lạc với đầu gáy, hợp với kinh khí của các kinh ở vùng đó, xuống liên lạc với hầu họng. Bệnh do khí nghịch thì đau hầu (hầu tý) đột nhiên mất tiếng. Nếu thực thì cuồng điên, hư thì chân không co được, hĩnh (cẳng chân - xương chày) teo khô. Lấy chỗ tách ra (Phong long) để chữa.

Biệt (nhánh) của Túc thái âm là Công tôn. Từ sau khớp bàn ngón chân cái 1 tấc tách ra đi vào dương minh. Nhánh của nó vào liên lạc với trương vị. Quyết khí thượng nghịch (khí lạnh nghịch lên) thì thổ tả, thực thì đau như cắt ở trong ruột, hư thì cổ chướng. Lấy chỗ tách ra (Công tôn) để chữa.

Biệt (nhánh) của Túc thiếu âm là Đại chung, vòng ở gân gót sau mắt cá trong tách ra đi vào Thái dương. Nhánh của nó, cùng kinh thiếu âm đi lên khoảng dưới tâm bào, hướng ra ngoài xuyên cột sống thắt lưng. Bệnh của nó khí nghịch thì phiền muộn, thực thì đái bí, hư thì đau thắt lưng. Lấy chỗ tách ra (Đại chung) để chữa.

Biệt (nhánh) của Túc quyết âm là Lãi câu. Từ trên mắt cá trong 5 tấc, tách ra đi vào thiếu dương. Nhánh của nó dọc xương chày lên tinh hoàn, kết ở dương vật. Bệnh của nó khí nghịch thì tinh hoàn cứng, đột nhiên đau thoát vị. Nếu thực thì dương vật cương dài, hư thì vùng sinh dục ngoài rất ngứa. Lấy chỗ tách ra (Lãi câu) để chữa.

Biệt (nhánh) của mạch nhâm là Vỹ ế (Cưu vỹ), từ dưới mũi kiếm phân tán ra bụng. Nếu thực thì da bụng đau, hư thì ngứa. Lấy nơi tách ra (Cưu vỹ) để chữa.

Biệt (nhánh) của mạch đốc là Trường cường. Kẹp xương cùng đi dọc lên gáy phân tán ở trên đầu, xuống hai bên bả vai, ở đó tách ra đi đến thái dương, xuyên vào xương cùng. Nếu thực thì cứng cột sống, hư thì nửa đầu nặng, ngửng cao đầu thì quay cuồng. Nếu dọc cột sống có bệnh tà (tà khí) thì lấy chỗ tách ra (trường cường) để chữa.

Đại lạc của Tỳ là Đại bao, tách ra ở dưới Uyên dịch 3 tấc, phân bố ở ngực sườn. Nếu thực thì mình đau như dần, hư thì mọi khớp rã rời. Nếu mạch này như một mạng lưới máu ứ thì lấy huyệt đại lạc của tỳ (Đại bao) để chữa.

Trên đây là 15 lạc, nếu thực thì phải nhìn thấy, hư thì lõm xuống. Không nhìn thì thấy cần tìm các huyệt ở trên và dưới (để xác đinh). Do kinh mạch của mỗi người không giống nhau, nên chỗ tách ra của lạc mạch không giống nhau.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >