Trang chủ arrow Trang chủ
Hồ Tây
15/06/2017
Đời Hán, hồ có tên là Lãng bạc, đời Trần, tên là Dâm đàm, ở phía tây huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, giáp giới huyện Từ Liêm, tỉnh Sơn Tây, sông Nhị ôm phía bắc, Tô Lịch quanh phía nam.

Tương truyền thời cổ nơi đó có núi đá nhỏ. Trên núi có hồ tinh chín đuôi nhiễu hại dân chúng; thần Long Đỗ tấu lên Thượng Đế. Đế nổi giận sai Long Vương đánh chết. Vương kéo thủy tộc ngược dòng sông Nhị, lên bắt hồ tinh; núi sụt thành đầm.

Mã Viện đời Hán đóng quân tại đó. Đến niên hiệu Hàm Thông đời Đường, Cao Biền sang phá những thắng địa của nước Nam ta, đến đó thấy kiểu đất Phượng Hoàng ẩm thủy liền làm sớ tâu về triều; lại xuống Sơn Nam, khai sông làm đứt long mạch, có Thần núi (hóa trâu vàng) chạy ẩn vào hồ, liền thành nơi linh tích cũ.

Ngày kia, vua Anh Tông triều Lý ngự thuyền chơi hồ, có Thái sư Lê Văn Thịnh dùng ảo thuật hóa ra hình hổ, đến bức thuyền ngự, Mục Thận liền quăng lưới chụp, phá được gian kế. Nay trên hồ có đền thờ Mục Thận.

Đến triều Lê kiêng húy mới đổi làm Tây Hồ. Chúa Trịnh sai trồng sen trong hồ để làm nơi ly cung thưởng ngoạn, lại cùng họp các bậc từ thần xướng họa thơ phú.

Cuối đời Cảnh Hưng, nước hồ trở nên tanh hôi khiến người không chịu nổi; sen trong hồ cũng tàn lụi hết. Chưa bao lâu, xảy ra cuộc thay triều đổi họ. Ôi! có lẽ khí thiêng của non sông cây cỏ hiện ra điềm báo trước đó chăng?

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >