Trang chủ arrow Tản mạn arrow DƯƠNG QUÝ PHI TẮM SUỐI
DƯƠNG QUÝ PHI TẮM SUỐI
06/03/2008

 Nhữug truyền thuyết ghi lại trong sách vở Trung Hoa đã cho thấy vẻ đẹp của Dương Quý Phi, một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Và chính cái vẻ đẹp của một trong TỨ ĐẠI MỸ NHÂN ẤY đã khiến cho Đường Minh Hoàng (Tức Đường Huyền Tông 唐玄宗, 685 - 762), vị hoàng đế đã có một thời trẻ trai oanh liệt phải sa đắm vào vòng sắc dục mê nhân.

Tập "Tây Bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) có chép truyện "Quái Nham Quí phi tuyền dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quí Phi tắm suối ở Quái Nham.

Quái Nham có nghĩa là hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nơi này ít có dấu chân người đặt đến. Thân núi cao vót, vách đá cheo leo. Người nào hiếu kỳ muốn lên được trên núi phải bám mỏm đá, bíu dây song chuyền thân cây, phải giữ từng ly từng tí, chật vật khó khăn, mệt đứt hơi, sợ hết hồn mới lên đến đỉnh. 

Dãy núi nguy nga cao vút, đá xếp ngổn ngang, to bằng cả mái nhà, nhỏ bằng tấm ghế. Hình thế nói chung từ trên dốc xuống, chông chênh. Lối lên thì quanh co, chật hẹp. Vậy mà giữa khoảng lưng chừng, có một cái hang, rộng và thoáng đãng.

Cái hang đó càng vào trong càng rộng, trong cùng có một bãi đất lộ thiên độ vài chục mẫu, cỏ mọc xanh um. Đó đây, kì hoa dị thảo, quái thạch đủ màu sắc phô bày, bên những dòng suối  dài uốn lượn, róc rách ngày đêm, sâu hàng trượng, nước trong vắt, trông rõ đến đáy.

Ở vách phía Đông, có một hàng chữ to, đậm màu sương kính "Dương Quí Phi tuyền dục diễm tích" nghĩa là "Dấu vết xinh đẹp khi Dương Quí Phi tắm suối". Đây là một khoảng vách đá dài độ mươi trượng, rộng độ hai trượng có nhiều bức vẽ đều từng lúc Dương Quí Phi tắm suối thế nào. Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù màu có hơi nhạt nhưng nét vẫn còn rõ ràng như mới.

Tất cả chừng 10 bức vẽ miêu tả vẻ đẹp của Dương Quý Phi và lão hoàng đế Đường Minh Hoàng, được tạc từ năm sáu trăm năm nay mà vẫn xinh tươi vẻ đẹp của một mỹ nhân vô tiền khoáng hậu. Qua đó cũng thấy cảnh vui vầy của đôi uyên ương một trẻ một già nơi cùng cốc.

Dưới những bức họa ấy có đề ngày tháng năm đã vẽ ghi cái diễm tích ấy. Tức là ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ mười (Dương lịch 752).

Những bức họa ấy được làm theo truyền thuyết về nàng Dương Quí phi thích đi tắm suối. Mỗi lần đi phải phí tổn cả hàng vạn bạc. Nghe nói trên đỉnh Quái Nham có nhiều cảnh đẹp, có suối trong khác thường, ai tắm sẽ được trường thọ vô cương. Vừa tham sống, vừa ưa thú hoang sơ nên nàng đã đòi Đường Minh Hoàng cho thỏa chí.

Trong cơn say mê, Minh Hoàng không quản khó nhọc, bất chấp thị phi,  xuống chỉ cho quan lại địa phương bằng mọi giá làm cho được con đường lên núi trong vòng nửa tháng. Nếu hoàn thành thì trọng thưởng, trái lệnh thì rơi đầu.

Tiếp chỉ, quan địa phương xiết bao lo sợ, đốc thúc nhân tài vật lực. May có người hiến kế tết dây mây làm cầu, chôn hai cây to dưới đất, rồi từ đó các đợt cầu mây cứ kế tiếp nối nhau đến tận cửa hang. Vì phải làm gấp và leo trèo khó khăn nên tốn kém có hơn 10 vạn lạng bạc và số nhân công sơ ý ngã xuống vực sâu chết có đến hàng trăm ngàn.

Cầu làm xong, Minh Hoàng và quí phi lên được đến nơi tiên cảnh. Để lưu hình tích cho cuộc tình nơi hoang dã,  Đường Minh Hoàng ra lệnh cho thợ khéo, vẽ lại diễm tích trên núi cao.

Thế là chỉ để thỏa mãn cái nhu cầu gột rửa bụi trần của mỹ nhân, có nhiều người hưởng lộc, có nhiều kẻ ngậm ngùi, có bao tang thương đã vùi dập lên đầu kẻ phu phen phục dịch.

"Tưởng cái diễm tích ấy bị vùi dập trong cái hang bí mật đã trên ngàn năm nay, và câu chuyện vì cái thú phong lưu "tai ác" giết hại mạng người ấy chìm trong dĩ vãng đen tối, không ngờ bị quyển "Tây bắc thảm kỳ" chép lại cuộc du hí của hàng vương giả, vô tình tố cáo với thế nhân".

Nguyễn Hạnh (Theo những chuyến viễn du) 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >