Trang chủ arrow Tản mạn arrow THƯỜNG THỨC VỀ TỔ TÔM VÀ ĐÁNH CHẮN
THƯỜNG THỨC VỀ TỔ TÔM VÀ ĐÁNH CHẮN
15/02/2008

Tổ Tôm là một trò chơi bài lá dân gian phổ biến của người dân Việt Nam, có lẽ được du nhập từ Trung Quốc. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "Tụ Tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách. Trong các ngày lễ, Tết, Tổ Tôm thường được nam giới và người già chơi vì nó có một số luật khá khó, nhiều nước biến hoá, thanh niên và phụ nữ thời xưa ít chơi. Tổ Tôm không phổ biến và bình dân bằng trò chơi Tam Cúc. Do Tổ Tôm khá khó nên người xưa có câu ca dao đề cao Tổ Tôm, nó thể hiện trình độ và cái oai phong của bậc quân tử :

  

Làm trai biết đánh Tổ Tôm
Uống chè mạn hảo xem nôm Thuý Kiều

Cũng có tài liệu nói rằng Tổ Tôm xuất phát từ Nhật Bản do các hình vẽ đều là hình vẽ theo kiểu của Nhật, theo lối tranh mộc bản (mokuhan) đơn giản và tất cả các nhân vật đều mặc "Kimono" thời Edo (trước khi Nhật hoàng Minh Trị lên ngôi và trị vì 1868-1912), trong số này có 18 hình đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép, trái đào, thành, thuyền cũng là những hình ảnh rất Nhật.

Bài Tổ Tôm có 120 quân, gồm có 3 hàng Vạn (萬), Văn (文), Sách (索). Các hàng quân này được viết bằng chữ Nho và cách nhận biết 3 hàng quân này theo câu "Vạn vuông, Văn chéo, Sách loằng ngoằng". Bên phải các quân bài có chữ số từ Nhất đến Cửu. Loại quân đặc biệt có tên gọi là Thang Thang, Lão và Chi Chi. Các quân bài đều có hình minh họa, có thể ghi nhớ bằng hình nếu như không thuộc được hết chữ Nho. Bài Tổ Tôm cũng được làm bằng bìa, mặt sau giống hệt nhau để tránh lộ bài.

Có hai cách chơi đánh chắn, trong dân gian gọi là Bí tứ : chơi chắn 4 người và Bí ngũ : chơi chắn 5 người. Mục đích của trò chơi này là làm tròn bài thông qua chắn và cạ cùng với việc ăn bài theo giá trị của các hàng quân mà bài của mỗi người có thể tiến tới ù.

Trong đánh chắn, bộ bài Tổ Tôm sẽ bị bỏ bớt đi hàng Nhất và hàng Yêu (quân Thang Thang và Lão). Như vậy, bộ bài bây giờ chỉ còn 100 quân, gồm các quân có số Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu (mỗi số đều có 3 hàng Vạn, Văn, Sách, mỗi hàng 4 quân) và Chi Chi (chính là hàng Nhất Văn, có 4 quân). Trong 100 quân có 20 lá bài đỏ (các quân Bát Sách, Bát Vạn, Cửu Sách, Cửu Vạn và Chi Chi) và 80 lá bài trắng (các quân bài còn lại).

Một số thuật ngữ

Chắn : là hai lá bài giống hệt nhau cả về hàng lẫn số. Ví dụ : hai lá bài lục Vạn tạo thành 1 chắn lục Vạn, hai lá bài thất Sách tạo thành 1 chắn thất Sách.

Cạ : là hai lá bài giống nhau về số nhưng khác hàng. Ví dụ : hai lá bài tam Văn và tam Sách tạo thành cạ tam Văn-Sách.

Ba đầu : là ba lá bài cùng số nhưng khác hàng. Ví dụ : tam Văn, tam Sách, tam Vạn được gọi là ba đầu tam.

Cửa trì: là cửa ở bên tay phải người chơi. Đây là cửa người chơi được ưu tiên khi ăn quân và ù.

Tríu: Khi có một người nào đó đánh một quân, mà trên tay người chơi cùng đã có 3 quân cùng tên, cùng số thì người này có quyền lấy lá bài đó về và đánh trả lại một bài khác vào cửa đó. Trong trường hợp này quyền ưu tiên ăn quân ở cửa trì không áp dụng.

Thiên khai: trên bài có 4 quân giống nhau.

Ăn bòn: từ một chắn trên bài, tách ra, ăn thêm được hai chắn để dưới bài. Trường hợp, ăn thêm một chắn mà ù thì gọi là ù bòn.

Lá què : là những lá bài không thể xếp lại với nhau thành chắn hoặc cạ.

Tôm: Là một nhóm quân gồm thất văn, tam sách, tam vạn

Lèo: là một nhóm quân gồm cửu Vạn, bát Sách, Chi Chi

Ù bạch thủ: khi đã có 5 chắn, và ăn thêm được 1 chắn nữa để ù. Với lá bài chờ ù là Chi Chi, thì chỉ được chờ bạch thủ. Có nghĩa là khi ù, tính cả chắn ù, là 6 chắn và còn lại là 4 cạ.

Bạch định: là bài không có một quân đỏ nào.

Tám đỏ: khi ù, bài có 8 quân màu đỏ.

Thập thành: là khi ù, bài ù có 10 chắn.

Tôm: Là một nhóm quân gồm thất văn, tam sách, tam vạn.

Ù thông: khi ù ván thứ hai liên tiếp.

Hoa rơi cửa Phật: là trường hợp khi bài dưới chiếu có một chắn ngũ Vạn hoặc cạ ngũ trong có ngũ Vạn, người chơi lại bốc lên được lá bài nhị Vạn (hình cánh hoa đào) đúng ở cửa trì.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >