Tứ Hải giai huynh đệ
Tháng Tư 26, 2024, 06:40:03 AM *
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.
Hay bạn đã đăng ký nhưng quên mất email kích hoạt tài khoản?

Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát
Tin tức:
 
 Trang chủ Tứ Hải  Trang chủ diễn đàn   Trợ giúp Tìm kiếm Lịch Thành viên Đăng nhập Đăng ký  
Trang: [1]   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: BÁNH CHƯNG  (Đọc 4024 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lamvt
Khách
« vào lúc: Tháng Mười Một 01, 2007, 03:22:47 PM »

Là một món ăn dân tộc, thành phần không thể thiếu được trong các dịp lễ tết, lễ vật cúng tổ tiên của người Việt Nam. Trong dịp Tết nguyên đán, mỗi gia đình đều chuẩn bị một cặp bánh chưng thật đẹp và ngon đặt trên bàn thờ gia tiên nhà mình.








Bánh chưng có hình dạng vuông, trừ ở Nam bộ gói dài gọi là bánh tét, có màu xanh của lá tượng trưng cho Đất theo quan niệm Âm-Dương Trời tròn đất vuông.

Theo truyền thuyết bánh chưng - bánh dày xuất hiện vào thời Hùng Vương, do hoàng tử Lang Liêu dâng lên vua cha trong lễ mừng thọ và được nhường ngôi.

Gói bánh chưng quả là một quá trình phức tạp và đầy công phu. Trước hết gạo nếp để gói bánh phải chọn được loại ngon, ngâm kĩ. Nhân bánh gồm thịt lợn có đủ cả bì,mỡ, nạc và đậu xanh đều hạt  ngâm, đãi sạch vỏ. Lá dong để gói bánh phải là những lá to bản, lành lặnh và phải còn tươi xanh. Khi gói, không chặt quá và cũng không được lỏng quá. Bánh gói xong cho vào nồi luộc khoảng trên mười tiếng liên tục. Luộc bánh phải bằng củi, mùn cưa, trấu, lửa cháy phải đều thì bánh mới dền và ngon.

Ngày nay, do đòi hỏi cơ cấu mùa vụ nên quanh năm có gạo nên lúc nào cũng có bánh chưng để ăn. Nhưng miếng bánh chưng ngày Tết mới thực là ngon nhất. Lúc này ăn kèm với bánh chưng còn nhiều món ăn khác của ngày Tết như: Giò lụa, hành muối chua…cộng với cảnh sắc xuân mai đào đua thắm.

Theo truyền thống dân tộc, trước Tết vài ba ngày, bên bếp lửa hồng, cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng ôn lại chuyện cũ và chuẩn bị đón chào năm mới với niềm hi vọng chứa chan vào những điều tốt đẹp sẽ đến.

Bánh chưng

Một trong những đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết Việt Nam là bánh chưng xanh. Bởi vậy tục ngữ Tết của ta có câu:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

Bánh chưng là một thứ bánh đặc biệt hoàn toàn Việt Nam, làm bởi gạo nếp đậu xanh, thịt mỡ, tiêu, hành, gói bằng lá dong hay lá chuối rồi "chưng" lên (hay nấu, luộc) trong nhiều tiếng đồng hồ cho chín nhừ.

Cứ vào dịp Tết, người ta gói bánh chưng và làm bánh dầy cúng tổ tiên để tưởng nhớ tới công ơn tiền nhân hoặc để biếu Tết lẫn nhau. Ở nhiều địa phương, bánh dầy còn là lễ vật để tế thần ở đình của làng nữa. Đây là thứ bánh dầy thật lớn, có khi to bằng cái mâm, ngoài ra trước đây, bánh dầy còn dùng làm lễ vật trong các lễ cưới hỏi.
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 06, 2014, 06:33:10 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
CẦU VỒNG LỬA
Newbie
*
Offline Offline

Bài viết: 6



Email
« Trả lời #1 vào lúc: Tháng Tư 27, 2008, 08:11:39 PM »

Bánh chưng rán


Nhà đã chuyển sang món bánh chưng rán. Theo thường lệ, cứ ăn đến bánh chưng rán, biết lại sắp đến rằm. Năm nào chả thế, sau Tết Nguyên đán là Tết Nguyên tiêu, người ta lại có cớ để bày biện, dở món, rủ rê bát đĩa.

Các cụ vẫn bảo "cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng". Thế nên có nhà vẫn còn để dành bánh chưng chờ rằm, hoặc gói loạt mới, hoặc mua thêm. Nhà nào còn nhiều bánh chưng quá, sẽ mang luộc lại. Nhưng dường như ai cũng thích ăn bánh chưng rán hơn.

Bánh chưng rán thường là món bánh chưng sau những ngày trời lạnh, bánh đã rắn lại, nói chính xác là bị "lại gạo", phải đem rán. Ngay cả khi trời không lạnh mà ấm, nồm, thì bánh chưng cũng dễ thiu, dễ hỏng, do vậy món bánh chưng rán càng đến sớm hơn. Sau những ngày Tết chán chê thịt thà, bánh kẹo, dầu mỡ, đồ nếp... món bánh chưng rán nóng và mềm, có vỏ cháy vàng, giòn, ít ngấm dầu mỡ, có mùi thơm lại trở thành khoái khẩu, ăn nhiều cũng không ngán.

Bóc hết đi lớp lá dong bắt đầu ngả màu, dấp dính, có thể xắt miếng hoặc để nguyên cả chiếc cho vào chảo dầu. Ai thích ăn nhiều "vỏ", có thể dùng muỗng đánh cho dẹt xuống, vỡ ra đám nhân thịt, đậu xanh, đợi cho vàng giòn lớp vỏ rồi lật bánh. Bánh chưng đánh càng dẹt, lớp vỏ giòn càng nhiều. "Hay ăn thì lăn vào bếp", vừa rán vừa tranh thủ gắp vài miếng bùi bùi, thú lắm. Ngửi những mùi thơm bánh chưng rán từ bếp bay ra cũng thấy Tết nhất làm sao.

Ngày trước, thời còn đi học, những năm 198x, 199x, tháng Giêng, bọn trẻ thường xao nhãng hơn chuyện học hành. Sáng đến lớp thường mặc quần áo mới may đã mặc trong Tết, khoe nhau nhận được bao nhiêu tiền mừng tuổi. Rồi mang pháo tép, pháo quả thừa từ Tết đến trường, thỉnh thoảng dấm dúi đốt nổ đì đọp, mặc lệnh cấm của thầy hiệu trưởng. Lại còn mang theo cả bánh, mứt, hạt hướng dương thừa từ nhà đến lớp, chia nhau rồi kể chuyện Tết nhà tao, xóm tao, phố tao thế này thế kia chí chóe cả một góc cầu thang...

Và trong những hồn nhiên ấy, hẳn không thể thiếu chuyện chúng sẽ khoe khoang với nhau: nhà tao còn xyz cái bánh chưng, rồi hỏi xem nhà mày, nhà nó còn bao nhiêu chiếc. Rồi khi tan lớp, chúng thường rủ nhau về nhà một đứa nào đấy xem hoa đào nở, xem cái lọ lục bình cắm mấy cành hoa nở muộn. Sau những trò mải chơi thì lại chạy quáng quàng về nhà, đòi mẹ bóc rán bánh chưng lên ăn.

Bây giờ ít nhà gói nhiều bánh chưng, phong trào gói bánh cũng không còn rầm rộ như trước nữa, nhiều nhà cũng chỉ mua 1 - 2 chiếc cho có. Người ta cũng ngại cả bắc bếp lên rán bánh chưng, rất cách rách. Trẻ con lúc nào cũng vui như thế, ngay cả trước Tết và sau Tết, nhưng chúng có quá nhiều thứ để thích, để chơi, để ăn. Chẳng biết có còn đứa bé nào, trong những buổi sáng sớm trời còn lạnh, ngồi cạnh mẹ trong bếp ấm chờ rán bánh chưng chén xong rồi mới đến trường... Giờ ra chơi chạy nhảy, vị bánh chưng còn ợ lên nóng hết cả cổ. Tan học cũng muốn mau về nhà, vì biết chắc chắn mẹ vẫn còn phần cả một miếng bánh to trong góc chạn, để chỉ kịp quăng cặp sách, là mở ra "xực" liền.

Dư vị Tết nhất sẽ còn lại đến sau rằm. Khi món bánh chưng rán ngót đi rồi, nhà sẽ phá mứt, phá mâm ngũ quả, những chai rượu Tết, rượu màu, phá đi những hộp bánh hộp kẹo trên bàn thờ. Bọn trẻ con bao giờ cũng chờ mong những ngày này. Cứ đi học về là nhìn bàn thờ, thỉnh thoảng nhón xuống vài quả quất, rồi mong mỏi không biết đến khi nào thì những người lớn trong nhà "hạ lệnh", để sẵn sàng chia chác. Những chiếc bánh kẹo, mứt xanh đỏ, những chiếc vỏ hộp rất đẹp ngày Tết bao giờ cũng có sức hấp dẫn với trẻ thơ.

Món bánh chưng rán dành cho những ngày sau Tết, như là tiếc nuối những ngày Nguyên đán đã thật xa rồi. Với mình, khi ăn đến miếng bánh chưng rán trong nhà nghĩa là đã báo hiệu những ngày đi xa, lại một năm mới biền biệt chờ đón. Cả Tết không động đến miếng bánh chưng, giờ sắp đi mới lại gắp lên miếng bánh để thấy ngậm ngùi. Thấy bao công lao của mẹ mình. Từ ngâm gạo, rửa lá, đãi đỗ, chẻ lạt, gói bánh đến luộc bánh, rồi chiều nay lại hì hụi vào bếp rán bánh chưng. Thấy sao mà thương thế. Thương cả người làm bánh, đến những chiếc bánh Tết nhất trong nhà mấy người ăn, còn lay lắt mãi...

Mà bây giờ thì chẳng thể nào ngồi bên mẹ mỗi sáng sớm, chờ ăn miếng bánh nóng ròn, rồi vù đi học, để 3 - 4 tiết học sau lại chạy ù về, lao vào mở chạn bát, hỏi mẹ ơi nhà còn bánh chưng rán không?
« Sửa lần cuối: Tháng Mười Hai 06, 2014, 06:35:43 PM gửi bởi tuhaibajai » Logged
Trang: [1]   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Phát triển bởi tuhai.com.vn