Điển tích

<< < (3/15) > >>

Nhimxu:
Suốt từ sáng bận quá không có thời gian online, bây giờ nhìn thấy số lượng bài reply Nhím xúc động quá. Đa tạ các anh chị em trên diễn đàn đã ủng hộ nhiệt tình.  Thực ra học thuật là chuyện rất khó, và công phu nữa. Các luận chứng luận cứ với xã hội đều chỉ đúng tương đối. Nhím nghĩ, mình chẳng bao giờ biết hết cả, thôi thì cong ăn cong thẳng ăn thẳng, miễn các anh chị em chấp nhận là được.

Tuy thế, để có format bài viết cho dễ trao đổi, Nhím xin post thêm mấy điển tích để cảm ơn diễn đàn. Vì chúng ta gặp nhau ở đây là DUYÊN, xin lấy chủ đề Duyên trước nhé:

Duyên/ Duyên nợ / Duyên kiếp / Duyên số:

"Duyên": nghĩa nguyên của nó là "đầu mối" (ngày xưa kéo sợi để dệt vải, nơi nắm đầu sợi vải để bắt đầu kéo gọi là "duyên", khi thắt một cái nút ở đó gọi là "đoan"),  ý dùng để chỉ sự khởi đầu cho một chuỗi các diễn biến kéo dài. Về sau có thêm một nghĩa nữa dùng để chỉ một nguyên nhân rất sâu xa cho 1 kết quả (thường kết quả này mang tính hội tụ, gặp gỡ).

Duyên nợ (Duyên trái): Món nợ có từ xa xưa (xa xưa tới mức có thể là từ tiền kiếp hoặc đa tiền kiếp).

Duyên kiếp: Một quãng thời gian trong cuộc đời (kiếp) có nguyên nhân từ xa xưa.

Duyên số: Số phận đã được định đoạt từ trước.

Duyên Tần Tấn: Tần Tấn chi hảo - Nên duyên Tần Tấn
 
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Tả truyện”. Thời Xuân Thu, nhằm tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với nước Tần, Tấn Hiến Công đã đem con gái của mình gả cho Tần Mục Công. Về sau, Tấn Hiến Công khi tuổi về già rất ân sủng Hoàng phi Ly Cơ, bức chết Thái tử Thân Sinh. Ly Cơ lại còn muốn bức hại hai vị công tử là Di Ngô và Trùng Nhĩ, khiến hai người đành phải trốn khỏi nước Tấn. Sau khi Tấn Hiến Công qua đời, con trai của Ly Cơ lên làm vua, nhưng ít lâu sau bị hai vị đại phu trung thành với công tử Di Ngô giết chết. Họ còn cử người đi đón công tử Di Ngô đang sống lưu vong ở nước Lương về làm vua. Công tử Di Ngô được Tần Mục Công cử quân hộ tống trở về nước Tấn. Mấy năm sau, nước Tấn xảy ra nạn đói phải cầu cứu với nước Tần, được Tần Mục Công giúp cho khá nhiều lương thực. Nhưng mặc dù nước Tấn nhiều lần nuốt lời hứa và nói nước Tần những lời dị nghị, Tần Mục Công vẫn rất khoan dung độ lượng, giữ mối bang giao với nước Tấn. Bấy giờ, công tử Trùng Nhĩ đang sống lưu vong tại các nước chư hầu, cuối cùng lưu lạc đến nước Tần. Tần Mục Công rất mến mộ và gả Công chúa Hoài Doanh cho chàng. Công chúa Hoài Doanh thấy Trùng Nhĩ rất coi thường mình liền nói: “Hai nước Tần Tấn địa vị ngang nhau, tại sao chàng lại khinh rẻ tôi?”. Trùng Nhĩ biết mình đã sai, bèn lập tức xin lỗi nàng. Về sau, Tần Mục Công cử người hộ tống Trùng Nhĩ về nước. Cuối cùng Trùng Nhĩ trở thành vua nước Tấn, rồi cũng cho con trai mình lấy con gái vua nước Tần làm vợ. Hai cha con đều thông gia với nước Tần. Câu thành ngữ này vốn nói về hai nước thông gia hữu hảo. Nhưng ngày nay người ta vẫn thường dùng nó để chỉ về hôn nhân nam nữ.

Duyên Châu Trần:

Trung Quốc thời cổ ở huyện Phong thuộc Từ Châu có thôn Châu Trần. Trong thôn chỉ có hai họ Châu Trần đời đời kết hôn với nhau, vì thế trong văn chương Châu Trần thành điển cố để nói về chuyện hôn nhân

Biobo:

Bổ sung một chút nhé:

Công tử Trọng Nhĩ lưu vong

Khi tuổi về già, Tấn Hiến Công chiều chuộng ái phi Ly Cơ, muốn lập con nàng là Khê Tề làm Thái tử, liền bức chết nguyên Thái tử Thân sinh. Hai người con riêng của Tấn Hiến Công là Di Ngô và Trọng Nhĩ thấy Thái tử bị bức hại liền bỏ trốn sang nước khác lánh nạn.

Trọng Nhĩ là người rất có danh vọng tại nước Tấn, khi chàng đi lánh nạn đã có các văn võ tinh anh như Hồ Mao, Hồ Yển, Triệu Suy, Tiên Chẩn, Giới Tử v v đi theo. Trọng Nhĩ sống nhờ ở nước Cảnh được 12 năm, sau vì bị Tấn Huệ Công cử người sang ám sát, chàng lại phải trốn sang nước Tê. Khi chàng đi ngang qua nước Vệ, Vệ Văn Công cho rằng chàng là một công tử vận đen nên không tiếp đãi, khiến chàng phải vừa đi vừa ăn xin suốt dọc đường. Khi đoàn người đến một nơi gọi là Ngũ Lộc, thì thấy một đám nông phu đang ăn cơm trên bờ ruộng, thì cảm giác đói lại càng thêm cồn cào khó chịu, mới đến xin ăn với họ. Có một nông phu riễu cợt liền bốc một nắm bùn đưa cho họ. Trọng Nhĩ rất tức giận, định bảo người đem roi quất nông phu kia, thì đại thần Hồ Yểm vội vàng ngăn lại, nhận lấy nắm bùn và nói rằng: "Có đất là có nước, đất là tượng trưng cho quốc gia, đây há chẳng phải thượng thiên ban điềm lành cho Công tử ư ?". Trong Nhĩ nghe vậy đành phải làm thinh, cười khóc không được tiếp tục lên đường.

Khi đến nước Tề, Tề Hằng Công thiết tiệc khoản đãi Trọng Nhĩ và đem con gái công tộc là nàng Tề Khương gả cho chàng. Trọng Nhĩ ở lại nước Tề được 7 năm và không còn muốn đi đâu nữa, nhưng các đai thần đi theo chàng lại mong muốn trở về nước Tấn, để giúp chàng làm nên sự nghiệp. Một hôm, họ họp mặt trong vườn dâu để bàn cách đưa chàng về nước, thì bị một thị nữ đang hái dâu trên cây nghe được, rồi đến mách với Tề Khương. Nàng mới hỏi Trọng Nhĩ rằng: "Nghe nói, chàng nay mai sắp trở về nước Tấn?". Trọng Nhĩ chối đây đẩy: "Nàng nghe ai nói vậy? Làm gì có việc đó?". Tề Khương liền khuyên rằng: "Tôi không phản đối chàng về nước, chàng cứ yên phận sống ở đây cũng chẳng được tích sự gi, chi bằng sớm trở về làm nên sợ nghiệp có phải tốt hơn không?". Nhưng Trọng Nhĩ nào có chịu nghe theo. Không còn cách nào khác, nàng Khương Tề bèn chuốc rượu cho chàng uống say rồi vực lên xe. Đợi đến khi Trọng Nhĩ tỉnh rượu thì đoàn người đã rời xa nước Tề, chàng lại phải tiếp tục lưu vong.

Trọng Nhĩ cùng đoàn người đi sang nước Tào, Tào Cộng Công và Vệ Văn Công đều rất khinh thường Trọng Nhĩ liền đuổi chàng ra khỏi biên giới. Đoàn người lại phải chạy sang nước Tống. Nước Tống lúc bấy giờ đã bị thiệt hại quá nặng bởi cuộc chiến tranh với nước Sở, không đủ sức lực để giúp đỡ Trọng Nhĩ, chàng lại phải rời nước tống sang nước chạy sang nước Trịnh,Trịnh Văn Công vì vừa kết bang với nước Sở, nên cũng không muốn tiếp đãi, nên chàng lại đành phải rời nước Trịnh chạy sang nước Sở.

Khi tới nước Sở, Trọng Nhĩ được Sở Thành Vương dùng nghi lễ nhà vua đón tiếp. Một hôm, trong khi dự tiệc, Sở Thành Vương nửa đùa nửa thật hỏi Trọng Nhĩ rằng: "Nếu tôi đưa được công tử về nước, thì sẽ lấy gì đền đáp tôi?" Trọng Nhĩ cười đáp rằng: "Ân đức của đại vương không thể lấy kim ngân tài vật để báo đáp. Nhờ hồng phúc đại vương mà tôi được trở về nước Tấn chấp chính, thì tôi sẽ khiến hai nước chung sống hòa mục. Nếu một khi hai nước xảy ra tranh chấp vì lợi ích của mình, thì tôi sẽ rút quân lui về 90 dặm để báo đền ân đức của đại vương". Sở Thành Vương nghe xong chỉ cười nhạt, thì đại tướng Thành Đắc Thần đang ngồi bên đã tức đến nghiến răng nghiện lợi. Đến khi tiệc tan, Thành Đắc Thần mới nói với Sở Thành Vương rằng: "Trọng Nhĩ nay đã ngông như thế, thì rõ là phường vong ơn bội nghĩa, chi bằng giết quách hắn đi để tránh hậu hoạn". Nhưng cũng may là Sơ Thành Vương không đồng ý làm như vậy. Ít lâu sau, Tần Mục Công sai người sang đón Trọng Nhĩ, Sở Thành Vương bèn tiện thể tiễn Trọng Nhĩ cùng đoàn người sang nước Tần.

Tần Mục Công năm xưa từng giúp công tử Di Ngô về nước lên làm vua, nhưng không ngờ Di Ngô lấy ân làm oán trở mặt với nước Tần, giữa hai nước từng xảy ra chiến tranh. Sau khi Tấn Huệ Công mất, còn là Hoài Công kế vị vẫn tiếp tục đương đầu với nước Tần. Do đó, Tần Mục Công mới quyết định giúp công tử Trọng Nhĩ về nước lên làm vua, và gả con gái của mình là Văn Doanh cho Trọng Nhĩ, trở thành "Tần Tấn chi hảo".

Năm 636 trước công nguyên, Tần Mục Công cử quân hộ tống Trọng Nhĩ về nước, chẳng bao lâu thì phá vỡ đô thành nước Tấn, Tấn hoàn Công bị đâm chết, dân nước Tấn cùng lập Trọng Nhĩ lên làm vua, tức Tấn Văn Công.

Trọng Nhĩ sống lưu vong tại nước ngoài 19 năm trời,lần lượt đi khắp 8 nước chư hầu, mãi đến năm 62 tuổi mới lên làm vua. Ông chỉnh đốn chính trị, phát triển sản xuất, khiến nước Tấn nhanh chónh trở nên giàu mạnh. Về sau, trải qua cuộc chiến mang tính quyết định ở Thành Bồ, Tấn Văn Công Trọng Nhĩ cuối cùng đã trở thành bá chủ Trung Nguyên.

Emlacodau:


Nghe bác Nhím bàn về chữ Duyên hơi bị hay, em tát nước theo mưa bài này gọi là một chút vi thiềng:

Bàn về chữ Duyên 緣

Chữ Duyên là chữ làm điêu đứng nhiều người trong thiên hạ. Nhắc đến Duyên, chúng ta hay nghĩ đến chữ "tình duyên", "nhân duyên". Điều ấy có nghĩa là chữ Duyên dù muốn hay không vẫn hay đi kèm với chữ tình, chữ làm nên con người và cũng là hai chữ làm con người xót xa đau khổ thật nhiều trên cõi hồng trần.

Chữ Duyên được định nghĩa trong tự điển Thiều Chửu Online như sau:

Duyên: Nhân, cái nhân kết thành cái gì gọi là duyên. Như duyên cố 緣故 duyên cớ. Nhà Phật cho vì nhân mà được quả là duyên. Như nhân duyên, duyên phận 緣分, v.v.

Hôm trước, mình có đem khái niệm này trao đổi với một người nghiên cứu về Phật giáo thì mình được khái niệm thế này:

Duyên là cái điều kiện bao xung quanh cái nhân 因, khiến cái nhân tạo ra quả 果.

Mình lại tìm đến nơi mà chữ Duyên bắt nguồn là đạo Phật và tìm thấy lý giải thế này:

Nhân là năng lực chánh phát sanh ra sự vật; Duyên là năng lực phụ giúp cho năng lực chánh phát sanh. Duyên sanh là chỉ cho sự vật được sanh ra khi có đủ duyên và duyên khởi là chỉ cho sự quan hệ làm khởi sanh ra sự vật. ( Mười hai nhân duyên - Phúc Trung)

Như vậy là tương tự như lời dẫn của Thiều Chửu, theo đạo Phật, Nhân là cái năng lực chính, Duyên là cái năng lực phụ giúp để tạo ra Quả.

Một ví dụ thật đơn giản là nếu hai anh chị quen nhau trên xe bus, thì cái nhân đơn giản nhất là hai người đều phải dùng chung một chuyến xe bus. Nhưng trên xe có biết bao nhiêu người. Vì vậy, đôi khi chỉ vì một cái cảm giác quen thuộc thoáng qua trong đầu, một thiện cảm bất chợt xuất hiện và anh chàng tiến đến hỏi bâng quơ làm quen cô nàng. Và cũng vì một thiện cảm nào đấy khi bước lên xe, cô nàng liếc thấy anh chàng và trong lòng cảm thấy "khang khác". Cái cảm giác riêng của mỗi người tuy nhỏ nhưng cũng rất quan trọng để tạo nên cái Quả là mối quan hệ giữa hai người ra đời vậy. Cái ấy có thể gọi là cái Duyên.

Về phân loại và triết lý của Nhân và Duyên thì Phật học thực sự làm rất tốt. Đó là triết lý cao sâu mà không phải đọc qua là có thể nắm bắt được.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu ta có thể giải thích chữ Duyên dưới góc độ khoa học, toán học hiện đại hay không?

Nếu như nhìn sự vật, sự việc dưới góc độ xác suất thống kê, sẽ thấy có một số khả năng để hai người quen nhau trên xe bus. Nếu hai người kia cùng đi làm lúc 8 giờ để đến công ty lúc 08:30, thì khả năng họ gặp nhau trên cùng chuyến xe bus xuất phát lúc 08:05 là rất cao. Tuy nhiên nếu xe bus chạy 10 phút một chuyến, thì khả năng họ gặp nhau ở chuyến xe bus 07:55 và 08:15 cũng khá cao. Nếu đặt giả thuyết sẽ không ai đi xe bus trước 07:55 và sau 08:15 thì ta chỉ còn 3 khả năng là 07:55, 08:05 và 08:15. Tuy nhiên, trong 3 chuyến xe ấy, khả năng lựa chọn chuyến 08:05 là cao nhất vì người đi xe sẽ đến sở làm on time, chứ không early (07:55) và cũng không in time (08:15). Nếu như ta làm một bảng thống kê từng người đi xe bus hoặc bảng thống kê hai nhân vật của chúng ta, chúng ta sẽ được một kết quả về tần suất họ đi xe bus. Giả dụ khả năng đi xe bus được distribute như sau: 07:55 (10%) - 08:05 (80%) - 08:15 (10%). Vì lẽ mỗi người sẽ có khả năng đi xe bus 08:05, nên việc hai người cùng gặp nhau trên chuyến xe bus này là 0,8*0,8=0,64 (64%).

Tiếp tục, nếu ta nhận thấy trên chuyến xe bus có hai người đi có 31 người thì ta sẽ tính ra xác suất gặp nhau giữa hai người là bao nhiêu. Nếu bạn nói khả năng anh chàng này để ý làm quen cô nàng là 1/30 thì hãy xem lại. Anh chàng sẽ chẳng cần thiết làm quen với một anh chàng khác. Như vậy, ta cần xem lại tỉ lệ nam nữ trên xe. Nếu như có 20 nữ và 11 nam thì rõ ràng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng cũng đừng vội kết luận tỉ lệ 1/20 cho anh chàng. Vì biết đâu trên xe còn vài đứa con nít đi học và vài bà già đi chợ. Nếu như kết luận trên xe chỉ còn có 10 cô nàng thật sự làm chàng quan tâm, thì bây giờ ta mới có thể tạm chấp nhận gọi khả năng lựa chọn của chàng là 1/10 (10%). Và tương tự, nếu ta xem lại nam giới và trừ đi những người mà cô gái không bao giờ chọn (tỉ lệ chọn = 0%) thì số người còn lại là 5 và khả năng chọn của cô là 1/5 (20%).

Nhưng cũng đừng vội nhân 1/10 với 1/5 để đạt tỉ lệ chọn trên xe bus. Rõ ràng cuộc sống của chúng ta rất ít có tuyến tính. Sự lựa chọn của chúng ta không đơn giản chỉ là phân bố đều 20% khả năng lựa chọn cho từng người mà là có sự bất công.

Nếu dùng các phát hiện mới đây của khoa học để giải thích cho sự bất công trên, ví dụ như hormon trong mùi cơ thể, khả năng phân tích của tiềm thức về vóc dáng, sự hấp dẫn của màu mắt và màu tóc, cấu tạo khuôn mặt chàng trai và tính cách của cô gái, sự giống nhau về các đặc điểm hình thể của chàng trai với cha của cô gái. Và ngược lại tất cả các điều trên đều có ảnh hưởng đến chàng trai. Đó là chưa kể mùi nước hoa của cô gái có thể giống với mùi nước hoa của một cô nàng trong mộng nào đấy của chàng. Tất cả những điều trên đều làm tăng khả năng lựa chọn của chàng và của nàng. Chỉ có điều, khoa học hiện tại chưa tìm ra hết những yếu tố tác động đến quá trình lựa chọn và mức độ tác động đến sự lựa chọn của các yếu tố trên. Nếu đúng theo chữ Duyên, thì tổng hợp các tích số của mức độ tác động với các nhân tố tác động sẽ tạo ra mặt định lượng (quantity) và sự liên hệ giữa các yếu tố (correlation) sẽ tạo ra mặt định tính (quality) cho chữ Duyên. Nếu có thể tính mức correlation cũng như mức độ tác động, việc xác định chữ Duyên không phải nằm ngoài tầm tay.

Nếu tiếp tục trong ví dụ của chúng ta, ta cho rằng sự tác động của các yếu tố sẽ làm tăng khả năng lựa chọn của chàng lên gấp ba và sự khả năng của nàng lên gấp đôi, thì ta sẽ có: khả năng chàng lựa chọn nàng là: 30%, 9 cô gái còn lại chia nhau 70% còn khả năng nàng lựa chọn chàng là: 40%, 4 chàng còn lại chia nhau 60%. Như vậy, ta xác định giá trị cho chữ Duyên: 0,3*0,4=0,12 (12%).

Nếu như chữ Nhân có giá trị là 64% và chữ Duyên có giá trị là 12%, thì khả năng hình thành nên Quả sẽ là: 0,64 * 0,12 = 0, 0768 (7,68%).

Kết luận: khả năng để Nhân này xuất hiện Quả kia không hoàn toàn là 100% cho dù có sự tác động của Duyên. Khả năng để hai người gặp và làm quen nhau trên một chuyến xe bus có thể tính toán được.

Định nghĩa mới của mình cho chữ Duyên là:

Duyên là sự tương quan giữa các yêu tố Nhân để tạo nên Quả.
Fate is the correlation of causes to make effect.

Tại sao ta không thể định lượng được Nhân Quả nhỉ. Có thể lắm chứ! Chỉ có điều những nhân duyên theo nhà Phật nói đến có liên quan đến kiếp trước. Đó là điều chưa thể nghiên cứu tới của khoa học vậy.

A Phong:


Trích dẫn

Duyên là cái điều kiện bao xung quanh cái nhân 因, khiến cái nhân tạo ra quả 果.

Thật là buồn cười là trong tiếng Hán có một chữ Nhân (仁) có nghĩa là hạt mầm, chính cái hạt này sẽ nảy nở ra cây, rồi cây sẽ ra quả. Xét trong ba chữ Nhân 仁,因,人 thì:

 1. Nhân 仁 nở ra quả, 2. Nhân 因nở ra kết quả, còn 3. Nhân 人 (Người) thì sẽ nở ra gì nhỉ? Nghĩ đi nghĩ thì trong ba chữ đó, Nhân 人 khiến hệ lụy sâu xa trong thế giới càng chập chồng........

ĐÔNG PHƯƠNG HỒNG:
Trích dẫn từ: A Phong trong Tháng Năm 11, 2009, 07:58:53 PM


Thật là buồn cười là trong tiếng Hán có một chữ Nhân (仁) có nghĩa là hạt mầm, chính cái hạt này sẽ nảy nở ra cây, rồi cây sẽ ra quả. Xét trong ba chữ Nhân 仁,因,人 thì:

 1. Nhân 仁 nở ra quả, 2. Nhân 因nở ra kết quả, còn 3. Nhân 人 (Người) thì sẽ nở ra gì nhỉ? Nghĩ đi nghĩ thì trong ba chữ đó, Nhân 人 khiến hệ lụy sâu xa trong thế giới càng chập chồng........


Nhưng bạn ơi cũng chính Nhân 人 sẽ hóa giải được lo âu, cho những phiền muộn và hận thù tan biến.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page