Tứ Hải giai huynh đệ

Box thành viên - Members' Corner => Thắng Cố - Miscellaneous Biz => Tác giả chủ đề:: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 11:49:56 AM



Tiêu đề: Mở đầu một ký ức
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 11:49:56 AM
秧歌 - ƯƠNG CA

(http://baomoi-photo-2.zadn.vn/16/08/22/66/20148205/1_226362.jpg)

插秧歌


Sáp ương ca
Bài ca cấy lúa (Người dịch: Hoa Bằng)
 
田夫抛秧田妇接,
小儿拔秧大儿插。
笠是兜鍪蓑是甲,
雨从头上湿到胛。
唤渠朝餐歇半霎,
低头折腰只不答。
秧根未牢莳未匝,
照管鹅儿与雏鸭。

Phiên âm:

Điền phu phao ương điền phụ tiếp
Tiểu nhi bạt ương đại nhi sáp
Lạp thị đâu mâu, suy thị giáp
Vũ tùng đầu thượng thấp đáo giáp
Hoán cừ triêu san yết bán sáp,
Đê đầu chiết yêu chỉ bất đáp
Ương căn vị lao thì vị táp
Chiếu quản nga nhi dữ sô áp.

Bản dịch:
  
Chồng chuyển bó mạ vợ đón lấy
Cu nhỏ nhổ mạ cu lớn cấy
Tơi là áo giáp, nón đâu mâu
Từ đầu đến lưng mưa cứ chảy
Gọi chàng tạm nghỉ ăn cơm mai
Làm thinh, khom lưng không ngửng dậy
Mạ chưa bén chân, cấy chưa xong
Đã phải trông nom vịt ngỗng đấy

Những câu thơ của Tiến sỹ người Giang Tây Dương Vạn Lý (楊萬里) (1127-1206), Thượng thư tả tư lang thời Nam Tống đã đi theo tôi suốt chặng hành trình tới vùng đất cổ Bách Việt - Nam Ninh 南甯, nơi những điệu Ương ca 秧歌 đã gần như trở thành một phần máu thịt của mẹ tôi thời xuân sắc.

Ương ca vốn là điệu múa Sáp ương 插秧, một hình thức cầu mùa thời cổ đại, hàm chứa tinh hoa của nhiều chủng dân ca 民歌, hý khúc 戏曲, tạp kỹ 杂技 và võ thuật. Kể đến khi được lưu truyền đỉnh thịnh vào đời nhà Thanh (1644–1911), loại hình ca múa tập thể này đã được nhiều địa phương tiếp thu và phát triển thành nhiều biệt chủng đa dạng: Cổ Tử Ương ca 鼓子秧歌(Sơn Đông), Thiểm Bắc Ương ca 陕北秧歌, Địa Ương ca 地秧歌 (Hà Bắc, Bắc Kinh, Liêu Ninh), Mãn Tộc Ương ca 满族秧歌, Cao Khiêu Ương ca 高跷秧歌.v.v...

Tại Hồng Kông 香港 và một số địa khu phương Nam Trung Quốc đặc biệt là Quảng Đông 广东, tồn tại một điệu múa gọi là Anh Ca 英歌, thực chất cũng là một hình thức của điệu Ương ca nói trên.

Lang thang trên đường phố Nam Ninh, ngắm nhìn địa khu nằm cách biên giới Việt Nam đến gần 200 km này, xếp hàng ăn một bát mì, chả hiểu cái thời mà đám thanh nữ những năm 60, tóc bím kết nơ, áo xanh xi-lâm, nhảy múa hát Ương ca sẽ còn không nếu cứ đà này?! Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi vào ngày Nguyên Tiêu ngay tại thành cổ Tấn Hưng, con trẻ sẽ nhảy Audition, và tiếng trống Ương ca sẽ dần dần biết mất.

“.....Anh muốn làm gì thì làm, có thể nhảy Ương ca giữa dòng người nườm nượp, lái xe không tông xe vào anh...”, tự sự của kẻ giả điên trong Báu Vật Của Đời của Mạc Ngôn cứ đeo đuổi tôi suốt quãng đường từ Nam Ninh về xứ Lạng. Hoài niệm vùng ven biên một thời đầy bản sắc, nỗi bồi hồi của một kẻ cứ muốn nom lại thời thơ trẻ của mẹ,..., cơ hồ những băn khoăn đeo đuổi trong cuộc sống thường ngày như thế liệu bản thân tôi có phải là một kẻ điên?

Khuất Lão động chủ Nguyễn Hạnh (Kỷ niệm Nam Ninh)


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:10:17 PM
SANG QUẢNG ĐÔNG CHƠI BI

(http://afamily1.vcmedia.vn/nMnhWKNkfKvIb72LJ1Lror02HZO2i/Image/2015/06/nhung-tro-choi-moc-mac-cua-tre-em_20150601105525487.jpg)

Các bậc Khổng, Thích, Lão không chép BI KINH. Bi kinh dành cho lũ trẻ chưa nghĩ đến cái điều Mãn Triều Chu Tử Quý.

Mấy nghìn năm nay con người đã biết chơi bi, vốn từ tiếng Pháp là bille, trò chơi bắn phá đầu tiên của loài người. Họ chơi bi đá, bi gạch nung, bi mã não瑪瑙.v.v.....

Trái đất là một hòn bi cực lớn, các thiên thể khác cũng vậy, chỉ khác chúng thỉnh thoảng mới bắn vào nhau, chứ không chủ đích như ý nghĩ loài người.

Ngồi xem chơi bi sực nghĩ đến Đạo Đức, hóa ra các bậc Khổng, Thích, Lão có viết BI KINH đấy chứ, thế này nhé, Đạo là con đường đi, còn Đức là các mối ràng buộc, các thiên thể theo đạo Trời mà thực hành Đức, có Đức để tránh va chạm vào nhau, có Đức để bình ổn cân bằng, không như các viên bi từ tay con trẻ.

Lẩn thẩn nhớ lại một loạt nào là Bi hòm, Bi lồ, Bi hào, Bi tàng. Bi biển, Bi bể, Bi gẩy......, các luật chơi từ hồi tiểu học, lại nghĩ đến cách điều cơ trong thụt Bida, rồi thì lại ngồi bốc phét với BI KINH.

Ở Quảng Đông, lũ trẻ con chơi bi, gọi là chơi Ba Tử 波子 (Thực ra là từ chữ Ball trong tiếng Anh) , trông hồn nhiên lắm, mình cũng xúm vào chơi. Biết đâu có ngày lại viết được BI KINH nhỉ, hoặc là BA KINH cũng được.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:12:37 PM
ĐÁNH QUAY

(http://imagesfb.tintuc.vn/upload/icon/phutho/160359/7.jpg)

Hồi nhỏ còn sống trong cái khu tập thể cũ kĩ, niềm tự hào của thời kỳ đầu xây dựng CNXH sau hòa bình, đứa trẻ con cứ quanh quẩn trong những chiếc TTTg cọp, ngó ra đường chờ mẹ về là tót ra đường bắn bi, đánh cù.

Đánh cù hay đánh quay những năm 80 là một trong những trò chơi phổ biến của tuổi thơ Việt, những bàn tay giờ đây như múa trên bàn phím của Đế Chế, Võ Lâm Truyền Kỳ..... lúc đó thành thạo với hàng loạt kỹ thuật ra quay, bổ thượng, bổ vát, đầu thì nhớ nào là vố, ngủ, vu, TTTg bàn, đinh mũ....còn hơn cả bình luận viên bóng đá Quang Huy - Quang Tùng nhớ tên cầu thủ bây giờ.

Lớn lên, đi chơi cũng nhiều, còn được tham gia đánh quay bên Trung Quốc, thấy họ chơi những con quay cỡ lớn, gọi là Đà Loa 陀螺 (Tuóluó), con quay dán giấy, sơn xanh đỏ, khiến ngày hội quay bên ấy đầy màu sắc, khiến người xem cứ nán lại chẳng muốn về.

Thế nhưng rồi đi mãi vẫn phải về, về chứ, về với quê hương có con đường đi học, mỗi buổi tan trường có tiếng quay lộc cộc lộc cộc.

Về nước rồi cũng đi chơi, lên vùng cao xem người Mông chơi quay Tulu, thực ra là biến âm của chữ Đà Loa, cứ nằng nặc vào bổ thử, nhớ trong chuyện vợ chồng A Phủ có đoạn: ".....Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi.....", mắt cứ ngó quanh ngó quẩn xem có cô Mỵ nào nhìn mình không, vậy mà đến tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:14:28 PM
Tào phớ
(http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2014/04/03/09/20140403093249-pho4.jpg)

Đậu hoa, hay đậu phụ hoa, tức Tào Phớ, chủ yếu từ đậu nành, ăn với đường, là một món quà ăn vặt phổ biến ở nhiều nước Châu Á. Ở Việt Nam, ai ở Hà Nội cũng có lần được ăn Tào Phớ. Sang Hồng Kông, món này tương đối được ưa chuộng.

Tào Phớ Hồng Kông có nhiều loại đẹp mắt, có loại ba màu pha Chocolate, sữa, trứng gà, giàu dinh dưỡng nhưng vào trai kỳ không dùng được.

Tào Phớ - món chay giải khát mùa hè.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:15:31 PM
Tóp mỡ

(http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2016/04/13/16/20160413165328-top-mo-2.jpg)

Tóp mỡ là một món ăn để lại nhiều kỷ niệm. Đứa trẻ con thời bao cấp trong giấc mơ có cả những miếng tóp mỡ trắng ngà như khối bạch ngọc, đựng trong âu sành, lôi cuốn, thèm thuồng bên chiếc chảo sôi tí tách. Tóp mỡ vừa rán xong, ăn giòn tan mà ngầy ngậy, được mẹ để dành trong chiếc lọ thủy tinh, lần hồi đem ra xào nấu. Chiếc lọ ấy cứ vơi dần mỗi khi một đứa trẻ ăn vụng mở chạn.

Tôi nhớ hồi còn học đại học, thấy trên vách hàng cơm bình dân nào cũng có một túi nilon lớn đựng tóp mỡ khét lẹt, dùng để chưng với cà chua, nấu canh dưa như là một thứ xa xỉ.

Về chợ quê, có nơi tóp mỡ ê hề, khét lẹt, được trưng ra trên cái sàng đầy bụi, bám toàn muối hạt trắng xóa, bữa cơm của người nông dân có cả món ấy, mặn chát, nhưng cũng ăn dè được vài bữa.

Lâu rồi không được ăn tóp mỡ thấy thèm thèm, nhớ ngày nào mẹ đi chợ về, trong làn có miếng thịt mỡ trắng phau, lát nữa sẽ biến thành những miếng tóp mỡ nóng hổi, dính ít thịt cháy thơm thơm. Thế đấy, lúc ngồi đầy bàn cao lương mỹ vị, chỉ ước trở về tuổi thơ, ăn những thứ mà giờ ở chốn thị thành chỉ còn là dĩ vãng.

Đi ăn chay, có lần bắt gặp một miếng, rất giống tóp mỡ, cũng dai dai, ngầy ngậy, hỏi ra mới biết đó là tóp mỡ chay, làm bằng cùi bưởi rất khéo. Cùi bưởi hăng hăng đắng đắng, phải ngâm nhiều lần, biến thành ra một thứ gần như mỡ phần, các sư thầy mỗi lần nấu canh, xào rau, cho vào, rất béo và bùi lúc ngấm gia vị.

Tóp mỡ, đó là tuổi ấu thơ, là ký ức thời bao cấp, là niềm vui bỏ lọ, là sự thèm thuồng tiếc nuối. Và giờ đây, tóp mỡ chay, sự tài hoa, kết tinh trong tình yêu chay tịnh.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:16:43 PM
Dầu ăn

(https://img.sosanhgia.com/images/37e2ef55b4714ebf96a101a5df63ed54/thong-tin-ve-5-loai-dau-an-tot-cho-suc-khoe-khi-su-dung.jpg)

Giờ thì người ta chuyển sang ăn dầu, ăn dầu là văn minh, là sành điệu. Các bà nội trợ phân định đẳng cấp bằng cách hỏi nhau về dầu. Nhà nào ăn dầu xịn là nhà ấy tất phải giàu có.

Chỉ vài chục năm trước đây thôi người ta ăn mỡ, tất nhiên ở quê bây giờ vẫn có nhà ăn mỡ, đây là nói ở nơi đô hội phố phường. Một bà dạng háng ra ở giữa Hàng Ngang, Hàng Đào nấu gì cũng dùng dầu, sẵn sàng nhổ nước bọt khinh bỉ những người mà giờ vẫn còn đề cập đến mỡ. Người nông dân đi qua cổng làng, trong gánh gồng từ chợ có khi có miếng mỡ, về rán đút vào cái thẩu đất xó bếp, lúc ăn mới cẩn trọng xúc một thìa cho vào chiếc chảo không bao giờ rửa, đen ngòm, chỉ cần đặt lên lửa là đã thấy bóng nhoáng. Chả biết là ăn cái gì mới là quý tộc, cũng không quan tâm đến ăn dầu hay ăn mỡ thì nhân cách còn người ta thăng tiến ra sao, nhưng rõ ràng có những món ăn những kẻ khôn mồm cứ khăng khăng là phải dùng mỡ.

Thế kỷ 21 rồi, cũng không thấy ai sang vay gạo, mắm, mỡ nữa, thì mình lại muốn đi vay vào quá khứ một chút dư thừa, cái di sản trong xó bếp, chẳng hạn một cái hũ gốm Luy Lâu đáng giá hàng ngàn đô đựng mỡ chẳng hạn.

Còn người ăn chay thì lại khác mình nhiều lắm, không dấy lên trong quá khứ, chẳng tưởng về tương lai, cứ hằng thường trong hiện tại, nên chuyện dầu mỡ đối với sư thầy dành cho các bà vãi lo toan, đến nỗi mà chai dầu nành kia có cạn mấy hôm rồi cũng chẳng bấn loạn gì.

Bởi nhà chùa trước kia cũng chả dùng dầu, thảng hoặc có món xào thì đều dùng nước cơm cả. Rau muống sau mưa, non nõn, nhặt, rửa sạch, chần qua cho mềm, bắc chảo lên, rồi khi đến khi đủ độ nóng mới rưới nước cơm vào, đảo đều cho ngấm gia vị, ăn cũng chẳng khác xào với mỡ là mấy.

Thế mới biết đằng sau bậc tam quan nâu sồng, cũng nhiều chuyện mà người phàm tục thấy lạ.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:18:19 PM
Trám

(https://thuocchuabenh.vn/wp-content/uploads/qua-tram.jpg)

Những chuyến tàu thu từ vùng cao đem về nụ cười sơn cước, óng ánh như những quả Trám đen trong hành lý của những người con Cao - Bắc - Lạng.

Mẹ tôi hồi nhỏ có lần suýt chết chỉ vì một cây Trám cổ thụ bị mọt lâu ngày đổ gục giữa rừng xứ Lạng. Cây Trám to lắm, bản thân tôi từng nhìn thấy ở quê nội - Tam Nông - Phú Thọ những cây Trám cao ngót nghét chục mét, rộng một hai người ôm. Thoạt nhìn thế thì có vẻ thu hoạch Trám là quá khó khăn bởi cây Trám thẳng đứng, quả lại ở trên cao.

Đến mùa Trám, người ta lấy đinh hoặc đai sắt đóng hoặc đánh vào thân Trám. Thế là chỉ một đêm Trám đã rụng đầy, tha hồ lượm.

Trám ở chợ xuôi giờ cũng nhiều, cả Trám trắng Trám đen, người ăn chay mua về luộc, muối, ăn với muối vừng rất bùi, béo, dân dã mà thanh tịnh.

Sau mỗi buổi ngồi Thiền, một bát cháo trắng ăn với Trám muối là nếp thực dưỡng của những hành giả vùng cao.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 11, 2009, 12:29:04 PM
河内 - HÀ NỘI

(http://media.dulich24.com.vn/ha-noi.jpg)

Sống mãi trong cái thành phố đến 6,233 triệu người cũng chán, quyết định đi một vòng rồi lại về nằm mà nghe những gì thuộc đồng bằng sông Hồng trù phú này kể lể. Đếm đi đếm lại một hồi cả lượt Nhị Thập Bát Tú thấy cái việc băn khoăn cái xứ Đại Việt này nằm trong vòng phân dã của Dực Chẩn (Hán Thư Thiên Văn Chí) hay Ngưu Nữ (Tấn Thư Thiên Văn Chí) cũng chả làm gì. Quay ra nhìn Cống, Cán, Hỗ, Kinh, Cao Ly, Nhật Bản mãi cũng chỉ là chuyện xứ người. Mà dù quanh Hồ Gươm không ai còn bàn chuyện vua Lê thì Hà Nội vẫn nằm mãi rồi trong cái ký ức khó tẩy, Công viên Thống Nhất vẫn nhớ cái Quán Gió bà chị dẫn đi ăn kem, Cái cột cờ vẫn uy nghi trên nền trời vàng y như ở cái vỏ hộp bánh quy thời bao cấp, Hồ Tây tuy khang trang hơn nhưng vẫn xứng với cái tên Dâm Đàm, gió vẫn chẳng mát hơn xưa, Tháp Rùa vẫn đấy cái kỳ tích của Bá hộ Kim, còn Văn Miếu vẫn mấy ngày  Tết toàn gặp những thằng nhẵn mặt hí hoáy nét câu nét lặc như đang níu kéo lại cả bầu trời cổ xưa trông vàng vàng khó tả.....Một buổi sáng bị cuộc đời tát vào mặt, mở cửa sau cơn ngủ, một loài sâu đang hít thở trong bầu không khí trong lành vùng Thái Bình Dương chợt "Hữu thời trực thướng cô phong đính...": Hà Nội đẹp sao!...


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 14, 2009, 05:15:43 PM
油炸鬼 - TẢN MẠN DU TẠC QUỶ

(http://healthplus.vn/Images/Uploaded/Share/2014/09/05/ed6quay.jpg)

Quẩy nóng đem về cho Hà Nội của thế kỷ trước cái hôi hổi và nồng nhiệt. Thập kỷ 90, hít hà trong không khí thu đông, trai gái thời kỳ mới mở cửa thi nhau ăn diện theo Lưu Đức Hoa, Trương Mạn Ngọc, tràn ra đường ăn quẩy nóng. Quẩy nóng Phan Bội Châu, Cầu Gỗ.v.v... đã trở thành những cái tên mà học sinh trung học Hà Nội ngày ấy không thể quên được.

Cấp III, tôi học tại trường PTTH Trần Phú, nghĩa là xét về mặt địa lý thì không xa phố quẩy nóng Phan Bội Châu là mấy, ngoại trừ trường Hoàn Kiếm là anh em sinh đôi, các trường Lý Thường Kiệt, Việt Đức cũng có vị trí khá gần. Vậy là vô hình chung đây là điểm hẹn của học sinh những trường này. Từ xế chiều đến tận đêm, phố quẩy nóng Phan Bội Châu vào thời kỳ vàng son đông đến nghẹt thở. Nghẹt thở đến nỗi hôm nọ ghé vào đó để mua giày và ví da tôi vẫn thấy nghẹt thở.

Có ai ngờ câu chuyện giữa nguyên soái họ Nhạc và Tần Cối tận bên Tàu đời Tống lại có kết cục ẩm thực, rồi thì nở rộ ở Việt Nam . Tôi thì ghét ăn quẩy sữa đậu nành Bắc Kinh, cho là lỗi cách, nhưng lại yêu quẩy nóng Hà Nội đến vô cùng, như yêu nghệ sỹ Xuân Bắc với chương trình ĐUỔI HÌNH BẮT CHỮ vậy, còn anh Bắc thì nghe đâu thích ăn quẩy nóng còn hơn cả nghề của mình.

Quẩy ở Việt Nam có nhiều tên gọi, như Quỷ, Cối, Dầu Cháo Quẩy, Dầu Đìu.v.v..., còn người Trung Hoa thì gọi là Du Tạc Quỷ, Du Tạc Quả, Du Tạc Cối, Du Điều...., thực ra đều là từ nguyên của Dầu Chao Quẩy, Dầu Đìu vừa nhắc ở trên cả.

Người Nhật cũng dùng chữ Du Điều để gọi quẩy, trong khi người Hàn gọi là Yucho, tựu chung đều từ chữ nghĩa Trung Hoa tất thảy. Người Mỹ ăn Pop-corn chán rồi đến khi ăn quẩy thì cứ loay hoay tìm mãi từ để miêu tả món ăn này, rốt cục lại phải đem ngay cái phiên âm Youtiao (Du Điều) mà về làm giàu cho vốn từ vựng của mình.

Còn người Việt Nam thì có lẽ rất đáng tự hào về thành ngữ XOẮN NHƯ QUẨY!


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 19, 2009, 12:39:36 PM
NHÂN NGHĨ VỀ 飴細工 - DI TẾ CÔNG (Ame-zaiku) - TÒ HE NHẬT BẢN

(http://kenh14cdn.com/thumb_w/600/LJ9BRCA2SwO2i2yoqIMzIMq9QI2QMI/Image/2015/05/cv10-e02d6.jpg)

Lang thang cùng chiếc Tò He trong chợ đời, nồi niêu cũng đã nặn, công đức cũng đã cố nặn, tay nải cũng trữ đủ rồi những chàm, gấc, hoa hòe,..., cuối cùng rồi cũng thấy ở dưới trời người ta còn to gan nặn cả ra những sinh phẩm vô hồn nữa, nặn cả Trời - Đất - Người.

Thuở nhỏ xúm quanh ông lão Tò He răng đen sì râu bạc như mây, lũ trẻ con tranh nhau những tuyệt tác tỉnh lẻ, chỉ tổ để bố mẹ vứt đi, quăng đi theo những đòn roi và những lời mắng nhiếc có khi vào cả Andecxen lẫn Lý Bạch.

Năm tháng qua đi,  đồ hộp từ phương Tây đã hóa thành niềm ham muốn được ăn trê đồng, châu chấu, chiếc kẹo kéo, nắm Tò He thế là có dịp khăn gói quả mướp trảy hội Bàn Đào, tham dự cả vào chủ trương BẢO TỒN DI SẢN VIỆT.

Bây giờ soi gương thấy tóc đã bắt đầu có sợi bạc, Tò He có lên ngôi thì cũng chả còn là cô bé quàng khăn đỏ nữa rồi, nhưng âu cũng thấy vui cho các cháu mình ngoài việc Chat ảo trên mạng còn biết đến ông Thừa Ân tác giả Tây Du Ký không phải làm nghề trồng Ngô...

Ở Nhật Bản, xu hướng bảo thủ lưu giữ lại khá nhiều nghệ nhân nặn Ame-zaiku (飴細工 - DI TẾ CÔNG), một hình thức nặn kẹo kéo thành hình con giống như Tò He của người Việt.

Cũng Trư Bát Giới, cũng Tề Thiên,..., đại loại đứng giữa Tokyo mà dường như ở góc chợ quê của mình, trong khoảnh khắc ấy, hà nhân bất khởi cố viên tình, tôi không tránh khỏi bồi hồi xúc động......


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 21, 2009, 11:55:21 AM
酸粉 - TOAN PHẤN

(http://proc.iifs.ifeng.com/blog/2015/06/26/l6KhypeTd7iFa4Gims!Ho9aSt5XaiIN6prCvm2VrbJZoZmeYbmqQwm2XZ5aX3mRmlJLCZJWPYZLBo6eVmw.jpeg)

Tới Dương Sóc (阳朔, Quảng Tây), bác già Mễ Tây Cơ (México) cứ kể mãi chuyện mục sư Miguel Hidalgo y Costilla , tay đưa tôi tờ báo tiếng Tây Ban Nha in hình một đĩa mì Pasta spinach trông đến ngán ngẩm. Cô gái Choang đầu cài miếng ngọc bích, tiếng phổ thông ríu rít, cầm tay du khách sờ vào má, chỉ vào mồm, ý nói của ngon vật lạ?

Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ,
Dương Sóc sơn thủy giáp Quế Lâm.

(Phong cảnh Quế Lâm đầu thiên hạ,
Núi non Dương Sóc nhất Quế Lâm).

Người Quảng Tây có ba thứ: Tôn kính Phùng Tử Tài (冯子才), kể chuyện khởi nghĩa Bách Sắc (百色起义) của Đặng Tiểu Bình và ca tụng món TOAN PHẤN 酸粉 danh bất hư truyền:

Năm Hoàng Hựu - Bắc Tống thứ năm 北宋皇祐五年(1053), Khu mật Phó sứ Địch Thanh 狄青 nam chinh, phạt thảo Nùng Trí Cao 侬智高 tại Tân Châu 宾州, do phần đông quân ngũ đều là người phương Bắc, không quen ăn cơm, bởi vậy mới cùng dân chúng bản địa đem gạo làm thành bánh Phở, trộn cùng dấm ớt, dưa chuột, rau sống....thành một món ăn giải khát, khai vị rất thích hợp với khí hậu nóng nực tại Quảng Tây, gọi là TOAN PHẤN.

TOAN PHẤN từ đó trở nên nổi tiếng, những sợi Phở được làm thủ công tại Tân Châu, vị chua cay, hanh mát được truyền tụng vào tận sân rồng bệ chúa.

Từ chợ Đông Kinh, nếm vị Phở chua Tam Thanh - Nhị Thanh, đi Nam Ninh ăn Phấn Giác (粉角), thấy phong vị tha hương, nhưng một lần qua Dương Sóc, bát TOAN PHẤN phố Tây khiến lòng mình như đang ở ngay giữa lòng xứ Lạng.

Khuất Lão động chủ Nguyễn Hạnh (Kỷ niệm Quảng Tây)


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Cổ Trại Giao Lang trong Tháng Bảy 24, 2009, 02:47:26 PM
KUYTEAV & NOM BAGNCHOK - BÚN KHMER

(https://media.foody.vn/res/g1/5660/prof/s576x330/foody-mobile-hu-tieu-nam-vang-bau-cat.jpg)

Ăn uống ở Giản Phố Trại 柬埔寨 Cambodia, nghĩa là chưa thoát khỏi vùng ảnh hưởng văn minh lúa nước, hết mắm bồ hóc rồi lại côn trùng, những đồ mới thoạt nhìn thì một người Châu Âu phải quay đi kinh tởm, nhưng ăn thì lại thấy cũng có lý. Bon chen trong cái địa bàn yêu gạo tẻ, thích cá ghét thịt này, tìm mãi mới được một cô bé nói tiếng Anh theo kiểu "Xờ ten đợt Ing Lís" (Standard English), tuy cũng thấy khốn nạn vì nhiều lúc thấy toàn Br với R, nghe rất khó, bụng nghĩ ối chao ôi thứ tiếng Anh xứ Thốt nối, ấy vậy mà cũng học được một từ khá hay, Khmer noodle, chỉ chung Kuyteav và Nom Bagnchok, tức cái mà người Việt mình gọi là Hủ tiếu Nam Vang vậy.

Kuyteav và Nom Bagnchok chế nước dùng từ xương lợn, ngọt đậm vị thịt băm, sợi hủ tiếu dai luộc qua, trộn tỏi, hành phi bỏ vào bát lớn, bày lên trên tôm, cua, mực, gan lợn, tim lợn, bầu dục, trứng chim cút hoặc trứng bồ câu, giá đỗ, hành, mùi, cần tây, hẹ, tần ô, tỏi rồi chan nước dùng đang sôi vào, vắt chanh, ăn nóng. Ngoài nước dùng bằng xương lợn,  có thể dùng canh tôm hoặc canh cua.

Kuyteav và Nom Bagnchok là nguồn sống của hàng nghìn thị dân Kampot, những người hàng ngày quần quật tay quay nước mía, miệng nói bún Khmer.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: uyennd72 trong Tháng Bảy 24, 2009, 04:02:21 PM
Nói về món hủ tiếu nam vang và Cambodia, quan vạn lý làm uyennd72 nhớ về một chuyện cũng "dở khóc dở cười" trên bước đường rong ruổi của mình.
Năm 2003, uyennd72 đi công tác Campuchia cùng tư lệnh quân khu 9 bằng xe quân sự, theo cửa khẩu Dinh Bà, Tân Hồng, Đồng Tháp.
Tới thủ đô, Phía nước bạn rất hiếu khách, đải ê hề thức ăn, nhưng nhìn khắp một lượt trên dưới 15 món toàn nấu bằng thịt bò.
Nhưng trong những các món "sơn hào hải vị" đó có 1 tô to tướng đựng một dung dịch gì đó sền sệt màu đen nâu, mùi hăng kinh khủng (mùi mắm tôm còn dể chịu hơn), đó là "mắm bò hóc".
Cả đoàn chỉ có 2 nữ là uyennd72 & chị Thùy Mai (nhưng cả 2 đều kén ăn) nên lại được "chiếu cố" hết mình. Nhưng không biết hạnh phúc hay đau khổ vì các bạn Campuchia cứ " tình thương mến thương" múc mắm bò hóc đổ vào chén uyennd72 và cứ hối ăn. Bí quá, uyennd72 phải nói mình bị say xe nên mệt ăn không nổi.
Báo hại, khi chiều quay về Đồng Tháp 2 chị em đói nhừ tử, còn các anh thì nói: " Trời ơi, tui phải nốc mấy ly rượu thốt nốt mới đủ can đảm nuốt cái món "quốc hồn quốc túy" đó của tụi Miên."


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Cổ Trại Giao Lang trong Tháng Bảy 26, 2009, 12:37:28 PM
三英战吕布 - TAM ANH CHIẾN LÃ BỐ - TỰ SỰ MỘT THẾ HỆ TEEN

(https://s20.postimg.org/n198x5ah9/Tamanh.jpg)

Vận Hán đến Hoàn Linh suy thế,
Vầng thái dương đã xế về đoài.
Gian thần Đổng Trác ra oai,
Phế vua; Lưu Hiệp rụng rời thất kinh.
Hịch Tào Tháo truyền nhanh các trấn,
Chư hầu cùng nổi giận dấy binh.
Bản Sơ thủ lãnh đồng minh,
Thề nhau giúp Hán yên bình non sông.
Kia Lã Bố anh hùng ai sánh,
Khắp mọi người dũng mãnh nào bằng?
Áo ngoài giáp bạc sáng choang,
Đầu trên nhấp nhoáng mũ vàng ngù bông.
Mặt thú dữ trập trùng bảo đái,
Cánh phượng bay phấp phới cấm bào.
Vó câu gió chạy ào ào,
Kích hoa sáng quắc soi vào nước trong.
Ra cửa ải tranh hùng ai dám?
Các chư hầu thất đảm kinh hồn.
Trương Phi nhảy vọt ra liền,
Xà mâu một ngọn trận tiền giương uy;
Vểnh râu hổ gầm ghì thét mắng,
Xoe mắt tròn lóng lánh lân la.
Đánh nhau mê mải chưa tha,
Vân Trường nóng tiết nhảy ra xông vào.
Nhoáng màu tuyết, ngọn đao sắc nước,
Áo chiến bào quắc thước màu hoa.
Quỷ thần thét, tiếng ngựa ra,
Căm căm khí tức, mắt hoa đỏ ngầu.
Huyền Đức cũng giục mau ngựa nhảy.
Múa đôi gươm vùng vẫy ra oai.
Ba người vây bọc vòng ngoài;
Kẻ đâm người đỡ liền tay không rời.
Tiếng quát háo lay trời động đất,
Sát khí bay cao ngất mây xanh,
Ôn Hầu thế núng nhìn quanh,
Quay đầu ngựa chạy về nhanh núi nhà,
Cán họa kích đảo đà tếch trước,
Cán họa kích đảo đà tếch trước,
Cờ ngũ hành xơ xác bướm bay.
Giật cương chạy rẽ đường mây,
Hổ Lao trại ấy tọt ngay vào thành.


Lũ lính lê dương gọi bố tôi là Bê Công, tức là Bé Con, một thằng bé được mệnh danh là Chimmist (Thằng bắn chim), bởi ông bắn rất giỏi, bắn cụt được cả mỏ một con chim đậu lấp ló đầu tường.

Sống một thời dưới sự bảo hộ và giáo dục của người Pháp, bố tôi được đại diện Mẫu quốc mũi lõ dạy thế này:

Hỡi các cậu bé con,
Đang lúc tuổi còn non.
Các cậu phải chăm học
Có học mới nên khôn.

Chả biết khôn hay dại nhưng bố tôi đã lấy Catapult (Súng cao su) bắn vỡ mặt thằng đồn trưởng Pháp, rồi bỏ đi làm liên lạc, trong hành trang của thằng Bê Công ấy vẫn còn đầy truyện tranh La Fontaine.

Chiến thắng Điện Biên long trời lở đất, câu sấm Trạng Trình kể chuyện Dương Đầu Mã Vĩ, còn bố tôi thì lại kể cho các con nghe chuyện anh La Văn Cầu dĩ nghĩa quyên khu trong trận Đông Khê - Chiến dịch biên giới (1950).

Có lần vào Đà Lạt, gặp một người đàn ông răng gãy đến một nửa tự xưng từng là Chuẩn tướng của chính phủ Việt Nam cộng hòa bê ra khoe một đống truyện tranh Sài Gòn, từng tập từng tập toàn truyện mà cái thời ông Diệm ông Thiệu gọi là quốc hồn.

Đống truyện tranh khiến đứa trẻ con trong tôi khóc nức nở, nghĩ lại cái thời kỳ một thằng bé mặc quần thủng đít bị cấm đoán đọc cả cái tờ truyện Timua mà người lớn đã rọc cẩn thận xếp thành chồng thẳng thớm để làm cái chuyện trong Totlet.

Năm 1989, những cú đá của Lý Tiểu Long làm rung chuyển màn bạc, những đầu óc ngây thơ hằng ngày vẫn chỉ nghĩ đến anh Hồ Giáo nay bắt đầu mơ tưởng đến những phương trời xa lạ, nơi có một cuộc sống nhà lầu xe hơi, những người đẹp và quái thú, những anh hùng không phải đi dép đúc đội ổi tàu sẵn sàng cởi vét tây ra lót đường cho gót ngọc.

Thế rồi thế hệ Tam Anh chiến Lã Bố xuất hiện thay thế những Mít đặc, Hãy đợi đấy..., trẻ con thi nhau vót giáo gọt tên, cũng xông pha trong vòng vây của cô chủ nhiệm, mặc cho người lớn bất lực hô hoán trong cố gắng đắp đê ngăn lũ của tuổi dậy thì.

Tuổi dậy thì của tôi là một sự phản kháng, cũng như hàng ngàn chiến hữu tuổi Teen thời ấy, thà nhiều lần răn đe kiểm thảo, cuốn sổ tu dưỡng của một thằng học sinh cá biệt vẫn phải lóng lánh truyện tranh.

Năm tháng qua đi, khi đứa trẻ đã bắt đầu thèm nhìn cặp đùi của cô hàng xóm, và những vui buồn truyện tranh cũng đã dần lùi xa, nhưng trong bản hùng ca của thời kỳ đổi mới, những tâm hồn thế hệ TAM ANH CHIẾN LÃ BỐ vẫn còn hằn sâu những khắc nghiệt phần nào cướp đi trong giấc mơ trẻ thơ những ao ước thơ ngây của truyện tranh Việt.

Giống như truyện tranh Hoa Kỳ, truyện tranh Manga (Tiếng Nhật: kanji: 漫画, Hiragana: まんが, Katakana: マンガ, Hán-Việt: Mạn họa) từng bị ngành giáo dục Nhật Bản lên tiếng chỉ trích kịch liệt về mặt đạo đức và tình dục, cụ thể là vấn nạn Hentai (Tiếng Nhật: 変態 hay へんたい; phiên âm từ chữ Hán là "biến thái") đang vượt qua biên giới của xứ sở Mặt Trời mọc, ồ ạt xâm thực vào thị trường truyện tranh Việt. Nhưng liệu vì đôi mắt trẻ thơ, thay vì điều mô huấn, đòn roi và sự cấm đoán có phải chăng là một cỗ chỉ nam?


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Bảy 26, 2009, 10:28:20 PM
吃宵夜 - NGẬT TIÊU DẠ, KIN XÍU DẸ Ở ĐÀI TRUNG

(http://cdn.clm02.com/ezp9.com/12845/12845_0.jpg)

Lời mời Kin xíu dzẹ (Ăn quà đêm) hơn chục năm trước để ở trong hành lý, xuôi tàu lên xứ Lạng, đến giờ theo chân khách bộ hành, thao thức cùng thị trấn trong tầm tay.....

Đồng bào phố chợ Kỳ Lừa đội ơn Hán Quận Công Thân Công Tài (1619-1683), người thời Hậu Lê, có công khai thông chuyện sinh ý Hoa - Việt, để con cháu ngày nay khách sạn ô tô, cửa hàng san sát, hóa vật ê hề, từ Black Berry đến xxxy Doll, đồ sinh hoạt tình dục......

Giờ Hợi, Thanh niên Kinh - Thổ Kin xíu dzẹ hò hét tưng bừng, rượu Mẫu Sơn lít, gà luộc, ốc xào..., gái Cao Lộc cười tít mắt, trai ba toa mắt hoang dã, dò hỏi nhìn vài cái mặt lạ đóng áo vét xuất hiện....

Tục Kin xíu dzẹ của người Tày – Nùng đã có từ lâu, mẹ bảo cứ đến đêm đồng bào xứ Lạng lại có một bữa ăn nhẹ, cho người già cứng cáp miếng cao, cho đàn ông hùng hồn chén rượu, cho đàn bà má đỏ môi hồng với bát canh pha rượu củ nghệ củ gừng...

Người Hoa thì có tục Ngật Tiêu Dạ (Chi Xiaoye), có lẽ thế nào lại biến thành Kin xíu dzẹ, cũng chỉ là ăn đêm, cái cớ để đám thanh niên Phản Slình bây giờ mò ra chợ Đông Kinh tán gái.....

Đến thăm thành phố Đài Trung, miền trung Đài Loan, trực thuộc cấp tỉnh của Trung Hoa Dân Quốc, nhớ đời trận ăn đêm với cơm và sủi cảo, rượu Mễ Tửu Đầu, thuốc lá Trường Thọ hắc xì, tiếng đi chảo, đi thớt, đi đồ,...., náo nhiệt, ồn ã.

Đi ăn Ngật Tiêu Dạ trên xứ Đài, mồm mỏi, tai căng, mắt soi mói vào quyển thực đơn toàn chữ phồn thể đến mệt, về ăn Kin xíu dzẹ với anh em Tày - Nùng, nghe mợ kể chuyện chàng Chóp Chài, tự dưng thấy cái ông già nát rượu ở chỗ tượng đài Hoàng Văn Thụ hay ngâm nga câu này chả hề say chút nào:

"Lai cần chượng lai cần lẻ loóc,

Cò toọc chượng cò toọc lẻ thai"

(Bên nhau thì mới thành người,

Âý mà cô độc thành loài thây ma)

Vài hình ảnh Ngật Tiêu Phạn tại Lý Hải Lỗ Nhục Phạn, số 223, đường Trung Chính, Đài Trung:

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_4/blog/ap_20090726092329198.jpg?lb_____Dpjfs7LpF)

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_4/blog/ap_20090726092422750.jpg?lb_____DVaJ75Pnr)


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Tám 01, 2009, 10:21:44 AM
TẮM SUỐI TẠI VÂN NAM

Suối nước nóng Mường Lạt - Kim Bình (Nam Vân Nam - Trung Quốc), mệnh danh thiên đường khỏa dục, nam phụ lão ấu tắm chung, giữa một bầu thiên nhiên hoang dã. Du khách một lần tới đây, có lẽ chẳng muốn cất bước trở về.

Hà Nội những ngày hè nóng nực, Dr, Thanh chỉ càng tưới tắm thêm cho ký ức Vân Nam, tươi trong và lành lặn.

(http://121.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/2/118ed1a808a.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/11/16/118ec7faf6d.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/11/14/118ec7356f8.jpg)

(http://121.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/11/13/118ec61bddd.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/28/118ecdcbe48.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/29/118ecd35e27.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/11/22/118ec844e5e.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/11/15/118ec742f02.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/3/118ece15f0c.jpg)

(http://121.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/4/118ece534eb.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/4/118ecd84211.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/5/118ece3823c.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/7/118ecda836a.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/8/118ece6825e.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/12/118ece9a089.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/13/118ecead0f5.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/15/118ecec7b49.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/13/16/118eced0fa3.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/10/118ecf81d89.jpg)

(http://121.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/16/118ed0bd5c7.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/17/118ecfe8e35.jpg)

(http://121.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/18/118ed0d7a21.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/19/118ed00a459.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/28/118ed139f73.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/28/118ed147310.jpg)

(http://121.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/27/118ed31f54b.jpg)

(http://120.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/7/118ed1c0192.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/8/118ed1d9180.jpg)

(http://119.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/9/118ed1e8174.jpg)

(http://122.img.pp.sohu.com/images/blog/2008/2/25/14/19/118ed1c837b.jpg)


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Cổ Trại Giao Lang trong Tháng Tám 01, 2009, 12:00:56 PM
ƯỚC GÌ QUA CỔNG LÙ THÀNG

(https://s20.postimg.org/wn7er6r0t/ZL0.10884344_1_1.jpg)

Chuyện gã ba toa Mường So tay dao tay thớt mang Net lên núi, thế rồi văn minh cũng bắt đầu bò ra từ quả bầu, sinh con đẻ cái như trong chuyện cổ tích. Đi giữa đất Lai Châu ngắm núi rừng đẹp, vỗ Klong klóng, ăn xòe ngủ xòe, nghe ông già đánh tính tẩu vằn mắt quát mấy thằng trai Kinh chót lên giường cùng đám hoa hậu núi, trắng ngần và xinh xắn lạ kỳ, thấy sao mà thèm được nhìn một lần em tắm, giữa đất trời Phu Nhụ Khụ nhà ai Nậm So mưa xa khơi.

Tựa lan can trên bản Vàng Pheo, nhìn sang bên kia Ma Lù Thàng, không biết sau cái lần đồng chí La Sùng Mẫn, Bí thư Châu ủy châu Hồng Hà (Vân Nam) sang thăm và làm việc tại Lai Châu, ký xoẹt xoẹt hiệp ước Giáp Thân (2004), bao nhiêu giấy mực đã được đổ ra cho dự án, chỉ thấy sung sướng đến tột đỉnh khi đọc cái chương trình của hãng Du lịch Màu Đỏ dán trên mái vách: Thắng cố Dê Di Lặc, Tắm khỏa thân suối nóng, Bún qua cầu gió bay,......

                
 Ước ăn bống vùi tro, ước gì  đến được  Mường So thăm nàng
                Ước gì qua cổng Lù Thàng, ước gì sang tắm Kim Bằng một phen.....


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Tám 08, 2009, 06:27:06 PM
龍虎鳳 - LONG HỔ PHƯỢNG

(http://cms.kienthuc.net.vn/zoomh/500/uploaded/lenguyet/2014_11_20/monngon4kienthuc_ktgd.jpg)

Những năm mới về hưu, ông ngoại tôi có ý định xuất bản một cuốn sách về các món ăn của người Tày, từ đó cứ nửa đêm, bật dậy như người điên, thấy người kẻ vẽ nhiều lắm, sáng ra hỉ hả đọc cho mọi người nghe những gì mình đã nhớ lại đêm qua, tới những món ăn dân tộc từng được thấy trong cuộc đời của mình.

Cái khổ của học giả nghèo, viết thì toàn của ngon vật lạ, nhưng đến bữa cơm thì chỉ thấy rau cỏ, nhớ có lần cụ Đào Duy Anh đến chơi, chỉ có đĩa muống xào và bát tóp mỡ mà hai cụ ngồi đến khuya mới chịu dừng.

Thời bao cấp khó khăn, một học giả về hưu chỉ muốn đem những sức lực cuối cùng cống hiến nhưng rồi cũng đành  gói gém cuốn bản thảo để đấy. Năm 1991, ông tôi qua đời tại Lạng Sơn, nhẹ nhàng và lặng lẽ, mang theo nhiều thứ mà cháu con chưa và không bao giờ học được. Một con người thuộc lớp kế nhiệm - Gs, Ts Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, lặn lội từ Hà Nội đến viếng, nhìn mặt lần cuối cùng một người đồng chí, một đồng nghiệp thế hệ cha anh đã ra đi với nhiều bản thảo mà phần nhiều cháu con đã để thất lạc. Buồn ơi là buồn!

Cuốn bản thảo về các món ăn người Tày viết bằng thứ ngòi chấm bụng chửa, mực tím, nét bút cổ điển, diêm dúa trên nền giấy đen, đó là tất cả những gì còn lại trong ký ức của tôi, ngoài một món ăn tên gọi là Long Hổ Phượng.

Long Hổ Phượng 龍虎鳳, một món ăn được làm từ thịt rắn đen, mèo đen và gà đen, phong thái rất cung đình, một  món ăn mà các quan lại vùng cao thường ăn vào mùa Thu - Đông.

Những năm sau đó lên Lạng Sơn, kể lại món ăn này, tôi đều nhận được những cái xua tay chán chường, cho là hão huyền, là hoang tưởng. Nghĩ cũng phải thôi! Kể ra nói chuyện này với những người tối ngày chạy hàng trên biên giới quả là khó!

Sang bên kia Hữu Nghị Quan, vòng qua Đông Bắc đến Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc), mới phát hiện ra món Long Hổ Phượng này vốn được xếp vào dòng Việt Thái 粤菜, rất phổ biến ở Quảng Đông như là một bài thuốc gia truyền. Có lẽ trên bước đường thiên di, sự giao lưu Hán - Choang đã đem món ăn này hiện diện trong vốn ẩm thực của người Tày.

Ngồi trước nồi canh sôi sùng sục, mặc dù lệnh cấm ăn thịt Mèo của chính phủ Trung Quốc đã ban hành từ lâu, mọi người đều ăn ngấu nghiến bởi một ngày đường thấm mệt, chỉ còn tôi, lúc này sao da diết nhớ tới tiền nhân!


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Tám 16, 2009, 07:15:19 PM
冰棍冰棒雪條 - BĂNG CÔN BĂNG BỔNG TUYẾT ĐIỀU

(http://diepdoan.violet.vn/uploads/resources/blog/447/71221_han_nom.jpg)

QUYỂN NHỊ THẬP NHẤT, Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên thứ XXI, Kỷ Hoàng Triều Nhà Lê, Thần Tông Uyên Hoàng Đế chép:

Tháng 3, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Nguyễn Minh Triết gồm 7 người. Có người tố cáo Nguyễn Văn Quang (người xã Đặng Xá, huyện Cẩm Giàng) thiếu điểm mà vẫn trúng tuyển, bèn bỏ tên đi. Thi đình, cho Nguyễn Minh Triết đỗ tiến sĩ cập đệ đệ tam danh; bọn Lê Biện 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Danh Thọ 3 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Xứ Hải Dương mưa đá, hòn to như đầu ngựa. Ngày Bính Thân, chính phi của chúa [trịnh Tráng] là Nguyễn Thị Ngọc Tú [16b] mất, tên thuỵ là Từ Thuận. Bà là con gái của Nguyễn Hoàng, sinh ra Sùng quận công Trịnh Kiều và hoàng hậu Ngọc Trúc. Bà có cô cháu gái, đó là con gái của anh bà là Nguyễn Hán, cô này cũng được vào hầu ở Đông cung.

Trong đó có đề cập đến mưa đá ở Hải Dương, hòn to như đầu ngựa. Xuyên suốt Đại Việt sử ký, còn có rất nhiều cứ liệu nhắc đến mưa đá. Như vậy, từ thời xa xưa, ông cha ta đã từng được làm quen với sự hiện diện của những hòn đá lạnh. Rất có thể chăng liệu vào thời đó, người Việt đã biết dùng những hòn đá này làm đồ uống lạnh để giải khát vào mùa hè? Và nếu như thế, liệu có chăng những cách chế biến và bảo quản những sản phẩm lạnh từ đá, thậm chí là những gì tương tự như kem chẳng hạn.

Tại Trung Quốc, hơn hai nghìn năm trước, Thi Kinh – Mân Phong 《诗经·豳风》có câu: Nhị chi viết? Tạc băng xung xung, tam chi viết nạp chi lăng âm (二之曰?凿冰冲冲,三之曰纳之凌阴, Hai là lấy đục phá băng, ba là lấy đá cho vào nhà kem). Vào thời nhà Chu , người ta đã biết dùng đá để tế lễ và đãi thực khách, cho nên Chu Lễ 《周礼》viết: Lăng nhân chưởng băng, dĩ cung  tế tự, tân khách (Có quan Lăng Nhân 凌人coi trông việc làm đá, dùng việc tế tự, đãi tân khách). Tả truyện - Chiêu công tứ niên《左传 - 昭公四年》ghi lại rõ ràng:  Cổ giả viết tại Bắc lục nhi tàng băng, Tây lục triều địch nhi xuất chi, kỳ tàng chi dã, thâm sơn cùng cốc, hác âm hỗ hàn. Kỳ dụng chi dã, lộc vị tân khách tang tế”. (古者曰在北陆而藏冰,西陆朝觌而出之,其藏之也,深山穷谷,涸阴互寒。其用之也,禄位宾客丧祭: Thời cổ mùa đông cất trữ băng, cuối hạ đầu thu khi sứ vào chầu đem ra dùng, nơi cất trữ ấy là chốn thâm sơn cùng cốc, khô ráo lạnh lẽo, dùng trong việc tế lễ đãi đằng).

Sách Dậu Dương 《酉阳杂俎》tạp trở đời Đường có ghi chép cách làm đồ uống mát, Tiến sỹ Dương Vạn Lý 楊萬里 thời Nam Tống cũng từng có bài thơ Vịnh Băng Lạc 《詠冰酪》viết về váng sữa đông đánh đá. Chừng ấy đủ khiến người Trung Hoa tự hào cho rằng Mã Khả Bột La 馬可·孛羅 (Mã Khả Ba La 马可·波罗, Marco Polo) từng đến Trung Quốc học được phép làm kem rồi đem kỹ thuật này quay về Ý Đại Lợi 意大利, từ đó đánh dấu nền công nghiệp làm kem ra đời.

Ở Phương Bắc, người Trung Quốc gọi kem que là Băng Côn 冰棍, ở Hồng Kông gọi là Tuyết Điều 雪條, Đài Loan gọi là Băng chi 冰枝, Băng chi tử 冰枝仔, gọi chung là Băng bổng 冰棒, ăn hết một lượt những thứ đó rồi nhớ mãi trưa hè Hà Nội vã mồ hôi, trẻ con cạy tủ lạnh ra ăn vụng cục đá, ăn trộm đôi dép nhựa lén ra ngoài đường đổi lấy những que kem toàn nước lã, đường hóa học đủ màu xanh đỏ tím vàng nghi ngút trong hộp xốp đằng sau xe đạp với tiếng kem mút píp po píp po.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Tám 16, 2009, 07:22:13 PM
衡祁古道 - HÀNH KỲ CỔ ĐẠO

(http://qdcmw.cn/upf/Image/201609/19214046093891.jpg)

HÀNH KỲ CỔ ĐẠO 衡祁古道, kéo dài từ Hành Dương 衡阳 đến Vĩnh Châu cổ đạo 永州古道 (Gọi tắt là Hành Vĩnh cổ đạo, 衡永古道 ), khởi từ Tần - Hán, xuyên suốt Lãnh Nam, trải Đường, Tống, Nguyên, Minh xe bon ngựa trạm.

Từ Hành Dương chí Nam, xưa nay vẫn bị coi là cõi Việt Man chi địa (越蛮之地), là nơi cuồng phong cánh mỏi, đến loài ác điểu cũng phải dừng chân, là chốn lưu đày của bách quan thụ tội, nhưng cũng là nơi hun rạng nét tơ hào trên tầng tầng bia đá. Từ những Nguyên Kết 元结, Lã Ôn 吕温, Liễu Tông Nguyên 柳宗元, Lưu Vũ Tích 刘禹锡 đời Đường đến Phạm Thành Đại 范成大, cha con Trương Tuấn 张浚, Trương Thức 张栻 đời Tống và rất nhiều chí sỹ tấn thân sau này từng bị biếm tới nơi đây.

Vốn là con đường của các thương buôn trà muối, Hành Kỳ cổ đạo xuyên qua Lưỡng Quảng, chuyên chở phẩm vật đến tận xứ An Nam.

Trong bàng bạc của kỳ hoa dị thạch, vượt qua vạn dặm từ châu quận Kimi, nhiều văn nhân Giao Chỉ cũng đã đến đây, để lại thần anh trên đá tạc, khí khái nan lường, dẫu giữa thanh thiên ngàn năm cũng chẳng hề tu hổ......

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_5/blog/ap_20090802123722746.jpg?lb_____Dvm4T9XcL)
Đề Thạch Kính thi (An Nam Nguyễn Huy Oánh)

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_5/blog/ap_20090802123958884.jpg?lb_____D8TU4V7am)
Kính Thạch bi (Việt Nam Trịnh Hoài Đức)


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Cổ Trại Giao Lang trong Tháng Tám 20, 2009, 08:10:36 AM

哀牢犒盆 - AI LAO KHAO BỒN

Nghe nói dọc dòng Lan Thương 澜沧江 thổ sản dồi dào, cơ man vàng sắt, mật ong, tê giác, đồi mồi... Xứ Nam Chưởng Mường Xoa 南掌勐岔 (Luang – Prabang), miền trung Lào hoàng gia của Gà - Trâu - Vịt, nhan nhản biển hiệu nông lâm chẳng khác gì đường Láng - Hòa Lạc.

Mấy lần lai vãng ăn chán Fish BBQ, món cá sông nướng chua me ở Lào - một đất nước Đông Nam Á không có biển, uống Fanthong cho đến món Láp sang trọng, lần này đành phải quay ra ăn mấy bát Phở kiểu Sài Gòn do người Lào đạo diễn với rau diếp cá, bạc hà...

Ở Lào thế nào đâm nghiện uống NamSa, hút Hồng Tháp Sơn, người khô đi vì ăn  gạo nếp (Khau nyao). Món ăn ở đây nhiều ớt, những quả ớt luộc bày lên mâm trong bữa cơm như người Việt mình ăn rau muống, ớt khô cay chảy nước mắt, rất hợp với món gỏi tôm vắt chanh đánh từ sông Mekong.

Sáng sớm, vừa rửa mặt đã phải ăn cơm, cơm nắm, cơm gói trong lá sen, cơm chuối..., khô, nóng, nhiều khi phải chạy đi mua mấy chai bia Lào loại mười mấy ngàn kip uống thay canh.

Loanh quanh mấy hàng mì thấy người bản địa ăn một món gọi là Khau poon, người Thái Vân Nam gọi là Khao Bồn 犒盆 , ăn từa tựa như bún bò trộn chua ngọt bên mình, gọi là khả dĩ cho một lần lót dạ nhẹ nhàng, ngon gấp nhiều lần cả một suất cơm nặng nề.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_6/blog/ap_20090819112715349.jpg?lb_____DIC4Qv_ze)

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_6/blog/ap_20090819112809133.jpg?lb_____DwSjnpdKB)


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Tám 22, 2009, 11:55:58 AM
土用の丑の日 - DOYO NO USHI

(http://dothocungviet.com/images/news/trinh/thuc-an-de-giet-sau-bo.jpg)

Tokyo tiết Đại Thử, trời trong xanh, đứng trong quận Kasumigaseki 霞が関 lẩm nhẩm đọc:

Tháng Năm ngày tết Đoan dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.

Ở Hà Nội diệt sâu bọ, bà cô cười bảo: "Ôi dào! Khuất Nguyên quái gì! Mày có ăn rượu nếp thì ở trong cái âu xanh ấy!", đoạn lấy vôi bôi vào cổ cười hì hì. Ra ngoài đường kiếm cốc trà đá, thấy bán nếp cẩm đánh sữa chua, kể cũng thấy lạ, lần chần chưa dám ăn, mấy em Cave thì ăn hăng lắm, cố gạt cái thìa như xua đi hàng rổ xúi quẩy, áo ngực mùa hè trễ cả ra, trông sung túc chứ không teo tóp như bí cuối mùa. Chợt nhớ tới quả khoe hàng của Hà Kiều Anh, đốt nóng cả ban giám khảo, đúng là: Vú đàn bà, quà đàn ông!

Bến xe buýt ở Nhật người xếp hàng ngay ngắn lắm, lần lượt trật tự, phía trước có mấy em nữ sinh nói ríu rít, toàn ô với ê, làn da Châu Á, chân dài thủy thủ mặt trăng làm người đứng dưới cứ sốt sình sịch. Một ông già thấp đậm, đội mũ phớt, mắt híp tịt, chỉ tay vào cái biển 土用の丑の日 (Doyo no Ushi) bên đường, mới nghĩ ra cái từ Thổ Dụng 土用, cách ghi lạc khoản của người Nhật, chỉ món lươn om nồi đất, ăn trong những ngày hè nóng nực.

Hồi còn học trong trường SPNN, bà chuyên gia Mỹ có nói đến The day of the ox, giải thích kiểu người Việt búi tó là ngày của bò, mấy thằng sinh viên thì có vẻ hàn lâm hơn: Ông dốt bỏ mẹ! Ngày Sửu mới đúng! Ừ thì đúng thật! Thế cho nên Oxford mới được người Trung Quốc dịch sang thành Ngưu Tân 牛津 - Bến thả bò trâu thứ thiệt.

Còn ở Nhật, cái biển 土用の丑の日 (Doyo no Ushi) chính là The day of the ox, ngày Sửu trong vòng 18 ngày trước Lập Thu 立秋, tiết trời nóng nực, cũng là lúc người ta rồng rắn trước cửa hàng chạch lươn, uống Sake, ăn hành sống, hoặc mua hàng túi lươn khô Danh Cổ Ốc, Quan Tây ( 名古屋, 関西 - Nagoya, Kansai).


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: uyennd72 trong Tháng Tám 23, 2009, 07:08:06 PM
Khuatlao76 làm uyennd72 nhớ tới món "Hotdog", nếu dịch ra theo lối "Vietnamese Style" thì sao nhỉ?
Uyennd72 nhớ có lần  gặp tên tây ba lô trên đường Phạm Ngũ lão -Q1 - Sài Gòn khoảng năm 1996 -1997 gì đó. Hắn gọi món hột vịt lộn là " baby duck: ???


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Cổ Trại Giao Lang trong Tháng Tám 24, 2009, 06:13:08 PM
SAVON DE MARSEILLE - XÀ PHÒNG MẠC XÂY

(http://upload69.net/images/evz3ka7un24bcmwishkc.jpg)

Marseille soap - Savon de Marseille – loại xà phòng chế tạo từ công nghệ cổ điển từ sáu thế kỷ trước bằng dầu thực vật tại Marseille, Pháp. Năm 688, Vua Louis XIV ra luật Edict of Colbert hạn chế việc chỉ sử dụng tên Savon de Marseille cho các loại xà phòng từ dầu olive trong nội hạt Marseille.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_6/blog/ap_20090824055955695.jpg?lb_____Dxpm0kxoB)

Tại Việt Nam, xà phòng này xuất hiện dưới cái tên Mạc Xây, còn gọi là xà phòng hôi để phân biệt với xà phòng thơm dùng để tắm, thường dưới dạng 300g đến 1kg, trên khắc chữ 72%, được liệt vào một sản phẩm mà sau này cùng xà phòng Liên Xô CCCP là xà phòng 72 phần dầu.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_6/blog/ap_20090824060907403.jpg?lb_____Dbujq9Mty)
Thủ phủ của xà phòng Mạc Xây 72% dầu

Xà phòng 72 nói chung không dùng gội đầu bởi rít tóc, nhưng trong thời kỳ khó khăn, hiếm khi thấy việc sử dụng thả cửa, một bánh xà phòng Mạc Xây mua về được các bà lấy dao chia thành từng miếng nhỏ, gói gém thật kĩ vào giấy, chỉ khi nào tổng vệ sinh chăn chiếu mới dám cạo một ít hòa với nước ấm mà dùng. Sáng nay, nhìn bánh xà phòng Safeguard lĩnh theo tiêu chuẩn Văn phòng phẩm của Bệnh viện đã hết gần quá nửa, mới hay dạo này rửa tay quá nhiều, kiểu này thì một tháng phải mất đến năm bánh, thế mới thông cảm cho việc thiếu nữ lấy tay che chỗ ấy, nấp ở thành giếng xin xà phòng, mới hay chuyện bánh xà phòng 72% đi đổi được gà chẳng có gì là lạ.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Chín 07, 2009, 12:18:45 PM
HỒ ĐẠI LẢI

(http://vietlandmarks.com/upload/136755948551834d3d36ad5.jpg)

Lên núi Thằn Lằn, nhìn về Hà Nội, ngóng dãy Tam Đảo, tìm dấu vết Quận Hẻo một thời, ôi sông nước mênh mông, đâu rồi nguy nga thành quách.

Đại Lải dưới ánh hồng phô sắc biếc, rừng xanh gió mát thổi ý thanh tao, Mê Linh một bình minh lên, ôn hòa và nhuần nhụy.

Trên thế đất rồng cuộn, Đại Lải thời bình bề thế oai phong, tuy nhược địa cằn khô, thế thời chiến không bền mà ngắn ngủi. Thời Lê Trịnh, Nguyễn Danh Phương hùng cứ, biết đâu phút chốc lạc vào hãm địa của Trịnh Doanh. Chân trời xa xa, Đảo Chim trắng xóa cánh cò, như cũng ngậm ngùi cùng người thiên cổ.

Mỗi lần đến Đại Lải, lại nhớ đến Đạt Lai Hồ 达赉湖, nằm trong nội cảnh Nội Mông bao la, lạc vào giữa vùng bình nguyên khéo ru vó ngựa.

Kiến tạo năm 1986, Đạt Lai Hồ được công nhận là một trong những khu bảo hộ thiên nhiên lớn nhất Trung Quốc, sóng sánh dưới bầu trời mệnh danh THIÊN TỰ KHUNG LƯ 天似穹庐, sáng xanh những đôi cánh Bạch Tì Lộ 白琵鹭.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Cổ Trại Giao Lang trong Tháng Chín 26, 2009, 04:33:10 PM
CHEE CHEONG CHOOK

(http://baomoi-photo-1.zadn.vn/16/04/17/139/19148532/5_111119.jpg)

Người Xá 畲 (輋族) - một chi của người Dao đã để lại dấu vết tại Hồng Kông, minh chứng cho những gì tồn tại trước đây hàng ngàn năm với các chiến cụ Bách Việt. Từ Hà Nội tới thăm vạn chài Hương Cảng khô cằn, bàn tay hằng nâng niu tiền Việt, giờ nắm chắc Dollar trong nỗ lực tìm kiếm được một nơi nào mang đậm bản sắc anh hùng, giàu có màu cổ trang, hoặc câu chuyện họ Lý đã kể những năm thập kỷ bảy.

Trong khi Hồng Kông mở liên hoan điện ảnh cho gái điếm, các cô gái làng chơi đẹp như minh tinh, tràn trề ham muốn nhục dục ở Sai Yeung Choi (西洋菜街)
 bước ra từ các bộ phim xxx kéo tay, những mong muốn thám hiểm trên lại được đền đáp bằng những bát cháo Chee Cheong Chook nóng hổi.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_8/blog/ap_20090926025340658.jpg?lb_____Dv.H5fRy0)

Có du khách nói nếu đến Hồng Kông và Tân Lang (Penang), chỉ cần một lần nếm món cháo Chee Cheong Chook thì sẽ không có thấy các món khác còn xứng đáng gọi là cháo nữa. Ở Penang, những ông chủ hàng Chee Cheong Chook liền tay, mồ hôi nhễ nhại khiến tôi nhớ đến món cháo chửi ở Hà Nội, nhất là vào khoảng hơn một giờ chiều, khi các thực khách bu kín như đèn cù.

Thực chất Chee Cheong Chook là Trư Trường Chúc 猪肠粥, chính là món cháo lòng quen thuộc. Liếc nhìn những cặp môi đất khách, móc bóp cho vững lòng rồi mạnh dạn, đĩnh đạc bước vào một quán nhỏ ven đường vào một buổi chiều, chỉ mong thấy được phong vị Việt trong cái nồi đang sôi sùng sục.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_8/blog/ap_20090926025417205.jpg?lb_____DhzhN0wqr)

Chee Cheong Chook trơn tuột trong cổ họng, cũng khúc lòng, dạ dày, lẫn bên trong vài miếng lưỡi lợn, nóng nảy giữa cái ngột ngạt, nhưng không hề gì, cả không gian nhường chỗ và e ngại khom mình trước mùi lòng rán thơm lừng.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_8/blog/ap_20090926033301962.jpg?lb_____DwXdsqGvE)

Ở Hà Nội, ăn cháo lòng người ta ăn tiết canh, trước khi đụng đũa vào đĩa lòng tổng hợp đầy đủ, tim gan phổi phèo với lệ bộ húng quế, rau thơm. Vượt qua vị trí bình dân, cháo lòng vươn lên những buổi chiêu đãi tầm nhà nước trong các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Trong cơ quan, giờ nghỉ trưa, có thể thấy đầy đủ trưởng phó các kiểu mặt đỏ ngừ, chém tay ở các quán cháo lòng Hai Bà, Chợ Đuổi....

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_8/blog/ap_20090926033335484.jpg?lb_____D0b0pW43b)

Sau những phút hùng hồn, những cuộc diễn thuyết say sưa, chữ ký, các dự án mới được khóa đuôi bằng bát cháo lòng thơm phức, được một em váy ngắn đùi dài bê tới, xinh đẹp, ngon lành, cay rồ dại như ớt bột, hạt tiêu, đỏ đen, mê man bất tận.

Nhớ thời xưa đàn ông thèm lắm một bát tiết, nhà nào thịt lợn là sáng sớm đã có ông quần Pické mông thật lớn, cưỡi chiếc xe đạp Phượng Hoàng đạp nặng như cái cùm, dõng dạc đứng đầu ngõ nói vọng vào, hỏi thăm rằng tiết canh đã đánh, quả bầu dục cháu bé đã ăn chưa..., bữa liên hoan gia đình tôi thuở ấy, có những con mắt thèm khát nhòm từ ngoài vào, có những tiếng xuýt xoa, tiếng bố mắng sao mà ăn nhiều, húp cháo xùm xụp. Nhìn tấm ảnh cũ thấy thời gian đáng sợ biết bao!


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Chín 29, 2009, 06:08:41 PM
문케이크 - MOON CAKE

(http://homnayangi.vn/wp-content/uploads/2016/06/cach-lam-banh-trung-thu-co-truyen-6.jpg)

Đêm trước ngồi bên song, trong làn gió thoang thoảng thấy mùi bánh trái, nghe bà hàng xóm khấn vái Đông bình Tây quả, giật mình mới nhớ đã gần tới Trung Thu, ngày nào đi làm qua phố Bà Triệu cũng thấy hai bên đường đỏ rực đèn hoa phường bánh , thế mà cũng chẳng để ý, có lẽ vì đã quá tuổi thiếu nhi rồi chăng?

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_8/blog/ap_20090917011435460.jpg?lb_____DfHfRcxYu)

Bánh Trung Thu giờ khác lạ, mọi thứ đều WIKI hóa ngày càng biệt ly lối truyền thống, thứ bánh nướng bánh dẻo nhân thịt mỡ, lạp tràng, lá chanh thời bao cấp hôi hôi mùi chương lang thảy chỉ còn được nhắc lại trong thứ văn chương ôn nghèo kể khổ, thay vào đó là tràn ngập nơi môn tiền náo nào bánh Kinh, Bi, Quảng, Cảng..., Trung Thu  Nguyệt Bỉnh 中秋月饼 xanh xanh đỏ đỏ.

(http://toinayangi.vn/wp-content/uploads/2014/07/banh1.jpg)

Trung Thu ở Nhật Bản, mọi người ăn bánh Dango 団子, uống rượu Sake, mình lấy xâu hạt bưởi đem từ Việt Nam ra đốt, làm cô bé đang rước đèn cá Chép cứ mắt tròn mắt dẹt, ông già ngâm thơ Haiku gật gật, mấy cô thiếu nữ mặc Kimono cười đến tình tứ, kín đáo, trông khác xa những hình vẽ trong chuyện Manga.

Mấy hôm trước viết hai chữ 추석 (秋夕) cho một Chaebol, được tặng một hộp bánh Trung Thu Hàn Quốc Mooncake (문케이크), trông ngon lắm, ăn vào mang phong vị tha hương, chả giống gì thứ quà cáp quê nhà, tự dưng nhớ đến tuổi thơ phá cỗ trông trăng da diết.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Mười Hai 21, 2009, 01:42:41 PM
ĐI THĂM ĐỀN SÓC

(http://media.dulich24.com.vn/diemden/den-soc-son-3440/den-soc-son-14.jpg)

Ngày bé mẹ dạy có ông Gióng khổng lồ, cưỡi ngựa sắt hí ra lửa, đánh giặc Ân. Ở trường cô giáo kéo tai bảo: "Bảy nong cơm, ba nong cà, đánh tan giặc, còn bây giờ cũng ăn gạo mà chỉ nghịch thôi". Chạy ra ngoài, khóc cả một ngày giời, truyện ông Gióng thì thích, còn làm như ông Gióng thì ai làm được.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221120905397.jpg?lb_____DSCloxM0n)

Lên cấp II, mấy lần tham gia Hội Khỏe Phù Đổng, rồi được chọn vào đội tuyển điền kinh, biết thế nào là mùi vị để khỏe như ông Gióng, sáng chạy 10 cây, chiều tập thể lực nặng, ăn uống xa xỉ lắm là bát Phở, quả trứng vịt lộn, người cứ sắt lại. Cái khẩu hiệu: "Khỏe để bảo vệ tổ quốc" cứ đeo đuổi hằng năm trời.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221121855208.jpg?lb_____DhRhcoeh9)

Nghiên cứu cuốn Đông Phương Thần Thoại Truyền Thuyết 东方神话传说 của NXB Đại Học Bắc Kinh 北京大学出版社, thấy có truyện Thánh Đổng Thiên Vương 圣董天王传, ngồi hồi lâu nghĩ về hai chữ Đổng - Dóng (Gióng), mới mở Đại Việt Sử Ký toàn thư đọc lại:

"Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng)."

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221123118710.jpg?lb_____DHoJq_u5c)

Sáng Chủ Nhật đi đền Gióng cùng hội xe cổ, giữa trưa đứng tần ngần trước Hồ Sóc Sơn, xem dấu chân ngựa thuở nào, đâu rồi vết người xưa diệt giặc. Cả đoàn ai cũng bảo lẩn thẩn, có khi còn hơi điên cũng nên. Điên cũng được, miễn là sống được trong thế giới của mình.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221123209572.jpg?lb_____DrJziykl8)

Nhiều lúc sống cùng cổ nhân cũng thú vị, mọi người lo mua sắm, chụp ảnh, mình tranh thủ đọc lại mấy câu đối trước cổng đền, câu đối sửa lại, thợ đắp phần nhiều không biết chữ Hán, nét chữ xấu đi nhiều.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221123236899.jpg?lb_____DJkn4I9HJ)

Quá trưa, thời gian đã muộn, trưởng đoàn quyết định cử người đại diện đi thắp hương ở đền Trình để vào thẳng đền Thượng.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221123303744.jpg?lb_____DOCkANu5g)

Sau đền Trình là đền Mẫu.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221124724762.jpg?lb_____D6yqRpoY.)

Đền Thượng

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221124904543.jpg?lb_____DLccHBc9C)

Ban thờ đền Thượng uy nghi, bức hoành phi Càn Khôn Lập Trĩ 乾坤立峙 nét bút sắc xảo và tài hoa, đứng dưới chân bậc Thánh Nhân, nghe cụ từ đền kể về gốc cây Trầm Hương vắt áo, về Đức Phù Đổng Thiên Vương, ông Lê Hoàn, Na Tra thái tử, về ông nông dân ở Bắc Ninh, thấy hình như cổ nhân đang đứng cạnh mình.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221010613817.jpg?lb_____DhNGBG.gw)

Gần đền Thượng là Chùa Đại Bi, vì thời gian có hạn nên đoàn không vào thăm, đành hẹn khi khác.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221010657380.jpg?lb_____DJdFItTxT)

Sực nhớ cách đây nhiều năm, lên núi Vệ Linh, bậc đá thăm thẳm lên cao như dẫn vào nơi tiên cảnh.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221010932182.jpg?lb_____DXHc8XnCk)

Nhà bia đền Sóc Sơn, nơi cùng thằng Tuấn ngồi cả buổi trưa ngồi đọc. Thấm thoắt đã gần chục năm.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221011005703.jpg?lb_____DA.e7xHx8)

Đường đi ăn trưa bụi bặm, cả đoàn tiến về một khu du lịch ẩm thực gần đền.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_20/blog/ap_20091221011123354.jpg?lb_____DYzrAUf5F)

Nhà sàn ẩm thực, mô hình mình đã thấy nhiều ở Vân Nam, nhìn phong cảnh lẫn trong hoang sơ, dường như chén rượu bên những người bạn không thể nào dứt.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20091221011225569.jpg?lb_____DZiT9XMIk)

Ăn trưa xong, cả đoàn lên Chùa Non Nước, nơi có bức tượng Phật rất lớn mà hồi cùng thằng Tuấn lên thăm còn đang đúc dở dang.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20091221011350371.jpg?lb_____D9ipTEohQ)

Xe hỏng phanh tay, mình quay xuống, leo lên cao, nhìn phong cảnh Sóc Sơn, lại nhớ đến câu:

Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20091221011454175.jpg?lb_____DjOnvuP7U)

Cả một ngày ở đất Sóc Sơn, trên đường về cứ băn khoăn câu của Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược: “Một trong những hiểm họa luôn rình rập đất nước ta đó là lụt lội. Cho đến giờ, một năm chúng ta phải đối mặt với không biết bao nhiêu trận bão lũ, nhất là trong thời kỳ biến đổi khí hậu này”. Qua đó ông cho rằng Đức Thánh Gióng trong Thần Phả từng được coi là anh hùng trị thủy.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20091221011620282.jpg?lb_____DnrXm3gHw)

Đường về qua Học Viện Phật Giáo Việt Nam, tự dưng thấy một chút gì lưu luyến, rồi mình sẽ đi đâu, giữa Đời và Đạo, liệu một bước chân nơi Thiền Viện có giúp người ra khỏi nỗi trầm luân?


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Một 01, 2010, 06:15:24 PM
ĐÊM TẤT NIÊN

(https://img.quantrimang.com/photos/image/2017/01/10/com-tet-2.jpg)

Hà Nội của một người hoang tưởng, như ở bên thành Viên nước Áo, như trong chuyện Andecxen, cổ kính, âm u và lạnh lẽo, chứa đựng đâu đây hơi hướng cái quỷ quyệt theo kiểu tháng củ mật, cái tàn độc của Nữ Thần Băng Giá, giấu trong những đợt gió rét thổi o o, ẩm ướt, thấm buốt nước mưa trên những cành khô mộc yêu tinh, nguều ngào cố vươn những tiếng gọi thất thanh, u uẩn cuối cùng rồi đây sẽ giẫy chết trong ánh nắng của mùa xuân đang vẫy gọi.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20100101025534876.jpg?lb_____DhsOcpk16)

Thần Lửa, phải, Thần Lửa, người sẽ đem đến đây bữa tiệc cuối cùng, nguồn sáng của cây nến đêm Chúa Giáng Sinh, rồi bùng lên ấm cúng trong ngày tất niên, khi tòa lâu đài thời gian đóng kín quanh năm, cổng thành lại mở, gã Thần Giờ cáu bẳn, khó tính lúc nửa đêm sờ soạng tìm đèn nến, khua cây gậy đánh lên 12 tiếng chầm chậm, nhanh dần rồi từ đau khổ thành hân hoan, cho nụ cười bật ra từ những kìm nén lâu ngày, và lời thỉnh nguyện kiều diễm lại vang lên: CHÚC MỪNG NĂM MỚI. Chiều nay, ngóng về phía Thủ Đô, đôi mắt những bà mẹ trông chờ, đôi tay bấm đốt của những người cha nhẩm tính một năm tròn trở lại, trong khi đứa em đứng ra bụi tre đầu dốc, mong những người con, anh chị trở về, và bập bùng trong khói bếp, ấm nước tẩy trần đang sôi, nồi nước canh luộc gà cho bữa cơm năm hết.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20100101031054423.jpg?lb_____DGhfJAUug)

Đã lâu rồi cái tiết nhật tha hương, ngày cuối năm đứng bên này quan tái, rót chén rượu xứ lạ, nói câu chữ Thánh Hiền. Bắc Kinh cuối đông trắng mênh mang, rét như cắt da thịt, sức vóc người Nam đứng trước ngọn Sóc phong, tuy bành trướng và dữ dằn, ấy mà quyết không thể bị quật đổ, duy đôi mắt thấy đỏ quạch như triền sông, như chứa nặng cái tình phù sa châu thổ, nơi ấy chắc nhiều nỗi ngóng chờ.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20100101031558939.jpg?lb_____DFreS3uEc)

Có một lần nói chuyện với Lily Hoang, một học viên ở Canada, nghe nỗi lòng của một trời hải ngoại, tự dưng thấy muốn kể thật nhiều, thật nhiều, về mùa muỗm Dâm Đàm năm xưa, về Đấu đong quân, này núi Non Nước, kia đỉnh Vô Vi, nọ chân Tử Trầm nữa sườn Hương Tích, đâu đâu cũng bàng bạc phong khí nước Nam, khiến tấm lòng của những người xa quê hàng năm trỗi dậy, đặc biệt vào dịp cuối năm. Thời gian vùn vụt trôi, từ khi Lily Hoang trở về Canada, lâu không gặp lại, tất niên này đã nhiều mùa xuân.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20100101050210641.jpg?lb_____DrytFTeuN)

Chiều cuối năm, ngồi sắp xếp lại tài liệu trên bàn trước khi niêm phong, bắt gặp những gì đã đi qua trong quá trình sống và làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, những danh sách học viên, những đoàn khách vào ra, những ấn bản chứa đựng bao công sức lao động của các giáo sư, bác sĩ: Nghiên cứu bào chế 50 cây thuốc thường dùng, Sổ tay cán bộ Y học cổ truyền tuyến cơ sở, bản thảo Bảng chuẩn thuật ngữ quốc tế của WHO về Y học cổ truyền.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20100101050259988.jpg?lb_____DCJ5oahbj)

Thế là một năm cũ lại sắp qua, đất nước trước những vận hội mới, nhiều người lại đặt thêm niềm hy vọng, có thể là những trọng đại quốc gia, nhưng có khi chỉ là những ước ao bình dị, thôi thì nếu không thể làm ngọn đuốc lớn, thì hãy làm ngọn nến soi sáng trong nhà mình. Chiều cuối năm buông ra những tiếng thở dài, có thể là của một Lưu Bị thời Hán mang chí chim bằng, có thể là một chuyến hàng bán buôn thua lỗ, có khi là của cô gái vừa bán đi cái trinh tiết ngày hôm qua, của một anh khóa hỏng thi nơi hý trường bạc bẽo, và có cả tiếng thở dài thật tự tin trước thời cuộc:

Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân
Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương
Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ
Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai
Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm
Có mùa xuân nào đẹp bằng.

Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới
Chứa chan niềm tin đường ta đi xanh thắm mộng đời
Về tương lai, đàn chim ơi,
Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu
Có cơn gió mừng buồn thương mùa đông và mây mù sẽ tan.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_21/blog/ap_20100101050329993.jpg?lb_____D6LT4fX6j)

Hà Nội đêm tất niên không còn là của kẻ hoang tưởng, nhưng đẹp huyền thoại, thời khắc này ghi dấu những bước chân của những người con Trăm Trứng tiến vào cái tuổi nghìn năm, có già cỗi không nhỉ, khi sức xuân còn quá sung mãn, dồi dào, như cô gái đang đến thì Cách Nương Long, đột khởi sau làn áo những mầm ươm của một thời thì dậy.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Hai 08, 2010, 09:28:32 AM
LẠP XƯỜNG

(http://i358.photobucket.com/albums/oo28/tuhaibajai/20150724090444-vo-lap-suong.jpg)

Quang Tự thập nhị niên 光绪二十年 (1894), có người bán cháo tên Vương Hồng 王洪, nảy ra ý đem thịt lợn thừa, ướp muối đường nhồi vào vỏ lòng lợn, đem phơi, đem ra ăn thấy ngon miệng, từ đó chiếc lạp xường 腊肠 ra đời. Đến nay dừng chân ở Quảng Đông 广东, Hương Cảng 香港, Áo Môn 澳门, ra ngoài chợ đều thấy bán nhan nhản thứ này cả.

Lạp xường đi khắp thế giới, sang Tây với cái tên Chinese Sausage (Xúc xích kiểu Tàu), theo bước chân người Hoa xuất hiện trong các ngoài chợ, siêu thị, các phố mua bán và trong các bữa ăn. Những đầu bếp Châu Âu sau khi học lỏm được bí quyết nhồi lạp xường, cũng đã đem về nước mình, chế tạo ra những sản phẩm riêng với những gia vị bản địa, làm dài thêm bản danh sách các món ăn.

Ở Việt Nam, Sóc Trăng là nơi làm lạp xường ngon nổi tiếng. Ngày còn nhỏ thấy các cụ kháo nhau về lạp xường Mai Quế Lộ, rồi Tết đến đôi khi thấy trong bữa ăn, được mẹ đem ra rán, thái thành lát mỏng, chấm nước mắm mặn ăn dè, gọi là chút chút sang trọng. Lạp xường Mai Quế Lộ theo phong cách người Hoa, ướp muối, đường, ăn thơm nhưng vị ngòn ngọt là lạ, nên cũng chả đọng lại trong ký ức ấn tượng gì ngoài là một món ăn mà chỉ Tết mới nhìn thấy.

Thời mở cửa cuộc sống cũng dễ thở nhiều rồi, những gì mà thành phố ruồng bỏ thì người quê bây giờ thịnh hành, trong khi người thành phố thích ăn gà luộc thì một người ở quê sẵn sàng đem lọc thịt gà ra xào xả ớt, gọi là cho có phong vị thành phố, còn những gì ở những nước tân tiến đã quá chán thì người Việt mình lại đang ưa dùng. Giao lưu Đông - Tây, lạp xường chạy sang Tây, xúc xích chạy sang ta, thế nên nhiều lúc đi ăn tiệc, đều có một khay than với các cô tiếp viên nướng xúc xích váy ngắn đến tận bẹn, làm nhiều đức ông chết mê chết mệt, không biết vì xúc xích hay ở cái bắp vế trắng ngần khiêu khích kia. Tuần trước có người đem cho một gói xúc xích tươi của Ý, vẫn cứ vứt trong tủ lạnh, chẳng thèm ăn, với mình những thứ ấy dường như chả có sức hấp dẫn gì lắm.

Thế mà từ hôm qua câu chuyện lại khác, một người bà con đem xuống một cân lạp xường Lạng Sơn, thơm mùi rượu, mềm mại, ăn không ngấy mà hơn hết là không hề ngọt chút nào, có lẽ hợp với người Bắc kỳ hơn. Một khúc lạp xường Lạng Sơn, đem nướng vàng trên than hoa, chấm tương ớt cay sẽ là một món ăn thích hợp và tiện lợi khi tiếp khách ngày Tết.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Hai 08, 2010, 12:02:11 PM
CHUYỆN CẦM ĐỒ

(https://phamlaw.com/wp-content/uploads/2015/01/cam-do.jpg)

Gần Tết, cái túng bấn lại được dịp lên tiếng, người người đôn đáo đi vơ váo ở đâu cho được tí chút, sinh viên về quê, tiền tàu xe, quà cáp níu kéo, đổ xô đi vay mượn, các cửa hàng cầm đồ thực sự vào vụ. Đi trên đường phố Hà Nội, trước các cửa hàng cầm đồ là nụ cười, cái nhìn đắn đo gian hiểm của các chủ nợ, nỗi lo âu thấp thỏm của người đi cầm đồ.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208114213991.jpg?lb_____DrvbIHh7g)

Đi ngang qua cửa hàng cầm đồ, mặt hàng nhìn thấy đầu tiên là máy vi tính, được xếp tầng tầng, có những chiếc còn mới tinh, chắc do một sinh viên nghèo nào đó, có thể thiếu tiền về quê, trả nợ nần, hoặc giả muốn kiếm chút tiền tình phí vừa mới đặt.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208114341138.jpg?lb_____DsAj1tkB6)

Cửa hàng cầm đồ lớn sẽ có một cái kho, thường chứa xe máy, đủ loại từ Dylan đến Wave, chỉ thấy thiếu mỗi mấy dòng cà khổ như Lambretta, Vespa, Mobyllete. Nhớ hồi sinh viên có đứa bên cử tuyển, một năm đặt đến hai mươi cái xe, ấy vậy mà vẫn thiếu tiền đổ vào cái món bi a điện tử.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208114502703.jpg?lb_____DHlUu4Hj6)

Chuyện tưởng như chuyện đùa mà có thật là sinh viên còn đặt cả tấm bằng của mình. Với một tấm bằng đại học hoặc phổ thông, một lần đặt có thể lên tới từ hàng trăm đến mấy triệu. Thế nhưng có một điều mà các chủ cửa hàng cầm đồ phải đau đầu, đó là đầu ra cho các mặt hàng này.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208114711841.jpg?lb_____Dcll2ekbf)

Thế rồi đến lượt các nhạc cụ cũng được đem đặt, ví như các mặt hàng cao cấp như kèn, bộ trống, oóc gan, rồi ghi ta điện, ghi ta thùng. Vào một số cửa hàng, có thể thấy nhiều cây ghi ta Nhật còn mới.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208115006379.jpg?lb_____DSHFMTdtv)

Cực chẳng đã, nhiều người còn đem đặt cả sách, thư tịch cổ, từ điển cổ. Nhớ ở Cầu Giấy, có một cửa hàng cầm sách cũ, đủ các loại từ điển Anh, Pháp, Nhật, Việt, Trung Quốc cho đến Vân Đài Loại Ngữ, Binh Thư Yếu Lược. Ở đây, có lúc còn nhìn thấy những bộ Từ Hải, Khang Hy rất cổ.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208115428126.jpg?lb_____D1L.HG7jE)

Xưa, một người nghĩa sĩ đất Sơn Đông , tên là Tần Quỳnh, anh hùng lừng lẫy, mỗi lần cầm đến quyển Thuyết Đường ai nấy đều tấm tắc khen ngợi, cùng với Trình Giảo Kim, Uất Trì Kính Đức là cái thế một thời.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208121913139.jpg?lb_____D4yeezKaN)

Ấy vậy mà trong cơn túng quẫn, cũng chính người anh hùng đấy, đành phải ngậm ngùi cầm đi đôi giản vàng gia truyền.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100208121942572.jpg?lb_____Daw19xLav)

Mùa xuân, đi ngang qua các cửa hàng cầm đồ, rồi lại ra Văn Miếu, ngắm PHỐ ÔNG ĐỒ đầy điển cố chữ nghĩa, ý đẹp lời hay, nhìn những thân phận lang thang cơ nhỡ nơi cửa Khổng sân Trình, lại chợt nhớ đến Thuyết Đường, nhớ đến tích chàng tráng sĩ họ Tần cầm giản bán ngựa, thực là buồn lắm thay!


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Hai 13, 2010, 07:30:30 AM
CHUYỆN TRANG TRÍ NGÀY TẾT

(https://cdn.chanhtuoi.com/uploads/2019/01/do-trang-tri-tet-4-1548052165.jpg.webp)

Sau thời kỳ bao cấp, cái Tết có khấm khá hơn, sự no đủ xuất hiện, con người có thời gian chú ý đến cái đẹp, một số môn nghệ thuật từ lâu quên lãng nay sống lại, giấy màu, trang kim lúc ấy mới bật ra tiếng cười từ lâu nằm trong đáy hòm, vui thay tay người thợ khéo!

Góc phố Bà Triệu - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) chứng kiến lần đầu tiên sự trở lại của chữ Nho và tranh thủy mặc, dưới nét bút tài hoa của cố Trại Thư Họa Gia Lam Sơn Hồng Thanh 寨书画家蓝山鸿清, cùng lúc tại đình trung Văn Miếu, cố Trại Đại Lão Thư Pháp Gia Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa 寨大老书法家清弘溪黎春和 cũng tung hoành câu cổ mặc dạy lại cho người đời lời chiếu điều Tâm 心 - Đức 德 - Nhẫn 忍.

Chữ Hán trở lại, chính phủ Hoa - Việt mỉm cười với nhau trên bàn tiệc, biên giới thông thương, cùng nghĩa với sự tràn lan của sản phẩm chứa đựng tinh hoa văn hiến Hoa Hạ 华夏 trên thị trường Việt. Ngày Tết, người ta uống bia Vạn Lực 万力啤酒, tặng nhau những quyển lịch Tàu 艘 in hình mỹ nữ xanh đỏ với sự hở hang chưa từng bao giờ thấy ít nhất là trong thời bao cấp khi mà một thiếu nữ ra đường chỉ cần để lộ tay quá khuỷu đã bị cho là một thứ nặc nô. Lẩn quất đó đây trong hàng triệu ấn phẩm từ phương Bắc, có những quyển lịch được coi là dành cho những người có học, in hình Phật tượng, hoa mai hoa đào, với những hàng chữ Hán trang nghiêm, dạy bảo.

Trong mấy năm 1998, 1999 - 2000, trên đường phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện những cửa hàng, những người đi rong bán những đồ trang trí ngày Tết, có thể là đèn TTTg, trang kim hoa đào, dây Phúc - Lộc - Thọ, đáng chú ý là hình hai đứa trẻ nam nữ điệu bộ tươi vui cung kính. Đó là Kim Đồng Ngọc Nữ 金童玉女.

Là một sản phẩm của văn hóa Đạo Giáo 道教, chỉ đôi nam nữ hầu cận các tiên nhân, sau dùng chỉ bé trai bé gái, Kim Đồng Ngọc Nữ xuất hiện nhiều trong văn học. Thời Đường 唐朝 (618年─907年), Từ Ngạn Bá 徐彦伯 trong Hạnh Bạch Lộc Quán ứng chế 《幸白鹿观应制》viết: Kim Đồng kình tử dược, Ngọc Nữ hiến thanh liên 金童擎紫药, 玉女献青莲 (Kim Đồng dâng thuốc tía, Ngọc Nữ hiến sen xanh), đều trỏ sự cao quý vậy. Từ những ý nghĩa như thế, Kim Đồng Ngọc Nữ trở thành đồ niêm thiếp cát tường 吉祥, dán lên cửa vào ngày Tết như là một hình tượng may mắn.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100207050336650.jpg?lb_____DdDxYNytY)

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100207050310155.jpg?lb_____DVNqrbUzq)

Trong những ngày bao cấp, Tết nghèo nàn, cuối năm bà ngâm táo làm mứt, nhuộm giấy màu, tìm quanh được một nhánh cây khô gắn lên làm cành đào giả, ông thì suốt ngày hý hoáy viết, mong nộp được vài bản thảo kiếm ít tiền, đúng chiều ba mươi cẩn trọng lôi từ đáy cái valise tờ tranh Đông Hồ NHÂN NGHĨA - LỄ TRÍ 仁义礼智, in hình bé trai ôm cóc, bé gái bế rùa, vẽ lại rồi dán lên cửa, coi là để đón mừng cái may cái phúc vào nhà. Nhiều năm đã qua, giờ đã là xuân Canh Dần 2010, nhìn bộ KIM ĐỒNG NGỌC NỮ, lại nhớ đến những ngày xưa, nhớ cái Tết còn ông bà, nhớ đến bộ tranh NHÂN NGHĨA - LỄ TRÍ.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Hai 17, 2010, 11:24:46 PM
GIẤC MÊ XUÂN CHIỀU 28 TẾT

(http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2016/02/05/09/20160205095321-anh-6.jpg)

Hà Nội nhìn soi mói vào những tên móc túi, đang rình mò vào cái tháng củ mật, lộng hành thôi rồi, cố móc vài đồng, những túi tiền, tem phiếu tiêu chuẩn trong túi, trên đôi tay gầy guộc, chắt chiu, dành dụm của người dân, đang chen chúc trước quầy hàng chiều 28 Tết, lấy cho được hộp mứt, gói chè nghèo nàn.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100217112111534.jpg?lb_____DRvdCBTox)

Bố, anh lính già xách xe đi từ sớm, hòa vào dòng người Hà Nội, với những người lính khác, hứa sẽ đem về một bánh pháo điện quang hiệu Trúc Bạch, một miếng vải để may tấm áo mới cho ông con mới lên bốn tuổi rưỡi để kịp Tết đến thăm ông chuyên gia Úc Joerg Cambell. Bánh pháo Trúc Bạch sẽ được đốt vào đêm giao thừa, còn cái bánh pháo khác trong túi quà Tết tiêu chuẩn thì chắc sẽ đốt vào mùng một, khi người khách quý đến xông nhà. Tấm vải mới rồi thì về sẽ được đôi tay khéo léo của bố cắt ra, rồi được may thành cái áo mới theo kiểu cách nhà binh thời bao cấp, ngay ngắn, nghiêm chỉnh, kính cổng cao tường, cả đêm bên cái máy khâu cà khổ, TTTg ra ngoài cái cốt bông cũ, thành chiếc áo ấm để mùng hai vào thăm khu chuyên gia.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100217112508894.jpg?lb_____D79klZa_z)

Quầy tranh Tết thờ ơ, thờ ơ người bán, thờ ơ người mua, nụ cười ốm yếu dành cho nghệ thuật trên gương mặt Việt gày guộc những năm bao cấp, dường lo nghĩ cho cái bánh chưng hơn là một bó hoa tươi, bức tranh gà rạng rỡ. Giả sử một thư họa gia lỗi lạc, lạc loài đến thăm xuân Tân Dậu 1981, từ cái vỉa hè Văn Miếu xuân Canh Dần 2010, mang hết tài hoa Tô - Hoàng - Mễ - Sái, Âu - Nhan - Liễu - Triệu ra ngồi ở cổng Bách Hóa Tổng Hợp, thì nếu không bị đuổi thẳng cổ vì tội bày bừa, bôi bẩn thì cũng sẽ chết đói trong sự thờ ơ, xa lạ của người dân bản địa đang hối hả bán mua những thứ khác cấp thiết hơn mang tính thời kỳ, để rồi phải buồn rầu đi về ngậm ngùi cùng những vần thơ của cụ Vũ hay tự an vui bằng đôi câu 莫謾愁沽酒, 囊中自有钱 Mạc man sầu cô tửu, Nang trung tự hữu tiền (Muốn thì chút rượu đã sao Sẵn tiền làm một vài ngao đỡ buồn).

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100217112657170.jpg?lb_____DlcmOhGIZ)

Móc mãi rồi cũng móc được ba mươi đồng, tên ăn trộm nổi tiếng nhất của thế kỷ XX cũng không thể tưởng tượng được một bà già hơn bảy mươi kia sẽ khóc òa lên như một đứa trẻ con nơi góc chợ khi phát hiện ra cái phiếu C không cánh mà bay. Người Hà Nội thời bao cấp có cái lối miêu tả chân thực, mang đầy hơi thở thời đại: MẶT TRÔNG NHƯ MẤT SỔ GẠO. Điều đó để giải thích tại sao đi chợ, một chị phụ nữ luôn phải giấu tiền vào cái túi nhỏ trong quần, rồi cầm cái nón ôm khư khư, giữ như cái mả tổ, ấy vậy mà cái ruột tượng được đặt gần cái sự đời ấy không cẩn thận cũng sẽ mất toi bởi những bàn tay lành nghề, lấy đi hàng tháng cơm gạo.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_24/blog/ap_20100217113046975.jpg?lb_____D5f8l3FVU)

Tết thì muôn đời khác, Xuân thì giống muôn xuân. Xuân 2010 không có bánh pháo Trúc Bạch, xuân Tân Dậu thì vỉa hè Văn Miếu không thấy nhiều cụ đồ như bây giờ, ấy thế ý xuân thì vưỡn, vưỡn là giấc mơ xuân trong lòng cô gái xuân. Nói như thế là cái tình xuân thì lúc nào cũng đỏ, vâng ạ, đỏ như pháo Tết, đỏ như cái phong bao lì xì, rồi thì xanh mơn mởn như lộc đào, xanh đen như mái tóc thơm của em. Giấc mê xuân chiều 28 Tết Canh Dần đã chót tỉnh, tiếc quá nhỉ, rồi lại ngồi nghĩ đến xuân xưa, lại chót mê, thấy xa vời, thấy khang khác, nhưng ô kìa, giữa một xuân đang TTTg lộng tràn về, cái khối tình xuân vẫn muôn đời như vậy. Cửa Ô Quan Chưởng vẫn như xưa, chỉ có cái già thêm bởi bao lần nghênh xuân tiếp phúc, năm tháng đón đưa, còn đôi trai gái đang yêu đi qua cửa ô mỗi ngày, tình xuân vẫn mãi trẻ.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Hai 23, 2010, 10:20:03 AM
TIN NHẮN CHÚC TẾT

(http://www.webtretho.com/contentreview/wp-content/uploads/sites/53/2016/01/ch%C3%BAc-t%E1%BA%BFt-3.jpg)

Đêm giao thừa, hai chiếc Mobiado Professional EM và Red BlackBerry Pearl AT & T hoạt động hết công suất, chưa đến giờ Hợi, tin nhắn các trấn đã gửi tới như ong, từ Móng Cái đến Cà Mau, từ Âu đến Á, đủ hoa, pháo, trái tim, tiếng Anh, Trung, Nhật, Pháp. Thời khắc trầm mặc sắp xếp trước bàn thờ mười hai ÔNG HÀNH KHIỂN, chợt nghĩ nếu thời ấy cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã có điện thoại di động thì rằng câu này quả là một lời nhắn mang đậm hơi thở thời đại:

Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Câu đối miêu tả cảnh Tết nghèo của một gia đình vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi chủ hộ vào xuân mà canh cánh bên lòng túng bấn.

Năm mới người ta chúc nhau điều tốt đẹp, sao cho gia chủ hưởng đủ Ngũ Phúc Lâm Môn. Thế nên lác đác từ tám giờ tối, trong máy đã thấy xuất hiện những lời nhắn Tân Niên Khoái Lạc 新年快乐, Cung Hạ Tân Hi 恭贺新禧, Cung Hỉ Phát Tài 恭喜发财, Happy New Year, Bonne année, đều là những tiếng ngọc ngà cả. Hơn mười một giờ, đã thấy một ông bạn bên trường KHXH & Nhân Văn gửi tới lời chúc:

Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN,
Chúc luôn TƯƠI TRẺ chúc AN KHANG,
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC,
Công thành danh toại chúc VINH QUANG.

Mười một giờ rưỡi, chắc lúc này Văn Miếu người như nêm, các cụ đồ đang úp mặt vỉa hè khoe chữ giỏi, trong máy xuất hiện một tin nhắn của một người đang học Hán Nôm: Tống cựu nghênh tân – Vạn sự cát tường – Toàn gia an phúc.

Mười hai giờ kém hai nhăm, tin nhắn từ một số máy thân quen: Chúc cho một năm mới hạnh phúc, mong rằng mọi sự tốt đẹp sẽ đến với chúng ta... Lời nhắn làm nhớ lại giờ này năm ngoái, phóng xe từ Kim Động về Hà Nội, trời rét căm căm, về đến nhà kịp đặt nửa bước chân vào cổng thì đã là giao thừa.

Mười hai giờ kém hai mươi, thật bất ngờ khi nhận được một tin nhắn từ một anh chàng người Nga, quen trên Diễn đàn hồi Hà Nội đang ngập ngụa trong trận lụt kỷ lục: С Новым Годом!, câu này làm mình nhớ chị Hà quá, nhớ những cái Tết thời bao cấp hồi chị còn thiếu nữ mà năm mới cũng chỉ cái áo len tuềnh toàng, dẫn thằng em đi mua pháo. Ở Canada giờ này, cộng đồng người Việt chắc tụ tập đông lắm, sao Tết này chị và gia đình không về?

Rải rác trong khoảng mười lăm phút trước giao thừa, hai điện thoại rung liên tục, những cái tên thân quên lần lượt xuất hiện từ Thắng Sáo, Hoàng Anh 9X, Uyên ND 72, Trung Ru_noong... Vương Già 79 vẫn chu đáo như thường lệ, nhưng năm nay dường như có thái độ ly khai với những lời chúc khuôn sáo trên mạng, chỉ vỏn vẹn vài dòng nhắn tự lòng mình, thật giản dị.

Mới sáng mùng một, ông Thắng Phở đã gửi tới lời chúc bất hủ: Chúc mừng năm mới - An khang, thịnh vượng, phát tài, phát lộc, tiền vào cửa trước, vàng vào cửa sau, hai cái gặp nhau, chui vào két sắt. Một phần mua đất, một phần mua vàng - vẫn còn rênh rang, ta đi du lịch. Câu này phê nhất đoạn: "...tiền vào cửa trước, vàng vào cửa sau, hai cái gặp nhau, chui vào két sắt..."

Một lời chúc năm mới ấn tượng nhất năm nay là của bác Tâm họa sĩ: Nụ cười ấy, khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, làm bạn vui mỗi ngày, làm bạn vui mỗi lần nhìn thấy. Làm bạn thanh thản và nhẹ nhõm, làm bạn xao xuyến bâng khuâng. Hạnh phúc là được nhìn thấy nụ cười ấy… Tôi xin gửi nụ cười của Hồ Chủ tịch in trên tờ polymer 500k. Chúc một năm tràn ngập sức khỏe, hạnh phúc - Happy New year. Với câu: Nụ cười ấy, khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, làm bạn vui mỗi ngày, làm bạn vui mỗi lần nhìn thấy. Làm bạn thanh thản và nhẹ nhõm, làm bạn xao xuyến bâng khuâng. Hạnh phúc là được nhìn thấy nụ cười ấy…, liệu mọi người nghĩ sẽ nhắn lại thế nào nhỉ?


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Hai 23, 2010, 03:56:54 PM
CHUYỆN OSHIN NGÀY TẾT

(http://megafun.vn/dataimages/201006/original/images270747_osin.jpg)

Mùng một tháng giêng năm 1948, theo sắc lệnh Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, tại tất cả các Thành phố và tỉnh lị kể cả ngoại ô trong toàn Việt Nam, các xe kéo tay, bất luận tư hay cho thuê, đều không được chạy nữa. Từ đó danh từ phu xe mới dần dần mai một trong tâm trí mọi người. Từ bé nghe các bà các mẹ đọc các tác gia thời Pháp thuộc, chửa lên năm đã quá quen với những từ như lính lệ, lính dõng, anh bếp, chị sen, anh xe, thằng oong, thằng đơ.v.v...

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100223035444614.jpg?lb_____DC0ViK2Y1)

Năm 1990, lục lọi trong đống tư liệu của Họa sĩ Đoàn Thanh, tự dưng lại bắt được cuốn tư liệu nói về Thu Tô Viện 收租院 của địa chủ họ Lưu, mới thấy hoàn cảnh người nông dân Trung Quốc trước cách mạng khổ quá chừng, đúng là tối mù mịt như cái đêm ba mươi vậy. Lúc ấy để ý hơn về chuyện người nô lệ, về thân phận người làm thuê, về người ở, đọc đi đọc lại đến nát cả quyển Tắt Đèn.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100223040054140.jpg?lb_____D2mAtqyOg)

Năm 1995, xem phim Oshin của Nhật, kể  về cuộc đời có thật của Shin Tanokura từ thời Meiji (Minh Trị) đến những năm đầu thập kỉ 80, chìm nổi và sóng gió, cuối cùng với sự cần cù, ý chí kiên cường đã trở thành một người thành đạt. Những thước phim kinh điển trên để lại sự khâm phục trong đầu một đứa thanh niên mới lớn, càn quấy và bất cần đời với hình ảnh một cô người ở hiền lành, chăm chỉ và xinh đẹp.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100223040447843.jpg?lb_____DxIAc3lAe)

Và tự bao giờ làn sóng người dân quê tràn ra thành phố, xuất hiện một nghề mới, hay nói đúng hơn phải chăng là sự quay lại của một cái gì tất yếu mang tính giai đoạn: Nghề đi ở, và danh từ Oshin dùng để đặt tên thay thế cho người đi ở trở thành tuyệt hảo không gì có thể thay thế được. Nếu như ở thời trước là người ở thì bây giờ người ta gọi là Oshin, Oshin nấu cơm, Oshin giặt giũ, Oshin lau nhà, Oshin ẵm em.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100223041143915.jpg?lb_____DYjyZ252y)

Xuân Canh Dần, chuyện Oshin về quê ăn Tết khiến nhiều người đau đầu, mấy bà mẹ trẻ cùng phòng như phát rồ, thế là trong mười mấy ngày, ngoài những thủ tục cơ quan, làm ăn, tự tay mình sẽ phải quán xuyến nhiều thứ việc từ thăm nom, biếu xén đến lau dọn, nấu nướng, và nhất là trông con. Những gia đình có con mọn hoặc người ốm, nhiều khi phải bỏ tiền, thậm chí nhiều tiền, rồi ngậm đắng nuốt cay, chiều Oshin như chiều vong, nịnh nọt để có người giúp việc trong những ngày Tết, thế là có dịp để các phóng viên săn tin, và hàng loạt chuyện nực cười, động trời lại tràn lên mặt báo.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Ba 06, 2010, 06:15:05 PM
RÁNG CHIỀU CÒ LẺ

(http://hanoimoi.com.vn/Uploads/tuanphong/2015/4/2/Rang-chieu_Pham-Quoc-Dung.jpg)

Mở đầu Đằng Vương Các Tự 滕王 阁 序, Vương Bột 王勃 (647–675) viết:

南昌故郡,
洪都新府。
星分翼轸,
地接衡庐。
襟三江而带五湖,
控蛮荆而引瓯越。

Nam Xương cố quận,
Hồng Đô tân phủ.
Tinh phân Dực Chẩn,
Địa tiếp Hoành Lư.
Khâm Tam Giang nhi đái Ngũ Hồ,
Khống Man Kinh nhi dẫn Âu Việt.

(Này nhìn xem Nam Xương nền cũ,
Xảy Hồng Đô đất mới là đây.
Phân ra Dực, Chẩn phơi bày,
Gồm Hoành, Lư hai non một cõi.
Kìa Tam Giang hình dải áo,
Nọ Ngũ Hồ thắt lưng xanh.
Thế hiểm chắn Man Kinh,
Tiếp dẫn miền Âu Việt...)

Ý văn già dặn khiến Diêm Bá Dư lấy làm lạ, nhưng phải đến câu:

...落霞與孤鶩齊飛,秋水共長天一色...
...Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc...
(...Ráng chiều bay cò lẻ, sông thu nhuốm sắc giời...)

Khi ấy họ Diêm mới thực sự sửng sốt. Năm ấy, Vương Bột mới mười sáu tuổi.

Đọc Đằng Vương Các Tự, rồi mới đọc bài ĐỀ LẠC HÀ CÔ VỤ ĐỒ 題落霞孤騖圖:

畫棟珠簾煙水中,
落霞孤騖渺無蹤.
千年想見王南海,
曾借龍王一陣風.  

Họa đống châu liêm yên thủy trung,
Lạc hà cô vụ diểu vô tung.
Thiên niên tưởng kiến Vương nam hải,
Tằng tá long vương nhất trận phong.

(Nét họa đồ chìm trong khói sóng,
Dấu cò bay lẻ bóng xa mù.
Cả ngàn năm thương người tuổi trẻ,
Nẻo Long Vương một trận gió đưa!).

Lúc ấy cái khái cảm chùng xuống, như cảm thấy họ Vương vừa mới đi hôm qua, rất gần thôi, ở miền Giao Chỉ, thăm phụ thân, tiện đường thăm thú chốn thủy cung, khi mới tròn 29 tuổi, rồi lại nhớ Đường Dần.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100306054844687.jpg?lb_____Dk7bmC1nF)

Đã đôi lần đến thăm Nam Xương, soi dấu cũ, cố bịt tai nhắm mắt, tưởng tượng lại cái cuộc bình văn, chỉ thấy tiếng thổi ù ù, lòng buồn vô hạn vì bất bạc kim nhân ái cổ nhân, mở mắt đã thấy hình tích của họ Mao, gian hùng, khoáng hoạt: Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc  落霞与孤骛齐飞, 秋水共长天一色.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100306055218293.jpg?lb_____DsGOirQ2.)

Cái Lạc Hà Cô Vụ, cánh cò bay buổi hoàng hôn, cái chết trẻ của họ Vương tự dưng làm nhớ đến những cái chết trẻ, đến dự cảm của những loài chim, như một Lý Tiểu Long trong Nhân Hải Cô Hồng (Cánh nhạn cô đơn giữa biển người) năm 17 tuổi, để rồi trong Tử Vong Du Hý, ra đi ở mùa xuân thứ 32, rồi Lý Quốc Hào, cũng ra đi ở tuổi trẻ trung trong bộ phim Con Quạ. Ngồi xem lại bộ phim cùng tên Nhân Hải Cô Hồng năm dựng năm 1989, rùng mình xem Lưu Đức Hoa 刘德华, Mạc Thiếu Thông 莫少聪, La Mỹ Vi 罗美薇 diễn xuất, cứ thấp thỏm đợi chờ một cái gì, may mà mọi chuyện tốt đẹp cả. Ấy thế những cánh chim nhiều khi vẫn như nỗi ám ảnh, có đêm đặt tay lên ngực, cứ nhắm mắt là lại nhìn thấy những cánh diều, đến chim Vành Khuyên, rồi đến vũ điệu giãy chết của Hồ Thiên Nga, đến dòng máu đỏ tươi chảy ra từ ngực loài chim cất tiếng hót tươi đẹp lạ kỳ khi nhành gai dài đâm suốt cổ họng.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100306055618885.jpg?lb_____Dq9mlV0m2)

Rằm đến chùa Trấn Quốc, thấy có bà già đều đặn phóng sinh, nhìn những cánh chim hân hoan sổ TTTg, bay trên bầu trời tự do mà lòng sao nhẹ nhõm, nghe tiếng chuông chiều Hồ Tây mà tự dưng thấy đời thật thường giữa Sinh và Tử. Ôi Sinh Tử Tử Sinh, quá giản đơn mà vĩ đại, vậy mà sao loài người trong kiếp vay trả này lại đối xử với nhau tồi tệ, lại giết hại lẫn nhau? Phải chăng ấy là tự lòng tham vô đáy?

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_25/blog/ap_20100306060218781.jpg?lb_____DkpzuUORs)

Đứng trên triền đê, nhìn về cánh đồng quê ta, nhìn thật kỹ đất Việt này, tự sửa cái cổ áo cho nghiêm chỉnh người Việt, hít một hơi thật dài, cái cơn gió thổi từ ngàn xưa, từ thời Tấn, thời Tần, từ đời Lý, đời Trần, từ Lầu Năm Góc, từ Phủ Đầu Rồng, từ Thiên An Môn, từ Bàn Môn Điếm, từ Tây Tạng, từ Vatican, có thể thơm mùi nước hoa, có thể khét mùi thuốc súng, thổi qua Lũng Cú, thổi qua Cà Mau, đến hôm nay thơm mùi lúa gạo, tỏa ra từ cánh đồng hòa bình, tung cánh cò thanh bình của một chiều giác ngộ.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Ba 11, 2010, 05:37:07 PM
(http://media2.thethaovanhoa.vn/2014/04/20/15/54/r5.JPG)

嘟嘟哇,嘟嘟哇,
老鼠嫁女来到了;
八个老鼠抬花轿,
二个老鼠放花炮;
四个老鼠吹鼓手,
嘟嘟哇哇真热闹;
老鼠嫂子去送亲,
耗子大娘迎花轿;
老猫闻讯来贺喜,
一口一个都吃掉……

(Đô đô oa, đô đô oa,
Lão thử giá nữ lai đáo liễu.
Bát cá lão thử đài hoa kiệu,
Nhị cá lão thử phóng hoa pháo.
Tứ cá lão thử xuy cổ thủ,
Đô đô oa oa chân nhiệt náo.
Lão thử tẩu tử khứ tống thân,
Hao tử đại nương nghênh hoa kiệu.
Lão miêu văn tấn lai hạ hỉ,
Nhất khẩu nhất cá đô ngật điệu.....

(Chít chít chít, chít chít chít!
Cậu chuột đến đón nàng dâu.
Tám thằng khiêng kiệu, hai thằng đốt pháo,
Bốn thằng đánh trống, chít chít chít thật ồn ào.
Chuột chị liền ra đón,
Chuột mẹ chạy bên kiệu.
Mèo già nghe tin đến chúc mừng,
Một miếng đi toi vợ của cậu.....)

Nghe giáo sư Nhan Bảo nói về bài đồng dao LÃO THỬ GIÁ NỮ 老鼠嫁女 (Chuột gả con gái), tự dưng ý nghĩ phản tư hình thành với bức tranh ĐÁM CƯỚI CHUỘT của Đông Hồ. Từ đó lục sách vở, đóng cửa ngồi nhà, bù đầu với những tồn nghi của bầy hao tử.

Chuyện về tranh LÃO THỬ GIÁ NỮ, ngày xửa ngày xưa, chuột muốn gả con gái, cả họ chuột mới đến tìm Mặt Trời mà kén rể, Trời cả sợ, bảo Mây còn mạnh hơn ta, đến cửa nhà Mây thì Mây xua tay, Gió mà thổi thì Mây tan tác cả, cả họ chuột lại mò đến nhà Gió, Gió lại nói Bờ Tường kia mới là nhất, vì Gió mà gặp Bờ Tường thì chịu, lúc ấy Bờ Tường mới nói rằng Mèo Già kia mới là đáng sợ. Kết quả là họ chuột mới kén rể là Mèo. Trong đám cưới, chuột tổ chức đám rước dâu đến chỗ Mèo ở, chú rể Mèo bèn thừa cơ lật cái vải đỏ, đớp một miếng đi đời cô dâu chuột xinh đẹp. Câu chuyện về bức tranh cổ Trung Quốc làm nhớ đến câu đồng dao đã học từ lâu trong Trích Giảng Văn Học Việt Nam:

Vua sợ Trời,
Trời sợ Mây,
Mây sợ Gió.
Gió sợ Bờ Tường,
Bờ Tường sợ Chuột cống,
Chuột cống sợ Mèo già.....

Ở Việt Nam, tranh ĐÁM CƯỚI CHUỘT mô tả một đám rước dâu long trọng, quan Trạng chuột cưỡi ngựa đi trước, cô dâu chuột ngồi kiệu theo sau, và đoàn tùy tùng lũ lượt mang lễ vật kéo tới trước mặt một Ông Mèo to lớn, được coi là quan Mèo cai quản lũ chuột, quyết định sự suôn sẻ của đám cưới kia.Toàn cảnh bức tranh là sự hoan hỉ, hòa bình giữa Mèo và Chuột, tỏ rõ ý niệm may mắn.

Trong khi đó ở Trung Quốc, bức tranh LÃO THỬ GIÁ NỮ, còn gọi là LÃO THỬ THÚ THÂN 老鼠娶 (Chuột cưới vợ) được coi là tranh niên họa, hàm ý cát tường (May mắn), dán trên tường hoặc cửa sổ vào dịp Nguyên Đán, tiêu biểu là tranh niên họa của phường Miên Trúc - Tứ Xuyên. miêu tả đàn chuột lũ lĩ biển quạt, trống giong cờ mở trong đám cưới, chú rể chuột cưỡi cóc, đội mũ theo biên chế nhà Thanh, tay xòe quạt, mắt ngó trừng trừng vào hòm vàng, dáng điệu tham lam vô độ, đi đến trước mặt một ông Mèo uy nghi hung tợn, nhe nanh múa vuốt, trong khi cô dâu chuột ngồi trong kiệu, dường biết trước được kết cục, nước mắt lưng tròng. Theo lẽ thông thường, không khí trong tranh LÃO THỬ GIÁ NỮ là sự bi ai, không thể nói là mang ý nghĩa may mắn.

Tại Hồng Kông, vào Lễ Đả Tiểu Nhân ngày Kinh Trập, vô tình thấy người ta dán bức tranh cắt giấy LÃO THỬ GIÁ NỮ, coi như là một vật để xả bỏ vận xui, tự dưng thấy băn khoăn cái hiển hiện của vai trò ông Mèo, nhất là khi tiết Kinh Trập còn được gọi là ngày Bạch Hổ mở mắt, mọi người dân phải cúng lễ Ông Ba Mươi. Để đẩy câu chuyện này đi xa hơn nữa, có lẽ sẽ cần một nghiên cứu nghiêm túc, nhằm thoát khỏi những vũ đoán về ông Mèo trong bức tranh ĐÁM CƯỚI CHUỘT.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Năm 21, 2010, 06:48:31 PM
(http://phunuvietnam.vn/media/news/0353ab4cbed5beae847a7ff6e220b5cf/rang-chieu-3.jpg)

Nhiều lúc rỗi rãi, trong giờ nghỉ lớp học viên tiếng Anh, ngồi tán gẫu tiếng Pháp với học viên người Pháp, gần đây có lần nói chuyện về nghệ thuật, một học viên Tân Đảo (Nouvelle-Calédonie) gốc Ý nhắc đến một bức tranh tiếng Pháp gọi là Qingming au bord, suy nghĩ ra thì hiểu chính là THANH MINH THƯỢNG HÀ ĐỒ 清明上河圖 của Trương Trạch Đoan 張擇端.

Nói chuyện với họa sĩ Lê Quốc Việt, nói rằng bức THANH MINH THƯỢNG HÀ ĐỒ từng được coi là Monalisa của Trung Quốc, chỉ thấy y cười, xua tay không nói gì. Từ đó trong câu chuyện với y, không bao giờ đề cập đến bức tranh đó nữa. Ấy vậy mà có lần ngà say, mình lại đem câu chuyện giám định bức THANH MINH THƯỢNG HÀ ĐỒ ra nói, theo đó thì bức tranh hiện được người ta biết đến là bức tranh giả, bởi một chi tiết rằng người gieo xúc xắc tại một sòng bạc trong tranh lại đang há mồm hô khi con xúc xắc quay ra mặt Lục (Sáu). Các chuyên gia lý luận rằng ở bức tranh thật, người gieo xúc xắc đúng ra phải hô mím mồm, theo đúng cách phát âm của cư dân đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong ngày nay).

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_28/blog/ap_20100521063231537.jpg?lb_____DfkK8CDzt)

Nói chuyện với học viên Tân Đảo gốc Ý đó, mình lại đem chi tiết này ra nói, cũng lại chỉ thấy người ấy cười, bảo rằng sự phát âm khác nhau trong một ngôn ngữ, cùng một từ vựng ở những địa phương khác nhau thì thật là thú vị, như trường hợp hai thổ ngữ Oïl và Oc của tiếng Pháp là một ví dụ điển hình.

Tiếng Oïl và Oc là hai phương ngữ cổ lớn ở hai miền Nam - Bắc nước Pháp, trong đó tiếng Oïl miền Bắc sau nhiều biến thiên đã trở thành thứ tiếng phổ thông tại Pháp bây giờ, trong khi tiếng Oc vẫn tồn tại như là một phương ngữ tại bản địa. Sở dĩ phân ra làm hai thổ ngữ đặc trưng mang tên Oïl và Oc vì chúng chính là hai cách phát âm khác nhau của chữ Oui, tương đương với chữ Yes trong Anh ngữ.

Tiếng Oïl ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ Frank, xuất thân từ một loại tiếng Latin của giới bình dân thời Đế Quốc La Mã cổ đại, tạo ra một loạt các phương ngữ anh em ở miền Bắc nước Pháp như Picard, Normand, Wallon.v.v...

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_28/blog/ap_20100521063657141.jpg?lb_____DdavY6hCJ)

Không bị ảnh hưởng nhiều từ ngôn ngữ Frank, mang âm hưởng nặng nề từ tiếng Latin, tiếng Oc tồn tại ở miền Nam, là nguồn gốc của các giọng Gascon, Provençal.v.v...

Từ cách phát âm chữ Lục mang tính thổ ngữ tiếng Trung Quốc, đến câu chuyện thổ ngữ tiếng Pháp ở hai miền Bắc - Nam, càng thấy thú vị và rõ ràng hơn về sự biến thiên của ngôn ngữ.

Oui, je suis Annamite.


Tiêu đề: 乾陟馬 - CÀN TRẮC MÃ - MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Năm 28, 2010, 06:02:38 PM
(http://suoinguontinhthuong.vn/static/2014/02/phatdan3.jpg?w=250)

Phật Đản, đúng vào lúc có người hỏi về năm cây hương trong Đạo Cao Đài, lại bận dịch bù đầu, bèn vứt hết sách vở ra ngoài điền dã, thấy đâu đâu ở trong chùa Hà Nội cũng thấy dòng chữ 天上天下.唯我独尊 Thiên thượng Thiên hạ, duy ngã độc tôn, rồi thì về nhà lục Thích Điển, theo đúng kiểu Cư Nho mộ Thích của ông em Quang Đức, thấy một cuốn sách có đoạn: 至年十九, 于二月八日夜半时, 乘乾陟马, 逾城而去, 直至深山, 修出世道 Chí niên thập cửu, vu nhị nguyệt bát nhật dạ bán thời, thừa Càn (Can) Trắc Mã, du thành nhi khứ, trực chí thâm sơn, tu xuất thế đạo (Đến năm mười chín, nửa đêm ngày tám tháng hai, cưỡi ngựa Kantaka, vượt thành mà đi, đến chốn núi non, tu thành chính quả).

Trong đó có nhắc đến con ngựa Kantaka, được dịch là Càn Trắc Mã, mà Phật tử thường gọi là con ngựa Găn Ta.

Nhớ có lần vào miền Nam, dịch tiếng Anh cho một vị hòa thượng với một người nước ngoài về lịch sử Phật Giáo, có sử dụng đến từ Kantaka, được thầy sửa là ngựa Can Ta hay Can Ta Ca.

Càn Trắc Mã hay ngựa Can Ta vốn để chỉ một con tuấn mã của Thái tử Tất Ðạt Đa (Siddhārtha) dưới triều vua Tịnh Phạn, đã đưa Thái tử vượt hoàng thành đi tu như trên đã nói, cùng hầu cận Xa Nặc (Tchana).

Sau, tuấn mã Càn Trắc theo Xa Nặc về cung, buồn rầu mà chết, linh hồn bay lên cung trời Đao Lị.

Ngày Phật Đản, bận tối mắt tối mũi vì quan hệ, công việc, được một lúc thư thái đọc lại Phật Sử, thấy thong thả vô cùng trước những ngày phải chuẩn bị cho chuyến đi Thượng Hải sắp tới.

ĐẦY ĐỦ CÂU: THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ, DUY NGÃ ĐỘC TÔN

   Aggo `ham asmi lokassa,
    Jeṭṭho `ham asmi lokassa,
    Seṭṭho `ham asmi lokassa,
    Ayam antimā jāti,
    Natthi dāni punabbhavo.


Ta là người cao quý nhất thế gian
    Ta là người giỏi nhất thế gian
    Ta là người kiệt xuất nhất thế gian
    Đây là lần tái sinh cuối cùng
    Bây giờ không còn tái sinh!


Tiêu đề: RỐI GỖ
Gửi bởi: Khuatlao76 trong Tháng Sáu 18, 2010, 11:29:35 AM
(https://thethaotaiphat.com.vn/media/product/984_0_image.jpg)

Hệ thống bài tập võ cổ truyền của người dân Việt bao gồm cây chuối, được coi như một hình nhân để luyện tập đòn thế cũng như công phá. Nhiều thế hệ đàn ông người Việt quá quen với việc dùng một bàn tay hay ngón tay xỉa thẳng vào thân cây chuối, dùng cạnh bàn tay chém vào cây chuối hay dùng chân đá quét vào gốc cây nhằm mục đích kiên cường đòn thế.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_28/blog/ap_20100618092525273.jpg?lb_____DCPXGQiaR)

Thời bao cấp, việc đấm đá bị coi là lố bịch, việc luyện tập võ thuật bị che mờ bởi gạo tiền cơm áo đói khổ, bị gán ghép vào nghiệp ăn cướp. Những năm 90, ở chung nhà với người em họ, một truyền nhân Thiếu Lâm Bắc Phái ở Thái Nguyên, sáng sáng ra vườn xem y đả quyền cước vào bao cát, khiến cả khu tập thể đổ xô  ra nhìn.

(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_28/blog/ap_20100618092840994.jpg?lb_____DBRPRNMz7)

Cuối năm cấp III, một lần ra hiệu sách, gặp một người đàn ông đội mũ phớt hỏi mua bộ sách Triệt Quyền  Đạo, bảo sẽ về quê dựng rối gỗ để luyện tập. Hồi đó, nghe từ rối gỗ, thoạt tiên thực sự không hiểu gì, chỉ mường tượng là một dụng cụ tập luyện võ thuật, thay cho người thật. Đến khi về nhà, đọc quyển Thủ Cước Linh Diệu, mới hiểu rối gỗ là cách gọi dân gian của Mộc Nhân Thung 木人樁  hay Mộc Nhân Trang, một phương thức tập luyện có dụng cụ của môn phái Vịnh Xuân.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Việt Long trong Tháng Sáu 18, 2010, 01:49:20 PM


Lạ nhỉ? Bác nghe danh từ này ở đâu đấy ạ? Em thì từ bé luyện võ chưa thấy cái tên ấy bao giờ! Rối gỗ???????


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Búp bê tóc bạch kim trong Tháng Sáu 18, 2010, 03:22:49 PM


(http://a367.yahoofs.com/lifestory/6rbD3pqWER7Pz48nVQIgzETOW2Pk6qU-_28/blog/ap_20100618092525273.jpg?lb_____DCPXGQiaR)

Em thì chả biết gì nhưng em thấy cái của này mà đi may quần thì tuyệt, vừa đẹp vừa chắc chắn!


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: Quả dưa vẹo vọ trong Tháng Tư 11, 2011, 08:54:43 PM
(http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2016/04/13/16/20160413165328-top-mo-2.jpg)

Về nhà như một đứa trẻ, lục cơm nguội trong cái nồi nguội lạnh trong bếp, thấy vài miếng tóp mỡ ai đó rán còn lại, mới tất tả như gặp lại người quen lâu ngày, pha một bát nước mắm ớt hạt tiêu, nhất quyết là phải cho một chút cái gọi là thuốc độc trong thời bao cấp: mì chính, ăn ngon không thể tưởng tượng nổi.

Ngồi nghĩ lại những ngày trước, mặc tay mẹ xua xua ra khỏi gian bếp, đứa bé con giả bộ quay đi nhưng mắt vẫn dán vào chảo mỡ đang sôi sùng sục, nơi đó có những miếng trăng trắng, rồi đây sẽ chuyển vàng, thơm đến tận bây giờ, chứa trong mình nhiều ý nghĩa, ít nhất là cái thèm thuồng của một thời kỳ đói khổ, là cái nguyên do để ăn một lúc vài ba bát cơm.

Tóp mỡ rán nóng, giòn tan, ngậy tột đỉnh, cắn nghe cái ứa cả khoang miệng, lát nữa được chấm vào cái bát đựng thứ nước mắm rẻ tiền bán ở những cửa hàng thực phẩm thời ấy, nặng mùi, khắm lặm, chừng ấy thôi là đủ để một ông hàng xóm ghen tị, hậm hực ngó vào kết tội là hưởng thụ, là xa xỉ.

Tóp mỡ bỏ lọ, bọc vào giấy báo, gói vào nylon, đến bữa rang với muối hạt, xào với dưa, nấu canh dưa, rim với thịt, xào cà chua, hay sang trọng hơn nếu úp với mì tôm và thật nhiều cách nấu nướng có thể kể ra một dãy, sinh động, ngọt ngào và dài dằng dặc, đằng đẵng như xếp hàng, như nỗi mong chờ một miếng thịt, thật hiếm và quí lạ.

Tóp mỡ với văn nhân, ấy là kỷ niệm hồi nhỏ được chứng kiến bữa rượu chén tạc chén thù đến ba giờ đêm của ông ngoại và cụ Đào Duy Anh ở khu Tập thể Hàng Chuối, trong cái bát sắt, cạnh đĩa rau xào, đưa đẩy những chén rượu được ngâm từ thang thuốc biếu đến mấy mươi lần cho đến khi nhạt thếch, lại giúp đỡ được câu chuyện Trần - Lý, Tấn - Tần đậm đà, thú vị.

Chiều nay, về nhà như một đứa trẻ, trong bữa cơm nóng sốt, vui vẻ với gia đình, lại thấy những miếng tóp mỡ, được chấm trong bát nước mắm ngon tròn vị của thời kỳ đổi mới, cay xè ớt hạt tiêu của hàn huyên, ôn lại một thời kỳ đất nước còn khó khăn gian khổ.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Nhớ lại ngày xưa).


Tiêu đề: CHUYỆN CÔ BÉ BÁN DÂM
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Mười Hai 21, 2011, 11:44:12 AM
(https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/7/75/HCA_by_Thora_Hallager_1869.jpg/220px-HCA_by_Thora_Hallager_1869.jpg)

Năm đi hối hả không tiền thưởng, không tuyết mà lạnh kịch liệt, của cái xối xả lòng người đang đau đáu đón năm Nhâm Thìn hoe vàng nỗi nhớ một thời bao cấp. Đi dọc đường phố thiếu nhân văn, người người xé truyện vứt lả tả, buồn xo và ái ngại, và ở một góc, đúng ra là phố Phái, ai cũng thấy có con bé đầu trần, chân đất, cùng với gói diêm vẫn lang thang với mái tóc hoe vàng.

Hans Christian Andersen cho đứa bé ấy đi đôi giày quá rộng, vốn là của mẹ, một chiếc đã bị cuốn theo bánh cỗ xe song mã lướt nhanh khi em băng qua phố, chiếc kia thì một thằng bé lấy đi. Đôi giày ấy từ chối giấc mê đẹp như trong tranh của Tấm Cám, không có ông vua thử giày, cũng không có cánh buồm thắm đỏ.

“Giờ thì là Noel, các cửa sổ đã sáng đèn và mùi ngỗng quay thơm lừng tỏa ra, con  bé vẫn biết hôm nay là giao thừa nhưng không dám về nhà, chắc bố sẽ đánh đòn vì cả ngày chưa bán được lấy một xu, với lại ở nhà nào có hơn gì, nó chỉ có mỗi cái mái dột nát mặc cho gió rít. Cuộn người trong góc giữa hai ngôi nhà nhưng tay chân vẫn đóng băng vì lạnh, em chợt nghĩ biết đâu bật diêm lên sẽ tốt hơn, chí ít cũng có thể sưởi ấm những ngón tay. Que thứ nhất bật lên, hơ tay trên ngọn lửa ấm áp sáng bừng như cây nến nhỏ, em tưởng mình đang ngồi trước chiếc lò sưởi sắt to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở đến bẽ bàng”.

“Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, bé nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt”.

“Bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, em thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống, "Ai đó đang từ giã cõi đời.", em bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này”.

Cô bé bật que diêm thứ tư, ánh sáng bỗng bao trùm, giữa vầng sáng, chợt có người đàn ông đang đứng đó, mắt dài mũi lõ, tay vẫy vẫy đón em về phía cổng chào có ánh đèn Neon xanh đỏ. Tay giơ cao que diêm chưa cháy hết, cô bé đi thẳng vào nơi dạ tiệc, của quay cuồng và thác loạn, nơi có rất nhiều diêm, và những người đàn ông trong phòng tối, đốt hết que diêm này đến que diêm khác, cứ sáng lên như vầng dương rồi vụt tắt trong đêm giá băng. Cô bé thấy mình nhuộm tóc nâu, đứng trên sân khấu lộng lẫy bà hoàng, giữa tiếng tung hô sắc đẹp, và thấy mình không mặc quần áo tự bao giờ, phô bày giữa muôn ngàn ánh diêm mười đô thèm muốn.

“Noel lạnh buốt tuổi thơ, chợt cô bé lại thấy bà đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu và âu yếm. "Bà ơi!", em khóc nấc lên, "Bà mang cháu đi cùng nhé! Cháu biết bà sẽ rời bỏ cháu khi que diêm cháy hết, bà sẽ biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như chú ngỗng quay và cây thông rực rỡ". Em vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bừng lên còn hơn cả vầng dương và bà trông như chưa đẹp lão, cao lớn đến thế bao giờ. Bà ôm em trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất, đến với Chúa, đến nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau”.

Rạng sáng hôm sau, người ta thấy cô bé như búp bê bị vứt ra ngoài đường, má ửng hồng, nụ cười nở trên môi, xung quanh nguội lạnh những que diêm, đã cháy tàn, rớt lại sau tiếng cười của những người đàn ông xa lạ, đêm trước đốt lên xăm soi vào cơ thể mình. Em đã chết cóng, đã bao mùa Noel, tay nắm chặt những que diêm mơ ước, của hạnh phúc và giàu sang, ngay chính trên cơ thể mình.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN TƯỚNG QUÂN TRẦN BÌ
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Một 06, 2012, 08:57:15 AM
(http://trungtamduoclieu.vn/files/sanpham/411/1/jpg/tran-bi.jpg)

Hậu duệ vua Lê Đại Hành đất Thọ Xuân xứ Thanh làm quan đời Trần Thái Tông, sau có ông Trần Bình Trọng 陳平仲, vốn được ban quốc tính, tước Bảo Nghĩa Công, đến khi giặc Thát đuổi tới bãi Đà Mạc, đem quân chặn đánh, bị giặc bắt được dụ hàng mới hét lớn câu: “Ta thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc”. Ông bị thụ hình, được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.

Tương truyền ông thác, chỗ bãi Đà Mạc mọc lên cơ man nào là quýt, đến thời giặc Đoạt Chu xâm vào cõi, dân quanh vùng đến giờ Tý hễ cứ đóng cửa là nghe thấy tiếng quân reo như trảy hội, sáng ra thấy đồn giặc sạch bách cả, kình ngạc phơi xác thành gò đống, thật là kinh lạ.

Đến khi ruổi giặc về kinh, Đông Đô đất cũ thu về, có người đang đêm qua chốn ấy nghe tiếng trống thúc, ngó ra mới thấy từ trong rừng quýt, cứ từng quả chui ra một người, phút chốc gươm giáo sáng loáng, ở giữa có người mặc giáp trụ uy nghi, tay cầm đao lớn, hô dõng dạc tiếng xứ Nam. Từ ấy ai cũng kháo nhau ông Bình Trọng hiển thánh, bèn lập đền thờ.

Đời Nguyễn, năm Canh Thìn, trong vùng xảy việc dịch lệ, nam phụ lão ấu mắc bệnh mắc chứng đau bụng vài ngày rồi chết, nằm la liệt cả, có người lấy vỏ quýt khô lấy từ bãi Đà Mạc trộn cây cỏ nấu thành thang cho uống thì khỏi, gọi là thuốc ông Trần Bình Trọng, tục xưng là thuốc ông Trọng, quy kinh vào phần khí Vị và Phế, hoá đàm, táo thấp, hành trệ, kiện Vị, trừ đàm, phát hãn, thực là thứ thuốc thần.

Sau đến thời Nho sĩ đi viết sớ thuê đầu cầu, người Tây in sách bằng chữ ông Đắc Lộ, lâu dần chữ Hán phải bỏ cả, có nhà in sách thuốc khi chế bản mới đem tên thứ thuốc trên đánh thiếu chữ thành ra Trần Bì, thay vào cái mỹ tự uy nghi của đức Bảo Nghĩa Vương, đúng thật là chuyện bực mình, không hiểu do công nghệ mới hay thói làm ăn vô trách nhiệm vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: HÀNH KHÚC THỔ NHĨ KỲ
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Hai 19, 2012, 03:03:19 PM
(https://www.naciholidays.vn/Images/Tour/du-lich-cao-cap-tham-quan-tho-nhi-ky-hy-lap-bang-du-thuyen-2016-12302015112804AM.jpg)

Người Tàu gân guốc hát Hảo Hán Ca 好汉歌, Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc 義勇軍進行曲 làm người tha hương lại nhớ đến Turkish March, tức Alla Turca hay Turkish Rondo, người Việt gọi là Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, người Tàu gọi là Thổ Nhĩ Kỳ Tiến Hành Khúc 土耳其進行曲.

Wolfgang Amadeus Mozart viết Turkish March trong một sonata, từ lâu tạo ra phong khí Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish style), có thể nói là điển hình tạo nên trào lưu sáng tác theo phong cách ảnh hưởng thời Mozart trong thế kỉ XVII - XVIII.

Ludwig van Beethoven viết nhạc nền cho vở kịch Tàn tích thành Athen (Die Ruinen von Athen, The Ruins of Athens), cũng có một đoạn trích được biết đến dưới cái tên Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghĩ lại chuyện thời bao cấp, nhớ mãi tên người hàng xóm đã lên báo công an tố cáo nhà mình tội dám nghe Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, nghe nhạc tiếng Tây, tức là đồng nghĩa nghe sản phẩm đồi trụy của đế quốc trong cái băng cối bố quý đến nỗi đánh mình gãy mấy cái roi cúc tần chỉ vì “tay còn ướt mà đã dám sờ vào”.

Người lớn với Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ thì thế, lũ trẻ con nào có hiểu gì, cũng không cần biết Mozart hay Beethoven là các ông thiên tài nào cả, bị đánh đòn như thế, chạy trốn ra ngoài chơi, những tâm hồn ngây ngô, đứa lớn dắt đứa bé, tụ lại ở một chỗ.

Chẳng biết tự bao giờ, những đứa trẻ trong khu E6 Tập thể Thành Công những năm đó ai nấy hầu như đều thuộc lòng bài Đội kèn tí hon của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đứa gõ trống, đứa cuốn kèn, ca những lời quen thuộc:

“Te tò te đây là ban kèn hơi,
Tò là tò tò te có anh nào muốn chơi.
Mau lại đây có cây kèn te tí,
Tò là tò te tí bước đều chân cùng đi.

Te tò te anh nào kêu thật to,
Tò tò tò tò te đứng ra đằng trước cho.
Anh nào kêu bé trong mồm te tí.
Tò tò tò te tí sắp đàng sau cùng đi”.

Đã bao năm qua, lũ trẻ ngày xưa nay đã xa những ngày ấu thơ trong khu tập thể, người đã làm cha làm mẹ, người định cư ở nước ngoài, có còn bao giờ nghĩ đến không những hoài niệm ấy, nhưng có điều chắc chắn rằng, trong tôi, không thể nào quên được Đội kèn tí hon, vẫn như ở đâu đây, bước chân đều trên con đường thời bao cấp khấp khểnh, trước sân mỗi buổi ban mai, dưới nắng hè buổi sớm, hát vang giai điệu Hành khúc tuổi thơ, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của một thời khó khăn trong khu nhà tập thể.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Nhớ lại tuổi thơ).


Nghe nhạc tại đây:

http://vn.360plus.yahoo.com/daiviettinhtham/article?mid=6756&prev=-1&next=6754 (http://vn.360plus.yahoo.com/daiviettinhtham/article?mid=6756&prev=-1&next=6754)


Tiêu đề: CHUYỆN NHÀ ROBIN - TẶNG ANH KHÁNH Ế VỢ
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Ba 04, 2012, 10:23:34 AM
CHUYỆN NHÀ ROBIN - TẶNG ANH KHÁNH Ế VỢ

(https://giadinh.mediacdn.vn/zoom/655_361/2014/evo-1411542328594-crop-1411542355919.jpg)

Ngày xửa ngày xưa, Hùng vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, sắc đẹp tuyệt trần, được đức vua cha yêu thương rất mực. Năm nàng mười sáu tuổi, nhà vua mở cuộc thi tài kén rể, mong lấy cho nàng một người chồng thật xứng đáng.

Một hôm, có hai chàng trai đến, xin ra mắt cầu hôn, Một người ở trên núi Nùng, tuấn tú tài giỏi khác thường, chỉ phía Đông thành ra phía Tây, chỉ phía Nam thành ra phía Bắc, nhân dân quanh phố Đề Thám gọi chàng là anh Núi. Còn một người ở tận phía sông Tô, tuấn tú tài giỏi không kém, bảo giời nắng thì giời liền mưa, kêu giời mưa thì giời nắng hạn, nhân dân ngoài đê gọi chàng là anh Sông.

Một người là chúa non cao, một người là vua nước thẳm, cả hai đều xứng đáng làm rể vua Hùng. Vua băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai, bèn cho mời các quan lạc hầu bàn bạc mấy ngày, cuối cùng đưa ra nhời phán:

  - Hai người đều vừa ý ta, ngặt vì ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Ngày mai, nếu ai đem đồ sính lễ đến đây trước: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nẹp bánh chưng, voi hai ngà, gà hai cựa, ngựa đủ hồng mao, thì được rước dâu về.

Cả hai chắp tay hồ hởi vâng mệnh. Quá đến mấy ngày chẳng thấy ai quay lại. Cả Sông cả Núi sai người đi tìm khắp nơi mà nào thấy đúng lễ vật đã giao, bởi giờ hóa chất dùng nhiều, gạo nếp thành như gạo tẻ, bánh chưng thì luộc bằng pin, voi thì toàn bảy tám ngà, gà toàn chín mười cựa, ngựa thì con thừa con thiếu, có con đến chục hồng mao.

Không có đồ dẫn cưới, Mị Nương đi lấy chồng, Sông – Núi thành ra ế vợ, suốt ngày đánh nhau thành ra lũ lụt khắp vùng.

Sau hai chàng đổi tên, Sông thành ra Khánh, Núi thành ra Hạnh, rồi một đêm buồn bã rủ nhau trèo thuyền đi đâu mất, nghe chừng vượt biển để tránh điều tiếng nhân gian.

Lại nói hai chàng ra đi, thuyền  trôi trôi mãi, gặp bão nhớn dạt vào hoang đảo, bắt đầu cuộc sống lầm lũi trên đảo hoang. Hai chàng dựng lều, săn bắn kiếm ăn, trồng lúa mạch và ngô, nuôi dê lấy thịt, làm nồi đất để đựng nước, hạ cổ thụ đóng thuyền, dần quên hẳn chuyện lấy vợ, lại thấy yêu thích cuộc sống cô đơn và cực khổ này.

Mười một năm hai chàng cứ thế sống trên đảo hoang, làm bạn với chim muông cây cỏ, chẳng còn thuộc cả tên mình, tự nhận là vua của các thần dân là một con vẹt, một con khỉ và một lũ mèo cũng già khú đế.

Sau 28 năm, 2 tháng và 19 ngày, sau sự kiện Đường Lưỡi Bò, ngư dân tình cờ phát hiện ra Hạnh và Khánh. Lập tức trang nhất báo chí đưa tin, Hạnh và Khánh trở nên nổi tiếng, họ gọi hai người là những người thời Hùng còn sót lại, là anh em nhà Robin, Robin Hạnh và Robin Khánh, hai chàng trai chưa vợ lần nào. Họ còn thuyết phục hai chàng lên mặt đất, giao giả cơ ngơi kếch xù trên đảo hoang, hứa hẹn sẽ lấy cho những người đàn bà xinh đẹp.

Ngày trở về với thế giới loài người đã đến, các nguyên thủ đưa chiếc tàu nhớn ra tận đảo hoang. Đúng lúc tàu sắp khởi hành, người ta thấy Hạnh và Khánh quay mặt về phía hòn đảo thân thương, nơi từng sống cuộc sống tự do, ế vợ, bất ngờ cùng nhảy xuống nước, bơi vào bờ, dường yêu cuộc sống cô đơn hơn bao giờ hết, gọi thế nào cũng không quay lại.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN TÌNH - TỰ TẶNG MÌNH
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Ba 04, 2012, 10:42:13 AM
CHUYỆN TÌNH - TỰ TẶNG MÌNH

(http://i358.photobucket.com/albums/oo28/tuhaibajai/Tu%20Hai/img0107rc.jpg)

Phố có đông người, hàng ngày mánh khóe đám lái, lẩm cẩm già mù kể chuyện đậu khóc trong nồi, cần lao anh em Thanh Nghệ nói chuyện tôm mủ ni ăn hãi sãn, lu bù những bà nội trợ, say sưa mặt chủ, cà rùng đội kèn quần cộc diễu rọt, mặc tóc tai sống đời xõa sợi, lắng nghe lũ trẻ tóc vàng a lô, sày ô na rạ - ya bô xề ồ, nhốn nháo tung hứng trong cái cõi ê hề văn hóa Chai nì Inh lịch. Tất cả ăn cơm tối, ngủ đêm, ở xó thành khác xa, phú hào và bần tiện, rồi sáng ra cùng nói với nhau, rằng có một thằng điên trong ngõ.

Nói về lối sống trong bao tải, nhẫn nhục và âm trầm, giao lưu cổ điển, tên tuổi cất trong rương, ẩn hiện sau khung sổ nâu ánh đèn kì cục, bóng dáng hồ đồ lại phóng đãng, ngày tháng thoi đưa mấy ai hiểu những bước đi về, đấy là nói đến người ấy. Đó là thằng điên trong ngõ, chả ai biết làm gì, một mình ở thủ đô, quần nếp áo là, đúng bảy giờ ra khỏi cửa, đi trong xã hội thênh thang, thế rồi thấy mọi người bảo bị  hâm, trên con đường cổ xưa còn sót lại.

Điên vậy mà biết dùng điện thoại, người lẻo mép chép miệng, đám hí hửng bịt mồm, nhìn hắn qua chợ cơm rau, cũng ăn cũng tiêu, nhẹ nhành và lành lặn, rồi lát sau khuất hẳn bước giày trên gỗ cầu thang, để lại mắt mũi lê la, bàn kháo chuyện hắn lại vừa làm việc tốt, đúng là đồ lãng mạn dở người.

Và đêm nay hắn đang đi, giữa bóng bay và rét mướt, đêm ba mươi có người rũ áo phong sương trên gác trọ, để xuân chẳng phải hai mươi đứng lặng nhìn, khi thiên hạ đón xuân sang.

Xuân sang, phố xá vẫn từng ấy con người, gió đông sột soạt trêu tà áo biếc, và biết bao kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi. Hàng xóm vẫn thấy hắn, sáng và trưa, rồi chiều một mình lầm lũi, kiểu này thì sẽ lại càng dở người mất thôi.

Một sáng, hắn nhân được tin nhắn: “Bạn vừa được nạp một số tiền 100.000 đồng vào tài khoản từ số 0904460xxx, mã số xxxxx”

Thế rồi tự dưng hắn biến mất, cả tháng giời khung sổ bụi bám nâu, ngõ hẹp nghe lời đồn chết chóc, gã trọc bảo nhìn thấy hắn lần cuối ở chỗ bán sim thẻ bên đường, thế rồi đi đâu không rõ.

Cô gái trẻ một sáng trước cửa nhà hắn, cả phố tròn mắt ra nhìn, này giày thắm váy hoa, ánh mắt có màu xanh thẳm, ai cũng xô vào hỏi han, phen này chắc lại được nghe lắm chuyện.

Hóa ra hắn lại vừa làm điều “tốt”, cô gái kia là chủ nhân của tin nhắn nạp tiền nhầm, và gã thì ra phố, ở chỗ bán sim thẻ bên đường, mua thẻ gửi trả lại 100.000, và rồi biến mất.

Rồi hắn cưới, lễ cưới vui nhất phố, ai nấy cười hì hì, cô dâu là chủ nhân tin nhắn, chú rể là thằng hâm nạp trả tiền, đúng là hôn lễ của hai người điên trong ngõ hẹp.

Từ ấy trên phố thiếu hẳn người điên, tuy vẫn hàng ngày mánh khóe đám lái, lẩm cẩm già mù kể chuyện đậu khóc trong nồi, cần lao anh em Thanh Nghệ nói chuyện tôm mủ ni ăn hãi sãn, lu bù những bà nội trợ, say sưa mặt chủ, cà rùng đội kèn quần cộc diễu rọt, mặc tóc tai sống đời xõa sợi, lắng nghe lũ trẻ tóc vàng a lô, sày ô na rạ - ya bô xề ồ, nhốn nháo tung hứng trong cái cõi ê hề văn hóa Chai nì Inh lịch. Không còn ai gọi hắn là gã dở người nữa.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN NHÀ NGHỈ
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Ba 04, 2012, 04:40:03 PM
Chuyện nhà nghỉ

(http://petrotimes.vn/stores/news_dataimages/nguyenhoan/062014/22/08/2_1.jpg)

Thế kỉ thứ VIII, Baghdad trở thành một trong những thành phố quan trọng bậc nhất trên thế giới, nơi các nhà buôn từ Ba Tư, Ấn Độ, châu Phi và châu Âu qua lại. Trong thời gian này, các câu chuyện dân gian truyền khẩu đã được thu thập và biên soạn lại thành ra một cuốn sách mang tên Nghìn lẻ một đêm, vốn bắt nguồn từ một cuốn sách Ba Tư cổ là  Hazâr Afsâna هزارافسانه.

Chuyện kể rằng xưa kia ở miền Đông Ả Rập, thời Sassanid có một vị vua Ba Tư Shahryar, ngự trị trên một hòn đảo ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc, vì hoàng hậu phạm tội ngoại tình mà đâm ra chán ghét tất cả đàn bà, tính nết trở nên hung bạo. Để thỏa mãn cơn thịnh nộ điên loạn, cứ mỗi ngày ông ta cưới một cô gái và sau một đêm mặn nồng lại sai lính đem ra chém đầu. Bấy giờ trong thành có người con gái là Sheherazade xin cha cho mình được vào cung hưởng một đêm ân sủng của hoàng thượng. Viên tể tướng rất đau lòng khi thấy con mình như vậy vì ông biết sau đêm đó nàng sẽ chết. Nhưng trước sự quyết tâm của con ông đành phải đem con dâng cho vua Schahriar.

Nàng vào cung, mỗi một đêm kể một câu chuyện, khéo léo để đúng lúc mặt trời mọc là lúc hấp dẫn nhất, khiến vua nóng lòng lắng nghe, như vậy lệnh xử tử không thể bao giờ thực hiện. Cứ thế hàng ngàn đêm trôi qua, vua Schahriar bị cảm hóa, tình yêu cuộc sống và lòng tin vào con người trỗi dậy đã làm lãng quên đi việc giết người. Cảm phục nàng Sheherazade, vua đã bãi bỏ lệnh bắt con gái để giết một cách tàn nhẫn và đồng ý cưới nàng làm vợ bằng một đám cưới linh đình, sau đó cùng nhau sống hạnh phúc đến bạc đầu và họ có với nhau ba người con trai.

Đến năm Nhâm Thìn, ở trại Khương Thượng có người là Hạnh, vốn ghét cảnh tù túng, bản tính phóng đãng lưu vong đến nỗi quên lấy vợ, lâu ngày đâm lẩn thẩn, thành ra ngại nói chuyện con gái đàn bà, đêm nào cũng nằm trong chăn một mình, bấy giờ canh khuya mới giở sách Nghìn lẻ một đêm ra đọc.

Quá đến nghìn đêm, tự dưng thấy ở Hà Nội có chuyện lạ, ví như người hóa cá, ngựa biết bay, chim khổng lồ, đầy rẫy lên mặt báo, ai nấy đều kinh lạ. Có người đạo sĩ đi qua sân Cột Cờ nghe chuyện mới lập quẻ lắc đầu, bảo đúng là tại ông Hạnh rồi.

Hạnh đọc sách ban đêm, ngủ quên, đến sáng mới gấp sách lại, các nhân vật theo đó lẻn hết ra ngoài thành, gây chuyện quái lạ, sách cứ ít chữ dần, Hạnh thì càng lẩn thẩn.

Bấy giờ, có Thần Đèn Genie, thoát ra từ câu chuyện cổ Aladin, ở giữa thủ đô, thất nghiệp không có gì làm, nhân lúc chán đời, mới hóa phép chuyển cả dãy nhà nghỉ về quá khứ.

Thần Đèn chuyển nhà nghỉ về tận thời Lê Oanh, tức vua Tương Dực Đế, hiệu là Nhân Hải Động Chủ, nổi tiếng chơi bời xa xỉ trụy lạc, bỏ bê việc nước, ngày nào cũng sai người chèo chiến thuyền ra Hồ Tây, bắt con gái khỏa thân vui vầy yến tiệc

Được mấy năm, Tương Dực còn ra lệnh cho một người thợ là Vũ Như Tô xây điện trăm nóc, xây Cửu Trùng Đài, quân dân xây mãi không xong, hao tốn tiền của, chết hại nhiều người, bách tính lầm than oán thán. Sứ nhà Minh sang trông thấy vua hoang dâm, gọi tên là Trư Vương 豬王, tức là vua tướng lợn.

Tháng năm năm 1514, nghe lời của Hiệu uý Hữu Vĩnh, Lê Tương Dực giết chết mười lăm vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm. Lúc ấy mới có nịnh thần tâu bày giờ trên phố có nhiều nhà nghỉ, là nơi hoàng thượng thỏa mong ước Vu Sơn.

Tương Dực đi nhà nghỉ, lâu ngày thành nghiện, bấy giờ dan díu với ả Bích ở Hàng Đào, nổi tiếng văn vẻ hồ cầm, so với Lý Sư Sư nào kém cạnh.

Tương Dực mê Bích như điếu đổ, kể phải đến nghìn đêm, đêm nào cũng nghe ả kể về những câu chuyện ở xứ sở xa xôi, những câu chuyện về tình yêu, chiến tranh và pháp thuật, về những vị vua cũng như bọn ăn mày, về những nơi mà kim cương nhiều hơn đá sỏi, về những cô gái đẹp, về cả những mưu toan diễn ra trong các ngõ hẻm hay các khu chợ tại các thành phố phương Đông, về những thị trấn, sa mạc, hải đảo xa xôi, nơi các vị phù thủy sử dụng pháp thuật, về các loài ngựa biết bay, người hóa cá, cá lớn hơn cá voi, chim khổng lồ, về những cặp tình nhân trong các túp lều tồi tàn, họ có thể là người gan dạ hoặc hèn nhát, nhưng tất cả đều đa tình và biết hy sinh vì người yêu.

Và như thế hàng ngàn đêm trôi qua, cuối cùng Tương Dực bị cảm hóa, tình yêu cuộc sống và con người trỗi dậy làm quên lãng đi việc giết người.

Sử chép: “Lê Tương Dực hoang chơi, triều thần tuy có Nguyễn Văn Lang, Lê Tung, Lương Đắc Bằng, v.v... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về. Triều chính hết sức rối ren, bên ngoài khắp nơi loạn lạc.

Ở Kinh Bắc có Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng nổi lên ở huyện Đông Ngạn và huyện Gia Lâm. Đất Sơn Tây có Trần Tuân, Phùng Chương ở núi Tam Đảo, Trần Công Ninh chống giữ ở huyện An Lãng. Đất Nghệ An có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Văn Triệt làm phản.

Ở huyện Thủy Đường (Hải Phòng), một người là Trần Cảo (hay còn gọi là Trần Cao) thấy sấm nói rằng ở phương đông có thiên tử khí, bèn tụ tập được nhiều người lấy đất Hải Dương, Thủy Đường, Đông Triều, rồi tự xưng là vua Đế Thích giáng sinh. Trần Cảo thành lập quân đội, người đi theo đến hàng vạn.

Trần Cảo đem quân về đóng ở đất Bồ Đề, bên kia sông Nhị Hà, định sang lấy kinh đô Thăng Long. Sau quân triều đình sang đánh, Trần Cảo lui về đóng ở Trâu Sơn, thuộc phủ Từ Sơn. Vua Tương Dực sai An Hòa hầu là Nguyễn Hoằng Dụ sang đóng quân ở Bồ Đề để chống giữ.

Tình hình căng thẳng mà Lê Tương Dực không để ý đến. Nguyên Quận công là Trịnh Duy Sản, trước có công đi đánh dẹp Trần Tuân, nhiều lần can ngăn không được. Vua Tương Dực không nghe, còn đem Trịnh Duy Sản ra đánh bằng trượng. Trịnh Duy Sản bất mãn, mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm để lập vua khác. Trịnh Duy Sản giả mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516 đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực.

Lúc bị giết, Tương Dực bị giáng làm Linh Ẩn vương (靈隱王), sau Lê Chiêu Tông mới đặt thụy hiệu là Tương Dực Đế (襄翼帝).

Lê Tương Dực ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi, được an táng ở Nguyên Lăng”.

Sử thì chép như thế, và bây giờ có ai mong ước sự tốt đẹp ở chuyện xưa, khi lòng tin khiến bậc đế vương thôi không chém giết, bạo chúa thôi xây điện trăm nóc, Cửu Trùng Đài, với cuốn sách Nghìn lẻ một đêm, và chuyện Thần Đèn cùng nhà nghỉ.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN TITANIC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Ba 18, 2012, 10:01:30 AM
Chuyện Titanic

(http://imgs.vietnamnet.vn/Images/vnn/2015/07/29/22/20150729223643-tung.jpg)

Mưa trong khu nhà tập thể, con đường nghèo nàn, thiếu trách nhiệm giờ nước đã đong đầy, thành đầm thành vũng. Người lớn cất vó ra câu, reo hò trên thành cầu Xưởng In 15 từ chiều hôm trước, mỗi khi có mẻ cá to, trôi từ cửa cống thành phố từ sông vào. Tôm tép lên bờ, cua lộc ngộc trên nẻo quen thuộc. Lũ trẻ ùa xuống cầu thang, thuyền giấy gấp được thả ra, bơi trên vũng nước ấy.

Nhà E6 có nhiều khu vườn, nơi những tổ kiến lâu nay nghe bão lớn đã rồng rắn trèo lên nóc, có kiến chúa, kiến cụ, kiến ông, kiến bố, kiến mẹ và lũ kiến con hằng hà sa số, sống yêu chuộng hòa bình.

Và nơi ấy có đôi kiến trẻ yêu nhau, bằng đôi càng say sưa, bằng sợi râu ngộ nghĩnh, ngày ngày chăm chỉ lao động trên bờ tường, đêm về tự tình trong cỏ lá, giữa tiếng vi vu của bác dế già, như khúc vĩ cầm du dương, trong khu vườn cổ.

Rồi một ngày bão đổ về, vũng nước lênh đênh thuyền giấy, lũ trẻ bắt đàn kiến lên thuyền, đôi kiến trẻ cũng được mang theo trò nghịch ngợm. Đá ném, xe ào ào qua, thuyền vỡ, kiến chúa, kiến cụ, kiến ông, kiến bố, kiến mẹ và lũ kiến con hằng hà sa số, giờ nằm im không nói nữa, nổi trên mặt sông. Còn đôi kiến trẻ yêu nhau, ôm chặt lấy nhau trên thuyền giấy.

Bão ở thủ đô mấy ngày những năm 90 ấy, rồi vẫy chào ra đi, đem theo lời yêu chuộng hòa bình, lời tự tình của tổ kiến, và sự chia lìa. Người lớn thì vẫn tiếp tục chặt cây phá rừng, còn trẻ con vẫn vô tình, vui đùa trong những trò nghịch ngợm.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Nhớ về tuổi thơ).


Tiêu đề: Re: CHUYỆN TITANIC
Gửi bởi: Bác bí đỏ trong Tháng Ba 18, 2012, 10:11:26 AM

Hehe, chuyện này nghe như cổ tích ấy nhể


Tiêu đề: Re: CHUYỆN TITANIC
Gửi bởi: Bác bí đỏ trong Tháng Ba 18, 2012, 10:14:00 AM
Titanic là bộ phim kể về vụ đắm tàu Titanic - một trong những sự kiện kinh hoàng nhất thế kỉ 20 - đã được đạo diễn James Cameron dàn dựng thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại.

(https://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/b/bb/Titanic_breaks_in_half.jpg)

Bộ phim mở đầu với việc một nhóm thăm dò dưới đáy biển trong thập niên 1990 đã phát hiện ra bức tranh khỏa thân của một người con gái tên Rose DeWitt Bukater (Kate Winslet) trong con tàu Titanic bị đắm đó. Vô tình, việc họ tìm thấy bức tranh được đang chiếu trên TV được bà lão Rose đó xem và nhận ra, bà lão ấy chính là cô gái trong bức tranh. Từ đây họ được nghe kể về câu chuyện của một người phụ nữ sống sót trong chuyến tàu Titanic định mệnh, người đã sống thọ tới hơn trăm tuổi.

Rose sinh ra ở một gia đình quyền quý ở Philadelphia, mới 17 tuổi cô đã được đính hôn với Caledon Hockley (Billy Zane), thường được nhắc với cách gọi tắt Cal. Thông minh, đĩnh đạc và xinh đẹp dù mang trong mình sự nổi loạn ngầm, Rose được dạy dỗ từ thuở ấu thơ tất cả những điều của phụ nữ quý tộc. Lời hứa hôn của Rose với Cal - người thừa kế nhà máy luyện thép thịnh vượng tại Pittsburgh và là kẻ có tính kiêu ngạo vũ phu - là một vận may tuyệt vời với một gia đình đang xuống dốc. Họ được xem là một cặp đôi hoàn hảo của sự giàu có và địa vị xã hội nhưng đó là sự ép buộc đối với Rose. Quá phẫn uất, Rose định tự tử nhưng được cứu bởi Jack Dawson (Leonardo DiCaprio), một chàng họa sĩ nghèo phóng khoáng, đẹp trai, hài hước, đang trên đường tìm cơ hội lập nghiệp ở Mỹ. Tình yêu đến với họ thật tự nhiên và dịu dàng nhưng chả may là mẹ cô lại bắt gả cô cho chàng trai con nhà giàu có. Trải qua nhiều cuộc thử thách cuối cùng cô quyết định sẽ bỏ ra đi với cậu Jack nghèo hèn.

Nhưng chuyến tàu định mệnh đã thay đổi toàn bộ số phận hành khách trên con tàu cũng như những dự tính, ước vọng của đôi tình nhân Jack & Rose. Một thảm họa đã xảy ra khiến mọi chuyện lệch khỏi quỹ đạo không còn đi theo kế hoạch: Tinatic va phải một tảng băng trôi. Người ta nháo nhào tranh nhau xuống thuyền cứu hộ, thậm chí dám cướp nhau một cái áo phao. Tồi tệ hơn, giới quý tộc đã khóa cửa không cho những người thuộc tầng lớp bình dân vào khoang tàu dưới chỉ vì sợ họ tranh mất cơ hội sống của họ. Lúc này Jack đang bị kẹt bên một đường ống dẫn nước vì vướng vào một vụ vu oan giá họa, người ta nghi ngờ anh ăn cắp chuỗi ngọc trang sức quý giá của Hockley tặng Rose. Nước đang tràn vào tàu, lạnh buốt xương. May sao vì tình yêu Rose đã không xuống thuyền cùng mẹ mà chạy đi tìm Jack, kịp thời cứu anh thoát chết trước khi nước ngập vào. Hai người chạy trốn, thoát hiểm cùng nhau cho đến khi con tàu bị dựng đứng lên rồi gẫy ra làm đôi. Chỉ có một số nhỏ thoát chết còn hàng ngàn hành khách, đa phần là người thuộc tầng lớp bình dân, đã thiệt mạng. Họ chết vì cái lạnh của nước biển, họ chết vì cái lạnh lùng tàn nhẫn của một số người ham sống sợ chết. Sau khi đến Hoa Kỳ, cô đã trốn Cal và đổi tên thành Rose Dawson Calvert. Sau này cô được biết Cal đã cuối một cô gái khác và thừa hưởng một gia tài lớn nhưng mất hết tất cả một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của Hoa Kỳ năm 1929 và Cal đã tự sát.

Trong giờ phút lênh đênh giữa đại dương, Jack đã nhường người yêu một tấm phản khá to. Rose may mắn được nằm trên một tấm phản gỗ trôi dập dềnh trên mặt biển, còn Jack thì đã vĩnh viễn rời xa cô trong làn nước giá lạnh. Xung quanh cô toàn xác người chết cóng, bản thân cô cũng đã quá mệt mỏi nhưng vì lời hứa Jack, cô đã quyết tâm sống. Cô lăn mình xuống nước băng giá, vùng vẫy tới gần xác một thủy thủ để lấy cái còi. Cô thổi những hơi lạnh buốt vào chiếc còi lấy được với hy vọng sẽ gây được sự chú ý. Và rồi người chỉ huy của chiếc thuyền cứu hộ cuối cùng quay nhìn thấy cô và Rose sống sót.

Ký ức buồn vui về Jack đã đi theo Rose suốt cả cuộc đời, để bây giờ bà Rose đang sắp bước sang tuổi 101 ngồi kể chuyện cho những người thăm dò tàu Titanic về một người mà bà thực sự yêu, một người đã đem đến cho bà cuộc sống chân thực. Ngay đêm kể xong câu chuyện, Rose đã qua đời, một mình và thanh thản. Linh hồn bà đến với Jack tại con tàu Titanic dưới đáy biển, nơi họ đều trở về thời thanh xuân ban đầu. Một kết thúc có hậu cho họ.

Nhân vật hư cấu

    Kate Winslet vai Rose DeWitt Bukater: Nhân vật chính của phim, Rose là một phụ nữ 17 tuổi bị ép gả cho Caledon Hockley với mong muốn có được một cuộc sống quý tộc cùng mẹ, Ruth, sau khi cha cô chết để lại một món nợ lớn làm tiêu sản gia tài. Cùng với Cal và Ruth, Rose lên con tàu RMS Titanic với tư cách là hành khách khoang hạng nhất, tại đây cô đã gặp Jack, một hành khách ở khoang hạng ba.

    Leonardo DiCaprio vai Jack Dawson: Jack là một chàng trai nghèo, anh đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Paris. Ở đầu phim, Jack thắng được 2 tấm vé lên tàu Titanic sau một ván poker và cùng với người bạn, Fabrizio, lên tàu với tư cách là hành khách khoang hạng ba. Anh bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của Rose từ cái nhìn đầu tiên và vô tình nói chuyện với cô khi Rose cố gắng nhảy xuống biển ở đuôi tàu. Hành động anh hùng này đã giúp anh được mời tới dự buổi tiệc đêm với những hành khách khoang hạng nhất .

    Billy Zane vai Caledon Nathan "Cal" Hockley: Hôn phu của Rose, một người đàn ông thượng lưu kiêu ngạo và tự phụ, Cal là người thừa kế một công ty thép giàu có. Trong phim, Cal ngày càng trở nên lúng túng, ganh tị và thô bạo trong mối quan hệ của Rose với Jack. Anh tặng Rose viên kim cương "Trái tim Đại dương" như một kỉ vật thể hiện tình cảm của anh dành cho Rose, và yêu câu cô "mở cửa trái tim" cho anh. Cal đã thoát khỏi vụ chìm tàu sau khi giả vờ có con để được lên tàu cứu hộ. Nhân vật Rose khi già tiết lộ Cal đã đặt súng vào miệng và tự tử sau cuộc khủng hoảng phố Wall năm 1929.

    Frances Fisher vai Ruth DeWitt Bukater: Người mẹ góa của Rose, người sắp đặt chuyện hôn nhân của cô với Cal để đảm bảo một cuộc sống thượng lưu. Bà yêu cô con gái nhưng lại tin rằng kết hôn với Cal là một điều đúng đắn. Một hình ảnh thu nhỏ về sự nông cạn và tính giả tạo của xã hội thượng lưu, bà khinh bỉ Jack mặc dù anh là người đã cứu con gái bà. Ruth được cứu bởi thuyền cứu hộ.

    Danny Nucci vai Fabrizio De Rossi: Anh bạn thân nhất người Ý của Jack, người lên tàu Titanic cùng Jack sau khi Jack thắng 2 vé trong một ván poker. Fabrizio bị chết sau khi ống khói của tàu sập và đổ xuống người anh.

    Jason Barry vai Tommy Ryan: Một hành khách khoang hạng ba người Ireland, bạn của Jack và Fabrizio. Tommy bị thuyền viên Murdoch bắn chết khi con tàu đang chìm, sau khi anh xô đẩy giữa cảnh hỗn loạn trên boong tàu.

    David Warner vai Spicer Lovejoy: Một cựu cảnh sát của Pinkerton, Lovejoy là người hầu và bảo vệ của Cal, ông được giao quyền để mắt tới Rose và nghi ngờ về mối quan hệ của Rose với Jack sau khi Jack cứu Rose. Theo như Rose thì Lovejoy được cha của Cal thuê để "trông cậu con trai bé nhỏ". Ông hộ tống Cal, Rose và Ruth lên tàu Titanic. Lovejoy chết khi tàu đang chìm, ông được nhìn thấy lần cuối khi cố gắng bám vào thanh chắn boong tàu khi tàu tách làm đôi.

    Bill Paxton vai Brock Lovett: Một thợ săn kho báu tìm kiếm viên kim cương "Trái tim Đại dương" trong xác con tàu Titanic ở thời điểm hiện tại. Thời gian và tiền dành cho chuyến thám hiểm của anh đang cạn dần.

    Gloria Stuart (4/7/1910-26/9/2010) vai Rose Dawson Calvert: Rose khi đã là một cụ già 100 tuổi, sau khi Lovett phát hiện một bức tranh khỏa thân của bà trong xác tàu Titanic, bà đi cùng đoàn tàu của Lovett để cung cấp thông tin về viên kim cương "Trái tim Đại dương". Gloria Stuart lúc tham gia phim đã 87 tuổi. Bà qua đời ngày 26/9/2010 vì ung thư phổi.[7]

    Suzy Amis vai Lizzy Calvert: Cháu gái của Rose, người chăm sóc và hộ tống bà trong chuyến đi với Lovett.

    Lewis Abernathy vai Lewis Bodine: Bạn của Lovett, người lúc đầu nghi ngờ câu chuyện của 'bà cụ' Rose. Anh giải thích cho Rose về cách con tàu chìm với một máy tính 3-D. Khi Rose kết thúc câu chuyện, anh tỏ vẻ khá cảm thông với bà


James Cameron bị quyến rũ bởi những xác tàu đắm, gồm cả xác tàu RMS Titanic, và đã viết một lý giải của mình cho phim.[9] Ông miêu tả việc đắm chìm của con tàu Titanic như "một tiểu thuyết đã xảy ra trong thực tế." Song, trải qua một thời gian, chính ông cũng cảm thấy sự kiện chỉ là một ngụ ngôn về đạo đức mà thôi, và từng phát biểu rằng việc làm phim chỉ nhằm làm sống lại trong lòng khán giả một sự kiện lịch sử đã từng xảy ra. Cameron miêu tả sự hiện thân của tiểu thuyết ái tình là phần lôi cuốn nhất trong câu chuyện của ông. Tương tự như những nhân vật đáng yêu, Jack và Rose, với tình yêu của họ nảy sinh và cuối cùng bị hủy diệt, khán giả sẽ thấy cảm thương thay cho sự mất mát. Sau cùng, Cameron đã kiến tạo một khung hình hiện đại của ái tình với một người phụ nữ cao tuổi (Rose), biến sự kiện trong lịch sử trở thành một cái gì có thể sờ mó được, sâu sắc thấm thía.[8] Hiện thân của người săn lùng châu báu Brock Lovett chỉ có ý để đại diện cho những ai không từng trải và thống hiểu nhân tính của bi kịch.[10] Cameron muốn tôn danh những người đã bị thiệt mạng trong khi tàu chìm, và ông đã từng dành 6 tháng liên tục để nghiên cứu trọn vẹn những gì đã xảy ra, tạo dựng lại diễn trình thời điểm của các nhân viên và hành khách trên tàu Titanic.[8]

Ông đến gặp hãng làm phim 20th Century Fox, và thuyết phục họ làm một bộ phim, dựa vào tính lan truyền của tư liệu bằng cách quay phim chính bản thân xác tàu đắm [9] và bố trí một nhóm thợ lặn thăm dò xác tàu Titanic trong hơn hai năm ròng.[8] Trong năm 1995, thợ lặn quay phim tới mười hai lần liền tại biển Đại Tây Dương, quay phim lại tiến trình của mười một lần trong số đó, và tiêu tốn thời gian với con tàu nhiều hơn là với hành khách của nó. Sau đó, Cameron khởi công viết kịch bản phim .[9] Harland and Wolff, những người thợ xây dựng tàu RMS Titanic, lật mở các tài liệu lưu trữ riêng tư về nhân viên và chia sẻ những thiết kế tưởng chừng đã mất. Đối với nột thất của tàu, nhóm thiết kế sản xuất của Peter Lamont tìm kiếm các lưu vật thủ công của thời kỳ mà con tàu tồn tại, cho đến những kiến tạo mới trên con tàu, và việc này có nghĩa là các đạo cụ phải được tái dựng lại từ đầu.[11] Công ty Fox khởi công xây dựng một trường quay mới vào ngày 31 Tháng Năm, 1996 trên 40 héc-ta hải phận miền nam của Playas de Rosarito ở Mexico. Một bể nước có sức chứa bảy triệu ga-lông đã được xây lên dành cho ngoại hình của con tàu tái dựng, cho phép một góc nhìn trên đại dương rộng 270 độ. Con tàu đã được dựng lên với cỡ lớn thật, tuy Lamont cũng đã bỏ đi những phần thừa thãi của Kiến trúc thượng tầng và đưa tầng hầm (well deck) về phía trước để con tàu có thể nằm vừa vào trong cái bể, trong khi những phần còn lại được bù vào bằng các mô hình kỹ thuật số (digital models). Cỡ của các xuồng cứu đắm và các ống khói của tàu được giảm xuống chỉ còn một phần mười nguyên bản. Sàn tàu và tầng-A là cảnh nền chính để quay phim, còn những phần còn lại của tàu thì chỉ được bọc thép mà thôi. Bên trong tàu là một sàn nâng cao 50 foot (15 m) để cho tàu nghiêng đi trong loạt cảnh tàu chìm. Sừng sững ở trên đầu là một cái cần cẩu cao 162 foot (49 m) nằm trên đường ray, được sử dụng như một tổ hợp kiến trúc, sàn cho ánh sáng và máy quay phim.[10] Sau khi quay xong cảnh tàu chìm, con tàu đã được tháo rời và bán lẻ để hồi thu lại tổn phí.[12]

Loạt cảnh những ngày đương đại được quay trên tàu thủy Akademik Mstislav Keldysh (tàu dùng để nghiên cứu khoa học của Nga) vào năm 1996..[10]. Trong khi quay phim, ai đó đem thuốc gây ảo giác phencyclidine rắc vào cơm của nhân viên, làm cho mấy chục người, bao gồm cả Cameron, bị trúng thuốc và phải vào bệnh viện. Không ai biết thủ phạm của trò chơi khăm này là ai và họ không bắt được hắn. [13][14] Phần quay phim chính cho bộ phim Titanic được khởi công vào tháng 9, 1996 tại trường quay mới dựng "Fox Baja Studios".[10] Những cảnh quay trên poop deck được kiến tạo trên một sàn có gắn bản lề và sàn quay có thể được nâng từ không độ đến 90 độ chỉ nội trong vài giây đồng hồ.

Bộ phim hoành tráng này của Hollywood, với kinh phí sản xuất trên 200 triệu USD, là một hiện tượng của điện ảnh thời gian đó. Đây còn là phim ăn khách nhất suốt 12 năm 1997-2009 trong lịch sử điện ảnh thế giới và đoạt được 11 giải Oscar.

Tuy thành công về thương mại và giải thưởng nhưng không ít người lại chê bai Titanic. Trên trang dữ liệu điện ảnh rất uy tín IMDB bộ phim chỉ đạt 7,3/10 điểm qua hơn 200.000 lượt bình chọn [15] trong khi để vào được Top 250 của trang này thì ít nhất phải được trên 8,0 điểm - đó là một số điểm khá khiêm tốn khi so sánh Titanic với các phim đoạt giải Oscar khác.

Nhân vật chính:

    Rose DeWitt Bukater
    Jack Dawson
    Cal Hockley


Tiêu đề: Re: CHUYỆN TITANIC
Gửi bởi: Bác bí đỏ trong Tháng Ba 18, 2012, 10:15:22 AM



(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/2/26/Titanic_southhampton.jpg)

Tàu Titanic là một tàu vượt đại dương chở khách chạy bằng động cơ hơi nước đã đi vào lịch sử ngành hàng hải vì vụ tai nạn hàng hải kinh hoàng và bất ngờ đã xảy ra với nó cũng như những bí ẩn liên quan. Tên chính thức của nó là RMS Titanic (RMS là viết tắt của Royal Mail Ship). Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912. Là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất lúc đó, Titanic mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu nó, hãng vận tải biển The White Star Line. Tuy nhiên, trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4 năm 1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người tử nạn. Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình.

Thảm họa Titanic đã là đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế. Titanic cũng trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh.




Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC - CHUYỆN CẶP ĐÔI HOÀN HẢO
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Ba 18, 2012, 05:14:58 PM
CHUYỆN CẶP ĐÔI HOÀN HẢO

(https://i.imgur.com/zcFsxW0.jpg)

Chả biết cụ Thông có nặn ra Ba Giai, Tú Xuất hay không, nhiều người thì bảo là có thật, ấy là chuyện nghịch ngợm ở khắp nội ngoại thành Hà Nội nửa đầu thế kỉ trước.

"Thứ nhất Ba Giai, thứ hai Tú Xuất".

Cuối Tự Đức 嗣德 (1829 – 1883), Ba Giai quê ở Hồ Khẩu lều chõng đi thi trượt chỏng gọng, đâm quay ra với dân anh chị, bày trò quậy phá nhăng nhít ở giữa chợ giữa đường. Xứ Thanh có tay phá phách là Tú Xuất cũng nổi tiếng không kém, gặp buổi khó khăn lần mò ra chốn kinh kỳ, gặp được Ba Giai, mới cắt máu ăn thề, cũng bày trò kết nghĩa, trở thành cặp bài trùng Ba Giai – Tú Xuất, tai tiếng khắp các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Kì thuở ấy, chuyện lừa bà góa, lừa bà hàng cơm, chuyện củ nâu, chuyện xem tắm trộm, chuyện làm xiếc ở cỗ làng, thực ai cũng đã đọc qua cả.

Trong khi ấy thì dân gian kháo nhau rằng:

"Lý Toét tóc búi củ hành,
Cao gầy râu chởm mặt xanh nanh vàng.
Mồm rộng tới tận hai mang,
Đầu vành khăn xếp, tay quàng cái ô.
Hình dong khắc khổ bơ phờ,
Giày Tây cắp nách chỉ lo bị mòn.
Xã Xệ béo trục béo tròn,
Lùn tì trọc lốc, má phồng môi giâu".

Bấy giờ người ta bê Lý Toét và Xã Xệ lên làm nhân vật biếm họa, đầy rẫy trên báo Phong Hóa và Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, sang tận Paris, đi vào kịch, chèo, ca nhạc.

Lý Toét bị chê là dốt, mới tức mình đi học. Một lần Lý Toét và Xã Xệ đánh nhau. Xã Xệ kiện lên quan, quan phán:

- Nghe đồn Lý Toét ngươi giỏi đối, ta ra một vế, nếu đối được thì tha cho.

Lý Toét :

- Bẩm quan, lời đồn mười việc chín thường đơn sai. Nhưng quan lớn đã dạy thì con cũng xin vâng ý. Mong quan lớn thương tình.

Quan :

- Giỏi, vậy nghe câu đối của ta: “Đã đánh đập đồng đội đau đớn, đệ đơn đến đây, đền đi, điều đình đâu được”.

Câu đối thật hiểm, quan lớn chắc mẩm Lý Toét thế nào cũng đầu hàng. Nào ngờ Lý Toét ứng khẩu: “Xảy xô xát, Xã Xệ xước xoàng, xin xếp xem xuống, xét xử, xí xóa xong xuôi”.

Quan nghe nức nở khen hay nên xét cho hai bên hòa giải. Xã Xệ cũng phục tài Lý Toét, không khiếu nại gì nữa.

Từ ấy Lý Toét tiếng nổi như cồn, ra đường thời ấy ai cũng nghêu ngao hát rằng: “Lý Toét mà cắp cái ô, ra phố gặp lúc mưa to, có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ...”.

Lý Toét, Xã Xệ đi Tây, lên cả Indochine, George Pisier của Mẫu Quốc, rồi lên cả chiến khu, tham gia kháng chiến chống Pháp, chuyện chép ra nhiều lắm.

Chuyện Ba Giai – Tú Xuất, Lý Toét – Xã Xệ thì thế, mãi sau này, trên báo Thiếu Niên Tiền Phong, có Bút Thép và Bóng Nhựa, rồi truyện tranh Nhật có Doraemon và Nobita, đều là những cặp đôi không thể nào quên được.

Thời gian cứ trôi, tuổi thơ đã đi qua không bao giờ trở lại, ngồi nghe người ta xem Cặp Đôi Hoàn Hảo, mới chợt nhớ ra những chuyện đã từ lâu lắm rồi.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: VOLKSWAGEN VÀ BỌ DỪA
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Năm 22, 2012, 03:12:50 PM
(http://cms.kienthuc.net.vn/zoom/1000/uploaded/quanghuy/2017_06_09/4/soi-con-bo-volkswagen-beetle-gia-400-trieu-tai-sai-gon-hinh-2.jpeg)

Người Trung Quốc gọi là Đại chúng khí xa (大众汽车), tiếng Đức viết là Volkswagen, người Việt mình đọc là Vôn Pha Ghen, diễn Nôm thành ra là Xe bọ.

Hồi bé, bắt được con cánh cam, ngắm nghía cái màu xanh biếc của người bạn cù lần dưới gốc, đến khi bắt được thật nhiều bọ dừa, con nào con nấy tròn vo vo, bấy giờ mới đặt chúng lên mâm, mải mê nhìn những cái lưng hùm hụp ấy nối đuôi nhau trên chiếu, hệt như đoàn xe sơn màu offroad vậy.

Người quê mùa quét thật sạch cái sân, hà hơi uống chồng nước vối, trỏ vào cội nhãn cổ thụ rụng đầy xác bọ dừa, thế là biết nắng hè đã vào đến quá trưa. Đến tối, cà cuống dầm thật sâu trong bát mắm khú, cơm rau đánh ra rá cả, nồi muống xanh mướt, đĩa thịt luộc đã chĩnh chện trên chõng được bê ra, có thêm đĩa bọ dừa nướng, thịt ức thơm lừng.

Tuổi bé nhỏ đã đi qua, ký ức cũng đã có mai râu già cả. Bấy giờ người lớn chơi Volkswagen, còn lũ trẻ con ngày nay có còn chơi với những người bạn bọ dừa?

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Với Bọ dừa).


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Sáu 23, 2012, 09:52:46 PM
(https://songmoi.vn/public/upload_editor/posts/images/dau-phu-ca-muoi-1.jpg)

Đường từ kinh về nặng nề hành lý theo chân mỏi, tiếng nói Hà Nội đổi chỗ giọng uốn lưỡi của người phương Bắc, vốn mấy hôm đeo đuổi trong hội nghị. Bắc Kinh vẫy tay chào, hẹn hò rồi cái quá độ xã giao cho ngày gặp lại. Nội Bài nóng nôi, sốt sắng câu mời đón. Thủ đô người quê mùa váy ngắn, dân phố cổ quần dài lại thấy đây, thế là lại đang ở trên đất Việt, có cây cơm nguội vàng, có mái ngói thâm nâu, mặc cuộc chơi đang giữa hè tháng sáu. Sáng Ất Tỵ bến đổ ra con mắt, quầng thâm màu bóng đá, vằn vện cờ bạc, vẫn khẩn khoản giờ giao ca, của phở, xôi, bánh mì kẹp thịt.

Lặc lè gánh bệnh hoạn, cái mệt mỏi đầy ắp chả buồn cười, mấy hôm không thèm ăn, nước uống ừng ực cả vại, cái nhìn cứ trũng đi, phải chăng mai là sờ được vào cái chết. Đêm qua lại nằm mê, cái giống ấy đến nhiều lắm, thân sò ốc, ngao hến kêu la ngoài cửa, giật mình thức dậy, nhớ lại cảnh ra chợ thấy người ta thịt ếch, chặt đầu lột da, phanh thây đặt ở trên mẹt.

Qua đêm, ai nấy cứ thế làm tròn bản phận, cả cô cave cười toe toét, loay hoay tẩy trang, nai nịt gọn gàng đợi cái nghiệp hoàng hôn, trong khi người nghiên cứu sinh gục mặt kính kếch xù, cố rướn lên nhìn bên đường khoa học. Một sáng như thế, riêng mình lười biếng trong xã hội vẫn dao động, đáng yêu, sao tự dưng thèm một bát cháo đậu cà.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Sáng từ Bắc Kinh trở về).


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: tuhaibajai trong Tháng Sáu 24, 2012, 11:31:47 AM
Mâm cháo cà, đậu tẩm hành ko ngon lắm.


Tiêu đề: Re: MỞ ĐẦU MỘT KÝ ỨC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Sáu 24, 2012, 11:38:18 AM

Vâng hihi, gọi là minh họa mà, để qua quán hôm nào làm món này ngon hơn, ở trên mạng ảnh chụp chủ đề này hiếm quá, cà hơi bị Lỗ Trí Thâm nhưng cứ lấy tạm, hì!


Tiêu đề: CHUYỆN CHIẾC TỦ LẠNH CỦA SA TĂNG
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Sáu 24, 2012, 06:25:13 PM
(http://tyhuungoc.2017vn.com/wp-content/uploads/2016/09/fica-2411400067837.jpg)

Tháng chạp, đã thấy đám trẻ con ở phường Công Bộ hát:

Xuân tươi người khêu bấc,
Lén giở sách Hồng Mao.
Xem cầu trường ra sức,
Ấy đạo hạnh cực mầu.

Trước thảy đều Văn, Võ,
Ngũ hành phối Âm, Dương.
Khắc, sinh coi cho rõ,
Thắng thua sẽ tỏ tường.

Được mấy ngày, dân ra đường như nêm cối, bu vào hỏi chuyện lạ, bấy giờ có người tự xưng là Hồ Đồ Đại Tiên mới ra đứng ngã ba Hàng Chiếu mà giảng rằng:

“Ngoài xứ Đông Thắng Thần Châu, giống người Hồng Mao mắt xanh, giỏi trò lấy chân khiến được trái cù bằng thứ da bò lấy ở phía Tây núi Tu Di, đá vào tấm lưới chăng ra từ cái cột gỗ ở Nam Diêm Phù Đề. Sau người ở Bắc Câu Lư Châu theo đó mà học theo, soạn thành Túc Cầu Kinh mà được bình đẳng yên vui, sống lâu đến nghìn tuổi. Mấy câu ấy chính là nhời mở đầu của Túc Cầu Kinh vậy”.

Việc đến cửa cung, vua cho vời thầy trò Đường Tăng vào điện, suốt ba ngày lục trong Kinh, Luật, Luận thảy từ Bát Nhã, Tứ Niệm đến A Tì Đạt Ma đều không thấy nhẽ nào như Túc Cầu Kinh cả, bấy giờ mới sai bắt Hồ Đồ vào ngục, cho là giống điên đảo trăm họ.

Đến tháng hai, người Tây Dương ghé thuyền vào bến sông, trong một ngày Phật Tổ hiện mấy lần ở cửa Hàm Tử. Cách mấy ngày, đang đêm lại thấy tiếng đùng đùng ở Bãi Giữa, có người qua đấy thấy rõ ràng các La Hán đang tranh nhau một trái cù. Vua giật mình cho mở cửa ngục, không thấy Hồ Đồ đâu cả.

Tháng năm, giời mưa gió thất thường, xảy đến mấy ngày lại nắng như thiêu đốt, cây cỏ héo hết cả, dân chúng ùa ra đường mua cá về nấu chua, dưa cà, me sấu loáng cái sạch bách cả, ai nấy hình dong khô kháo, đen đúa như quỷ. Chỉ thấy người Tây Dương ngồi ở hiên mát, cười khà khà.

Tháng sáu, trong thành mở lễ Phật, vua theo người Tây bàn chuyện Túc Cầu Kinh. Đàn cầu ba ngày, người bỏ cả cơm ra đứng nghe loa truyền ở đại điện. Được vài ngày, bỗng dưng nảy nòi ra thói cờ bạc, thách đố, trẻ con người lớn nướng bưởi làm cù ra đá ngoài bãi, bày trò cá cược, làm loạn cả, ai nấy trở nên nóng nảy chém giết. Phường in sách khắc ván bày đầy rệ đường, có tới nghìn trang, tự cho là Túc Cầu Kinh chính bản. Liền nửa tháng giời không giọt mưa, gió im như trốn, nắng như đổ lửa, đám văn sĩ lắm mồm cho là liệu đấng cửu trước đã có nhời gì xúc phạm đất giời chăng. Trong khi bách tính vẫn vui vẻ trò cá cược.

Bấy giờ thầy trò Đường Tăng cùng học sĩ bốn điện vào chầu vua, bảy ngày bàn bạc chuyện quốc sự, chuyện giác ngộ của đám Túc Cầu, nhẽ nào chân kinh lại khiến bách tính ra ràng nhường ấy. Được chừng nửa tháng, nước trong thành cạn dần, vua cho chở nước tận xứ Thanh về, một mặt lập đàn cầu đảo khắp nơi. Nước chưa về đến, dân chúng xô đổ cả ngõ Cấm Chỉ, lại thấy Phật Tổ hiện ở đại điện, tay bấm quyết trỏ về phía nhà kho, bấy giờ mới thấy gánh hành lý của Sa Tăng hóa ra chiếc tủ lạnh chất đầy bia hơi, uống vào mát lạnh. Nỗi lo cá cược mùa bóng bay đâu mất, vua tôi cả cười.

Trước giờ Ngọ, mưa như thùng đổ, trút ra thứ nước lạnh, say say, phút chốc mát mẻ cả bãi giữa, già trẻ quên hẳn chuyện cá cược hằn thù. Lúc ấy, quần thần ai nấy đều giác ngộ cả.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Mùa bóng Euro).


Tiêu đề: CHUYỆN CƯỚP TRẠI
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Sáu 30, 2012, 06:26:25 PM
Chuyện cướp trại

(http://sohanews.sohacdn.com/thumb_w/660/2016/3-1458057263247-22-5-387-502-crop-1458057268431.jpg)

Gia Cát Lượng lấy con gái danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn, làm rể Nhữ Nam, ai cũng bảo giống rồng mà duyên giống quỷ, âu là trỏ cái việc se tơ cùng Hoàng Nguyệt Anh, một người rất xấu xí mà tài năng vào bậc nữ trung anh kiệt. Người đời có thơ rằng:

Mạc học Khổng Minh trạch phụ,
    Chỉ đắc A Thừa xú nữ.
(Đừng học cách Khổng Minh kén vợ.
Chỉ được gái A Thừa xấu kinh).

Chiến tranh Trung – Nhật, con cháu Gia Cát rời thôn Bát Quái, Lan Khê, Triết Giang trốn qua biên giới Việt Nam, đến ở làng Vũ Đại, tức thôn Nhân Hậu, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam, đời đời làm nghề kho cá sinh sống.

Bấy giờ trong làng có người là Chí Phèo, thấy cảnh nhiễu nhương mới cát cứ phía Đông làng, ngày ngày tụ tập trai tráng ngoài lò gạch, bày trò mài dao đánh kiếm, gọi là dựng cờ khởi nghĩa. Tiên chỉ trong làng biết thế để kệ, cho là đồ nát rượu, không đáng quan tâm. Được thể Chí càng bừa bãi.

Chí thích Thị Nở, mới cho người mang mấy trăm gạch đến cầu hôn tận cái nhà lá rách nát của thị tại vườn chuối. Bà cô của Nở, vốn là con cháu Gia Cát, lúc này quyết liệt phản đối cháu gái lấy thằng Chí Phèo vì ai lại đi lấy một thằng không cha, chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Ngày sính lễ, Chí và thủ hạ áo vá chằng đụp chèo thuyền ghé vào bãi sông, gạch ngói xếp đầy ngoài sân, chỉ thấy bà cô Nở ngồi nhai giầu, ném ra một cái nhìn khinh bỉ, lấy tay bịt cái mồm mếu máo của con cháu, nhất quyết không cho ra. Chí giận lắm, thề độc phải lấy được Nở mới thôi.

Chí đâm ra dở điên, mấy ngày không ăn, nước uống ừng ực, rượu không thèm đụng khiến anh em của Chí lo lắm, cầu người hiền khắp nơi, đến ngày thứ ba thấy ngoài ngã tư có bà già tóc bạc da mồi, tự xưng là con cháu nhà Tư Mã Ý bên Ngụy, vào xin hiến kế. Chí mừng lắm, rượu dưa chua cà pháo mấy ngày.

Sau hôm Chí đến cầu hôn, bà cô Nở cho người rào lại vườn chuối, ngày ngày sai mấy đứa cháu canh gác nghiêm nhặt, đến đêm giờ Tý lại trống mõ khua khoắng thị uy, tiên chỉ trong làng nghe thấy, mấy lần ra dọa không được, đành để đấy, thôi cứ để có người làng người xóm cự với thằng Chí có khi lại là hay. Chí mấy lần mang thủ hạ đến phá rào cướp trại đều bị bà cô Nở lập kế bắt được, đâm ra hậm hực nhặng xị, chỉ thấy bà già họ Tư Mã mấy hôm ngồi trên chõng, cả ngày giở ruột tượng ra đếm tiền, bỗng dưng cười bảo:

Ai đời cửa trước rước dâu,
Chi bằng vườn chuối sờ đầu ông sư.

Rồi lẳng lặng ghé tai Chí nói cái gì lạ lắm, ai cũng há hốc mồm. Chí gật gật, người giật giật, mắt sáng bừng.

Sau có người là Nam Cao ghi lại chuyện ấy:

"... Ðến bờ sông hắn dừng lại, vì hình như có người. Có người thật, và hắn ngây ra nhìn.

Hắn nhìn giữa hai lọ nước và tựa lưng vào gốc chuối, một người đàn bà ngồi tênh hênh. Chính là người đàn bà, hắn biết vậy là nhờ mái tóc dài buông xõa xuống vai trần và ngực... Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ hay là chết, đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch... Bên kia, có lẽ vì mụ giẫy cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nây. Tất cả những cái ấy phơi ra trăng, rười rượi những trăng làm trắng những cái đó có lẽ ban ngày không trắng; trăng làm đẹp lên. Chí Phèo tự nhiên thấy ứ đầy miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô, hắn nuốt ừng ực, hắn thấy cái gì rộn rạo ran khắp người. Bỗng nhiên hắn run run. Ồ tại sao lại như thế được? Ðáng nhẽ chính người đàn bà khốn nạn kia phải run mới phải, cái người đàn bà dại dột đã nằm ềnh ệch mà ngủ ngay gần nhà hắn này.

...Chí Phèo vẫn say say nhìn và run run. Bỗng nhiên hắn rón rén lại gần thị Nở: lần đầu tiên hắn rón rén, từ khi về làng. Thoạt tiên, hắn hãy xách cái lọ để xa xa, rồi hắn lẳng lặng ngồi xuống bên sườn thị....

Và thị Nở giật mình. Thị Nở mới kịp giật mình thì thằng đàn ông đã bám víu lấy thị.... Thị vùng vẫy đẩy ra, thị mở mắt, thị tỉnh hẳn, thị nhận ra Chí Phèo. Thị vừa thở, vừa vật nhau với hắn vừa hổn hển: "Ô hay... Buông ra... Tôi kêu... Tôi kêu làng... Buông ra. Tôi kêu làng lên bây giờ!" Thằng đàn ông lại phì cười. Sao thị lại kêu làng nhỉ ? Hắn vẫn tưởng chỉ có hắn mới kêu làng thôi, người ta lại kêu tranh của hắn, bỗng nhiên hắn la lên, kêu làng. Hắn kêu như một kẻ bị đâm vừa kêu vừa dằn người đàn bà xuống. Thị Nở trố hai mắt ngây ra nhìn. Thị Nở kinh ngạc: sao hắn lại kêu làng nhỉ ? Mà hắn vẫn chưa chịu thôi kêu làng.

...Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng cái đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống.... Và chúng cười với nhau...

Bây giờ thì chúng ngủ bên nhau... đứa bé bú no thì ngủ. Người ta ngủ say sau khi làm việc yêu. Chúng ngủ như chưa bao giờ được ngủ... Trăng vẫn thức vẫn trong trẻo... Trăng rắc bụi trên sông, và sông gợi biết bao nhiêu vàng..."
 
 
Không biết bà già Tư Mã mẹo gì, người làng người nước chỉ thấy sáng hôm sau cái đêm trăng Thị Nở ra kín nước ngoài vườn chuối ấy, cô của Nở cho dỡ hết cổng che rào chắn, mặc thây Nở tung tăng khắp xóm, còn bà già Tư Mã thì khăn gói đi đâu từ canh ba, chuyện không nói nữa. Ai cũng bảo đúng là:

Khéo khen cái kế tòm tem
Có mà công chúa cũng thèm hơi giai.
Đành cho Gia Cát cũng tài,
Vẫn thua Tư Mã giở bài cu em.


Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Đọc cẩm nang).  


Tiêu đề: CHUYỆN TÊ GIÁC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 07, 2012, 08:31:21 AM
CHUYỆN TÊ GIÁC

(https://cand.com.vn/Files/Image/tranhang/2019/09/30/thumb_660_e348039f-ac04-42fc-aac9-80b1b032a3be.jpg)

Thánh Khâu ở Lỗ, Kỵ mới nói với Quí Tôn Tư muốn yên thiên hạ tất phải dùng đến Khâu. Vừa hay có người ở ấp Phi đến rập đầu thưa chuyện đào được con dê ở dưới đất rỗng, chẳng biết ý tứ ra làm sao. Tư quay ra hỏi đến Thánh Khâu, mới biết thú ở núi là Quy Võng Lạng, ở nước là Long Võng Tượng, ở đất gọi là Ly Phần Dương, liền cho người ra khảo ở đất Phi, quả đúng như vậy, mới ngửa lên giời mà than rằng: “Khâu là bậc bác văn, không sự gì là không biết vậy”.

Sau người xứ Phật Lăng đóng trại ở đất Việt, ăn quả của người Mễ mà nhường sáu động phía Nam, giằng co với người đất Bốc ở Gia Định, đang đêm thấy Nho, Phật, Thích, Gia khóc cười sau Bảy Núi, đoạn lại lắc đầu bay mất. Quân các doanh nghe chuyện, quay giáo nhổ trại rút về, từ đó mới gây dựng nền văn, bỏ hẳn việc chém giết.

Người Mễ đi rồi, trong thành sinh ra giống đầu đỏ, ngày ngày ra đất Ba Vì hái cỏ Vô phong động dao, chế ra thuốc uống vào lắc lư múa hát suốt ngày, lại lấy lá cây nhuộm tóc thành ra xanh vàng, lấy hình thù quái dị ở xứ Phù Tang làm vui, xăm trổ đầy mình cả, thành ra thứ người hình dong hung hãn, gọi là nạn A Tu La.

Người A Tu La đua xe bốn ngựa, bắn súng điểu thương, tung tạc đạn, nhốn nháo cả ngoài thành, lính đuổi theo đến mấy ngày, chuyện buồn rầu vào tận trong cung, bấy giờ mới cho sửa đàn Xã Tắc, đường xá đào ngổn ngang cả.

Qua mấy ngày, lại thấy đào được vật lạ ngay trước cửa Nam Đồng Hương Hạng, chẳng ra ống, chẳng ra cần, trước sau hai sừng bốn chân, ai cũng cho là việc quái lạ. Vua bày lễ Thái Lao hỏi Thánh Khâu, lúc ấy đang ở Tề. Thánh Khâu đến nơi, bấy giờ mới đốt trầm lên nói: “Xưa người ấp Phi đào được Phần Dương, sau người Phật Lăng ăn quả người Mễ ra tận Gia Định, giằng co với người xứ Bốc đến hai mốt năm mới về, súng đạn vứt đầy trong đất, hóa thành quái thú cả. Vật đào được ở đàn Xã Tắc do một trong các thứ súng ấy hóa thành, bốn chân hai sừng, gọi là Tê Giác, vốn dùng để dập lửa, hễ mỗi khi có việc chém giết thì hóa ra mưa tắm mát, tướng sĩ ai nấy hả giận đều quay về cả. Sau người A Tu La còn ương ngạnh, bản tính thô lậu, chưa biết đến chuyện giáo hóa mới đem moi thứ ấy lên, chế ra ống phóng dồi đạn bắn nhau, gầy chuyện chém giết hằn học trong thiên hạ, gọi là súng A Ca vậy”.

Nhời vừa xong, trong thành mưa liền mấy ngày, phút chốc cầu vồng mọc ở trên nóc điện, thấy người A Tu La đứng đầy ngoài phố, thi nhau gội đầu tắm táp, phút chốc thánh thiện, khoanh tay đọc chuyện Mạnh Hoạch, thành ra giống hiền hậu cả.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
(Nhân việc bác Lỗ Tấn được tặng đôi Tê Giác).


Tiêu đề: CHUYỆN NẠN ĐỘC THÂN
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 07, 2012, 09:39:58 AM
Chuyện nạn độc thân

(https://i.imgur.com/6Zo4khR.jpg)

Vân Hải bái biệt thầy trò Tam Tạng, quay về quán ở Tứ Tổng, đã thấy Ngân Giác Đại Vương và Kim Giác Đại Vương đứng ở trước cửa động Độc Thân, tay cầm hồ lô rượu rầy rà ở trước cửa. Cách một năm, ở phía Tây mọc ra ngọn núi lửa, gầy khí giời nóng bức khôn tả, thành ra nạn đến bảy tám năm.

Bấy giờ giời sang thu, trong phố mưa sa lác đác, người người gấp chăn tính chuyện hôn sự, vứt cốc chén không quản việc cửa giả, Ngân Giác, Kim Giác càng được thể ra quấy rối ở Tứ Tổng, quân sĩ không sao dẹp được.

Rằm tháng tám, nhân ngồi ở vườn thượng, vua cho nhạc công chơi ở gần cửa sông, gọi là dụ thuồng luồng vào cúng, nghe chuyện buồn phiền của Vân Hải ở Tứ Tổng mà thở dài, trong đám ấy có người mới lấy vợ ở Ngọc Lũ là Huy Sáo, xin lập đàn cầu đảo cho chuyện được yên.

Tháng chín, Vân Hải ra chơi sau núi, nghe ồn ã, mùi rượu Lạc Đạo sực nức, nhác thấy bóng Kim Giác, Ngân Giác, mới lấy tay chỉ mặt quát nhớn mấy tiếng ruổi dài vào trong động, tới ngã ba đã thấy có ông già đứng đấy, tay cầm hồ lô hút hai con yêu quái ấy vào trong bình rượu. Phút chốc mưa xuống, Tứ Tổng cây cỏ xanh tốt trở lại.

Vân Hải bấm đốt, biết là Thái Thượng lão quân biến hóa, liền bái mà hỏi, chỉ thấy ông già cười bảo: “Hồng hồ lô  là bầu ta đựng thuốc, Tịnh bình là bầu ta đựng nước, gươm Thất tinh là đồ ta trộn thuốc, Ba tiêu phiến là đồ quạt lửa, Hoảng kim thằng là dây đai lưng của ta. Kim Giác Khánh là đồng tử coi lò vàng, Ngân Giác Hạnh là đồng tử coi lò bạc, ngày mùng năm tháng năm, nhân lúc ta về quê lấy ngải cứu, chúng vốn chưa vợ, quen ăn không ngồi rồi, lấy trộm năm thứ báu ấy, xuống trần làm yêu quái, trú trong động Độc Thân, ta tìm không sao đặng, may thay có Đại Tiên mới lấy lại được các thứ ấy”.

Vân Hải trách chuyện Lão Quân không quản việc núi lửa, gây chuyện nóng bức ở nhân gian, lại thấy ông già cười bảo: “Chắc Đại Tiên hẳn quên rằng năm xưa ngài hút thuốc, gạt tàn đầy cả sân, ngày này qua ngày khác mới thành ra đống lửa ấy. Kim Giác Khánh nghe chuyện mới lén lấy trộm gạt tàn, đặt ra ngoài rệ đường mà đến nông nỗi như vậy đấy”.

Vừa dứt nhời thấy giời lại đổ mưa to, bao thuốc Thăng Long mềm rơi lả tả ngoài cửa. Bấy giờ đúng vào dịp giáp Tết âm lịch, giai gái cưới rộn rã.

Vân Hải trở về, từ đó mới thoát được nạn yêu quái.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
(Giời ạ bao giờ mới lấy vợ).


Tiêu đề: CHUYỆN PHẾ DU
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 07, 2012, 10:45:54 AM
CHUYỆN PHẾ DU

(https://i.imgur.com/Yfu4C74.jpg)

Làng Trầu, tên tục là Bồ Lồ, một năm sông đổi dòng thành ra ngòi chảy qua cổng, nước trong leo lẻo nhìn thấy cả đáy, uống vào mát như dưa, con gái tắm gội thì tóc đen da trắng, trai tráng lại càng uống lại thành ra càng khỏe mạnh. Đàn bà thấy thế cứ hối thúc đàn ông ra uống thật lực.

Một năm, trong làng phát ra chứng mắt đỏ, trai tráng ai nấy lên lẹo lớn như quả cam, sụp cả mí mắt, đau đớn không chịu nổi, thành ra bê trễ cả việc đồng áng, cày bừa. Đàn bà hồ đồ được thể đổ tội cho nước trong ngòi, lâu nay chắc sinh ra bẩn thỉu, hò nhau ra đứng trên bờ, ném đất xuống sông mà chửi.

Bấy giờ có người làm thuốc ở Phú Hà, lắc đầu thấy chuyện vô lý, ai đời cùng chung dòng nước mà chỉ có đàn ông trai tráng bị bệnh, mới lấy gai bồ kết, chích vào huyệt Phế Du, vốn ở chỗ tay vắt ngang qua đầu ra sau lưng.

Gai chích vào huyệt, lẹo vỡ, nứt ra quyển sách, thảy đều vẽ hình xem trộm đàn bà tắm sông cả. Ai cũng cho là chuyện lạ, mới chép ra thành chuyện vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
 (Nhân xem huyệt Phế Du).


Tiêu đề: CHUYỆN NHỰA CHUỐI
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 07, 2012, 11:25:08 AM
(https://chuoihot.net/wp-content/uploads/2018/10/nuoc-tu-than-chuoi-hot-1.jpg)

Tháo chặt cây ở miếu, bị bệnh nằm trong xó, Hoa Đà đòi bổ đầu Tháo lấy ra con chim sẻ, bị Tháo nhốt chết trong ngục, nghề chỉ còn lại chuyện thiến gà thiến lợn.

Đời chúa Trịnh, đàn em Cậu Giời là Cả Xú quấy nhiễu trong thành, chặt phải cây chuối trăm nải trong chùa Cửa Bắc, thành ra điên dở, suốt ngày đòi ra sông uống nước. Ai cũng bảo đáng đời.

Sau trong thành phát ra chứng háo sốt, cuồng nhiệt phiền khát, có người mới lấy ống tre vót nhọn, cắm vào thân cây chuối, lấy nhựa cho uống thì khỏi. Đến khi chuối bị chặt sạch bách cả, vua phải cho lái buôn giong buồm chở giống chuối ở tận Xiêm La, Trảo Oa về mà vẫn không đủ.

Mùa hè, giời nóng nực, vua cho cưỡi thuyền rồng qua Nghĩa Tân, miệng khô kháo mới truyền ghé vào bờ lệnh dân làng hãm tiết canh vịt.

Tiết hãm từ giờ Thìn đến giờ Tị, mãi không xong, các thứ mắm muối đều không dùng được, ai nấy lo sợ cho người đi tìm khắp mới lấy được nhựa chuối. Nhựa chuối đến đâu tiết hãm được đến đấy, tiết canh ăn vào lại hết chứng háo sốt nhiệt phiền. Ấy cũng là chuyện lạ ghi ra đây vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN YÊU QUÁI
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 07, 2012, 02:08:59 PM
CHUYỆN YÊU QUÁI

(http://media.baotintuc.vn/2013/10/11/15/26/ci9.jpg)

Kiến Hưng thứ ba, Thục Hậu Chúa A Đẩu nghe lời hoạn quan xiểm nịnh, chỉ vui thú chọi dế nơi hậu điện.

Diên Hi năm thứ hai, Tứ Xuyên có nạn châu chấu, bọ ngựa bay kín giời, dế đực cắn thủng hộp giấy, bò ra ngoài ăn Nhân Sâm, con nào con nấy béo tròn trục, lâu ngày hóa thành quái vật, hình dong thành ra như người, áo giáp cánh trụ, cũng may cờ, rèn khí, lui vào núi làm loạn, quân Gia Cát ruổi dài mấy lần mới dẹp yên được.

Trinh Quán năm thứ nhất, có người ở Thanh Hóa học được phép tiên, chế ra túi đựng nhời ăn tiếng nói, nằm ngủ để mỡ phần giây vào bị chuột cắn, khiến bao nhiêu lời văng tục chửi bậy bay ra ngoài, hóa thành yêu quái tám mốt nạn, quấy nhiễu thầy trò Tam Tạng suốt đường đi Tây Trúc.

Đến năm Bính Tý, người xứ Phù Tang là Satoshi Tajiri bắt bọ cho vào hũ, nghe theo tiếng Pocket Monster của người Tây Dương, chế ra trò Pokémon Red và Blue, trẻ con vô cùng thích thú, bỏ cả ăn học, bố mẹ nói thế nào cũng không được.

Năm Nhâm Thìn, bấy giờ thế sự quái gở, mùa hè sĩ tử chép chữ lí nhí nhì nhằng vào mảnh giấy mang vào phòng thi, vứt trắng xóa cả sông Tô Lịch, trong kinh người người theo thói mới ghét bỏ, vứt sách văn sử, ngáp ngắn ngáp dài bàn câu tác tộ, lúc ấy mới sinh ra thú học trò thừa giấy vẽ voi, ngồi chán trong giờ bôi trát nham nhở vào giấy vở tranh ảnh, thành ra toàn hình thù dị hợm, nhe nanh múa vuốt đến đáng sợ, cho đấy là chuyện vui vẻ sướng khỏe của tuổi trẻ. Cách đó mấy năm, xảy đến trong thành yêu thú quỉ quái ngày càng nhiều, đổ ra nườm nượp, ở lẫn cả với người, chẳng biết cơ sự là ra sao cả. Ai cũng bảo hay là từ những hình vẽ nhăng cuội kia chui ra vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: TÂN CÔ BÉ BÁN DIÊM
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 08, 2012, 10:58:59 AM
(http://lanvy.me/wp-content/uploads/2017/05/Swords_3.jpg)

Hè nóng bức như thiếu canh chua, dân bảo nhau thèm ăn ghẹ luộc, sò huyết này, nướng lên, đổ vào giữa xanh xanh cái khoảng mù tạc, hàu này, ngao này, tu hài, đều là giấc mơ Đồ, Sầm cao cả.

Năm nay cô bé bán diêm chia tay Hans Christian Andersen, lột bỏ vẻ nghèo túng nơi rì dọt, vứt vào văn chương thối nát cái đôi giày khổ rộng, mạnh dạn xé tay con ngỗng to, của đêm giáng sinh, thèm thuồng, của hôm nay nhồm nhoàm, hể hả.

Cách đó không xa, những người cũng cách đó không xa, cầm tay nhau đọc truyện: “Giờ thì là Noel, các cửa sổ đã sáng đèn và mùi ngỗng quay thơm lừng tỏa ra, con  bé vẫn biết hôm nay là giao thừa nhưng không dám về nhà, chắc bố sẽ đánh đòn vì cả ngày chưa bán được lấy một xu, với lại ở nhà nào có hơn gì, nó chỉ có mỗi cái mái dột nát mặc cho gió rít. Cuộn người trong góc giữa hai ngôi nhà nhưng tay chân vẫn đóng băng vì lạnh, em chợt nghĩ biết đâu bật diêm lên sẽ tốt hơn, chí ít cũng có thể sưởi ấm những ngón tay. Que thứ nhất bật lên, hơ tay trên ngọn lửa ấm áp sáng bừng như cây nến nhỏ, em tưởng mình đang ngồi trước chiếc lò sưởi sắt to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở đến bẽ bàng”.

“Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, bé nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt”.

“Bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, em thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống, "Ai đó đang từ giã cõi đời", em bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này”.


Cô bé bán diêm vẫn ở trong rì sọt, trên tay những thúng diêm to, bán chạy như tôm tươi, mười đô lại mười đô, cho lũ đàn ông hối hả chen vai như đoàn tem phiếu. Cách đó không xa, những người đàn ông, lại những người đàn ông, thi nhau đánh diêm, soi ngấu nghiến vào những người đàn bà trần trụi.

Rạng sáng hôm sau, người ta thấy cô bé ngồi uống sữa tươi, má ửng hồng, nụ cười nở trên môi, giàu sang, đắt đỏ, chạy như những que diêm, đốt cháy những trang truyện Andersen, cả cái cơ hàn trong đêm giáng sinh thánh thiện.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN CHIA NƯỚC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 16, 2012, 04:16:46 PM
(https://cdn.tgdd.vn/2021/01/CookRecipe/GalleryStep/thanh-pham-759.jpg)

Tháng bảy, lũ trẻ đen đi vì nắng, bà Toán ngồi tính chuyện Tết này luộc nhiều bánh chưng, cô con dâu bảo khai xuân mà có Pizza hải sản ăn thì hết sẩy. Nói đến chuyện hải sản, cả nhà lặng đi nghe tin đài báo tàu bè Trung Quốc.

Ngoài đường, dân xơi quà rủ nhau đi ăn bánh cuốn, xớt chia vào bát cái tinh túy của con Cà Cuống, người già nói chuyện Úy Đà, đôi mắt ánh lên cái cổ tích Nam Việt.

Góc phố, người Tàu ngao ngán uống trà, nóng thế này từ sáng chả thấy ma nào vào xời mì Vằn Thắn cả, đành vội cời lấy cái quạt phe phẩy mấy cái vào lòng, ngợi về cái mối thân tình ngàn năm với người Việt.

Cả phố vẫn qua ngày như thế, đông vui, tuy chưa sung túc mà thật chan hòa, bởi dù có ngàn kế sinh nhai, họ giờ đang sống chung trong một nguồn nước.

Lũ trẻ thì vẫn tắm, con trăm nhà dội nước lên mình, cho vợi đi cái nóng mùa hè, cho dầu nước chảy hiếm hoi, dòng càng ngày càng nhỏ. Người già thì vẫn lo toan, cứ thế này lấy đâu ra nước. Nhưng trong lòng vạn người ấy, cuối cùng cũng sẽ hiểu rằng, nước mát trong mùa hè nóng nôi, thì hãy cùng chung vui với Biển Đông hữu nghị. Và đại dương bao la sẽ mát mẻ nhường nào.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN VAI GÁY
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 17, 2012, 02:59:03 PM
(https://vinmec-prod.s3.amazonaws.com/images/20210309_045209_750782_cham_cuu_2.max-800x800.jpg)

Chuyện về bảy đốt sống cổ thì người ta nói nhiều, được ví như cái then chốt nơi cột chống giời, chênh vênh dễ đổ. Giãi bày thêm về những gì hằng hà trên báo, âu e cũng chỉ làm tốn thêm giấy mực.

Người xưa tính một vòng Giáp 甲、Ất 乙、Bính 丙、Đinh 丁、Mậu 戊、Kỉ 己、Canh 庚、Tân 辛、Nhâm 壬、Quý 癸 cả thảy là mười, đấy là đi một vòng từ đầu đến cuối một cơ thể, trong đó Giáp là đầu, Ất là cổ, Bính là ngực và hai vai, Đinh là xương sống, Mậu là xương sườn, Kỉ là bụng, Canh, Tân, Nhâm là các loại xương, Quý là từ xương chậu trở xuống dưới chân vậy.

Giờ người ta không quan tâm đến điều ấy. Ngồi với nhau, giữa quán nước, bên chén chè, một người có thể xòe tay đếm chuyện Giáp, Ất, Bính Đinh, khoe ra cái phong độ làm thầy, mong được cái cung kính của nhân quần xung quanh cái kẹo lạc. Giới nhạc Hoa một thời phát sốt với những cái tên Hứa Chí An, Trương Học Hữu với bài hát Giáp Ất Bính Đinh, đại loại lòng vòng nhiều chuyện như vậy, dài dằng dặng như thể khối La tinh ngồi kể chuyện A, B, C, D đến X, Y, Z.

Loanh quanh mãi rồi thì những cơn đau lại là những chuyện có thật. Một sáng ra quán nước cổng viện, thấy ông chủ nhăn nhó chuyện cổ không ngoái đi ngoái lại được, ngồi ăn trưa thấy chị cùng phòng kêu đau vai, lan xuống tay ê ẩm, đến tối thấy ông hàng xóm đi vẹo vẹo sang nhờ người châm hộ mấy cái kim. Toàn chuyện đau vai gáy cả.

Ngồi ở Trung tâm Tác động cột sống, thấy quá nửa kêu đau đớn vai cổ, cánh tay, thế mới biết cái gọi là Giáp, Ất, Bính, Đinh nếu không phải tay thợ khéo xử lý thì cũng thật phiền toái và lắm chuyện.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: Re: CHUYỆN VAI GÁY
Gửi bởi: tuhaibajai trong Tháng Bảy 18, 2012, 11:30:54 AM
Vào viện mới thấy số người đau vai gáy nhiều thật.


Tiêu đề: CHUYỆN THÔNG KINH SỬ
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 20, 2012, 07:54:46 AM
(http://2.bp.blogspot.com/-25KwNp1Xfns/VgD8MSQE2iI/AAAAAAAAGfE/50LNc71G_cY/s1600/thumbs-up.png)

Trâu Huyến ở đất Yên Cổ, mười tuổi đứng ở đầu ngõ, gặp ông già đưa cho quả bầu, từ đó ngón tay cái thành ra lớn mãi, cầm bút không nổi, đâm ra thứ vô học, suốt ngày la liếm ngoài chợ. Mùa đông, bò dê chết lăn ngoài nội, Huyến manh áo chẳng có, cứ ngồi mút tay mà no căng bụng.

Lê Như Hổ, người đất Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, làng Tiên Châu, nhà nghèo mà học giỏi, phải đỗi ăn khỏe quá, mỗi bữa đến một nồi bảy cơm, cứ thế phải mươi người ăn mới xuể, ấy mà một loáng còn thòm thèm không no, thành ra chẳng đủ tiền ăn học, hình dong càng ngày càng xanh xao vàng vọt. Có người hàng xóm cười bảo, ôi dào thế thì đọc sách làm cái nỗi gì, rồi ngồi xó nhà mà mút tay trừ bữa, da dẻ vẫn béo tốt hồng hào.

Đời Nguyễn, tháng chạp chết đói, chợ búa xơ xác, có người ngón cái to như quả bí lớn, ngồi ở vệ đường mà hát:

Mút tay ta đây,
Bằng chín bát cơm.
Mười mươi bát cháy,
Bảy bát mày mạy.
Tám bát cua rang,
Ngón tay ngọt như đường,
Khác gì ăn mười hai bát.

Dân tình đổ xô vào xem, quả nhiên thấy ngón tay cái mỡ màng như miếng thịt.

Sau, người Phúc Kiến vào buôn thuốc, nghe chuyện, mới viết lên cổng nhà hai chữ Cự Phách 巨擘, nghĩa là ngón cái to, ý trỏ mọi sự tốt đẹp vậy. Cái tục giơ ngón tay cái lên trên xuống dưới tỏ việc buồn vui cũng là từ ấy.

Đến thời bao cấp, có người là Hạnh ở phường Công Bộ, nay là khu Tập Thể Thành Công, học hành dốt nát, tính nết dở ương, năm gần bốn mươi chẳng thèm lấy vợ, ai cũng cho là đồ cám hấp. Hạnh người nhỏ bé, phải đỗi ngón cái to quá khổ, do từ bé mỗi lần phụng phịu lại ngồi xó mút tay nhiều. Bấy giờ đến năm Nhâm Thìn mới phải lòng người đàn bà ngoài chợ, cả ngày cứ ngồi nhìn, chả biết làm gì cả. Người đàn bà ngấy đến tận cổ, được mấy bữa trốn biệt, Hạnh cũng vì thế bỏ đi đâu mất. Được vài hôm, thấy Hạnh ngồi quắt khô dưới gốc mít, trong thế kiết già, duy mặt mũi vẫn tươi như hoa nở, chung quanh mùi rượu Lạc Đạo sực nức. Dân tình cả sợ, xô Hạnh đổ xuống, được một lúc thấy ở ngón tay cái nứt ra cơ man nào là sách, toàn hình chuyện giai gái yêu đương ong bướm cả. Người đàn bà nghe chuyện, tất tả chạy đến thì đã muộn. Lúc ấy vào rằm, trẻ con ngoài chợ hát:

Làm giai cho đáng nên giai,
Không dài ngón cái phải tài chữ Nho.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Ngẫm tuổi bốn mươi).


Tiêu đề: CHUYỆN ĐIỀU HÒA
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 20, 2012, 03:53:07 PM
(https://dienmaykano.com/wp-content/uploads/2020/02/tu-lanh-darling-NAD-158WX-4.jpg)

Bé năm tuổi, bố chỉ vào tủ lạnh, bên trong ấy là thịt thà, cá, trứng, là Chocolate của con, là Thạch rau câu của mẹ, là chai bia của bố. Tủ lạnh mở ra, mát rười rượi. Còn ông mặt trời ngoài cửa sổ kia kìa, đang cười hích hích.

Tuổi thơ của bố những thứ ấy không có, mọi thức ăn xong cất trong cái chạn có bốn chân cao, sơn tróc nham nhở xanh vàng, cái then cài chặt phòng con mèo nhà hàng xóm, mới hôm qua thôi vào trộm miếng thịt hiếm hoi, giữa bát nước mắm thừa, dưa cà, bát tóp mỡ rán quắt queo của thời bao cấp. Cái chạn ấy, bốn chân được kê lên bát nước đầy, bà bảo, để ngăn cho bằng lũ kiến.

Mấy hôm giời nóng gắt, con cá lờ đờ trong lọ, bé bảo, ông mặt trời thật hư, vung vãi cái lò cho bố mẹ đổ mồ hôi, còn bé thì cứ chốc lại phải tắm. Bố chỉ cười, thôi vào nhà thôi, bố bật cái điều hòa, ra mà xem Facebook.

Cuối tuần, bố cùng mẹ đưa bé đi thăm ông, ngồi ở nhà sàn trên Ba Vì. Nhà sàn chân cao, đứng giữa hồ, mát rượi, cả nhà ai cũng vui tươi, bữa cơm nhiều thức ăn ngon lắm. Bé bảo, ô nhà sàn như cái chạn, lại đứng giữa hồ, thế thì còn lo gì kiến. Cả nhà bật cười, ông lúc đấy quay ra, cứ gió giời thế này, giữa hồ bao la, cần gì điều hòa nhỉ.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN MỘC NHÂN 木人
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 21, 2012, 06:08:12 PM


(http://i1071.photobucket.com/albums/u514/NGUYENHANH76/White.png)

Võ đường dựng cây gỗ, gắn chân tay, thành ra chỗ luyện Tiểu Niệm Đầu小念頭, Tầm Kiều寻桥, Bưu Chỉ 彪指, bộ pháp步法 tiến lùi. Người ta gọi đấy là Mộc nhân木人, tức là thằng người bằng gỗ.

Đánh mộc nhân, bấy giờ người hô khẩu quyết, Mã Khai Bán Bộ 馬開半步, Giao Thoa Than Thủ 交叉攤手, Nhật Tự Xung Quyền日字沖拳, tiếng gỗ va kịch liệt, nhiều khi nghe ra ý tứ sát phạt:

"Trời nổi cơn lốc
Cảnh càng u sầu
Tiếng loa vừa dậy
Hồi chiêng mớm mau
Ta hoa thanh quất
Cỏ xanh đổi màu
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Người ngồi cho vững
Cho ngọt nhát đao
Hỡi hồn !
Hỡi quỷ không đầu ! "

Nghe nói Cống Xếnh Sáng dạy các cụ ngoài Bắc đánh mộc nhân không chân, khéo thì vờn chạy khắp nơi, không khéo sẽ đổ kềnh ra sân tập, đến đây sự nhớ đến cách tập với lật đật gỗ của Thái Cực Quyền. Con lật đật xoay tròn, càng nặng tay càng bật mạnh. Ấy thế mới thấy phải chăng có người nói đánh mộc nhân ấy, là cách hành xử chơi đùa cùng cái cọc gỗ có chân tay, có hẳn đâu là sự nghiến răng nghiến lợi.

Chuyện võ thuật là thế, gần đây lại mới được nghe kể ở nhà nọ, có hai vợ chồng mới cưới, thuê thầy thợ dựng cuối nhà cái mộc nhân, hễ mỗi lần bực tức trong mình lại rủ nhau ra lấy roi quật vào đấy, gọi là cho bõ cơn tam bành.

Việc sử dụng mộc nhân như thế, quả thực lần đầu tiên nghe thấy, tiện bút bèn chép ra đây vậy.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.



Tiêu đề: CHUYỆN PHỐ HÀNG - CHUYỆN DỊ BẢN
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 23, 2012, 04:11:15 PM

Bác Lê Tâm viết thế này:

Phố Hàng (Chuyện của Tim 4 tuổi rưỡi)
bởi Nguyễn Lê Tâm vào ngày 22 tháng 7 2012 lúc 2:22 chiều· (Facebook)

Phố Hàng Giầy nằm trong khu vực Hàng Buồm nối với Đồng Xuân bán toàn bánh kẹo rượu bia. Hôm qua đứng ở phố Hàng Giầy chờ mẹ mua sữa. Tim thắc mắc: Sao phố Hàng Giầy lại toàn bán kẹo?

Bố Tâm: Chắc là người ta chán giầy và chỉ thích ăn kẹo.

Đúng là các phố Hàng đã hết thời. May còn Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Mã, Hàng Chiếu là còn bán đúng sản phẩm… Còn lại bỏ hết.

Hàng than thì bán bánh cốm, Hàng Gà thì chẳng có con gà nào, Hàng Chuối thì chẳng ai bán chuối, Hàng Mắm thì bán bia mộ, phố Hàng Khoai thì khoai không còn một củ...

Lưu Quang Vũ có viết thế này:

Phố Hàng Buồm không còn một cánh buồm

Phố Hàng Lược chẳng còn ai bán lược

Phố Hàng Bạc những người thợ bạc

Đã chết cùng đêm hội ngày xưa

Chợ Mơ không còn mơ

Cửa Hà Khẩu đã thành phố xá

Qua Ngõ Trạm chẳng còn ai đổi ngựa

Đường Cựu Lâu lầu cũ cháy lâu rồi

Người ta uống bia hơi

Dưới tấm dù xanh đỏ

Phố Hàng Bài bán giầy da dép nhựa

Đông Bộ Đầu thành bến ô tô…


Tim thắc mắc: Sao phố Hàng Cháo toàn bán máy khoan?

Bố Tâm chả biết giải thích thế nào. Chẳng lẽ bảo những người ăn cháo đều đã bỏ cháo và làm nghề khoan phá bê tông.

NLT 22 – 7 - 2012


Tiêu đề: Re: CHUYỆN PHỐ HÀNG - CHUYỆN DỊ BẢN
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 23, 2012, 04:12:54 PM
(http://us.123rf.com/400wm/400/400/ElianeHaykal/ElianeHaykal0809/ElianeHaykal080900038/3630820-an-old-torn-shoe-hanging-from-a-rusty-metallic-chain-underneath-a-bus-a-superstition-in-lebanon-to-w.jpg)

Đêm, Tim ngủ rồi, ông Andersen mới thả các sinh vật trong chuyện của mình ra hiên, hóng mát. Chuông điểm mười hai tiếng, chiếc hộp bật mở, con quỷ sứ trốn đi chơi cùng chú Hạnh, hoàng đế cởi chuồng đi trình diễn thời trang, chim họa mi đi thi Sao Mai Điểm Hẹn, các chú thiên tinh bay lượn ngoài giời, mặc cho đôi giày đỏ nhảy nhót trước sân nhà thờ, còn chú bé Tí hon đang trên hành trình trở về nhà, rủ Tim vào giấc mơ đẹp.

Tất cả quay cuồng trong đêm như thế, qua bao phố xá, giữa Hà Nội chín bậc tình yêu, qua Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Mã, Hàng Chiếu, rồi thì Hàng Than, Hàng Chuối, Hàng Mắm, Hàng Khoai, Hàng Gà, ba sáu phố Hàng đẹp như bài hát bố Tâm và các chú các bác M6 thường kể.

Khi ấy, giữa nhà, trên sân khấu le lói ánh đèn xa xưa, cụ Vũ giọng sang sảng:

Phố Hàng Buồm không còn một cánh buồm,
Phố Hàng Lược chẳng còn ai bán lược,
Phố Hàng Bạc những người thợ bạc,
Đã chết cùng đêm hội ngày xưa,
Chợ Mơ không còn mơ,
Cửa Hà Khẩu đã thành phố xá,
Qua Ngõ Trạm chẳng còn ai đổi ngựa,
Đường Cựu Lâu lầu cũ cháy lâu rồi,
Người ta uống bia hơi,
Dưới tấm dù xanh đỏ,
Phố Hàng Bài bán giầy da dép nhựa,
Đông Bộ Đầu thành bến ô tô…

Lúc ấy, trong xó nhà, giày và tất cãi nhau kịch liệt, ấy chỉ là chuyện sao phố Hàng Giầy giờ lại bán toàn bánh kẹo rượu bia, tiếng cãi cọ vang xa, ai cũng chầu mồm, há hốc. Bấy giờ giầy và tất kiện nhau ra cửa quan, quan cũng không xử được, đành phải hỏi cái ngón chân cái xem thế nào. Chỉ thấy ngón chân cái cúi đầu thưa: “Dạ, lâu nay tiểu nhân ở bên ngoài, chuyện bên trong giầy tất thế nào, đâu có biết gì đâu” .

Khi ấy, mọi người mới ồ ra vỡ lẽ, thì ra giầy và tất đều rách cả rồi, thế thì đúng là Hàng Giầy giờ chỉ toàn rượu bia bánh kẹo. Ông Andersen lắc đầu, thật Hà Nội giờ không thể hiểu được. Ngoài kia, quân sĩ trong thành hò như dậy đất: “I’m sorry, I don’t know!”.

Sáng ra, mọi việc lại sạch bong, chuyện cổ tích xếp lại như Phép lạ hàng ngày, Tim mới hỏi bố: “Sao phố Hàng Cháo toàn bán máy khoan ạ?”

Một câu hỏi nhớn không nhời đáp, cho đến tam tầm mặt vẫn chau.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Tiếp chuyện Phố Hàng của anh Tâm).



Tiêu đề: CHỦ ĐỀ DŨNG VÀ KHOAI TÂY
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 27, 2012, 06:49:04 AM

Ông Tây ở phe ta (Người Việt xấu xí chuyện)
bởi Nguyễn Lê Tâm vào ngày 17 tháng 7 2012 lúc 6:03 chiều trên Facebook·


1. Ông Tây ở phe ta

Paul có khuôn mặt đẹp thiên thần của ông Tây thực sự. Đôi mắt hóm hỉnh như biết xuyên thấu tâm can người đối diện. Nhưng anh không hẳn là Tây hoàn toàn vì có nửa dòng máu là người Kinh. Tuy vậy, anh vẫn là một ông Tây mũi lõ.

Vì những biến cố gia đình, anh sống ở Pháp từ nhỏ. Mãi khi ngũ tuần mới về Việt Nam để thực hiện những mong ước của mình. Anh vốn là chuyên gia về nghệ thuật học. Có thể chơi nhạc như một nhạc công nhà nghề, có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ và là chuyên gia về âm thanh và hình ảnh. Nhưng đáng kính nể nhất là khả năng thực hiện những dự án độc đáo mà chính anh là tác giả. Trong đó, anh đã phục hồi được một số vốn cổ thất truyền mà chính dân mình cũng mù mờ nguồn gốc.

Paul có cách sử dụng tiếng Việt ở tầm quái nhân. Ngữ điệu của anh thì biểu cảm phong phú không kém bất kỳ một người Việt nào. Nếu nghe qua điện thoại thì người ta tưởng một người Kinh đang chém gió.

Anh không đồng ý việc người Việt ta cứ phải làm thuê cho Tây. Để rồi, bao nhiêu mồ hôi công sức xây dựng đổi lấy ít tiền còm mà bản quyền nhãn hiệu lại thuộc về ngoại quốc. Paul muốn người Việt phải có thương hiệu của người Việt trên thế giới.

Anh đã phục hồi được một số di sản của người Việt và được đánh giá cao. Nhưng anh muốn hơn thế. Đơn cử một dự án của anh đã thực hiện tại châu Âu với một nhóm cộng sự người Việt, gây tiếng vang suốt mấy năm nay.

Để làm công việc này, anh yêu cầu tất cả anh em, từ người học vấn cao đến người thợ cần đưa ra các ý tưởng sáng tạo của mình. Đó là làm việc theo nhóm mà chúng ta vẫn nói ra rả, nhưng thực hiện thường thất bại. Nhưng với Paul thì luôn thành công. Sau 1 tháng, anh có 9 ý tưởng để thực hiện 9 "cú đấm" khác hẳn nhau. Thương hiệu người Việt được nhắc đến một cách trân trọng. Mang chuông đi đấm và chuông kêu vang mãi.

Khi xem lại sản phẩm. Bạn bè lè lưỡi thán phục: Anh Paul thực sự điên đấy!

Ý là khen ngợi.

Paul nhún vai: Mình đầu có điên được đến thế. Đây điên tập thể. Mấy chục con người cùng điên nó mới ra được sản phẩm điên như vậy.

Nhưng tác phẩm này của Paul không chỉ điên, mà còn được kính nể và quan trọng không kém là bán rất tốt, nhất là bán ở nước ngoài.

Có lúc uống trà, Paul bức xúc: Dân Kinh mình lạ lắm. Khi bị thằng nào đè đầu cưỡi cổ, bóc lột thì phẫn uất tìm cách đánh đổ nó đi. Khi đất nước về tay rồi, rũ bùn đứng dậy sáng lòa thì lại chả biết làm gì.

Bí quá lại mời bọn Tây nó vào. Nó lại bóc lột cho  lần nữa. Mà cái thằng Tây nó cũng hay ho gì đâu... Nó lại bóc lột tinh vi chứ đâu có san nhà sẻ cửa gì.

Mọi người ngắm ông Tây nói về "bọn Tây nó" cứ xơi xơi. Ai cũng thấy đúng nhưng chẳng biết hưởng ứng thế nào cho phải phép.

2. Tây có gì mà phải sợ!

Paul có một trung tâm riêng đầy đủ máy móc thiết bị tân kỳ tại thủ đô, được gọi là phòng thí nghiệp chuẩn châu Âu. Anh hy vọng sẽ cho ra những sản phẩm cao cấp của made in Vietnam tại đây.

Ở đây có cả Việt cả Tây làm các ông việc hậu kỳ.

Paul bảo: Việc của mình là không cho bất kỳ thằng Tây nào được bắt nạt thằng Việt. Ngược lại, mình cũng không cho thằng Việt nào được lừa thằng Tây. Phải sòng phẳng mà hợp tác với nhau…

Anh đưa ra ý tưởng rồi yêu cầu cộng sự cùng chia sẻ những sáng kiến.

Cộng sự người Kinh thì hỏi Paul muốn gì. Cho tiêu chí cụ thể đi.

Paul kêu trời: Tôi đang muốn các ông tự bật ra những gì độc đáo nhất mà tôi không thể biết được. Thế mà các ông lại yêu cầu tôi phải cụ thể thì làm sao còn đất sống cho những ý tưởng lớn.

Lần sau họp, cộng sự bảo: Có lẽ Paul nên quy hoạch rõ ra để làm nó đỡ mất thời gian.

Paul bảo: Ta hãy đưa ra thật nhiều sáng kiến. Sau đó mới bàn thêm và bớt để tạo ra những hay nhất. Giai đoạn này, đừng tiếc những suy nghĩ mà không chia sẻ. Lẽ ra chưa cần thiết phải nói đâu, nhưng bây giờ tôi phải nói với các ông là:

1 – Các ông đã sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ chưa?

2 – Các ông có đủ dũng cảm để sẵn sàng xé bỏ những ý tưởng của mình, cho dù trong đầu tin rằng nó tuyệt đỉnh không?

3 – Các ông có quên được thói quen làm thuê không?

Tóm lại. Cái quan trọng nhất để sản phẩm trở nên mạnh chính là ý tưởng. Chứ phần thi công đâu phải quan trọng nhất. Ý tưởng tốt, sẽ cho ta bản quyền thương hiệu Việt. Phần thi công, nếu thiếu lực lượng, ta thuê. Có những phần thuê hẳn Tây làm luôn. Nhưng phải giữ lấy bản quyền cho Việt Nam.

Có thể lấy thí dụ 266 tập phim hoạt hình "Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch" là một phim khá hay mà trẻ con, người lớn đều thích. Cứ đinh ninh đó là sản phẩm Tây  thì té ra không hẳn. Phim này có phần ý tưởng, phác thảo và chút hậu kỳ là Tây. Giám đôc sản xuất phim là Marc du Pontavice. 90% còn lại do các họa sĩ Việt Nam tại TP HCM vẽ. Chất ượng phim tuyệt vời và thương hiệu vẫn thuộc về Tây cả. Giá như người Kinh chúng ta biết làm việc theo nhóm thì cũng mạnh lắm chứ chả vừa.

Paul rất phàn nàn về thói sợ Tây của người Kinh. Cứ thấy Tây nó làm gì cũng không dám cãi. Dường như Tây là cái chuẩn mực gì đó mà tầm người Kinh bất khả với tới.

Có lần đang đứng trước cửa Studio, thì thấy có taxi bò chầm chậm tới. Tài xế ngó vào nhóm của Paul và các cộng sự một cách e dè.

Paul cười bảo: Đấy đấy… Tưởng mình là Tây… sợ không dám hỏi đường đấy.

Y như rằng, anh taxi cho xe chạy ra chỗ khác hỏi thăm đường.

Đôi khi Paul vui. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt, niềm vui của người Việt. Nhưng cũng không ít lần Paul cáu. Đó là cái cáu của người Âu. Một trong những thứ Paul cáu nhất là thói quan liêu của cơ quan quản lý. Thói phá thối của những tay trung gian. Những ý tưởng của Paul lẽ ra sẽ ra có thành quả từ lâu hững lại bị xì tốp bởi những lý do không đâu. Điên lắm.

Paul luôn bực mình về những đường mòn trong suy nghĩ của người Việt: Ơ hay nhỉ. Tại sao cứ phải sống theo kịch bản: Hết phổ thông rồi vào đại học nhỉ? Ra trường kiếm công việc nhà nước ấm chỗ rồi mong được sinh hoạt chi bộ. Rồi nhảy từ cái ghế thấp đến cái ghế cao rồi thì hạ cánh an toàn... Thời bây giờ có rất nhiều cơ hội để người ta thể hiện cái khát vọng của mình chứ có phải chỉ vài thứ lèo tèo ấy đâu. Nếu ai cũng chỉ có khát vọng nhảy lên mấy cái ghế cầu lợi rồi chết thì nghèo nàn quá.

3. Ngộ rồi

Thỉnh thoảng, Paul lại kêu với bạn bè vì dự án của anh bị những cơ quan quản lý quan liêu làm hỏng; Những cán bộ gây khó dễ; Những tay thọc gậy bánh xe; Nạn hối lộ tham nhũng v v…

Tóm lại là thể thao 7 môn phối hợp. Đây là cách tự giễu chính mình của người Việt. Không lạ gì. Nhưng cũng có người xa quê quên mất nên phải nhắc lại cho dễ hình dung. Các môn như sau:

1- Ném đá giấu tay

2 - Qua cầu rút ván

3 - Đổ dầu vào lửa

4 - Gắp lửa bỏ tay người

5 - Ăn cháo đá bát

6 - Ăn không nói có

7 - Chọc gậy bánh xe

Còn rất nhiều những thứ phiền toái khác nữa.

Lúc đấy lại hiện ra một ông Tây Paul nhún vai lắc đầu thất vọng. Làm ăn thế này thì chết... làm sao tránh khỏi tụt hậu với thế giới… Quản lý thế này thì chết… Lãnh đạo thế này thì chết.

Nhiều năm Paul luôn có vẻ mặt thất vọng như vậy những vẫn nhẫn nại "vượt chướng ngại vật" để các dự án của anh thành công tại nước ngoài. Con đường thành công của anh và cộng sự luôn phải cực nhọc vượt qua những barie mang tên "Quan liêu", "Vô cảm"...

Cách đây không lâu, đột nhiên Paul vui vẻ tưng bừng. Đó là khi anh rủ cộng sự đi uống cà phê:

Paul hồ hởi khoe: Các bạn của tôi… Các ông có biết vì sao tôi vui không. Bởi vì cả tháng nay, tôi đã cởi bỏ được hoàn toàn những u uất dồn nén suốt chục năm qua.

Cộng sự: Giời phật phù hộ hay sao mà anh thay đổi thế?

Pual: Thay đổi hoàn toàn. Chỉ mới khoảng một tháng nay thôi, mình ngộ…

Cộng sự: Ngộ à…  Hết tự kỷ rồi à? Tìm ra chân lý à Paul?

Paul: Còn hơn cả chân lý. Bắt đầu từ đây, mình không bất mãn với quản lý nữa. Mình không thất vọng với tầng lớp  lãnh đạo nữa. Mình ngộ rồi.

Cộng sự: Tóm lại là ngộ thế nào?

Paul nhìn mọi người một lượt hết sức hóm hỉnh rồi ngửa mặt giơ tay lên giời:

Mình ngộ ra… rằng lãnh đạo của chúng ta là đại diện chân chính nhất của nhân dân Việt Nam. Nói xong câu này, Paul nhìn mọi người một lượt đắc ý rồi dừng hình. Khuôn mặt anh giữ nguyên một nụ cười kiểu nhà tư tưởng đang truyền giáo.

Cộng sự: Này Paul. Đừng đùa. Bao nhiêu năm bất mãn rồi...

Paul: Ai đùa? Mình và các bạn biết thừa rằng những người lãnh đạo không phải từ Lào Sang, không phải từ Cam về, không phải từ Âu - Mỹ đến nhé . Họ thực sự từ nhân dân mà ra. Vì cái gì mà lãnh đạo thì hậu xét, nhưng chắc chắn họ kế thừa toàn bộ những phẩm chất riêng có của nhân dân ta.

Thấy cả nhóm cộng sự trố mắt ra, Paul mỉm cười nhấn bằng tay kèm theo cái đầu gật gù:

- Nhân dân ta trong công việc cẩu thả thế nào thì lãnh cũng... đạo cẩu thả như thế ấy.

- Nhân dân ta gian dối điêu ngoa thế nào thì lãnh đạo cũng... gian dối điêu ngoa  như thế ấy.

- Nhân dân ta bớt xén nguyên vật liệu, tráo hàng kém chất lượng thế nào thì lãnh đạo cũng... bớt xén nguyên vật liệu, tráo hàng kém chất như thế ấy…

- Nhân dân ta kỷ luật kém thế nào thì lãnh đạo cũng... kỷ luật kém như thế ấy.

- Nhân dân ta cảm tính ngẫu hứng thế nào thì lãnh đạo cũng... cảm tính ngẫu hứng như thế ấy.

- Nhân dân ta manh động thế nào thì lãnh đạo cũng... manh động như thế ấy.

- Nhân dân ta tham gia giao thông chen lấn xô đẩy thế nào thì lãnh đạo khi tiến thân cũng... chen lấn xô đẩy  như thế ấy.

Rất nhiều... Tóm lại. Trước đây, mình hay nổi giận, tranh luận với lãnh đạo thì bây giờ mình thấy lãnh đạo không có lỗi chính. Chống lãnh đạo là rất vô duyên. ha ha ha... Lãnh đạo chỉ là dự nối dài của cái nền tảng kia thôi.

Nếu có muốn chống ai thì đầu tiên là phải là chống nhân dân...

Paul cười ha hả: Phải cải tạo nhân dân rồi từ đó mới may ra có lãnh đạo tốt được.

Chao ôi, Một ý tưởng điên rồ nữa. Có đến trên 80 triệu nguyên vật liệu để nâng cấp đấy.

Paul đã mất đến chục năm để ngộ ra cái điều mà học giả Trần Trọng Kim đã viết trong cuốn Việt Nam Lược Sử từ đầu thế kỷ 20. Cụ Trần Trọng Kim viết ở trang 6 rằng:

"Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật…"

(Trích Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim)

Nhưng không phải lãnh đạo nào cũng tương ứng với nhân dân. Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Nhân vật Hoàng rất sùng bái cụ Hồ, có lẽ anh tin rằng cụ từ giời xuống trần gian chứ chả phải từ nhân dân mà ra. Hoàng bảo rằng:

"... Ấy đấy, tôi bi lắm. Cứ quan sát kỹ thì rất nản. Nhưng tôi chưa nản có lẽ chỉ vì tôi tin vào ông Cụ. Tôi cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho ông Cụ lắm…"

(Trích truyện ngắn "Đôi mắt" cúa Nam Cao)

Quả thực, không thể nhập khẩu nhân dân các nước về đây mà dạy dỗ họ được. Vậy thì phải nâng cấp nhân dân sẵn có ở đây một cách dần dần thôi.

Paul vui lắm, vừa uống cà phê vừa tủm tỉm.  Muốn thay đổi thì đầu tiên cần biết chúng ta dở ở chỗ nào cái đã. Paul đã nhìn thấy căn cốt của cái dở rồi… Ngộ rồi… Chúc mừng Paul. Giá mà anh đọc Trần Trọng Kim và Nam Cao sớm hơn thì đã đỡ nhăn nhó suốt chục năm nay.

Paul cười ha hả về cái điều mà cộng sự của anh đã biết từ lâu. Nhưng cái cố hữu của cộng sự người Việt ta là có biết cũng chẳng mấy tin là mình đúng. Chưa nói đến chuyện phát biểu cho ra tấm ra món.

Gì thì gì, Paul đã ngộ rồi…
 

Nguyễn Lê Tâm 17 – 7 - 2012.


Tiêu đề: Re: CHỦ ĐỀ DŨNG VÀ KHOAI TÂY
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 27, 2012, 06:53:21 AM

Nguyễn Lê Tâm ngày 23 tháng 7 đã viết trên Facebook:

Không nên đặt tên con là Dũng... Không nên gửi gắm công việc vào những ai tên là Dũng. Nếu ai tên là Dũng thì nên đổi tên đi. (vừa đổi trên giấy tờ hành chính vừa cải tên trong tâm linh, phải làm một mâm lễ). Không nên gửi gắm công việc vào người tên là Dũng không phải vì những người tên là Dũng kém, mà đơn giản là trong chục năm nay, người bị bắt bỏ tù toàn tên là Dũng. (Dương Chí Dũng, Lương Quốc Dũng, Phạm Tiến Dũng, Bùi Tiến Dũng... Cái này khoa học không giải thích được. Không tin không được ấy chứ.

Và đưa ra đường dẫn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120723_vn_phamchidung_arrest.shtml (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120723_vn_phamchidung_arrest.shtml)


Tiêu đề: Re: CHỦ ĐỀ DŨNG VÀ KHOAI TÂY
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 27, 2012, 06:56:57 AM
Trời ạ cái tên Dũng thật là vô tội, mình xin viết thế này:


CHUYỆN MỘT SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG


(http://a2.sphotos.ak.fbcdn.net/hphotos-ak-ash4/c0.0.371.371/p403x403/292461_10151041962709431_1074217285_n.jpg)
Giờ thì Brave ngồi đây, trong công viên, trên ghế đá, tự trách cái tên Dũng của mình

Trong chuyện có sử dụng một số đoạn văn liệu của Họa sĩ, Nhạc sĩ, Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Lê Tâm

Nếu như Paul có khuôn mặt đẹp thiên thần của ông Tây thực sự thì Brave lại có nét khắc khổ của hiệp sĩ dòng Đền thời trung cổ, hàng phố nói cả hai người đều là những người Tây mũi lõ có nửa dòng máu là người Kinh. Mẹ của Brave chạy chậm, vốn là dân Hàng Chiếu.

Brave sống ở Mỹ, thời thanh niên sôi nổi trở về Việt Nam theo đuổi hoài bão của mình. Brave tay to, giỏi Judo, yêu thích Nhất Nam, từng hạ gục được một con bò bằng Triệt Quyền Đạo. Tuy nhiên, đừng thấy Brave tay to mà nhầm, bởi sẽ thật bất ngờ khi mọi người chứng kiến Brave say sưa kéo violin như một nhạc công thực thụ. Cái này anh học từ người cha Ý khả kính của mình.

Cũng như Paul, Brave có cách sử dụng tiếng Việt ở tầm quái nhân. Ngữ điệu của anh thì biểu cảm phong phú không kém bất kỳ một người Việt nào. Nếu nghe qua điện thoại thì người ta tưởng một người Kinh đang chém gió.

Về Việt Nam, Brave quyết định lấy tên tiếng Việt là Dũng, nếu ở hộ chiếu thì sẽ được viết là Dzung, thay cho Dung là một thứ cho động vật. Và, tất cả bi kịch của đời anh từ đây bắt đầu.

Đầu tiên là những cái nhìn lạnh nhạt, thoạt kỳ thủy là của những người già, rồi người trẻ, của những người đàn bà, những nam thanh niên, rồi là những thiếu nữ. Đến một ngày, ngay cả đứa trẻ con hàng xóm cũng dè dặt nhận cây kem trên tay thì Brave cảm thấy hoang mang thực sự. Brave cứ vật vờ ra vào trong xóm, ăn cô đơn, ngủ một mình, trong sự tẩy chay, ghẻ lạnh.

Và rồi Brave đã hiểu, khi người ta quyết định bắt giữ một người tên là Phạm Chí Dũng can tội hành vi móc nối, cung cấp tài liệu cho tổ chức phản động tại nước ngoài. Ngày 20 tháng bảy oan nghiệt, báo Tuổi Trẻ cuối tuần giật phắt ra một dòng tít lớn “Cán bộ nhà nước tên Phạm Chí Dũng bị bắt khẩn cấp vì nghi biên soạn tài liệu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Brave lặng cả người.

Khắp nơi người là lên án Dũng, hàng phố bàn tán xì xào, sự cay nghiệt tràn lên cả mặt ấn phẩm, thậm chí có một nhà thống kê nghiên cứu còn tuyên bố: “Có một điều cần nói là không nên đặt tên con là Dũng... Không nên gửi gắm công việc vào những ai tên là Dũng. Nếu ai tên là Dũng thì nên đổi tên đi. (vừa đổi trên giấy tờ hành chính vừa cải tên trong tâm linh, phải làm một mâm lễ). Không nên gửi gắm công việc vào người tên là Dũng không phải vì những người tên là Dũng kém, mà đơn giản là trong chục năm nay, người bị bắt bỏ tù toàn tên là Dũng. (Dương Chí Dũng, Lương Quốc Dũng, Phạm Tiến Dũng, Bùi Tiến Dũng... Cái này khoa học không giải thích được. Không tin không được ấy chứ”.

Giờ thì Brave ngồi đây, trong công viên, trên ghế đá, tự trách cái tên Dũng của mình, ôi thật là một sai lầm nghiêm trọng.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh
(Tham luận hội nghị Dũng học toàn quốc).

* Brave: Tiếng Anh có nghĩa là dũng cảm

  Dung: Phân trâu bò, động vật nói chung


Tiêu đề: CHUYỆN TAI HỌ TAI CÀY
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Bảy 27, 2012, 07:11:42 AM
(http://www.art2all.net/tho/dangtien/kysuu/2t.jpg)

Sách nói trong tai người có con trâu cày ruộng, hễ đến giờ Dần mỗi ngày chạy từ cung Nê Hoàn trở xuống hai tai, từ trái sang phải, đến giờ Tý là hết một vòng, phàm những điều ngon ngọt thì nuốt xuống bụng, đến đêm mới nằm nhai đi nhai lại, còn những nhời nhẽ thô tục bẩn thỉu thì TTTg lên, giật đứt thừng mà đi mất.

Ngưu lý đồ giải chép: “Trâu ở trong tai, nghe những điều thô bỉ, lâu ngày kết thành ráy, hôi hám khó ngửi, mới bò ra ngoài ruộng, thành ra giống trâu cày”.

Canh nông thuật chép: “Trâu, chân guốc sừng cong, sức vóc mạnh bạo, mùa xuân Thánh nhân mới lấy gỗ đóng ách vào cổ nó, đem sắt rèn lưỡi sắc, cắm xuống thửa ruộng, bắt đi cày”.

Xú văn tạp truyện chép: “Trâu cày ngoài ruộng, mỗi khi hô họ thì lập tức dừng lại, ấy mà mỗi lần nghe hô cày thì cứ đủng đà đủng đỉnh như chẳng nghe thấy nỗi gì, thế nên mới có câu điếc tai cày, sáng tai họ là thế”.

Bấy giờ nhằm tiết tháng bảy, Diêm Vương cho mở cửa ngục, xá nhân lúc nhúc ở cổng địa phủ, chen chúc mấy ngày, thủ tục hộ chiếu xuất nhập cảnh lằng nhằng quá thể, người tranh đi trước luồn đi sau giải quyết không xuể, đến đỗi đánh chửi nhau thậm tệ, tiếng văng tục bắn lung tung tí mẹt lên trần, nhời nhẽ dòi bọ rền rĩ khiến trăm họ đau đầu không chịu nổi, vua phải lệnh cho nhà nhà dán hình Thần Đồ Uất Lũy bên cánh cửa, nạn mới đỡ đôi phần. Được một tháng, ở Nam thành người ta bu vào cái miếu hoang, hôm nào cũng hương khói xì xụp, thành ra cúng bái đông như hội, quân lính ra dẹp thế nào cũng không xong. Vua sai học sĩ ra xem, mới thấy trong miếu thờ cái đầu trâu, hỏi ai cũng bảo là từ khi vào đây hương khói thời đỡ đau đầu hẳn, không hiểu là tại sao. Vua lệnh cho lập đàn cầu đảo ngay trước cửa miếu, vàng mã cháy đùng đùng, chừng canh ba thấy có vị thần mình người đầu trâu, mặc áo giáp xanh hiện ra ở góc đàn, đứng đọc thơ rằng:

Ai ơi nhớ lấy câu này,
Nhời hay hãy giữ, tục rày cho qua.
Chỉn là cày họ thôi mà,
Đ...thì giả điếc, Ừ à thì nghe.

Vua tôi y nhời dạy, từ ấy đỡ hẳn đau đầu thật.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: CHUYỆN VŨ VÕNG 武輞
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Tám 11, 2012, 10:01:51 AM
CHUYỆN VŨ VÕNG 武 輞

(https://i.imgur.com/y10uUXQ.jpg)

(https://i.imgur.com/rTxnN6W.jpg)

Vũ Võng 武輞, em bà Vũ Trâm 武簪, vốn tên là Võng 網, sau nhân bố là Luân 輪 làm nghề đóng xe ở đầu phố Hàng Chỉ có vợ lẽ làm nghề thêu thùa bỏ nhà đi theo giai, mới bắt bỏ bộ Mịch糸 đi, đổi ra bộ Xa車 mà thành tên vậy.

Võng năm tuổi, nghe bà Trâm ngồi ngoài sân chơi chuyền bằng quả cà khô, hô:

Cái mốt, cái mai,
Con trai, con hến,
Con nhện chăng tơ,
Quả mơ, quả mít,
Chuột chít, lên bàn đôi.

Võng ghét lắm, vứt bộ chuyền ấy đi. Trẻ con trong làng chơi Ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, Võng nấp sau rào ném đá, người lớn tát vỡ mặt mấy lần không chừa.

Đến tuổi đi học, Võng đứng ở đầu trường xứ, đang ngáp có người đen đúa đi qua nhổ bãi nước bọt vào mồm, từ đó tính càng ngỗ ngược, được cái ăn nói nhời ong tiếng ve ngọt ngon khua khéo, mê cả kiến lỗ.

Võng lớn, suốt ngày lê la ngoài chợ, trêu ghẹo đàn bà con gái. Một hôm đi qua Cầu Đông, nhác có cô ả õng ẹo ngoài ngõ, mới buông ra nhời tán tỉnh, chỉ thấy ả lấy tay vẫy vẫy mà đi về đằng Tây, Võng cứ thế theo mãi, thoắt cái không thấy đâu nữa, xung quanh hàng phố khác lạ, toàn đèn xanh đèn đỏ, xe chạy không cần ngựa, đàn ông tóc ngắn, đàn bà tóc buông, ai cũng nhìn Võng cười nghiêng ngả. Võng bị nhốt vào trong cái hộp toàn trâu và hổ, có đàn bà quần áo vung vít, có tiếng hô chết con mẹ mày đi, có những khuôn mặt non choẹt, có người kể cái chuyện Cứu Nét, rồi Võng có áo giáp, có ngựa, có vòng bạc, có máu, Võng lấy người vợ tóc vàng, Võng bị bắt về kinh, chém đầu vào giờ Ngọ ba khắc, Võng đi qua con đường hình ống, có ông Kim Cương mắt nhớn, oai vệ gớm giếc đứng trước cổng tam quan.

Võng về nhà, người bố là Luân vẫn làm nghề đóng xe ở đầu phố Hàng Chỉ, bà Trâm vẫn ngồi ngoài sân chơi chuyền bằng quả cà khô, có lũ trẻ chơi rồng rắn lên mây, hát bài rằng:

少小離家老大迴,
鄉音無改鬢毛摧。
兒童相見不相識,
笑問客從何處來。

Thiếu tiểu li gia lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai.

(Trẻ đi, già trở lại nhà
Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu.
Trẻ con lạ hoắc không chào
Hỏi rằng khách ở chốn nào đến chơi?).

Võng toan nhảy vào chơi cùng, bọn trẻ chạy mất cả, mới chạy ra giếng soi mình, thấy đầu tóc đã bạc phơ lúc nào.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh.


Tiêu đề: HÁN THÀNH ĐỘC CHƯỚC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Chín 14, 2012, 09:47:33 PM
HÁN THÀNH ĐỘC CHƯỚC

(https://lh4.googleusercontent.com/-rHEGvRRLUbU/VikiaVljtvI/AAAAAAAAA0U/Qrq5FQQCO-0/s1600/chum-tho-uong-ruou-mot-minh-voi-tam-trang-buon.jpg)

Bảy rưỡi tối mười bốn (Giờ Hàn Quốc), thế là đã đặt chân đến thủ đô Hán Thành sau một chặng đường vất vả và mệt mỏi. Chín giờ ba mươi, ngồi giữa những tiếng chạm cốc và giọng nói Ya bô xề ô xa lạ mà mấy ngày trước chỉ nghe và nhìn thấy trong phim, ngó lại mới nhớ ra lần đặt chân trước đến đây đã là lâu lắm. Hơn mười rưỡi, lang thang một mình giữa đất khách quê người, nhớ nhà và anh em bạn bè quá thể. Mười một giờ ba mươi phút, nhìn xuống sân khách sạn, gái Hàn tóc vàng váy ngắn lượn đầy đường trong thời tiết se lạnh, toan khoác áo ra ngoài lại thôi, khách sạn chìm dần vào giấc ngủ, dấu vết online cũng buồn hơn hết bao giờ. Ngày mai là ngày đoàn Việt Nam báo cáo. Trước thềm một hội nghị lớn, đêm nay ngồi độc chước giữa Xê un.


Tiêu đề: Re: HÁN THÀNH ĐỘC CHƯỚC
Gửi bởi: tuhaibajai trong Tháng Chín 15, 2012, 04:38:43 PM
Thế mà không rủ một em Hàn tóc vàng vào chước cùng.


Tiêu đề: Re: HÁN THÀNH ĐỘC CHƯỚC
Gửi bởi: KHUATLAO trong Tháng Chín 24, 2012, 02:48:46 PM
LẠI CHUYỆN GIỜI ƠI Ở SEOUL

Ở Bắc Kinh những lần trước, sáng sớm nhìn thấy thứ này vứt đầy sân khách sạn, đủ cả Tây, Tàu, Hàn, Nhật. Hôm nay thì là ở Seoul, giữa thành phố hoa lệ, rải rác bên lề đường.

(http://blog.yimg.com/1/tuYdAYt7s583NaOrlryWqQ19BvnuS4Q8zGBwN36z9MqDYgpaELN36A--/20/l/nbvV2GWVQmQ9L213Y9QVsg.jpg)

(http://blog.yimg.com/1/tuYdAYt7s583NaOrlryWqQ19BvnuS4Q8zGBwN36z9MqDYgpaELN36A--/22/l/k4VmKhSJM04Nni1Tr5pozQ.jpg)


Tiêu đề: Re: Mở đầu một ký ức
Gửi bởi: tuhaibajai trong Tháng Một 19, 2018, 11:55:16 AM
Chuyện rùa

(http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/Bandocviet/11/nguoiduatin-Anhchuyenlachurua.jpg)

Người họ Hà ở gần chùa Văn Tường, một hôm ra chơi sau núi, biết được loài cây thuốc lạ, đem chữa được bệnh tóc bạc da mồi cho một người gù là Cưu Công ở đất Vị. Sau, Cưu từ biệt họ Hà, hóa thành rùa bơi ra phía sông Trường Giang. Lúc ra đi, để lại bãi nước đái trước cửa. Họ Hà không hiểu ý tứ ra làm sao.

Đời Thanh, có ông Lưu Dung ở Đông Sơn, đọc sách nhiều mà hóa gù, đang đêm nhìn thấy con rùa lớn đến trước mặt mà chầu, nói chuyện họ Lưu tuy gù mà dị tướng, sau tất làm quan to, còn dặn hễ khi nào quy ẩn, ra bờ sông làng, sẽ được một bãi nước đái, tất sẽ thay hình đổi dạng. Lưu không tin, cho là chuyện quỷ quái nhảm nhí, sau lên kinh đi thi làm quan đến tể tướng.

Đến khi Bát quốc liên quân 八國聯軍 vào thành Bắc Kinh, giặc Quyền Phỉ hô hào chuyện phù Thanh diệt Dương, có người gù là Đoàn Dụ chán ghét chuyện chém giết mới bỏ đi ngao du ở Lưỡng Quảng, qua biên giới, một đêm ngủ lại miếu thờ ven đường nghe thấy tiếng động lạ, tỉnh dậy qua ánh đèn nến thấy đôi rùa cõng nhau, soi bóng vào chiếc gương đồng, nước đái chảy thành bãi, ướt cả chỗ Dụ nằm. Chỉ một thoáng Dụ thấy trong mình khác lạ, đến sáng chạy ra ngó xuống giếng hoang mới biết lưng mình đã hóa thẳng, tật gù bao năm biến mất cả. Chuyện thật không hiểu ra làm sao.


Tiêu đề: Re: Mở đầu một ký ức
Gửi bởi: tuhaibajai trong Tháng Chín 13, 2018, 06:16:46 PM
Chuyện nạn độc thân

(https://i.imgur.com/6Zo4khR.jpg)

Vân Hải bái biệt thầy trò Tam Tạng, quay về quán ở Tứ Tổng, đã thấy Ngân Giác Đại Vương và Kim Giác Đại Vương đứng ở trước cửa động Độc Thân, tay cầm hồ lô rượu rầy rà ở trước cửa. Cách một năm, ở phía Tây mọc ra ngọn núi lửa, gầy khí giời nóng bức khôn tả, thành ra nạn đến bảy tám năm.

Bấy giờ giời sang thu, trong phố mưa sa lác đác, người người gấp chăn tính chuyện hôn sự, vứt cốc chén không quản việc cửa giả, Ngân Giác, Kim Giác càng được thể ra quấy rối ở Tứ Tổng, quân sĩ không sao dẹp được.

Rằm tháng tám, nhân ngồi ở vườn thượng, vua cho nhạc công chơi ở gần cửa sông, gọi là dụ thuồng luồng vào cúng, nghe chuyện buồn phiền của Vân Hải ở Tứ Tổng mà thở dài, trong đám ấy có người mới lấy vợ ở Ngọc Lũ là Huy Sáo, xin lập đàn cầu đảo cho chuyện được yên.

Tháng chín, Vân Hải ra chơi sau núi, nghe ồn ã, mùi rượu Lạc Đạo sực nức, nhác thấy bóng Kim Giác, Ngân Giác, mới lấy tay chỉ mặt quát nhớn mấy tiếng ruổi dài vào trong động, tới ngã ba đã thấy có ông già đứng đấy, tay cầm hồ lô hút hai con yêu quái ấy vào trong bình rượu. Phút chốc mưa xuống, Tứ Tổng cây cỏ xanh tốt trở lại.

Vân Hải bấm đốt, biết là Thái Thượng lão quân biến hóa, liền bái mà hỏi, chỉ thấy ông già cười bảo: “Hồng hồ lô  là bầu ta đựng thuốc, Tịnh bình là bầu ta đựng nước, gươm Thất tinh là đồ ta trộn thuốc, Ba tiêu phiến là đồ quạt lửa, Hoảng kim thằng là dây đai lưng của ta. Kim Giác Khánh là đồng tử coi lò vàng, Ngân Giác Hạnh là đồng tử coi lò bạc, ngày mùng năm tháng năm, nhân lúc ta về quê lấy ngải cứu, chúng vốn chưa vợ, quen ăn không ngồi rồi, lấy trộm năm thứ báu ấy, xuống trần làm yêu quái, trú trong động Độc Thân, ta tìm không sao đặng, may thay có Đại Tiên mới lấy lại được các thứ ấy”.

Vân Hải trách chuyện Lão Quân không quản việc núi lửa, gây chuyện nóng bức ở nhân gian, lại thấy ông già cười bảo: “Chắc Đại Tiên hẳn quên rằng năm xưa ngài hút thuốc, gạt tàn đầy cả sân, ngày này qua ngày khác mới thành ra đống lửa ấy. Kim Giác Khánh nghe chuyện mới lén lấy trộm gạt tàn, đặt ra ngoài rệ đường mà đến nông nỗi như vậy đấy”.

Vừa dứt nhời thấy giời lại đổ mưa to, bao thuốc Thăng Long mềm rơi lả tả ngoài cửa. Bấy giờ đúng vào dịp giáp Tết âm lịch, giai gái cưới rộn rã.

Vân Hải trở về, từ đó mới thoát được nạn yêu quái.


Tiêu đề: Re: Mở đầu một ký ức
Gửi bởi: tuhaibajai trong Tháng Bảy 31, 2021, 06:10:56 PM
Khuatlao76
27/6/2010

(https://anh.24h.com.vn/upload/2-2019/images/2019-05-19/1-1558230860-53-width653height490.jpg)

Ngũ Trang Quán, Nguyên Tiên đòi thuốc,
Đồ Sơn Trại, Hành Giả lập công

Lại nói chuyện bốn thầy trò Tam Tạng chạy đến chân núi Kính Phủ thì dừng chân. Khi ấy, Tam Tạng mới nói:

-   Các đồ đệ ơi, trời đã sáng bảnh rồi, thầy trò ta hãy dựa cây mà nghỉ.

Đoạn xuống ngựa dựa vào cây tùng, Bát Giới, Sa Tăng đặt lưng đã ngáy như sấm động, duy có Hành Giả thì nhảy tót lên cây.

Trong khi ấy Trấn Nguyên Đại Tiên nghe Nguyên Thủy Thiên Tôn giảng xong về Hỗn Nguyên Đạo Quả liền đằng vân giá vũ về Ngũ Trang Quán, về đến nơi thấy cửa mở tứ tung, đèn hương nguội lạnh, chỉ thấy hai tên tiểu đồng ngủ li bi, hỏi ra thì biết chuyện Hành Giả trộm Nhân Sâm chạy trốn, bèn cùng đồ đệ sắm sửa dây roi, nhất tề đuổi theo thầy trò xứ Đông Thổ.

Đi được hơn một ngàn dặm, bỗng trong vòng mây khói, thấy Minh Nguyệt Thanh Phong hô lớn rằng Tam Tạng đang ngồi dựa cây tùng bên vách núi, bấy giờ Trấn Nguyên Đại Tiên mới rùng mình hóa ra một tay đạo sĩ tiên phong đạo cốt, tay cầm roi hươu phất chủ đến trước mặt Tam Tạng mà rằng:

-   Xin chào sư thầy.

Tam Tạng lúc ấy mắt nhắm mắt mở, đưa tay thi lễ, đạo sĩ lại hỏi tiếp:

-   Chẳng hay thầy trò thầy tự đâu tới đây?

Tam Tạng nói:

-   Tôi từ chốn Đông Thổ Đại Đường vâng chiếu chỉ sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Đạo sĩ giả bộ kinh hãi mà rằng:

-   Thế vậy trên đường chẳng hay có ghé bộ qua Ngũ Trang Quán, am Vạn Thọ chúng tôi chăng?

Tang Tạng cả kinh, đánh trốn lảng, Hành Giả cướp lời:

-   Không biết, không biết, chúng tôi xưa nay cứ đi thẳng mà.

Đạo sĩ ngó sang Hành Giả, cả cười:

     -     Con khỉ xấu xa kia, sao giấu được ta, mi đến am Vạn Thọ ta, ăn trộm trái cấm đã đành, lại giở trò đánh đổ cây, mau mau đền lại cho ta.

Hành Giả nghe thấy thế nổi xung, vung gậy Như Ý múa tít, đạo sĩ liền nhảy lên không trung, giơ phất chủ đánh nhau qua lại một hồi, đoạn rũ tay áo một cái, thu cả bốn thầy trò Đường Tăng về am trị tội.

Khi ấy về am, chỉ thấy Hành Giả nằng nặc chịu tội thay cho thầy, Trấn Nguyên Đại Tiên buột lời khen:

-   Con yêu hầu này tuy là phường gian xảo, nhưng âu cũng có hiếu nghĩa với thầy.

Đoạn sai đồ đệ áo đen đè ra lấy roi rồng đánh đập một hồi rồi ai nấy đèn đuốc về phòng ngủ.

Đêm khuya ấy cả am Vạn Thọ ai nấy ngủ hết, Hành Giả liền hà hơi cởi trói, trước cho thầy, sau cho Sa Tăng, Bát Giới, dắt ngựa gánh đồ, ra cửa sau mà trốn thẳng, mải miết đến tận sáng mới nghỉ.

Sáng hôm sau, Trấn Nguyên Đại Tiên trở dậy, thấy sự thể liền đằng vân ngó xuống, thấy bốn thầy trò Tam Tạng lại đi về hướng Tây, bèn kêu lớn:

-   Tôn Hành Giả kia chạy đi đâu cho thoát, mau về đền cây nhân sâm cho ta.

Bát Giới kinh hãi, kêu lớn:

-   Ối trời chủ nợ lại đến kìa!

Tôn Hành Giả bấy giờ nói:

-   Sư phụ nghe tôi gói hai chữ từ bi lại, để anh em tôi hóa kiếp cho tên đạo sĩ này rồi sang Tây Phương cũng không muộn.

Tam Tạng lập cập chưa biết ra sao thì ba anh em đã nhất tề vây đánh.

Trấn Nguyên Tiên hét to lên một tiếng, đưa phất chủ ra đỡ, rồi lại giũ tay áo, bắt bốn thầy trò về như trước, đến am bắt Tam Tạng buộc gốc hoè, Bát Giới, Sa Tăng ra cây đại thọ, còn Hành Giả thì trói chặt ở cây cau, đoạn sai đồ đệ nấu nồi dầu sôi lớn, quyết đun Hành Giả hòng báo thù cho cây nhân sâm. Lúc ấy chỉ thấy mấy chục người mới khiêng nổi Hành Giả, quăng y vào cái chảo đánh xoạch, dầu mỡ bắn tung toé, sôi sùng sục trên mặt các tiên đồng, khói lửa mù mịt, bấy giờ bỗng có tiếng hô lớn:

-   Thủng chảo rồi!

Khi ấy thấy Tôn Hành Giả đứng trên không trung, cười nói với Trấn Nguyên Đại Tiên:

-   Mi đừng hòng giở bài tiểu nhân bỉ ổi này!

Ai nấy cả kinh nhìn vào chảo chỉ thấy lửa cháy bùng bùng, trơ chọi một cây gỗ to đâm thủng chảo. Trấn Nguyên Đại Tiên cả giận, mắng lớn:

-   Con yêu hầu thối tha kia, sao nỡ làm thủng chảo của ta?

Khi ấy Trấn Nguyên Đại Tiên mới nhảy lên mây nắm tay Tôn Hành Giả mà rằng:

     -     Ta thừa biết ngươi thần thông quảng đại, lại cũng biết sự tích trước của mi, nhưng vì mi quá vô lễ, nên quyết không tha, nhưng xét ngươi cũng là tay thật thà hiếu nghĩa, nay chỉ cần nếu người tìm được kế cứu được cây thì chuyện cũ coi như bỏ, ta với ngươi kết thành anh em.

Tôn Hành Giả cả mừng, nói:

-   Thì ông hãy thả đi, họ Tôn ta từ trước đến nay chưa hề thất tín bao giờ!

Lại nói Tam Tạng được thả ra, liền hỏi Tôn Hành Giả rằng:

-   Chỉ vì mi ngông cuồng thái quá mà làm khổ ta, nay lại bốc phét vô chừng, liệu có cách gì cứu cây thần sống lại?

Tôn Hành Giả thưa rằng:

-   Đất trời TTTg lộng, đi tìm kẻ Thánh chắc sẽ kiếm đặng thuốc cải tử hoàn sinh.

Tam Tạng hỏi:

-   Ngươi đi mấy độ sẽ về?

Tôn Hành Giả thưa rằng:

-   Nội ba ngày sẽ về đến.

Tam Tạng nói:

-   Vậy thì sẽ y lời hẹn, nếu quá bữa thì niệm chú tức thì.

Tôn Hành Giả vâng lời, đoạn, đạp mây phút chốc bay mất.

Bấy giờ Hành Giả qua đường biên giới Bắc Việt, gặp anh em Ba Giai – Tú Xuất đang ghẹo mấy thôn nữ tắm, bèn đỗ mây xuống mà rằng:

-   Chào hai chú em. Lâu lắm không gặp.

Ba Giai – Tú Xuất nhác thấy bóng Hành Giả từ xa, quên cả ghẹo gái, chạy tới vái tạ mà hỏi rằng:

-   Chẳng hay đại thánh đến đây có chuyện gì?

Hành Giả cười nhạt:

-   Chả có chuyện gì. Chỉ là do ta đánh đổ cây nhân sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên mà thôi.

Ba Giai – Tú Xuất nghe nói cả kinh:

-   Hai đứa nhỏ mọn chúng em tuy từ bé chỉ biết cắm mặt vào đít con trâu, nhưng cũng hiểu trong vòng trời đất Nhân Sâm ở Ngũ Trang Quán là thứ tuyệt thảo, thật vô giá nhường nào, vậy sao thầy lại cả gan đánh đổ thứ đấy ở trên đời?

Tôn Hành Giả thuật chuyện rồi nói:

-   Thế vậy ta mới đi khắp nơi, xem có thuốc gì giúp thử, làm cho cây nhân sâm sống lại thời có thể cứu mạng thầy và hai đứa em hư.

Khi ấy chỉ thấy Ba Giai – Tú Xuất suy nghĩ rất lung, hồi lâu sẽ sàng nói:

-   Xin đại thánh đừng sợ, nay chỉ còn cách đến Tứ Hải Quán của Tiểu Huỳnh Tiên Ông, cầu cho được thứ rượu Phục Thần may mới có cơ cứu được.

Tôn Hành Giả buồn rầu:

     -    Thế thì thật tốt quá, nhưng ngặt vì từ đây đến Tứ Hải Quán xa xôi, lại nghe nói chủ nhân lại thường vân du đây đó, còn thầy tôi lại độ lượng hẹp hòi, chỉ cho ba ngày, nếu quá thì lại niệm Cẩn Cô Nhi chú.

Bấy giờ Ba Gia – Tú Xuất mới trỏ vào bụng mình mà nói:

     -    Thôi, xin đại thánh chớ lo, tuy thầy ngài phẩm lớn, nhưng hồi còn ở chùa Am Cửa Bắc cũng là chỗ qua lại. Để anh em tôi đến Ngũ Trang Quán trước thăm Trấn Nguyên Đại Tiên, sau xin đem vốn liếng chuyện cười ngồi kể xoa dịu, cầm chân thầy Tam Tạng cho đại thánh, xin đừng niệm chú Cẩn Cô. Đến chừng nào đại thánh tìm thuốc đặng về, thì chúng tôi mới đà hết chuyện.

Tôn Hành Giả lúc ấy cả mừng nói rằng:

-   Được như thế thì tốt quá rồi!

Đoạn từ giã mà đi, qua Hoàn Kiếm trong như kính đài, qua Thê Húc đỏ như tôm luộc, đến Tây Hồ lãng đãng Dâm Đàm, phút chốc đã nhìn thấy dòng sông Hồng đỏ quạch.

Lại nói khi ấy Hành Giả đáp mây qua chợ Tứ Liên, thăm hỏi hồi lâu trong khung cảnh sầm uất, kẻ áo nâu vác cuốc, người búi tó thuốc lào, trai xoạc cẳng đá cầu, gái éo le vén váy, tựa thể như trong tranh Hàng Trống, Đông Hồ, mãi mới lọt vào nơi động kín, cánh cổng gỗ khép hờ đề tên bằng triện ngạch: TỨ HẢI QUÁN.

Bấy giờ Hành Giả nhìn thấy một nếp nhà gianh ba gian hai chái, mấy tiểu đồng lúi húi chơi Ô Ăn Quan, vài tráng đinh vây quanh mộc nhân như đèn cù, bèn tiến đến một lão ông râu tóc rậm rì ngồi cạnh cái chum, tay cầm chiếc bánh men to cỡ cái mặt nạ mà cất lời hỏi:

-   Chằng hay lão huynh Tiểu Huỳnh Tiên Ông có phải?

Lúc ấy chỉ thấy lão ông quay ra, ồ lên một tiếng đáp lễ:

-   Trời ơi đại thánh đến cửa, đại thánh đến cửa. Tôi là Thạch Dũng Tiên Ông ở núi Báo Cô, không phải Tiểu Huỳnh Tiên Ông.

Rồi lại lắc đầu tiếp mà rằng:

-   Thế là từ lâu trong hội Bàn Đào đã gặp, nay thấm thoắt đã nghìn năm, chỉ tiếc là Tiểu Huỳnh Tiên Ông đi Đồ Sơn hái thuốc chưa về, tôi qua đây chơi đợi đã hai ngày mà chưa gặp. Chẳng hay đại thánh đến đây có chuyện gì.

Hành Giả lại đem chuyện một hồi ra thuật, bỗng thấy Thạch Dũng Tiên Ông khà lên một tiếng:

-   Đại thánh đến đây là đúng cửa rồi, ngặt vì Tiểu Huỳnh Tiên Ông đi vắng, vả lại rượu Phục Thần là thức quý, tất sẽ cần cầu chủ nhân. Nay đại thánh mau mau đến chốn Đồ Sơn cho kịp việc.

Bấy giờ Hành Giả cả mừng, đề lên vách bốn câu của Giả Đảo:

Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ!
(Dưới thông hỏi chú tiểu đồng,
Thưa: Thầy hái thuốc nên không có nhà,
Quanh quanh trong núi đâu ta,
Mây che khuất lấp biết là chỗ nao.)

Đoạn vái tạ Thạch Dũng Tiên Ông mà đi mất.

Khi ấy Hành Giả bay đến Đồ Sơn, vào thẳng bãi 02 nhà nghỉ san sát, đáp xuống bãi cát mịn dày đặc bàng, phi lao, vòng qua đồi thông thì thấy một đám đàn ca sáo nhị chừng trên dưới trăm người, ở giữa trông chừng một người tiên phong đạo cốt, râu ba chòm, lông mày rậm, nhác thấy Hành Giả bước tới liền cất tiếng hỏi:
    
-   Chẳng hay đại thánh cất công đến đây có chuyện gì?

Tôn Hành giả liền tay bắt mặt mừng mà bạch hết một lượt, đoạn nói:

-   Chẳng hay Tiểu Huỳnh Tiên Ông có phép lạ gì chăng?

Khi ấy Tiểu Huỳnh Tiên Ông mới hồ hởi:

      -     Sao đại thánh không đến ta cho sớm, để phải ra chốn trùng dương này vất vả làm sao. Nay ta có bình Phục Thần một ngàn năm tuổi, chính thị trị đá khô cũng còn sống lại.

Tôn Hành Giả mừng rỡ hỏi:

-   Bấy nay chẳng hay Tiểu Huỳnh Tiên Ông đã cứu sống cây nào chưa?

Tiểu Huỳnh Tiên Ông nói:

-   Mới rồi từng khiến một hạt thóc một ngàn năm tuổi lại nảy mầm.

Tôn Hành Giả cả mừng:

     -    Vậy thì đại cát rồi.

Bèn cùng Tiểu Huỳnh Tiên Ông đằng vân như chớp, thoắt cái đã quay về Ngũ Trang Quán.

Lại nói Trấn Nguyên Tiên lúc ấy đang nghe Ba Gia – Tú Xuất kể đến đoạn ngã ba xảy thấy Hành Giả từ trên mấy đáp xuống mà nói rằng:

-   Có Tiểu Huỳnh Tiên Ông tới.

Khi ấy mấy người nghe nói vội vã xỏ hài tiếp nghênh, đoạn cùng nhau thi lễ, tất tả ra vườn cứu cây cho cập việc.

Lạ thay rượu Phục Thần tưới đến đâu, cây nhân sâm lại cành lá sum xuê, lại vẻ ngọc ngà như cũ, trái ngọt long lanh.

Trấn Nguyên Tiên cả mừng, cho lập bàn Trời Đất, truyền hái qủa nhân sâm đãi khách phương xa. Có bài thơ rằng:

Âm Dương liền một khối,
Sinh trong Trời Đất này,
Nhân Sâm chân quý vật,
Phục Thần ấy rượu hay.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh (Viết nhân một chiều hè tháng sáu – NXB Tứ Hải Quán năm 2010).